Home Chuyên Đề Hài Hoà Với Đức Chúa Trời – Phần 9: Sức Mạnh Của Lời Cầu Nguyện

Hài Hoà Với Đức Chúa Trời – Phần 9: Sức Mạnh Của Lời Cầu Nguyện

by Sưu Tầm
30 đọc

Kinh thánh cho biết cách Đức Chúa Trời tạo dựng con người khác hơn cách Ngài tạo các loài vật. Khi Chúa muốn tạo ra một vật gì thì Ngài phán: “Phải có…” thì có vật ấy, Chúa tạo ra loài vật từ hư không. Ngài tạo ra loài người theo hình Ngài và giống như Ngài (Sáng 1:26).  “CHÚA, Đức Chúa Trời nắn lên loài người từ bụi đất, hà sinh khí vào lỗ mũi và người trở nên một linh hồn sống” (Sáng 2:7). Hai đặc điểm của con người là:

  1. Giống Chúa,
  2. Một linh hồn sống.

Tác giả thi thiên 139 nhận thấy:Tôi cảm tạ Chúa vì tôi đã được tạo nên một cách đáng sợ và diệu kỳ” (Thi thiên 139:14a). Chúa tạo ra loài người một cách lạ kỳ để

 vui hưởng con người như cha mẹ vui hưởng con cháu. Chúa không thể tương giao với loài vật bởi vì chúng không phải là ‘linh hồn sống.’ Tuy Đức Chúa Trời chăm sóc vũ trụ bao la, nhưng Ngài cũng có thể dành thì gian cho con người. Kinh thánh cho thấy Chúa luôn luôn tương tác với con người,

Ngày xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần, nhiều cách. Đến những ngày cuối cùng này, Đức Chúa Trời lại phán dạy chúng ta bởi Đức Con mà Ngài đã lập lên kế thừa vạn vật; cũng qua Con ấy, Ngài đã sáng tạo vũ trụ” (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Nếu con người được tạo dựng giống như loài vật thì Chúa không thể truyền đạt với chúng ta.

“Ý niệm về năng quyền gắn liền cố hữu trong sự cầu nguyện là rất phổ biến. Dựa theo Kinh Thánh, năng quyền của sự cầu nguyện đơn giản là năng quyền của Chúa, là Đấng lắng nghe và trả lời lời cầu nguyện của chúng ta. Hãy cùng suy gẫm những điều sau:

1. Đức Chúa Trời mời gọi cho con dân Chúa cầu nguyện với Ngài. Cầu nguyện với Chúa cần phải liên tục (Lu-ca 18:1), cùng với sự tạ ơn (Phi-líp 4:6), trong đức tin (Gia-cơ 1:5-6), trong ý muốn của Chúa (Ma-thi-ơ 6:10), vì sự vinh hiển của Chúa (Giăng 14:13-14), và từ một tấm lòng công chính với Chúa (Gia-cơ 5:16).

Sách Lu-ca ghi lại một ngụ ngôn của Chúa Giê-Xu. Ngài kể câu chuyện về một góa phụ và một thẩm phán ‘không kính sợ Chúa.’ Mỗi ngày bà đến công đường để nài nỉ với ông: ‘Xin ngài xét xử công minh cho tôi đối lại kẻ chống nghịch tôi!’ (Lu-ca 18:3)

Sau một thời gian khước từ, ông tự nhủ: ‘Dù ta không sợ Đức Chúa Trời cũng chẳng nể loài người, nhưng vì mụ góa này quấy rầy ta, nên ta sẽ xét xử công minh cho mụ, kẻo mụ cứ trở lại mãi, thì rốt cuộc ta cũng bị bực mình!’ (Câu 4-5)

Chúa muốn dạy chúng ta phải kiên trì cầu nguyện. Kinh thánh cho biết Chúa ‘biết chúng ta cần gì trước khi xin’ (Ma-thi-ơ 6:8). Đôi khi câu trả lời là: “Con chờ.” Trong trường hợp này chúng ta tiếp tục cầu xin kèm theo sự tạ ơn (Phi-líp 4:6).

Lời Chúa trong tín thư Tê-sa-lô-ni-ca 1:17, dạy chúng ta ‘cầu nguyện không ngừng,’ cùng một ý với dụ ngôn về bà góa van xin vị thẩm phán ‘không kính sợ Chúa.’

Kiểu mẫu cầu nguyện này cũng được dạy trong câu chuyện Áp-ra-ham cầu thay cho thành Sô-đôm. Ông thưa với Chúa rằng nếu thành có 50 người công chính thì Chúa có tha họ không, rồi ông mặc cả từ 50 xuống còn 10 người. Nhưng ‘tất cả mọi người đều phạm tội,’ và ‘tiền công của tội lỗi là sự chết.’ Dù cho Áp-ra-ham dốc lòng cầu xin ông không cứu dân thành Sô-đôm, nhưng ít nhất Lót, cháu ông và hai người con gái được cứu.

Khoảng bốn ngàn năm trước thời Áp-ra-ham, dân thành Ni-ni-ve cũng từng phạm tội đáng bị đoán phạt như dân thành Sô-đôm. Trong khi Chúa không sai Áp-ra-ham rao truyền sự đoán phạt Sô-đôm, Chúa sai Giô-na thông tin cho Ni-ni-ve về ý định của Ngài. Lúc đầu Giô-na không vâng lời Chúa, ông chạy trốn. Kinh thánh nói: “Tôi sẽ đi đâu xa khỏi thần Chúa?

Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Ngài?” (Thi thiên 139:7)

Kết quả của việc Giô-na không tin cậy Chúa là bị ném xuống biển và bị cá nuốt vào bụng. Chúa cho ông một cơ hội thứ hai.

