Home Văn Phẩm BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 14: Thiên Đàng, Trời Mới, Đất Mới, Giê-ru-sa-lem Mới

BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 14: Thiên Đàng, Trời Mới, Đất Mới, Giê-ru-sa-lem Mới

by Sưu Tầm
30 đọc

Tín hữu:

Thưa mục sư, chương 21 thường được đọc để có hiểu biết về Thiên Đàng. Nếu Thiên Đàng như vậy thì quá tuyệt vời, nhưng con nghĩ đây chỉ là biểu tượng.

Mục sư:

Giăng miêu tả một khái niệm mới mà con người không thể hình dung ra và không có ngôn ngữ nào mô tả nổi. Cũng như một người trong rừng sâu của Việt nam được đưa sang bên Mỹ thăm một toà nhà lớn nhất của Nữu Ước, làm sao anh ta mô tả cho cha mẹ mình những thứ như máy bay, xe hơi, thang máy, đèn điện, Tivi, lò vi sóng v.v… và làm sao người nghe chấp nhận được lời tường thuật, mô tả của y.

Cũng vậy đối với sách Khải Huyền và khải thị của Giăng. Về chương 21, tôi nghĩ Thiên Đàng mới, tức Trời Mới, Đất Mới (không có biển mới). Khái niệm Thành Thánh Mới, Tạo Vật Mới… mang tính chất biểu tượng rất cao. Trời thường được tượng trưng cho Thần Linh, Đất tượng trưng cho Tạo Vật. Đất cũng tương trưng cho nhân loại và nếu được chia ra, thì đất liền tượng trưng cho Do-thái, biển tượng trưng cho ngoại bang. Vậy trong thế giới mới của Chúa không có biển tức là không có dân ngoại nhưng tất cả mọi người đều là dân tuyển chọn, con cái của Đức Chúa Trời.

Thành Thánh là nơi Chúa ngự trị như được giải thích trong 21:10-11, mà trong quan điểm Tân-Ước, là trái tim của tín đồ.

Kích thước của Thành thánh cũng rất lạ, mang tính biểu tượng nhiều hơn là nghĩa đen: chiều dài chiều rộng và chiều cao bằng nhau và bằng 2400 km, rất lớn so với bất cứ thành nào trên thế gian, nhưng quá nhỏ so với trái đất để có chỗ ở cho hàng tỷ tín đồ. Kích thước 12 ngàn Ếch-Ta-đơ mỗi chiều, cùng 12 cổng mang tên 12 bộ tộc Y-sơ-ra-ên và 12 nền tảng mang tên 12 Sứ đồ, với 12 cây sự sống. Toàn là số 12, nhìn vào đâu cũng thấy 12. Tất cả đều có ý nghĩa tượng trưng bởi chắc con số 12 rất quan trọng và dễ hiểu đối với Giăng và độc giả nguyên thủy.

Trong ngữ cảnh câu 21:27, cũng như câu 22:15 vẫn còn có những kẻ ô-uế, ghê tởm và nói dối sống ngoài thành. Nhưng theo câu 21:7, 8 thì họ đã bị quăng vào hồ lửa. Trong thành có thánh nhân, ngoài thành có tội nhân? Đây là điều khó giải thích, nhưng có thể gợi ý rằng Thành thánh được coi như Nước Trời thường được mô tả trong Phúc Âm tức Hội Thánh trong giai đoạn mà người ác vẫn song song tồi tại.

Rồi tạo vật mới (21:5) có thể nói về tín đồ như trong 2 Cô-ri-tô 5:17 “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới.”

Về Cây Sự Sống cũng có thể mang tính chất biểu tượng. Bởi vì có nói đến sự chữa bệnh, mà khi đã ở trong Thiên Đàng làm sao có bệnh tật mà chữa. Chắc đây ám chỉ thời đại chúng ta đang sống và sự chữa bệnh qua ân tứ thuộc linh.

Tóm lại chương 20 và 21 mang tính biểu tượng cao, và những gì Giăng truyền đạt lại không có ở các nơi khác trong Kinh thánh , hoặc có quá ít để xây dựng thành những tín lý lớn. Tôi khuyên con đọc cho biết thôi, nhưng đừng dùng nó để tranh luận. Trong thời gian và hoàn cảnh cho phép, Chúa Thánh Linh sẽ mở trí cho con và mọi người.

Sứ điệp quan trọng nhất không phải hình dáng kích thước và vật liệu của Thiên Đàng , mà là: “Kìa, đền tạm của Đức Chúa Trời ở với loài người! Ngài sẽ ở với họ và họ sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với họ. Ngài sẽ lau ráo nước mắt trên mắt họ. Sẽ không có sự chết, cũng không có tang chế, than khóc, hoặc đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi.” (21:3-4)

(Còn tiếp)

Nếu quý độc giả có bình luận hoặc thắc mắc gì về bài viết trên xin liên hệ với tác giả qua email: ChanlyChanTinh@yahoo.com

Mục sư: Nguyễn Ngọc Hà

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like