Sách Sáng thế ký kể chuyện Đức Chúa Trời tạo dựng vạn vật trong năm ngày. Ngày thứ sáu Chúa tạo ra loài người và hoàn thành công cuộc sáng tạo. Đức Chúa Trời đặt A-đam trong vườn Ê-đen, Chúa phán cùng ông, “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng 2:16, 17). Tự do của A-đam có bị giới hạn, nhưng không bị giới hạn nhiều. Trong số nhiều ngàn cây trong vườn chỉ dành một cây cho Chúa mà thôi. Dù vậy A-đam không lấy lời Chúa làm quan trọng, ông không vâng lời Đấng sáng tạo ra ông, và ông cùng vợ ăn trái cây mà Ngài cấm.
Đức Chúa Trời phải thi hành án phạt. Tuy nhiên, Ngài tỏ lòng nhân từ đối với A-đam, thay vì A-đam phải chịu chết theo nghĩa đen, Chúa đã giết một con vật để thế mạng cho A-đam. Lý do về sự kiện này được Tân ước giải thích như sau: “không đổ huyết thì không có sự tha thứ (Hê-bê-rơ 9:22). Từ lúc ấy, muốn chuộc tội cần phải dâng sinh tế.
Hai người con trai của A-đam, Ca-in và A-bên đều dâng của lễ. Ca-in dùng thổ sản dâng cho Chúa Hằng Hữu, trong khi A-bên dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Chúa Trời nhận lễ vật của A-bên và không nhận lễ vật của Ca-in. Lý do là vì lễvật của A-bên đáp úng yêu cầu của Chúa. Ngài đã bày tỏ điều này khi Ngài giết con vật để lấy da làm áo cho A-đam. Ca-in không ăn năn, trái lại còn giết em mình để trả thù Chúa.
Sau án mạng đầu tiên ấy loài người càng trở nên gian ác. Kinh thánh cho biết: “Thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy dẫy sự hung ác” (Sáng 6:11). Tình trạng bại hoại của loài người đưa đến hậu quả một trận lụt lớn đến đổi “Các vật có sanh khí trong lỗ mũi, các vật ở trên đất liền đều chết hết” (Sáng 7:22), ngoại trừ Nô-ê và gia đình ông gồm có tám người.
Sau khi nước đã giựt bày mặt đất khô; và mặt đất đã se, Nô-ê thả các con thú ra, và cùng gia đình ông ra khỏi tàu theo lệnh của Đức Chúa Trời. Trước khi nước lụt, trong khi cả nhân loại đều bại hoại thì chỉ có Nô-ê được ơn trước mặt Đức Chúa Trời vì trong đời mình ông là một người công bình và trọn vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Ông được ơn trước mặt Đức Chúa Trời bởi vì ông tin cậy và thờ phượng Ngài. Việc đầu tiên, sau khi rời khỏi tàu là lập một bàn thờ cho Đức Chúa Trời và bày của lễ thiêu dâng lên bàn thờ.
Rất tiếc là không phải tất cả con cháu ông đều theo dấu chân của ông. Từ từ chúng xa Đấng Cứu Chuộc gia đình tổ phụ của họ. Thành và tháp Ba-bên là dấu chỉ của xa cách. Thành được xây cất để làm vinh hiển họ, và tháp được dùng thờ mặt trời, mặt trăng và những ngôi sao. Đức Chúa Trời đã kéo sự chú ý của họ trở lại mục đích chính của họ, và lần này Ngài làm lộn xộn tiếng nói và làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất.
Khổ nạn trên đời này có thể được giải lý bằng sự kiện là loài người không đồng hành với Đức Chúa Trời nhưng họ tìm kiếm hạnh phúc từ những thần hư không.
Khoảng 2100 năm trước CN Đức Chúa Trời khởi xướng một chương trình cứu rỗi tuyệt diệu, với một người tin cậy Ngài, đó là Áp-ram—sau này được đổi ra thành Áp-ra-ham. Giao ước của Đức Chúa Trời cùng Áp-ra-ham cho thấy lời hứa một đấng Mê-si-a (Chúa Cứu Thế): “Các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.” (Sáng 12:3).
“Chương thứ mười lăm của Sáng thế ký nhắc lại giao ước mà Thiên Chúa đã lập với Áp-ra-ham theo lời kêu gọi của ông. Ngoại trừ lần này, Thiên Chúa ân cần trấn an lời hứa của Ngài bằng một hình ảnh về sự hiện diện của Ngài. Ông yêu cầu Áp-ra-ham tìm và giết một con bò cái, một con chiên đực, một con dê, một con chim cu và một con chim bồ câu. Sau đó, Áp-ra-ham đã cắt chúng làm đôi (trừ những con chim) và xếp các mảnh thành hai hàng, để lại một con đường xuyên qua trung tâm (Sáng thế ký 15: 9-10).
