Home Chuyên Đề Làm Sao Biết Chúa Muốn Bạn Kết Hôn Với Ai Đó?

Làm Sao Biết Chúa Muốn Bạn Kết Hôn Với Ai Đó?

by Crosswalk.com
30 đọc

Mình có nên ở như vậy cả đời? Mình có nên kết hôn? Mình có nên tái hôn?

Đây không phải là những câu hỏi đơn giản. Ngoài cam kết thiêng liêng của bạn với Đấng Christ, hôn nhân có lẽ là quyết định quan trọng và có tác động mạnh mẽ nhất mà bạn có thể thực hiện trong suốt cuộc đời mình.

Việc bạn kết hôn với ai hay không kết hôn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm linh của bạn, ước mơ và mục tiêu cá nhân của bạn, việc nuôi dạy con cái của bạn (hoặc quyết định không sinh con của bạn), bạn bè của bạn, cũng như sự lựa chọn hội thánh, cộng đồng, và rất nhiều quyết định khác trong cuộc đời bạn.

Bạn thật khôn ngoan khi tìm hiểu về hôn nhân theo Kinh Thánh trước khi cho rằng bạn nên kết hôn hay kết hôn với một người cụ thể nào đó.

Nền văn hóa ngày nay nghĩ gì về hôn nhân

Hai thế hệ gần đây nhất của nền văn hóa Mỹ đã lớn lên với tình trạng cha mẹ ly hôn, sống chung với cha dượng-mẹ kế và gia đình bất ổn. Trong khi độ tuổi kết hôn trung bình ngày càng tăng và khi tỷ lệ sống thử trước hôn nhân tăng lên, thì định nghĩa của văn hóa về hôn nhân và câu hỏi về hôn nhân trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết.

Không có gì lạ khi các Cơ-đốc nhân sợ hãi khi phải nói “con đồng ý (lấy anh ấy/cô ấy)”. Tại sao họ hy vọng một cái gật đầu rõ ràng từ Đức Thánh Linh để họ có thể mạnh dạn tiến tới hoặc từ bỏ một cuộc hôn nhân.  Nhiều người chưa bao giờ chứng kiến một cuộc hôn nhân lành mạnh theo Kinh Thánh tại nơi làm việc trong những năm đầu giúp hình thành nhân cách của họ, vì vậy họ do dự khi kết hôn hoặc không chắc chắn về việc chọn “người phù hợp”.

Nền văn hóa ‘rom-com’ của chúng ta (dựa trên mô-típ của những bộ phim tình cảm-hài) thường thể hiện tình yêu và hôn nhân theo kiểu mà một cô gái, sau nhiều cuộc tình tồi tệ, cuối cùng cũng gặp được chàng trai hoàn hảo, là người thấy cô ấy hấp dẫn. Rồi sau vài sai lầm thú vị và một chuyện tình tay ba với những ghen tuông, cuối cùng họ đã thừa nhận tình yêu dành cho nhau, sau đó thì kết hôn rồi sống sung túc, hạnh phúc.

Nhưng điều đó không phản ánh thực tế xung quanh việc yêu một người và đi đến hôn nhân.

Kinh Thánh Nói Gì Về Những Người Đã Kết Hôn

Lẽ thật nền tảng trong Kinh Thánh về hôn nhân có những khác biệt đáng kể:

1. Những người có gia đình không may mắn hơn, được phước hơn, quan trọng hơn, hay thuộc linh hơn những người độc thân. Chúa không dành sự ưu ái đặc biệt hơn cho những người đã kết hôn. Chúa Giê-xu và Phao-lô không kết hôn. Phao-lô giải thích rằng hôn nhân không phải là mệnh lệnh; trên thực tế, ông muốn mọi người ở độc thân, giống như mình, vì như vậy sẽ tự do hơn để hầu việc Chúa (1 Cô-rinh-tô 7:6-7).

Hãy nhớ rằng, Hội-thánh vào thế kỷ thứ nhất đã mong đợi Chúa Giê-xu sẽ trở lại trong thời của họ — họ cực kỳ chú trọng đến sứ mệnh. Không ai có “giấc mơ Mỹ” vào thời đó.

2. Lấy “đúng người” nghĩa là kết hôn với người tin và theo Chúa. Kinh Thánh có rất nhiều câu chuyện và cảnh báo về việc kết hôn với những người không tin kính và những vấn đề liên quan đến một cuộc hôn nhân tồi tệ (Châm-ngôn 31:10-21, 12: 4, 18:22, 19:13-14, 22:9, Công-vụ 5:1-11, 1 Sa-mu-ên 25:3 và 36, 1 Các-vua 11:1-4 và 16: 31-33).