Ông đến Ni-ni-ve và miễn cưỡng phải rao truyền: “Còn bốn mươi ngày nữa Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống” (Giô-na 3:4) “Dân Ni-ni-ve tin Ðức Chúa Trời. Họ công bố một cuộc kiêng ăn. Mọi người, từ người lớn nhất đến người nhỏ nhất, đều mặc bao gai” (Câu 5)

Trong khi Áp-ra-ham cầu thay cho Sô-đôm, Giô-na có lẽ muốn cho họ chết. Tuy nhiên, vì người dân kiêng ăn và cầu nguyện. “Khi Ðức Chúa Trời thấy những việc họ làm; họ quay bỏ đường lối xấu xa gian ác của họ, Ðức Chúa Trời động lòng thương xót và đổi ý, Ngài không giáng họa trên họ như Ngài đã phán” (Câu 10). Nhờ người dân thành Ni-ni-ve hạ mình cầu xin, họ thoát nạn.

2. Đức Chúa Trời yêu cầu chúng ta cầu nguyện, và Ngài hứa sẽ lắng nghe khi chúng ta làm như vậy. “Trong cảnh nguy nan tôi kêu cầu Chúa, tôi kêu xin Đức Chúa Trời của tôi giải cứu. Từ đền thánh của Ngài, Ngài đã nghe tiếng tôi; tiếng cầu xin của tôi đã thấu đến tai Ngài” (Thi-thiên 18:6 BD2011).[1]

Con người không phân biệt chủng tộc, màu da đều có nhu cầu tôn thờ một thần linh vì con người là một ‘linh hồn sống’ trong khi loài vật chỉ có đời sống vật lý mà thôi.

Những tín đồ của nhiều tôn giáo trên thế giới đều cầu nguyện. Nhiều người cầu xin với thần có mắt nhưng không thấy, có tai mà không nghe, có miệng mà không thể nói. Cha tôi thành tín trong việc cầu nguyện, ông cầu nguyện khi thức dậy và trước khi ngủ. Ông lập đi, lập lại một câu kinh trong khi lần một trăm lần tràng 18 hạt. Lời cầu nguyện của ông chủ yếu là cho gia đình bên Nội và bên Ngoại được mạnh giỏi từ đầu năm cho đến cuối năm. Tôi tin ông là một chiến sĩ cầu nguyện nếu ông biết cầu nguyện theo như Kinh thánh dạy. Nhiều người cầu nguyện theo thói quen mà không biết lời họ cầu xin có được nhậm hay không.   

Đặc quyền của Cơ đốc nhân là họ cầu nguyện với một Đức Chúa Trời riêng tư, Ngài quan tâm đến loài do Ngài tạo ra và Ngài nghe người cầu xin và trả lời.

Dưới thời Các Quan xét, tại Ra-ma-tha-im thuộc vùng Ép-ra-im, có một người tên là Ên-ca-na. Ông Ên-ca-na có hai vợ; người vợ chính là An-ne, người vợ kế tên là Phê-ni-na. Bà Phê-ni-na có con, nhưng bà An-ne thì không. Lúc bấy giờ phụ nữ không có con bị coi như là không được phước. Bà An-ne thường bị vợ kế trêu chọc. Hằng năm gia đình Ên-ca-na lên đền thờ tại Si-lô để thờ phượng Chúa. Sau lễ thờ phượng, “Bà An-ne sầu khổ lắm. Bà vừa khóc vừa cầu nguyện tha thiết với CHÚA. Bà hứa nguyện: “Lạy CHÚA Toàn Năng, xin Ngài đoái thương con đòi của Ngài! Xin Ngài nhìn thấy cảnh đau khổ của con và nhớ tới con. Xin Ngài đừng quên con đòi Ngài. Xin Ngài ban cho con đòi Ngài một đứa con trai, con nguyện dâng nó cho CHÚA trọn đời. Tóc nó sẽ không bao giờ bị cắt” (1 Sa-mu-ên 10-11).

Bà An-ne thật tâm tìm kiếm mặt Chúa. Chúa không để bà An-ne thất vọng. “CHÚA nhớ đến bà. Bà An-ne thụ thai. Mãn kỳ thai nghén, bà sanh một con trai, đặt tên là Sa-mu-ên và giải thích: “Tôi đã cầu xin CHÚA ban cho tôi một đứa con” (Câu 20).

Ba ngàn năm sau, người đọc Kinh thánh không quên tên An-ne và Sa-mu-ên.

Đời sống cầu nguyện của Đa-vít cũng đáng cho chúng ta nhắc đến để học hỏi. Là con út, Đa-vít được giao nhiệm vụ chăn chiên.

 “Trước khi con lọt lòng mẹ, Ta đã biệt riêng con,

Ta đã lập con làm tiên tri cho các dân tộc.” (Giê-rê-mi 1:5)

Chúa đã lập Giê-rê-mi làm tiên tri lúc ông chưa lọt lòng mẹ. Chúa không kêu gọi Đa-vít làm tiên tri, nhưng chắc Chúa muốn lập ông làm vua. Điểm nổi bật của Đa-vít là thường xuyên tìm kiếm mặt Chúa. Đa-vít viết phân nửa số 150 Thi thiên. Những thi thiên của Đa-vít biểu hiện tấm lòng của ông và mối quan hệ mật thiết của ông đối với Chúa. Nhờ đó ông tin rằng ‘Đấng ở trong ông vĩ đại hơn kẻ ở trong thế gian’ (1 Giăng 4:4). Khi đối diện với Gô-li-át Đa-vít công bố: “Người cầm gươm, giáo, và lao đến với ta. Nhưng ta đến với ngươi trong danh CHÚA Toàn Năng, là Đức Chúa Trời của đạo quân Y-sơ-ra-ên mà ngươi sỉ nhục” (1Sa-mu-ên 17:45). Và trong Danh Chúa Đa-vít, một thanh niên chưa từng ra trận, bắn hạ một chiến sĩ chuyên nghiệp chỉ bằng cái trành của người chăn chiên.

Người đồng hành với Chúa biết lúc nào có thể tiến lên và lúc nào phải lui lại.

Bị Sau-lơ săn đuổi Đa-vít phải đến với vua A-kít để lánh nạn. Vua A-kít cho Đa-vít ở trong thành Xiếc-lác.

Hơn một năm sau, người Phi-li-tin tập họp lực lượng ra trận đánh dân Y-sơ-ra-ên. Vua A-kít yêu cầu Đa-vít và người của ông theo A-kít ra trận. Tuy nhiên, các quan tướng Phi-li-tin không tin Đa-vít, họ yêu cầu vua cho Đa-vít trở về Xiết-lác.