Trong các hợp đồng cấp đất của hoàng gia Cận Đông cổ đại, loại nghi lễ này đã được thực hiện để ấn vào chứng những lời hứa. Nhờ giao ước máu này, Thiên Chúa đã xác nhận chủ yếu ba lời hứa mà Ngài đã thực hiện với Áp-ra-ham: lời hứa về những người thừa kế, về đất đai và phước lành (Sáng thế 12: 2-3). Một giao ước máu truyền đạt một lời thề mà người thề bị nguyền rủa nếu không giữ. Các bên liên quan sẽ đi qua giữa những con vật bị giết và nói rằng: “Điều này sẽ xảy ra với tôi nếu tôi không giữ lời thề.” Giê-rê-mi 34: 18-19 cũng nói giống như lời tuyên thệ này.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng trong lời thề máu mà Chúa đã hứavới Áp-ra-ham trong Sáng thế ký 15. Khi buổi tối đến, Thiên Chúa xuất hiện dưới hình dạng một nồi lửa bốc khói và ngọn đuốc rực lửa [được] truyền qua giữa các miếng thịt (Sáng thế ký 15 : 17). Nhưng Áp-ra-ham đã ngủ mê, và một bóng tối dày đặc và khủng khiếp đã tràn lên ông (câu 12). Do đó, một mình Thiên Chúa đi qua những miếng thịt thú chết, và giao ước đã được một mình Chúa ấn chứng. Không có gì phụ thuộc vào Áp-ra-ham. Tất cả mọi thứ phụ thuộc vào Thiên Chúa, người hứa sẽ trung thành với giao ước của Ngài. Khi Chúa hứa với Áp-ra-ham, vì không có ai lớn hơn để Ngài thề, Chúa đã thề với chính mình (Hê-bơ-rơ 6: 13-18). Áp-ra-ham và con cháu của ông có thể tin tưởng,tin cậy vào mọi điều Chúa hứa.
Giao ước máu cụ thể này còn được gọi là Giao ước Áp-ra-ham. Máu liên quan đến giao ước này, như với bất kỳ giao ước máu nào, biểu thị sự sống từ nó mà máu đến (Leviticus 17:11).”[1]
Lời Chúa trong thư Rô-ma nói: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng tặng phẩm của Đức Chúa Trời là sự sống vĩnh phúc trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta” (6:23). “Vì anh chị em đã được mua bằng một giá rất cao. Vậy hãy lấy thân thể mình mà tôn vinh Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 6:20). Nói cách khác, Chiên Con của Đức Chúa Trời chuộc tội chúng ta bằng chính huyết của Ngài, và duy chỉ có huyết Chiên Con mới đạt đủ điều kiện để chuộc tội.
Chúa cũng hứa với Áp-ra-ham “một dân lớn.” Cháu nội Áp-ra-ham, Gia-cốp, được chọn thay vì con trưởng nam Ê-sau, để thực thi lời hứa. Đến một thời điểm gia đình được chọn đứng trước nguy cơ bị chết đói vì hạn hán. Nhưng chương trình của Đức Chúa Trờikhông thể nào bị phá hỏng. Ngài đã gởi Giô-sép, con trai của Gia-cốp xuống Ai cập trước để chuẩn bị nơi tạm trú cho gia đình mà từ đó Chúa Cứu Thế sẽ ra đời để cứu chuộc tội lỗi của muôn dân.
Sau khi kiều ngụ tại Gô-sen, Ai cập được 430 năm dân Y-sơ-ra-ên sinh sản rất đông. Đã đến lúc họ phải rời Ai cập để vào đất mà Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham khoảng 600 năm trước đó.
Để chuẩn bị cho biến cố trọng đại, Đức Chúa Trời thiết lập một buổi lễ có ý nghĩa quan trọng, Lễ Vượt qua. Yếu tố nồng cốt của buổi lễ là chiên con. Mỗi gia đình phải giết một con chiên. “Huyết đem bôi trên hai cây cột và mày cửa để nhìn thấy được, không phải ở dưới ngưỡng cửa để dày đạp lên” (Jamieson, Fausset, và Brown). Gia đình nào có máu bôi trên cột và mày sẽ không bị hành hại (Lê-vi 14:4-7; Dân số 19:1). Chiên con bị giết để biệt riêng dân Y-sơ-ra-ên làm một dận thánh cho Đức Chúa Trời. Khi họ hành trình trong đồng vắng, Ngài hướng dẫn họ, ban ngày bằng đám mây, và ban đêm bằng trụ lửa.
Đức Chúa Trời ban cho con dân Ngài Mười Điều Răn. Luật Chúa phải được tuân thủ, nhưng Ngài biết không ai có thể giữ giới luật Ngài cách nghiêm túc. Do đó, Chúa mở cho họ một lối thoát, đó là sinh tế vì “không đổ huyết thì không có sự tha thứ.” Huyết của sinh vật chỉ là tạm thời trong khi chờ đợi Chiên Con thật của Đức Chúa Trời, Chúa Cứu Thế đổ huyết của chính Ngài để chuộc tội cho nhân loại.
“Vì nếu huyết của dê đực bò đực cùng tro bò cái tơ mà người ta rưới trên kẻ ô uế còn làm sạch được phần xác thịt họ và nên thánh thay, huống chi huyết của Đấng Christ, là Đấng nhờ Đức Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Đức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, là dường nào” (Hê 9:13, 14). Suốt thời kỳ Cựu Ước, kể từ khi Đức Chúa Trời dùng sinh vật chuộc tội cho A-đam, đổ huyết là điều kiện để chuộc tội. Tội lỗi là một cái hố ngăn cách Đức Chúa Trời với loài người. Nhưng Đức Chúa Trời luôn luôn có mối liên hệ khắng khít với loài chính Ngài tạo ra.
Không biết lẽ thật này, nhiều bậc vỉ nhân dạy chúng ta lấy sức người để liên hệ với Đức Chúa Trời trong khi Kinh thánh cho biết chỉ có huyết Chiên Con mới đáp ứng yêu cầu của Đức Chúa Trời để được hòa thuận với Ngài.
[1] Gotquestions.org/blood-covenant
Còn tiếp)
Giáo sư Huỳnh Ngọc Ẩn
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com