3. Hôn nhân là một hình ảnh ẩn dụ về Hội-thánh, về tình yêu của Chúa Giê-xu dành cho chúng ta và tình yêu của chúng ta dành cho ngài. Đó là sự nhân cách hóa của cộng đồng dân sự Chúa cho thế gian thấy. Đó không phải là một câu chuyện cổ tích, mặc dù sự lãng mạn vẫn có trong đó (Ê-phê-sô 5:21-33. Sáng-thế 2:20-25, Ô-sê, Nhã-ca, Ma-thi-ơ 22:5-10, Khải-huyền 22:17).

4. Hôn nhân cung cấp môi trường dành riêng cho khoái cảm tình dục. Kinh Thánh nói rõ về tình dục giữa vợ và chồng. Điều này không được ưa chuộng trong nền văn hóa của chúng ta vì tình dục gắn liền với khoái cảm và đam mê hơn là một cam kết trọn đời một vợ một chồng cả về thể xác lẫn tinh thần giữa hai người đã kết hôn (Xuất 20:14 và 17, 1 Cô-rinh-tô 5-7).

Vậy, làm thế nào bạn biết Chúa muốn bạn kết hôn?

… hoặc, nếu Chúa muốn bạn kết hôn? Thì đây là những gì mà Chúa muốn cho bạn:

Sự sống sung mãn (Giăng 10:10)

Bông trái thuộc linh (Cô-lô-se 1:3-6Ga-la-ti 5:22-25)

Sự hiệp nhất và tình yêu dành cho thân thể Đấng Christ (Giăng 15:9-17Ê-phê-sô 4:1)

Sử dụng các ân tứ của bạn để phục vụ trong thân thể Đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 12Rô-ma 12)

Sự rõ ràng và tình yêu mạnh mẽ dành cho Phúc Âm (Cô-lô-se 2:6-9Ma-thi-ơ 28:19-20)

Nếu kết hôn thì hãy kết hôn với một người tin Chúa (2 Cô-rinh-tô 6:14

Ngài muốn bạn hoàn thành mục đích của cuộc đời bạn. Nếu bạn có thể tìm được một người giúp bạn làm điều đó và bạn cũng có thể giúp người đó trong việc theo đuổi Chúa Giê-xu — và bạn yêu thích việc ở bên cạnh người này — thì đó là một lựa chọn tốt. Hãy kết hôn. Nếu bạn yêu một người mà người này không muốn làm những điều đó cho chính họ hoặc cho bạn, bạn sẽ gặp phải một số rắc rối trong hôn nhân và sự phát triển thuộc linh của bạn.

Kinh Thánh không ủng hộ ý tưởng “luôn có một người phù hợp cho tất cả mọi người”. Đó là điều mà Hollywood, Harlequin và Disney đang làm. Đúng vậy, bạn có thể trích dẫn câu chuyện của Rê-bê-ca và Y-sác, bởi vì người đầy tớ của Áp-ra-ham đi tìm vợ cho Y-sác (trong Sáng-thế 24), và khi Y-sác nhìn thấy cô, ông đã yêu ngay lập tức.

Rê-bê-ca phù hợp với tiêu chí mà người đầy tớ đã cầu nguyện. Nhưng bất kỳ ai cũng có thể ra giếng và múc nước cho lạc đà của ông. Rê-bê-ca có thể không xinh đẹp, và cô ấy có thể đã không chịu lấy Y-sác. Và chúng ta thực sự không biết liệu Rê-bê-ca và Y-sác có giúp nhau tăng trưởng trong Chúa hay không vì có sự thiên vị trong nhà của họ (điều này gây chia rẽ trong gia đình).

Các con trai của họ lớn lên thù ghét nhau, và cuối cùng, Rê-bê-ca đã lừa dối chồng mình để con trai cưng Gia-cốp của cô có thể có được phước lành từ anh trai Ê-sau của mình.

Vậy nên, câu chuyện “yêu từ cái nhìn đầu tiên” có bị vỡ mộng đôi chút.

“Tình yêu sét đánh” làm cho cuộc trò chuyện trên bàn ăn trở nên vui vẻ và đôi khi nó cũng có thật trong một số mối quan hệ vợ chồng. Nhưng nó cũng mang lại vô số tình huống tai hại. Thử lấy Đa-vít và Bát Sê-ba làm ví dụ (2 Sa-mu-ên 11). Đúng vậy, ông đã bị trúng tiếng sét ái tình (vì ham muốn chứ không phải vì yêu—về cơ bản ông đã ép buộc Bát Sê-ba ăn ở với mình).

