Tôi tự hỏi bạn sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy một thầy tế lễ mặc áo lễ ở nơi công cộng?
Hiển nhiên là bạn ít có khả năng nhìn thấy một thầy tế lễ người Y-sơ-ra-ên vào thời này, nhưng cho dù đó là nguyên một bộ áo chùng hay chỉ là một miếng vải nhỏ màu trắng trên cổ áo theo kiểu trang phục dành cho linh mục, thì người mặc chúng cũng mong đợi là người khác sẽ dễ dàng nhận ra họ. Nếu bạn đã từng bị lạc trong một viện bảo tàng hoặc công viên quốc gia, bạn sẽ hiểu được cảm giác nhẹ nhõm là như thế nào khi tìm thấy ai đó mặc đồng phục. Một người mà bạn biết là có thể cho bạn những thông tin cần thiết. Một người quen thuộc với nơi này, người có thể chỉ đường, đưa ra hướng dẫn và lời khuyên tốt. Cũng tương tự như vậy, những người hầu việc Chúa phải làm sao cho bản thân mình dễ được nhận diện để (ít nhất là về mặt lý thuyết) làm nổi bật tâm thế sẵn sàng giúp đỡ của họ đối với những người đang gặp khó khăn trong hành trình thuộc linh của mình.
Bạn là một phần trong chức tế lễ hoàng gia
Mặc dù khi nhắc đến từ “thầy tế lễ” chúng ta thường hình dung ra một người thánh khiết hơn chúng ta – hoặc có lẽ là một người có phẩm chất – nhưng thật ra nó bao gồm mọi kẻ tin. Cũng giống như từ “các thánh” vậy. Những lời dưới đây ban đầu được Phi-e-rơ viết cho các tín hữu người Do Thái, nhưng cũng được mở rộng ra để bao gồm tất cả những người được ghép vào với toàn thể dân tộc Y-sơ-ra-ên:
“Nhưng anh em là dòng giống được tuyển chọn, là chức tế lễ hoàng gia, là dân tộc thánh, là dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời, để anh em rao truyền công đức vĩ đại của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đưa vào vùng ánh sáng diệu kỳ của Ngài. Trước kia anh em không phải là một dân, nhưng bây giờ là dân Đức Chúa Trời; trước kia không được thương xót, mà bây giờ được thương xót.” (1 Phi-e-rơ 2:9-10)
Ở đây Phi-e-rơ đang đề cập lại một vài nơi trong Kinh Thánh của người Do Thái. Ông nhắc nhở người Do Thái rằng họ từng là dân bị Chúa phán “không phải là dân ta” và “kẻ không được thương xót” trong Ô-sê nhưng sự kêu gọi ban đầu của họ là một dân được chọn, được chọn ra trong số tất cả các dân trên đất để mang danh Ngài:
“Vậy bây giờ, nếu các con thật lòng vâng lời Ta và giữ giao ước Ta thì trong tất cả các dân tộc, các con sẽ là tài sản riêng của Ta; dù cả thế gian đều thuộc về Ta. Các con sẽ trở thành một vương quốc thầy tế lễ và một dân tộc thánh cho Ta.’ Đó là những lời con phải nói lại với con dân Y-sơ-ra-ên.” (Xuất 19:5-6)
Đức Chúa Trời đã phán những lời đó với dân Y-sơ-ra-ên tại núi Si-nai, khoảng bảy tuần sau khi họ được giải thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập. Ngài đã giải cứu họ và sau đó sai họ đi ra để trở thành ngọn cờ cho Đức Chúa Trời là Đấng cứu chuộc.
Giống như người Lê-vi làm trung gian giữa các chi phái và Đức Chúa Trời của họ, quản lý đền tạm và dâng tế lễ cho dân sự, thì dân tộc Y-sơ-ra-ên ngày nay cũng trở thành thầy tế lễ cho thế gian, là người trung gian hoặc liên kết giữa con người và Đấng Tạo Hóa của họ.
Dân Chúa được giải cứu…và sai đi!
Trong tiếng Do Thái, cụm từ “Hãy để dân ta đi!” còn có nghĩa là “Hãy để dân ta được sai đi!” Dân Y-sơ-ra-ên không chỉ được giải cứu khỏi Ai Cập mà họ còn được sai đi vì một mục đích: họ là sứ giả của Chúa, được biết đến bởi danh Ngài, và danh Đức Chúa Trời đã gắn liền với dân của Ngài. Ngài là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.
