Home Chuyên Đề Đau Nhưng Không Khổ

Đau Nhưng Không Khổ

by Sưu Tầm
30 đọc

Thưa quí con cái Chúa, trước khi trình bày đề tài này, xin được nói ngắn gọn về một đề tài khác. Đó là đề tài “Đấng Thiết Kế Thông Minh.”

Đấng Thiết Kế Thông Minh

Những người không tin Chúa và những người không muốn làm phiền lòng kẻ vô thần, thay vì dùng danh xưng Đức Chúa Trời để nói về Ngài thì họ gọi Ngài là Đấng Thiết Kế thông minh. Thật vậy, Ngài chẳng những thông minh mà còn vô cùng thông minh vì Ngài tạo mọi vật đều hoàn hảo. Trong câu chuyện sáng tạo sau khi tạo ra ánh sáng, “Đức Chúa Trời thấy sáng là tốt lành” (Sáng thế 1:4). Sau khi tạo ra cây cỏ, “Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành” (Câu 12). Sau khi tạo ra mặt trời, mặt trăng và các vì sao trên trời, “Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành” (Câu 18).Khi người Mỹ nói “tốt,” chúng ta có thể hiểu là “tạm được,” và “tốt lắm” là “tốt.” Nhưng khi Đức Chúa Trời tuyên bố một vật tốt lành, chúng ta có thể hiểu là “hoàn hảo.”  

Tác giả Thi thiên viết, “Tôi cảm tạ Chúa vì tôi đã được tạo nên một cách đáng sợ và diệu kỳ” (Thi thiên 139:14). 

Nhìn lại bản thân của chúng ta, tất cả mọi cơ quan, bộ phận trong thân thể con người đều được tạo dựng cách lạ lùng. Tôi không dám nói nhiều vì chưa học ngành y ngày nào; chỉ muốn chia sẻ một điều tôi biết qua kinh nghiệm bản thân.

Lệ tuyến là ống dẫn nước mắt từ bọc chứa nước mắt ra khỏi mắt sau khi nó rửa sạch con ngươi. Khi lệ tuyến bị tắc nghẽn thì nước mằt chảy ra ngoài, trên má. Nước mắt còn đọng lại sẽ gây ra chứng viêm mắt. Lệ tuyến bên mặt của tôi bị nghẽn; nước mắt thường trào ra và mắt bị viêm, rất khó chịu. Khi bác sỉ khám lần đầu, ông không định bệnh được. Một năm sau tôi đến tái khám, một bác sỉ khác tìm ra được căn bệnh và gởi đến bác sỉ giải phẩu để chữa trị. Tôi làm hẹn để bác sỉ cắt khóe mắt và đặt vào một ống silicon, để tạm thời dẫn nước mắt ra ngoài thay cho lệ tuyến bẩm sinh bị nghẽn.

Qua kinh nghiệm này tôi nhận thấy dù chúng ta được tạo dựng bằng bụi đất, nhưng được thiết kế diệu kỳ để chúng ta có thể sinh tồn trong thế giới sa ngả này. ĐỨC CHÚA TRỜI THẬT TUYỆT VỜI!

Phẩu thuật yêu cầu chịu đau đớn

Ca phẩu thuật của tôi nhỏ thôi dù cũng có một phần nào nguy hiểm và có thể có biến chứng như máu không đặc, hay chổ mổ bị làm độc. Nhưng so với những ca mổ tim, ngực, túi mật và những cơ quan khác thì không thể sánh được. Người chịu mổ bao giờ cũng đau. Người Mỹ có câu: “No pain, no gain” (không đau thì không có lợi). Muốn được chữa lành những bệnh hiểm nghèo như ung thư, người bệnh phải chịu mổ, và hóa trị theo sau. Trị liệu cách nào thì người bệnh cũng phải chịu đau đớn. Muốn khỏi bệnh thì phải chịu đau đớn, nhưng không còn đau khổ khi khỏi bệnh, vì người có Chúa có sự bình an. Nếu không muốn đau đớn thì sự lựa chọn thứ hai là về với Chúa.

Bệnh và Phương Pháp Trị Liệu

Chúng ta có thể dùng những ví dụ nêu trên để minh họa tội lỗi và cứu chuộc.

1. Chúng ta có thể nhìn lại tội lỗi nguyên thủy của tổ tiên loài người. Loài khỉ vượn không phạm tội như loài người, cho nên chúng không thể là tổ tiên của loài người. Sau khi phạm tội họ trốn chạy để tránh phải nghe lời răn dạy của Đấng Sáng tạo, để khỏi ăn năn, để khỏi dâng tế lễ và có thể bị trừng phạt.

Nhưng nếu họ chấp nhận bị trừng phạt, chịu đau, thì sẽ vui mừng khi được phục hồi. Họ tránh đau đớn bằng cách đổ lỗi cho người khác. Hệ quả là họ chịu khổ đời đời vì không còn được sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Những người bị bệnh ung thư vào giai đoạn cuối cùng rất đau đớn; phải chích thuốc phiện để không còn thấy đau đớn nữa. Người phạm tội quá nhiều lần mà không ăn năn thì cũng trở nên chai lỳ đối với tội lỗi và không còn phân biệt điều thiện và điếu ác. Thần của Chúa đã lìa xa họ.