Rồi Đa-vít và Bát Sê-ba cũng lấy nhau (mặc dù Đa-vít đã có những người vợ khác), nhưng Đa-vít phải giết chồng của Bát Sê-ba để che đậy việc bà có thai và cưới bà. Rồi đứa con của họ cũng chết. Thật không phải là khởi đầu tốt đẹp gì cho một cuộc hôn nhân. Đọc tiếp câu chuyện này và bạn sẽ thấy rằng cả hai đều không có cuộc sống tốt đẹp kể từ thời điểm đó.

Bạn có danh sách những phẩm chất cần có của một người bạn đời tin kính không?

Nếu bạn muốn biết liệu mình có đang hẹn hò với một người tin kính hay không, thì hãy lập danh sách những phẩm chất cần có của một người bạn đời tin kính. Hãy thử lướt qua các tiêu chí: Người này có hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời họ không? Các bạn có muốn ở bên nhau suốt đời? Người đó có thể hiện lòng tôn kính, sự tôn trọng và tử tế không? Thói quen hay hành vi của người đó có điểm gì bất thường chăng?

Đừng đưa ra quyết định kết hôn dựa trên những gì mà mọi người mong đợi hoặc muốn bạn làm. Có quá nhiều cặp vợ chồng trẻ lấy nhau chỉ vì tất cả bạn bè đều nói với họ rằng họ “rất xứng đôi”. Đừng so sánh bạn gái hoặc bạn trai của bạn với một phiên bản đầy quyến rũ của “người bạn đời hoàn hảo”. Chuyện cổ tích không tồn tại. Hôn nhân là một công việc khó khăn.

Chọn một người muốn làm việc với bạn, không chống lại bạn hoặc bất cần bạn. Chọn một người có cùng mục tiêu với bạn.

Nếu bạn muốn có một ngôi nhà mang không khí thuộc linh và một người bạn đời tin kính, thì anh ấy / cô ấy nên theo đuổi mối quan hệ với Chúa ngay bây giờ, nếu không thì đừng kết hôn. Đừng cho rằng sau khi lấy nhau thì người đó sẽ bắt đầu quan tâm đến những vấn đề thuộc linh. Đúng hơn là ngược lại đấy— vợ / chồng của bạn sẽ trở nên ít quan tâm hơn nếu anh ấy / cô ấy chỉ cố tình dỗ dành bạn lúc này bằng cách chịu đi nhà thờ hoặc tỏ ra mình có đời sống thuộc linh ổn định.

Còn nếu sau khi kết hôn và bạn nhận ra rằng mình đã mắc sai lầm, thì giờ đây bạn đang phải đối mặt với những thách thức giống như tất cả những người có gia đình khác phải đối mặt: bạn phải cố gắng cải thiện một cuộc hôn nhân không hoàn hảo và làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn. Mặc dù bạn không thể một tay cứu vãn cuộc hôn nhân của mình, nhưng một người phối ngẫu hết lòng với Đức Chúa Trời có thể có tác động tích cực đến sự thay đổi trong cuộc hôn nhân của họ.

Trong khi bạn chờ đợi và làm việc …

Tình yêu và ân điển của Đức Chúa Trời biến đổi những người mời Ngài bước vào đời sống của họ. Chúa muốn khích lệ tất cả chúng ta, những người đang mệt mỏi vì những giấc mơ chờ đợi và gây thất vọng. Không có gì là quá khó đối với Chúa. Chúng ta chỉ cần giao cho Ngài quyền kiểm soát và chờ Ngài biến đổi chúng ta cũng như những kỳ vọng của chúng ta về tình yêu và hôn nhân. Chúng ta chỉ cần cầu nguyện và mời Ngài bước vào cuộc tranh chiến của chúng ta.

Hãy  vững lòng trong khi chờ đợi và làm việc và tự hỏi. Hãy tìm hiểu Kinh Thánh. Cầu nguyện không thôi. Chúa sẽ phán với bạn — ngài sẽ trả lời những câu hỏi của bạn về hôn nhân nếu bạn thực sự lắng nghe và trưởng thành. Chúa yêu bạn. Mục tiêu của Ngài là làm cho đời sống của bạn trở nên trọn vẹn và đầy ý nghĩa. Ngài là tình yêu.

Chừng nào bạn còn bước theo Chúa, bạn sẽ biết mình nên lấy ai, cưới khi nào, hoặc có nên kết hôn hay không.

Tự nhiên bạn sẽ biết được điều đó thôi.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like