Trong khi Đa-vít đi vắng thì người A-ma-léc đến “hủy phá thành Xiếc-lác và phóng hỏa đốt thành. Chúng bắt đàn bà và mọi người trong thành, từ nhỏ đến lớn, làm tù binh, không giết một ai. Chúng dẫn họ đi theo và lên đường.” (1 Sa-mu-ên 30:1-2)

Đa-vít lâm vào tình cảnh rất nguy kịch vì tất cả các binh sĩ đều cay đắng khi nghĩ đến con trai con gái mình nên bàn chuyện ném đá chàng.” (Câu 6).

Ở vào tình cảnh này, người biết Chúa và người không biết Chúa phản ứng khác nhau.

 “Đa-vít nói với thầy tế lễ A-bia-tha, con ông A-hi-mê-léc: “Xin thầy đem ê-phót lại đây cho tôi.” Khi thầy tế lễ A-bia-tha đem ê-phót đến, Đa-vít cầu hỏi ý CHÚA: “Con có nên đuổi theo bọn cướp này không? Con có rượt kịp chúng không?” (30:7-8) Chúa cho đáp: “Hãy đuổi theo chúng.”

Kết quả: “Đa-vít giải cứu tất cả những người bị quân A-ma-léc bắt đi, kể cả hai bà vợ của mình. Họ không mất một ai, từ người nhỏ đến người lớn, từ con trai đến con gái. Đa-vít cũng thu hồi được chiến lợi phẩm và tất cả những gì bị cướp” (Câu 18-19).

Câu chuyện kể trên dạy chúng ta:

  • Mọi sự hiệp lại có lợi cho những ai yêu mến Chúa. Nếu các quan trưởng Phi-li-tin tin Đa-vít và cho ông theo họ đi đánh Y-sơ-ra-ên, Đa-vít có thể không được dân Giu-đa tấn phong làm vua.
  • Nếu họ không đuổi Đa-vít trở về Xiếc-lác, ông và người theo ông mất vợ, con và mọi thứ thuộc về họ.
  • Nếu Đa-vít không nương cậy Chúa, không cầu vấn Chúa, ông bị ném đá và mọi người mất hết những gì thuộc về họ.     

Chúa ở cùng Đa-vít, ban ơn cho ông và Đa-vít được thịnh vượng. 

 Sa-lô-môn nối ngôi Đa-vít. Sau khi Sa-lô-môn qua đời, Rô-bô-am nối ngôi cha. Rô-bô-am quyết định sai nên vương quốc thống nhất của cha bị chia đôi, Y-sơ-ra-ên ở miền bắc và Giu-đa ở miền nam. Trong số 19 vua Giu-đa có bốn vị được kể là tốt theo tiêu chuẩn “ làm điều ngay lành trước mặt CHÚA, giống như Đa-vít, tổ phụ vua đã làm” (1 Vua 15:11).

Trong thời vua Giê-hô-sa-phát, vua thứ tư của Giu-đa, ‘người Mô-áp, Am-môn cùng với người Mao-nít gây chiến cùng vua Giê-hô-sa-phát…Vua Giê-hô-sa-phát sợ hãi; vua để lòng tìm kiếm CHÚA. Vua kêu gọi toàn thể Giu-đa kiêng ăn. Người Giu-đa tập họp lại tìm kiếm CHÚA; thật vậy, người Giu-đa từ khắp các thành đến tìm kiếm CHÚA…Thật, chúng con không đủ sức chống lại đoàn quân đông đảo này đương tấn công chúng con và chúng con cũng không biết phải làm sao, nhưng mắt chúng con ngưỡng trông nơi Ngài.” Toàn thể người Giu-đa cùng vợ và con cái họ đều đứng trước mặt CHÚA…Sau khi hội ý dân, vua lập những người ca ngợi CHÚA để ca ngợi sự uy nghi thánh khiết của CHÚA. Những người này đi trước đoàn quân, hô:

“Hãy cảm tạ CHÚA

Vì tình yêu thương Ngài còn đến đời đời’

Khi họ bắt đầu hát và ca ngợi, CHÚA đặt phục binh đánh quân Am-môn, Mô-áp và người miền núi Sê-i-rơ đang tiến đánh Giu-đa; như vậy, chúng bị đánh bại” (2 Sử 20:1, 3-4, 12-13, 21-22).

Dưới thời vua Ê-xê-chia, một sự cố tương tự xảy ra.   

Khoảng bốn trăm năm trước, khi dân Y-sơ-ra-ên đang tiến về Đất hứa, Chúa hứa ban cho họ nhiều phước lành với điều kiện là họ trung tín vâng phục CHÚA và cẩn thận làm theo các mạng lệnh mà Môi-se truyền cho họ (Phục truyền 28:1). Ngược lại, nếu họ không vâng phục Chúa thì ‘CHÚA sẽ phân tán anh chị em khắp các nước, từ đầu này trái đất cho đến đầu kia… CHÚA sẽ đem anh chị em trở về Ai-cập bằng tàu bè, dù Ngài đã hứa anh chị em sẽ chẳng trở về đó nữa, anh chị em sẽ bán mình cho kẻ thù làm nô lệ, cả nam lẫn nữ, nhưng chẳng ai mua’ (Câu 64, 68).

Năm 722 B.C (trước CN) dân Y-sơ-ra-ên bị người bị người A-si-ri xâm lăng, dân bị bắt lưu đày vì không chú ý đến cảnh báo của Chúa bảy trăm năm trước. Trên 100 năm sau, năm 586 B.C đến lượt dân Giu-đa bị Ba-by-lôn xâm chiếm và bị bắt làm phu tù.