Bằng việc giải cứu họ và nhận họ làm dân tuyển của mình, Chúa đã tạo ra một dân tộc hàng đầu, được sai đi để bày tỏ cho thế gian thấy Ngài. Ngài ban cho họ Kinh Thánh để dạy họ sống theo các quy tắc của Ngài và họ bắt đầu cuộc hành trình dạy lại cho thế gian đang quan sát cách Chúa tương tác với dân sự Ngài. Chẳng phải dân Y-sơ-ra-ên lúc nào cũng là một tấm gương mẫu mực đâu, nhưng câu chuyện của Y-sơ-ra-ên cung cấp cho thế gian một ý tưởng tốt lành về việc Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào.
Phao-lô viết trong Rô-ma 3:2, “Trước hết, người Do Thái được ủy thác lời của Đức Chúa Trời”. Sau đó, trong đoạn 9 ông nói cho chúng ta biết,
“…Y-sơ-ra-ên, dân được hưởng danh phận con nuôi, vinh quang, lời giao ước, luật pháp, sự thờ phượng, và lời hứa; là dân được sinh ra bởi các tổ phụ và từ dòng dõi nầy, về phần xác, đã sinh ra Đấng Christ, Đấng trên hết mọi sự, là Đức Chúa Trời đáng được chúc tụng đời đời. A-men.” (Rô-ma 9:4-5)
Giống như nhiệm vụ này đã được trao cho dân Y-sơ-ra-ên tại núi Si-nai, là nơi mà Đức Chúa Trời đã lập Y-sơ-ra-ên làm chức tế lễ cho nhiều dân tộc, thì cũng như vậy vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Chúa Trời đã tuôn đổ Thánh Linh của Ngài trên mọi dân tộc, lập mọi kẻ tin làm thầy tế lễ của Ngài để sai họ đi giúp những người còn bị giam cầm trong bóng tối. Có cùng một quy trình ở đây: giải cứu, sau đó sai đi.
Điều đó có nghĩa là, cho dù bạn là người Do Thái hay người ngoại bang, nếu bạn được tái sinh, bạn được kêu gọi để giữ chức tế lễ. Và thực chất, bạn chính là một thầy tế lễ. Bạn có thể là người xấu, có thể là người tốt, nhưng đó chính là bạn.
Chức thầy tế lễ là gì?
Vai trò của thầy tế lễ bao gồm làm trung gian, quản trị và hòa giải. Các thầy tế lễ đại diện cho Đức Chúa Trời trước mặt người khác. Thầy tế lễ giống như các đại sứ, làm trung gian giữa người họ đại diện và người mà họ phải phát ngôn. Đại sứ quán Y-sơ-ra-ên đại diện cho nước Y-sơ-ra-ên tại các quốc gia khác, như thể chính phủ Y-sơ-ra-ên đang có mặt tại đó, và vai trò của một đại sứ là phát ngôn thay cho những người mà họ đại diện. Là thầy tế lễ, chúng ta đại diện cho Chúa trước mặt mọi người, đó là một trách nhiệm cao cả. Khi các tín hữu được gọi là “Cơ-đốc nhân” lần đầu tiên ở thành An-ti-ốt, thì từ này có nghĩa là “những Christ nhỏ” – hay “Mê-si nhỏ” theo cách nói của những người Do Thái tin vào Chúa Giê-xu (Messianic). Chúng ta đại diện cho Chúa mình. Một lần nữa, chúng ta có thể làm tốt điều này hoặc không, nhưng cho dù chúng ta có thích hay không, chúng ta vẫn là đại diện cho Chúa Giê-xu trong mắt thế gian.
Thứ hai, có một chức năng quản lý hành chính ở đây – chức vụ của một thầy tế lễ. Dưới thời Môi-se, có rất nhiều việc như rửa, cắt, thiêu, làm sạch và dâng tế lễ phải được thực hiện. Phải có người làm những việc này. Vai trò của các thầy tế lễ được mô tả trong kinh luật truyền khẩu của người Do Thái (Mishna) là nhiệm vụ dâng sinh tế và giảng dạy Ngũ Kinh (Torah). Phải có người đảm bảo cho Hòm Giao Ước được khiên đúng cách, và ai đó phải dọn dẹp bàn thờ sau khi dâng xong tất cả các của lễ. Phải có người chịu trách nhiệm gỡ tấm màn che mỗi khi đền tạm được dời đi và treo nó lên lại ở điểm dừng kế tiếp. Các thầy tế lễ có trách nhiệm giảng dạy Lời Chúa và thi hành các công việc của Ngài. Dạy Lời Chúa là một trách nhiệm to lớn, trong khi việc thực hiện các công việc tay chân thì lại quá phổ thông và có vẻ không mấy thuộc linh. Nhưng tất cả những việc đó đều là công việc thiêng liêng – không được xem thường.