2. Cha nào con nấy. Điều này ít nhất đúng đối với Ca-in. Vì Đức Chúa Trời không bằng lòng tế lễ của ông, nhưng nhận tế lễ của người em, nên ông ghen tức và giết người em vô tội. Khi Chúa hỏi, “A-bên, em ngươi ở đâu?” Ca-in thưa: “Con không biết! Con là người giữ em con sao?” Ông chối vì sợ bị trừng phạt; ông không biết rằng tội ác đang rình rập trước cửa, thèm ông lắm. Hệ quả là ông đau khổ trọn đời: “Này, ngày nay Chúa đuổi con đi ra khỏi đất này, con sẽ trốn tránh mặt CHÚA. Con sẽ lang thang phiêu bạt trên đất” (Sáng thế 4:12).   

3. Trường hợp thứ ba là trường hợp A-can và gia đình bị ném đá vì phạm tội lấy của đáng diệt. Có thể nào ông và cả nhà khỏi chịu hình phạt quá nặng như vậy không? Có thể Chúa cũng dành cho ông một lối thoát nếu ông nhận tội; ít nhất chỉ một mình ông bị ném đá mà thôi. “No pain, no gain.”

4. Trường hợp của vua Đa-vít cũng đáng cho chúng ta nhắc lại. Ông cố giấu tội tà dâm, nhưng Chúa phơi bày ra, khiến ông phải ăn năn. Có lẽ ông là người theo Chúa hết lòng, nên được tha thứ, nhưng cũng phải lãnh những hậu quá thích đáng. Sự khác biệt giữa ông và những người khác là ông thật sự khóc than với Chúa.

5. Khi đọc lịch sử của dân Do thái chúng ta thấy họ nhiều lần vi phạm giao ước của Chúa. Ngài ban cho họ luật pháp và dùng tiên tri để nhắc nhở họ giữ giao ước, đễ sống bình an. Nhưng họ thất bại đáng thương. Khi gặp được người lãnh đạo tin kính nhắc nhở họ ăn năn, và sống hạnh phúc. Được một thời gian thì họ lại bỏ Chúa. Cuối cùng họ bị bắt làm phu tù. 

Giữ giao ước thì khó, nhưng được phước; trong khi vi phạm giao ước thì dễ, nhưng giá phải trả thì quá đắt.

6. Sách Phúc Âm Lu-ca kể chuyện anh em con một ông phú hộ. Người em chán lối sống cơ cực trong nông trại của cha, bèn đòi cha chia gia tài cho anh, rồi đem đi xa, tiêu xài hoang phí. Cuối cùng phải đi chăn lợn và không có gì ăn. Anh chợt tỉnh lại mới biết mình là dại vì ở nhà cha thì cực khổ nhưng không khổ sở. Anh trở về nhà, xưng tội cùng cha, và được tiếp đón hết sức trọng thể. Khi một người biết hạ mình, ăn năn thì họ có thể thay đổi cuộc đời mình.

7. Phúc âm Ma-thi-ơ có kể chuyện hai môn đệ thân tín của Chúa Giê-xu phản Ngài. Giu-đa-ích-ca-ri-ốt bán Ngài với gia ba mươi miếng bạc, và cuối cùng ông “ném bạc vào đền thờ rồi trở ra, đi thắt cổ.” Trong khi đó Phi-e-rơ cũng chối Chúa, nhưng cuối cùng được phục hồi vị trí sứ đồ và thi hành xong sứ mạng của Thầy phó thác cho. Sự khác biệt là Giu-đa ân hận mà không xưng tội, trong khi Phi-e-rơ đi ra ngoài khóc lóc đắng cay khi nhớ lời Thầy đã báo trước “Trước khi gà gáy con sẽ chối Ta ba lần.” Chúa Giê-xu dạy trong Bài Giảng trên Núi: “Phước cho người than khóc, vì sẽ được an ủi.” Phi-e-rơ nắm bắt được lời dạy của Thầy, ‘khóc lóc đắng cay,” và được giao công tác môn đệ hóa muôn dân.

KẾT LUẬN

Sự khác biệt giữa bệnh thuộc linh và bệnh thuộc thể là khi thân thể bị bệnh thì người bị bệnh cần phẩu thuật không có sự lựa chọn nào khác là phải chịu đau để được chữa lành. Người bị bệnh tâm linh thì có quyền lựa chọn phải ăn năn hay tiếp tục sống trong tội lỗi. Sự tương đồng của hai loại bệnh kể trên là cả hai đều đưa đến sự chết nếu không chữa trị.  Phao lô xác định sự thật này: “Anh chị em không biết rằng anh chị em hiến mình làm nô lệ vâng phục ai thì anh chị em là nô lệ cho người mà anh chị em vâng phục sao? Hoặc nô lệ cho tội lỗi thì dẫn đến sự chết, hoặc cho sự vâng phục để đưa đến sự công chính sao?” (Rô-ma 6:16)       

Nô lệ cho tội lỗi thì dễ và sung sướng tạm thời, trong khi nô lệ cho sự vâng phục thì khó, nhưng được phước hạnh đời đời.

Giáo sư Huỳnh Ngọc Ẩn

Trích từ sách “Sống đạo hay có đạo”

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like