Chúa ban ơn cho Đa-niên và ba người bạn- Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria- được chọn và được huấn luyện để trở thành lãnh đạo. Kinh thánh nói: “Nếu Đức Chúa Trời đứng với chúng ta thì còn ai chống nghịch được chúng ta?” (Rô-ma 8:31) Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria bị ném vào lò  lửa vì không chịu quì lạy trước tượng vua Nê-bu-cát-nết-sa, nhưng Chúa cứu họ khiến cho “Vua Nê-bu-cát-nết-sa tuyên bố: “Ngợi khen Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết Nê-gô! Ngài đã sai thiên sứ Ngài giải cứu đầy tớ Ngài, là những người tin cậy Ngài, thà bất tuân lệnh vua, hy sinh tính mạng hơn là cúng thờ quỳ lạy thần nào khác ngoài Đức Chúa Trời của họ” (Đa-niên 3:28). Ba người bạn của Đa-niên vâng lời Chúa thay vì nghe theo lệnh vua, họ được Chúa cứu không chỉ khỏi bị thiêu mà còn cải đạo vua Nê-bu-cát-nét-sa.

Đa-niên cũng phải từng trải thử thách.

Khi trước Giô-sép giải mộng cho Pha-rô và được cai trị Ai-cập. Khoảng 1300 năm sau, Đa-niên giải mộng cho Nê-bu-cát-nét-sa và được

Vua thăng chức cho Đa-ni-ên và ban cho chàng nhiều tặng phẩm quý giá. Vua giao cho Đa-ni-ên cai trị toàn tỉnh Ba-by-lôn và cử chàng làm tham mưu trưởng lãnh đạo tất cả các nhà thông thái Ba-by-lôn” (Đa-niên).

Sau khi Nê-bu-cát-nết-sa qua đời Bên-sát-xa lên nối ngôi (553-543BC). Vua Đa-ri-út, người Canh đê tấn công Ba-by-lôn và Bên-sát-xa bị giết.[2] Đa-ri-út bổ nhiệm một trăm hai mươi tổng trấn cai trị toàn vương quốc, dưới quyền ba vị thượng thư trong đó có Đa-niên. “Các thượng thư và tổng trấn cố tìm cớ để tố cáo Đa-ni-ên trong vấn đề quản lý việc nước, nhưng họ không tìm được cớ hoặc lỗi lầm nào, vì Đa-ni-ên vốn là người trung tín, không hề sơ suất hoặc mắc phải lỗi gì” (Đa-niên 6:4). Họ tìm ra một chổ hở của Đa-niên để tấn công ông, đó thói quen cầu nguyện của ông. Họ cầu xin vua “ban hành sắc chỉ nghiêm cấm bất cứ ai cầu xin một thần nào hay người nào ngoài bệ hạ, trong vòng ba mươi ngày; người nào vi phạm sắc chỉ cấm ấy sẽ bị quăng xuống hầm sư tử” (6:7).

Họ không biểt chổ hở của Đa-niên cũng là điểm mạnh của ông. Họ nghĩ rằng họ có thể làm hại Đa-niên bằng cách tấn công vào đời sống cầu nguyện của ông. Kinh thánh nói: “ Một người sống theo bản tính tự nhiên sẽ không nhận biết những gì thuộc về Ðức Thánh Linh của Ðức Chúa Trời “ (1 Cô-rinh-tô 2:14). Đa-niên là một chiến sĩ cầu nguyện, ông không chiến đấu với người muốn hại ông, nhưng với ‘chủ quyền và thế lực.’ Cầu nguyện là vũ khí nguyên tử của ông.

Sau khi luật vua được ban ra Đa-niên “về nhà, lên phòng trên lầu, nơi có các cửa sổ mở hướng về Giê-ru-sa-lem, mỗi ngày ba lần, ông quỳ xuống, cầu nguyện, và ca ngợi Ðức Chúa Trời của ông, như ông vẫn thường làm từ trước đến giờ” (6:10). Những người ghét Đa-niên báo cáo với vua và vua phải thi hành án phạt. Đa-niên bị quăng xuống hầm sư tử. Trong đêm ấy vua mất ngủ.

Sáng sớm hôm sau, vua vội vàng đến hang sư tử để xem Đa-niên chết chưa. Vua gọi Đa-niên, ông đáp: “Tâu hoàng thượng, kính chúc hoàng thượng sống vạn tuế! Ðức Chúa Trời của hạ thần đã sai thiên sứ của Ngài bịt mồm các sư tử; vì thế chúng không làm gì hại đến hạ thần, vì Ngài thấy hạ thần vô tội trước mặt Ngài, và hạ thần cũng chẳng làm điều gì sai trước mặt hoàng thượng, tâu hoàng thượng” (6:21-22).

Kế đó vua truyền lịnh đem những kẻ đã tố cáo Ða-ni-ên đến. Người ta quăng chúng cùng với vợ con chúng vào hang sư tử. Trước khi chúng rơi tới đáy hang, các sư tử đã nhảy lên vồ lấy chúng và xé thây chúng ra từng mảnh” (6:24).

Kinh thánh nói: “Kẻ ác đào và chuẩn bị một hố sâu để làm bẫy,

Rồi nó bị ngã nhào vào hố chính nó đã đào.

 Sự hiểm độc của nó đã đổ lại trên đầu nó;

Sự bạo tàn của nó đã giáng xuống trán nó” (Thi thiên 7:15).

Câu Kinh thánh trên có thể áp dụng cho Ha-man, một vị quan của vua Ba tư Si-ru.

Sau khi Ha-man được thăng chức “Hết thảy các triều thần của vua tại triều đình đều quỳ xuống và cúi sấp trước mặt Ha-man, vì vua đã ra lệnh như vậy. Tuy nhiên Mạc-đô-chê không quỳ xuống, cũng không cúi sấp” (Ê-xơ-tê 3:2).