Làm chức vụ có thể là giúp người khác hiểu Kinh Thánh, lắng nghe ai đó chia sẻ những khó khăn của họ, cầu nguyện và “xông hương” hay cầu thay cho người khác, hoặc có thể chỉ đơn giản là di chuyển đồ đạc. Chúng ta là những chiếc bình của Chúa, là tay và chân của Ngài trên đất này. Chúng ta là những thầy tế lễ làm công việc Chúa. Một lần nữa, chúng ta có thể làm tốt hoặc không. Đã có rất nhiều thầy tế lễ xấu xa trong quá khứ, nhưng cũng có những người hầu việc Chúa hết sức hết lòng trong mọi sự. Vì bạn là một thầy tế lễ, có thể điều này thật đáng để suy nghẫm rằng làm thế nào bạn có thể rao truyền lời Chúa cho người khác – bạn có biết ai là người để bạn có thể khích lệ đức tin trong họ không? Bạn có thể tìm thấy những nguồn lực tốt để giúp bạn dẫn dắt người khác qua Kinh Thánh không?
Và cuối cùng các thầy tế lễ có vai trò hòa giải. Có một khoảng cách giữa Đức Chúa Trời thánh khiết và con người tội lỗi chúng ta, nhưng các thầy tế lễ có thể khuyên mời và thuyết phục con người quay trở về cùng Đấng Tạo Hóa yêu thương của họ, cũng như cầu xin cho sự sống của đồng bạn mình trước mặt Chúa. Đây là một vai trò có ý nghĩa quan trọng và tình yêu thương lớn lao.
Bởi vậy, do lòng kính sợ Chúa, chúng tôi cố thuyết phục những người khác. Đức Chúa Trời biết rõ chúng tôi, và tôi hi vọng lương tâm anh em cũng biết rõ chúng tôi… Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi, và chúng tôi nghĩ rằng nếu một người đã chết vì mọi người, thì mọi người đều đã chết. Và vì Ngài đã chết thay cho mọi người, để những người đang sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình.
…Mọi điều đó đến từ Đức Chúa Trời, Đấng đã cho chúng ta được hòa giải với Ngài qua Đấng Christ, và giao cho chúng tôi chức vụ hòa giải. Ấy là, trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã cho thế gian được hòa giải với Ngài, không kể tội lỗi cho loài người, và ủy thác cho chúng tôi sứ điệp hòa giải. Vậy, chúng tôi là đại sứ của Đấng Christ, Đức Chúa Trời dùng chúng tôi để khuyên mời. Chúng tôi nhân danh Đấng Christ nài xin anh em hãy làm hòa với Đức Chúa Trời. (2 Cô-rinh-tô 5:11,14-15,18-20)
Thật là một vinh dự – nhiệm vụ giúp hàn gắn sự rạn nứt giữa con người và Đức Chúa Trời. Chính Chúa đã giao phó cho chúng ta làm việc này trong Đại Mạng Lệnh. Dù chúng ta có ý thức được điều này hay không, chúng ta vẫn đại diện cho Chúa trước mặt những người không biết Ngài. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể chia sẻ tấm lòng của Ngài, lời của Ngài và nói về sự tốt lành của Ngài. Chúng ta cũng có quyền được tự do đến trước ngôi ân điển của Chúa để cầu thay cho người khác, và trình dâng nhu cầu của họ trước mặt Ngài. Chúng ta có thể thay mặt họ cầu xin lòng thương xót, sự can thiệp và phép lạ từ Chúa.
Có thể trước đây bạn chưa bao giờ nghĩ tới điều này, nhưng bạn là một thầy tế lễ. Đó là một nhiệm vụ trang trọng được trao cho mọi kẻ tin. Hãy làm tốt nhiệm vụ này!
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: oneforisrael.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com