Ha-man tức giận và xin vua cho phép ông tiêu diệt dân Do thái. Vua chấp thuận lời thỉnh cầu của Ha-man. Nghe tin này Mạc-đô-chê “…liền xé áo, quấn vải thô, và rắc tro lên đầu. Ông đi ra giữa thành, lớn tiếng than khóc đắng cay…người Do-thái kêu la thảm thiết, họ kiêng ăn, khóc lóc, thở than. Nhiều người nằm trên vải thô rắc tro.” (Ê-xơ-tê 4:1-2). Lúc ấy Ê-xơ-tê, dưỡng nữ của Mạc-đô-chê là hoàng hậu. Nghe tin, hoàng hậu sai Hà-thác, vị hoạn quan phục vụ hoàng hậu ra gặp Mạc-đô-chê để tìm hiểu tình hình. Mạc-đô-chê yêu cầu hoàng hậu van xin vua cứu. Hoàng hậu trả lời rằng bà không thể gặp vua vì không được phép. Mạc-đô-chê nói với hoàng hậu là bà không an toàn vì bà ở trong cung, “Nếu con giữ yên lặng trong lúc này, người Do-thái sẽ được giúp đỡ và giải cứu từ nơi khác. Nhưng con và dòng họ con sẽ bị tiêu diệt. Biết đâu con được chức hoàng hậu là vì cớ thời điểm như thế này” (4:14). Mạc-đô-chê nói đúng, Chúa cho Ê-xơ-tê làm hoàng hậu vì dân Do thái.

Bà Ê-xơ-tê đồng ý: “ Con xin cha tập họp lại tất cả những người Do-thái tại Su-san. Xin cha và họ vì con mà kiêng ăn, xin đừng ăn uống chi cả suốt ba ngày ba đêm. Con và các nữ tỳ của con cũng sẽ kiêng ăn như vậy. Sau đó con sẽ đến ra mắt vua, dù trái luật. Nếu con phải chết thì con chết!” (4:16)

Hoàng hậu được ơn trước mặt Chúa, bà vào nội điện. “Vua đưa vương trượng vàng cầm trong tay ra cho Ê-xơ-tê. Ê-xơ-tê đến gần, sờ đầu vương trượng” (5:2). Điều này có nghĩa là bà được vua tha tội và nghe lời cầu xin của bà. Điều này nhắc chúng ta câu:  “Không ai thấy mặt Đức Chúa Trời mà còn sống” (Xuất-ê-díp-tô 33:20). Qua Chúa Giê-Xu chúng ta mới đến gần Đức Chúa Trời.

Hoàng hậu được Chúa ban cho khôn ngoan để lên kế hoạch vạch trần âm mưu tiêu diệt dân Do thái của Ha-man và cuối cùng “Ha-man bị treo cổ lên cột mà ông đã sai dựng cho Mạc-đô-chê…” (Ê-xơ-tê 7:10).

Trên đây là những câu chuyện chứng tỏ sự hiệu quả của sự cầu nguyện. Chúng ta sẽ nghiên cứu thêm sức mạnh của sự cầu nguyện trong thời Tân Ước.

Các môn đệ của Chúa Giê-Xu tin Chúa và khi Ngài gọi thì lập tức họ bỏ công việc kinh doanh mà theo Ngài, nhưng có lẽ họ chưa thật sự biết Ngài là ai. Một hôm tại Sê-sa-rê Phi-líp Chúa Giê-Xu Chúa muốn họ biết Đấng mà họ theo có đáng cho họ theo hay không. Ngài hỏi: “ Còn chính các con thì cho rằng Ta là ai? Si-môn Phê-rơ thưa: “Thầy là Chúa Cứu Thế, Con Đức Chúa Trời hằng sống. ” (Ma-thi-ơ 16:15-16). Trên nền tảng của lời Phi-e-rơ tuyên xưng Chúa phán: “Ta sẽ xây dựng Hội Thánh Ta trên vầng đá này và các cửa Âm Phủ sẽ không thắng nổi hội đó” (Câu 18).

Khoảng 400 năm sau-năm 195 A.D (sau Công nguyên)- vì khác biệt văn hoá và chính trị, Hội thánh đầu tiên chia ra làm hai: Hội thánh Miền Đông theo văn hoá Hi lạp và Hội thánh Miền Tây theo văn hoá La-mã. Hai ngàn năm sau, Hội thánh Chúa Giê-Xu lại chia thành nhiều Hệ phái. Trong khi những giáo lý cơ bản thì giống nhau, có một số nghi lễ khác nhau vì Kinh thánh được hiểu khác nhau. Cầu nguyện là một trong số thực hành cốt yếu dù các Hệ phái có thể cầu xin khác nhau.

Chúa Giê-Xu dạy môn đệ cầu nguyện qua Bài Cầu nguyện chung và trong những bài giảng. Chính Chúa cũng làm gương cho họ qua đời sống cầu nguyện của Ngài.

Sứ đồ Mác kể: “Trời vừa mờ sáng Ngài dậy sớm, đi vào nơi vắng vẻ để cầu nguyện.  Si-môn cùng đồng bạn đi kiếm Ngài. Gặp được rồi, họ thưa: “Mọi người đang tìm Thầy” (Mác 1:35-37). Chúa bày tỏ với họ mục đích của Ngài:  “Chúng ta hãy vào các làng xã quanh đây, Ta còn phải truyền giảng ở đó nữa; chính vì việc này mà Ta đến” (Câu 38). Họ chưa ý thức được cầu nguyện là chìa khóa của mục vụ thành công.

Rồi Ngài truyền giảng tại các hội đường khắp miền Ga-li-lê và đuổi các quỷ” (Câu 39).

Người đầu tiên được Chúa chữa lành là người bị bệnh phung. Mấy ngày sau, Chúa chữa lành một người bại liệt ở Ca-pha-na-um, Chúa kêu gọi người thu thuế.

Ma-thi-ơ kể: “ Đức Giê-xu liền truyền cho các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước. Trong khi đó, Ngài giải tán đám đông. Sau khi giải tán đám đông, Ngài lên núi một mình để cầu nguyện. Tối đến, chỉ còn một mình Ngài ở đó” (Ma-thi-ơ 14:22-23).

Chúa cầu nguyện sau một ngày giảng dạy và đãi 5.000 người ăn với năm ổ bánh và hai con cá. Sau khi cầu nguyện Chúa đi trên biển để đến với môn đồ trên thuyền, họ đang gặp bảo. Khi Ngài bước lên thuyền thì ‘gió ngừng thổi.’   

Kinh thánh xác định Chúa Giê-Xu ‘vốn có bản thể của Đức Chúa Trời’ (Phi-líp 2:6), Ngài không cần cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ. Nhưng trong thân xác của con người Ngài phải thường xuyên tiếp cận Cha. Chúa Giê-Xu dạy chúng ta: “Chính Ta là cây nho, còn các con là nhánh; người nào cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy thì chắc sẽ sinh nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được” (Giăng 15:5). Chúa Giê-Xu phải ở trong Cha mới nhận lấy quyền năng từ Cha, chúng ta phải hiệp làm một cùng Ngài trong sự cầu nguyện mới có thể chiến thắng mọi quyền phép của kẻ thù nghịch.

Khi mục vụ của chúng ta xuống cấp, chúng ta nên dành nhiều thì gian để ‘nạp điện.’

Hôm nay, ngày 12 tháng 6, 2020, một con cái Chúa ở Việt nam cho biết Hội thánh nơi anh đang nhóm bị chính quyền cấm chăm sóc con cái Chúa người dân tộc. Tôi gợi ý là Hội thánh cần kiêng ăn và cầu xin Chúa mở đường. Có thể đã đến lúc Hội thánh nên phân tán để phát triển thay vì tập trung.

Ba sách Tin lành Cộng quan đều ghi nhận việc Chúa truyền cho bảo yên (Ma-thi-ơ 8:23; Mác 4:35 và Lu-ca 8:22). Trong tư cách là Đấng Sáng Tạo, Ngài có quyền trên giông bảo, trong thân xác con người Ngài cần quyền năng qua lời cầu nguyện.

Bài học mà chúng ta có học được từ câu chuyện này là muốn ‘đuổi quỷ, xức dầu và chữa lành nhiều người bệnh,’ chúng ta cần cầu xin quyền năng Chúa.

 Các môn đệ thấy Thầy của họ đuổi quỷ, họ cũng thử đuổi quỷ, nhưng không được, họ hỏi và Chúa đáp: “Những loài quỷ này chỉ trừ được bằng sự cầu nguyện và kiêng ăn” (Ma-thi- 17:21).

Các Giáo Huấn Về Cầu Nguyện

  1. Nơi phòng riêng, nơi có thể tập trung, không bị quấy rầy. Chúa Giê-Xu không có phòng riêng, Ngài phải ‘đi vào nơi vắng vẻ để cầu nguyện,’ một nơi Ngài có thể dành thì giờ chất lượng với Cha. Trong phòng riêng chúng ta mới có thể nghe tiếng Chúa. Một số Hội thánh có những buổi nhóm cầu nguyện chung, lớn tiếng, thiếu tính riêng tư. Hi văn koinonia nghĩa là thông công, tương giao, riêng tư. Phòng riêng là nơi thích hợp hơn hết.
  2. “ Khi cầu nguyện đừng lặp đi lặp lại như người ngoại, vì họ tưởng cầu nhiều lời sẽ được nhậm” (Ma-thi-ơ 6:7). Một số tôn giáo đọc kinh thay vì cầu nguyện, họ đọc tới, đọc lại một câu, dường như cầu xin một cụ già mau quên. Tôi cầu xin cho một người quen ở Canada như sau: “Lạy Chúa, con xin báo cáo với Chúa anh Nam ở Canada bị nhiễm vi-rút Cô-rô-na, xin Chúa đoái xem Nam. Con không gợi ý Chúa làm gì, bởi vì Chúa biết phải làm gì. Con cũng biết Chúa thương Nam. Cầu xin Chúa bảo vệ Trang, vợ của Nam và hai đứa con của họ nữa, nhân Danh Chúa Giê-Xu, amen.” Sau đó tôi cảm tạ Chúa đã nghe lời cầu xin của tôi và chữa lành Nam. Nam nhập viện và lành bệnh sau đó, trong khi Trang bị lây nhiễm, nhưng không được nhập viện và phải cách ly. Sức khoẻ của Trang phục hồi dần dần. Người chú của Trang chưa tin Chúa, ông nói: “Chúa cứu tụi bây đó.” Kinh thánh dạy: “ Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi việc hãy cầu nguyện, nài xin và cảm tạ mà trình các nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời” (Phi-líp 4:6).

Norman V. Peale trong sách The Power of Positive Thinking kể chuyện một quân nhân Mỹ bị bà vợ đòi li dị. Anh chạy đến vị Giáo sĩ để cầu cứu. Ông Giáo sĩ trích dẫn câu Kinh thánh trên và khuyên anh cảm tạ Chúa. Lúc đầu anh chần chừ vì thấy khó cảm tạ khi bị li dị, nhưng cuối cùng anh làm theo lời vị Giáo sỉ. Sau đó bà vợ đổi ý, không li dị.

  • Có lẽ Chúa Giê-Xu dạy môn đồ cầu nguyện như Ngài cầu nguyện:
    • Tôn vinh Cha ở trên trời,
    • Xin Chúa đáp ứng nhu cầu hằng ngày bởi vì Ngài ‘không có chổ gối đầu,’
    • Xin tha tội,
    • Hứa tha tội cho người phạm tội với chúng ta. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết họ làm điều gì” (Lu-ca 23:34).
    • Xin giúp cho không bị cám dỗ (Ma-thi-ơ 4:1-10)
    • Ngợi khen.
  • Muốn cầu nguyện có kết quả, cần có đức tin (Ma-thi-ơ 21:22; Gia-cơ 5:15), tin là Chúa sẽ đáp ứng nhu cầu của chúng ta.

Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ, cửa sẽ mở cho các con. Vì ai xin thì được, ai tìm thì gặp và ai gõ, cửa sẽ mở…Có ai trong vòng các con, khi con mình xin bánh lại cho đá, hay con xin cá, lại cho rắn chăng?” (Ma-thi-ơ 7:7-10)

  • Cầu nguyện không phải là trình lên Chúa danh sách những việc chúng ta muốn Chúa thực hiện. Chúng ta không nhận được khi chúng ta ‘cầu xin không phải lẽ, với ý xấu, để dùng cho khoái lạc’ (Gia-cơ 4:3). Cầu nguyện phải lẽ là cầu nguyện theo thánh ý Chúa: “A-ba, Cha, mọi sự Cha có thể làm được, xin cất chén này khỏi con; nhưng không theo ý con, mà theo ý Cha” (Mác 15:36; Ma-thi-ơ 26:39).
  • Cầu nguyện nhân Danh Chúa Giê-Xu: “Cho đến bây giờ, các con chưa hề nhân danh Ta cầu xin điều gì cả. Hãy cầu xin đi, các con sẽ nhận được để các con hưởng trọn niềm vui” (Giăng 16:24).
  • Cầu nguyện không ngừng (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17).

Cầu nguyện không ngừng là cầu nguyện bất cứ lúc nào chúng ta có thì gian, ví dụ, trong lúc xem truyền hình, khi ngồi chờ một điều gì sắp xảy ra, khi lái xe (nhớ cảnh giác).  

  • Kèm theo tạ ơn (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18; Phi-líp 4:6). Chúng ta có thể xin

một lần và sau đó cảm tạ Chúa đã nghe và sẽ đáp ứng nhu cầu của chúng ta.

CÁC MÔN ĐỆ CẦU NGUYỆN

Các môn đệ được Chúa Giê-Xu chọn và huấn luyện trong ba năm. Họ xin Chúa dạy cách cầu nguyện, nhưng các sách Tin lành không nhắc đến việc họ cầu nguyện với Chúa Cha. Có lẽ họ cầu xin trực tiếp với Chúa Con. Sau khi Thầy của họ thăng thiên, họ mới thực hành cầu nguyện.

  • Họ ‘đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện liên tục cùng với các bà và Ma-ri là mẹ Đức Giê-xu và các em trai Ngài’ (Công vụ 1:14). Họ cầu nguyện trước khi chọn ngươi thay thế Giu-đa Ích-ca-ri-ốt (1:24).
  • Họ chuyên cần học hỏi, thông công với anh em và các buổi cầu nguyện (Công vụ 2:42).
  • Thường xuyên lên Đền thờ để cầu nguyện (Công vụ 3:1).
  • Cầu nguyện tác động trên thiên nhiên và tâm linh của người cầu nguyện. “Họ đang cầu nguyện thì phòng họp rúng động. Tất cả đều được đầy dẫy Thánh Linh, rao giảng lời Đức Chúa Trời cách dũng cảm (Công vụ 4:31).
  • Dưới thời vua Hê-rốt, Gia-cơ bị giết, Phi-e-rơ bị giam vào ngục. “Hội Thánh cứ khẩn thiết cầu nguyện Đức Chúa Trời cho ông“  (Công vụ 12:5). Trong đêm trước ngày Phi-e-rơ ra tòa, thiên sứ giải cứu ông ra khỏi ngục.
  • Trong chuyến đi truyền giáo thứ hai, Phao-lô đến thành phố Phi-líp ở địa đầu tỉnh Ma-xê-đoan. “Một hôm, đang đi đến nơi cầu nguyện, gặp một cô gái nô lệ bị quỷ bói khoa ám” (Công vụ 16:16). Cô này này đi theo quấy rầy phái đoàn, Phao-lô, nhân danh Chúa đuổi quỷ ra khỏi cô gái này. Cô không còn khả năng bói khoa và làm lợi cho chủ. Người này bắt Phao-lô nộp cho chính quyền và ông bị đánh đòn và tống giam vào ngục.Thay vì lo lắng cho số phận “Phao-lô và Si-la đang cầu nguyện và ca ngợi Đức Chúa Trời, các tù nhân đều lắng nghe. Bỗng, có cơn động đất lớn đến nỗi nền nhà ngục rung chuyển. Ngay lúc ấy, tất cả các cửa đều mở tung, xiềng xích tù nhân đều tháo rời” (Công vụ 16:25-26). Phao-lô và Si-la không trốn chạy, nhưng cứ ở lại trong khám và có dịp chứng đạo cho cai ngục và cả gia đình tin Chúa.
  • “Augustinô thành Hippo, còn được biết dưới tên Thánh Augustinô (354-430 A.D) là một nhà thần học và triết học có nhiều ảnh hưởng trong Cơ Đốc giáo Tây phương và triết học phương Tây. Ông được hầu hết các giáo hội nhìn nhận là Thánh và được Giáo hội Công giáo Rôma tuyên phong Tiến sĩ Hội Thánh. Trong cộng đồng Cải Cách, nhiều người xem nền thần học Augustinô là một trong những nhân tố khởi nguyên của hệ tư tưởng lập nền cho cuộc Cải cách, đặc biệt là trong giáo lý cứu rỗi và ân điển… Khi còn trẻ, Augustinô bị cuốn vào cuộc sống phóng túng, buông thả, khi còn ở Carthage, trong hơn 15 năm ông quan hệ với một cô nhân tình trẻ, và có một con trai với cô, ông đặt tên cho con là Adeodatus (nghĩa là Thiên Ân)… Mẹ ông, Monica, tìm cách thúc ép ông chấp nhận niềm tin Công giáo, nhưng chính giám mục thành Milano, Ambrôsiô, là người ảnh hưởng trên Augustinô”[3]

Theo lời một Mục sư, thánh Augustinô tin Chúa qua sự cầu nguyện của người bà Monica.

Theo lời chứng của những tín hữu Ba-tây, kinh tế và Hội thánh nước này đang phát triển, trong khi tội lỗi gia tăng. Cơ đốc nhân quan tâm đến ảnh hưởng xấu đến con cái của họ. Hội thánh tổ chức những buổi cầu nguyện lấy tên là “Khi các bà mẹ quì xuống thì các người con đứng lên.”

Đức Chúa Trời hứa: “Trong ngày gian truân, hãy kêu cầu Ta.

Ta sẽ giải cứu ngươi và ngươi sẽ tôn vinh Ta” (Thi thiên 50:15).

Nhiều tín đồ cầu kinh, nhưng không kêu cầu Đức Chúa Trời của Kinh thánh. Cơ đốc nhân có một vũ khí vô cùng hữu hiệu, đó là cầu nguyện.

Sách Xuất-ê-díp-tô có ghi trường hợp Môi-se cầu thay cho dân Chúa. Trong khi Môi-se đang hội kiến với Chúa trên núi, đoạn 32 kể, thì dân chúng yêu cầu A-rôn làm một vị thần để hướng dẫn họ. A-rôn đúc một tượng hình bò con, “Qua ngày hôm sau dân chúng dậy sớm, dâng tế lễ thiêu và tế lễ cầu an rồi đứng dậy ăn uống vui chơi” (Câu 6).

 Chúa muốn tiêu diệt họ. Môi-se cầu thay cho họ và “CHÚA đổi ý không giáng tai họa trên dân của Ngài như Ngài đã đe dọa” (Câu 14).

Lời cầu xin của Môi-se cứu hai triệu dân. Tuy nhiên, những người trên 20 tuổi bỏ mạng trong đồng vắng.

Tin tức sau đây đáng chú ý. Theo báo cáo của Hảng Fox 29 WFLX từ Florida, Hoa kỳ, ngày 31 tháng năm, 2020:

“Không phải tất cả các cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd đã kết thúc bằng bạo lực và bạo loạn. Người biểu tình tụ tập bên ngoài nhà ga Coral Gables ở quận Miami-Dade vào thứ Bảy. Thay vì tạo thêm căn thẳng cho tình hình, cảnh sát và người biểu tình đã cùng nhau, quỳ xuống tham gia vào một khoảnh khắc bình an và cầu nguyện.

Người phát ngôn của Trại giam Miami-Dade, Juan Diasgranados, là một trong số những người tập trung tại cuộc biểu tình.

“Là những người lãnh đạo của nghề này, tất cả chúng ta (Công an trưởng và cộng đồng) phải làm tốt hơn trong việc cải thiện việc đào tạo và các giao thức để những nỗ lực của chúng ta trong việc xây dựng và duy trì niềm tin của cộng đồng không bị mất hoặc bị lu mờ.”

George Floyd là một người Mỹ da màu bị cảnh sát bắt. Có lẽ anh không hợp tác cho nên cảnh sát phải mạnh tay và anh chết. Một số người biểu tình phản đối nhân viên công an trong khi có một số người lợi dụng thời cơ để phá hoại. 

Trong khi những người biểu tình ở những nơi khác bạo động, phá hoại và ăn cắp thì ở Miami-Dade, cuộc biểu ôn hòa nhờ cầu nguyện.

CẦU NGUYỆN TRONG THỜI ĐẠI KỸ THUẬT SỐ

Từ xưa đến nay, con người cầu xin với một đấng nào đó mà họ tin đấng ấy có thể giúp họ. Nhu cầu của con người thì giống nhau, những lời cầu xin chắc không khác nhau dù cho văn hoá hay kỹ thuật thay đổi. Tuy nhiên, kỹ thuật số, giống như tiền bạc, là một nhân viên tốt khi chúng ta biết lợi dụng nó, nhưng khi nó điều khiển chúng ta, nó là một ông chủ xấu.

Theo thống kê trên mạng pewresearch.org ngày 5 tháng hai, 2019 thì mọi người dân Nam Triều tiên có điện thoại di động, 96 % là điện thoại thông minh, trong khi 64% người Ấn độ có điện thoại di động và 24% là điện thoại thông minh.

Điện thoại thông minh rất hữu ích khi lạc đường, khi muốn định vị một công ty, nhà hàng, khi cần biết thời tiết, đường giao thông, đọc tin tức, nhắn tin, gọi điện hay là chơi ‘games’ trong khi chờ đợi và nhiều điều khác nữa. Trong thời kỳ Đại dịch Covid-19 53% dân Mỹ cho rằng internet thì cốt yếu đối với họ.[4]  

Tuy nhiên, có lắm người mất quá nhiều thì gian cho người bạn bé nhỏ này. Trước khi có lệnh cấm, một số người vừa lái xe vừa gọi điện hoặc nhắn tin và gây tai nạn vì không chú ý. 51% những cặp tình nhân thường hay truy cập mạng trong khi đối thoại với bạn; 41% không hài lòng vì tình nhân dành nhiều thì gian cho điện thoại di động.[5]   

Kỹ thuật số ảnh hưởng thế nào trên đời sống cầu nguyện của Cơ đốc nhân? Khi đi nhóm thay vì mang theo Kinh thánh thì họ có nhiều Bản dịch Kinh thánh bỏ túi, được cài đặt trong điện thoại thông minh. Loại điện thoại này cũng có nhiều sách giải kinh để nghiên cứu khi cần. Một số Mục sư lưu bài giảng trong Ipad hay bản điện tử để khỏi phải in ra giấy. Một số người nghe giảng, nhạc Cơ đốc qua điện thoại khi lái xe.

Cách nay trên mời năm, nhà tôi tặng tôi một bản điện tử của hảng Samsung. Tôi ít khi dùng nó để truy cập, xem Facebook hoặc nghe nhạc. Đầu năm nay, tôi nghĩ ra một cách để tận dụng nó trong giờ tĩnh nguyện. Tôi ca theo những bài thánh ca được đăng trên YouTube, tôn vinh với những Hội thánh Thủ Thiêm, Hà Nội và những Ban nhạc trong nước cũng như ở nước ngoài. Sau phần thờ phượng tôi nghe giảng trên Đài Nguồn sống. Trong khi thờ phượng và nghe lời Chúa tôi nhận lãnh ơn phước Chúa ban, ăn năn và cảm tạ Chúa.

Tóm lại, nội dung cầu nguyện không thay đổi qua năm tháng, cầu nguyện với kỹ thuật số không giúp chúng ta đạt được điều chúng ta muốn, nhưng kỹ thuật số có ích trong việc liên hệ với Chúa. Kỹ thuật số có hại khi nó điều khiển chúng ta.

Còn tiếp)

Giáo sư Huỳnh Ngọc Ẩn

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com


[1] Gotquestions.org/Viet/nang-quyen-cua-su-cau-nguyen

[2] En.wikipedia.org/wiki/belshazar

[3] Vi.wikipedia.org/viki/augustine

[4] Pewresearch.org

[5] Như trên

Bình Luận:

You may also like