Home Chuyên Đề BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 9: Mùa Gặt

BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 9: Mùa Gặt

by Sưu Tầm
30 đọc

Tín hữu:

Xin Mục sư giải thích cho con nghe về những mùa gặt, ở cuối chương 14. Không biết những mùa gặt này có khác với mùa gặt Chúa Giê-xu nói trong Ma-thi-ơ 13:24-30 và 36-43 không?

Mục sư:

Khải Huyền 14:14-20 có nói về hai mùa gặt: Mùa gặt thứ nhất là gặt lúa mì, tượng trưng cho việc thu hoạch lúa tốt, tức là tín đồ và loại bỏ lúa xấu là tín đồ giả. Mùa gặt thứ hai là gặt nho, đem ép, tượng trưng cho kẻ vô tin phải chịu đựng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời.

Mới đọc qua, độc giả nghĩ rằng đầu tiên người công chính được đưa về Thiên Đàng, sau đó là sự phán xét thế gian. Như vậy trái với thứ tự trong chuyện ngụ ngôn “lúa và cỏ lùng”. Theo Ma-thi-ơ, trong đó cỏ lùng bị nhổ trước, rồi mới tới thu hoạch lúa. Thực ra không sai. Theo Khải Huyền, gặt lúa trước khi hái nho, nhưng khi gặt lúa, thiên sứ sẽ cắt cỏ lùng trước. Sự cắt cỏ lùng và thu hoạch lúa xảy ra trong Nước Trời, tức Hội Thánh, với mục đích loại bỏ tín đồ giả. Còn mùa gặt nho xảy ra ngoài Hội Thánh, khi Đức Chúa Trời giáng thịnh nộ trên thế gian vô tin. Theo thứ tự Khải Huyền, mùa gặt nho xảy ra khi chén thịnh nộ được đổ ra khắp thế gian, tín đồ thật đã được đưa về Thiên Đàng rồi.

Tín hữu:

Mục sư có quan sát điều gì trong chương 15 không?

Mục sư:

Tôi thấy đây là cảnh thờ phượng trước bảy chén thịnh nộ cuối cùng. Khải Huyền 15:1, trong đó có những người chiến thắng Con Thú và hình tượng mang số tên của nó. Họ hát bài ca Môi-se và bài ca Chúa Giê-xu (15:2-3). Câu 15: 5 nói về Lều Chứng Ước và những người thắt đai vàng ngang ngực giống như hình ảnh Lều Tạm và các thầy Tế-lễ xưa kia. Điều này gợi ý cho tôi thấy đây là nhóm tín đồ Do-thái được cứu trong cơn Đại nạn. Họ được lên Thiên Đàng qua sự tử đạo hay sự thăng thiên trước 7 chén thịnh nộ trong chương 16.

Tín hữu:

Đây quả là niềm an ủi, đặc biệt đối với các hội thánh chịu bắt bớ. Càng đọc sách Khải Huyền con càng cảm thấy được khích lệ bởi sự bênh vực và giải cứu của Chúa đối với tín đồ và phán xét công minh cho thế gian bất tin. Sự phán xét công minh được thấy trong chương 16, trong đó con thấy những tai họa khủng khiếp giáng trên thế gian mà không thấy nhắc đến một sự hiện diện nào của tín đồ.

Mục sư:

Sự bắt bớ của thế gian là điều dĩ nhiên, vì Sa-tan thù ghét đạo Chúa, xui khiến con cái ma quỷ bắt bớ con cái Chúa. Họ sẽ càng ghét con cái Chúa nhiều hơn khi con cái Chúa được bảo vệ còn họ phải chịu đựng cơn thịnh nộ. Trong Ma-la-chi 3:17-4:3, cũng như Ê-sai 66:10-16, có nói về sự khác biệt đối xử của Đức Chúa Trời đối với những người có và không có đức tin. Cơn thịnh nộ của Chúa giáng trên thế gian bất tin, chứ không bao giờ giáng trên tín đồ cùng sống trong thế gian. Trong các thư gởi cho 7 hội thánh, Chúa chẳng đe dọa: “nếu các ngươi không ăn năn Ta sẽ cho các người chịu tai họa như người trong thế gian”, nhưng ngược lại Chúa hứa trong Khải huyền 3:10 “Vì con đã vâng giữ lời Ta dạy về lòng kiên nhẫn nên Ta cũng sẽ giữ con khỏi giờ thử thách, là giờ sắp đến trong khắp thế gian, để thử nghiệm những người sống trên đất.” Có một vài dẫn chứng chứng minh cho điều này. Khi Chúa gởi nạn Hồng Thuỷ Chúa phán gia đình ông Nô-ê xây thuyền trước. Khi Chúa quyết định hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-ra, Chúa đưa ông Lót ra khỏi thành, Khi Chúa trừng phạt Pha-ra-ôn và dân Ai-cập, Chúa giáng 10 tai họa xuống Ai-cập nhưng những vùng dân Chúa sống không ai bị ảnh hưởng, kể cả súc vật của họ.

Nói như vậy không có nghĩa không có tín đồ tử đạo, ở đây chúng ta đang nói việc tín đồ có chịu cơn thịnh nộ của Chúa hay không. Còn việc tử đạo chỉ xảy ra bởi tay kẻ ác khi Chúa cho phép.

Các tai họa chương 16 khá giống các tai họa xảy ra ở Ai cập, như ung nhọt trên người thờ con thú, nước sông biến thành máu và mưa đá, nhưng mức độ lớn hơn, như không những sông mà còn biển biến thành máu – chứng tỏ cả Y-sơ-ra-ên và dân ngoại, đồng thời lửa từ trời và mưa đá (rơi xuống mỗi hạt 40 ký). Điều này khích lệ độc giả nguyên thủy chủ yếu là tín đồ gốc Do-thái, và độc giả trong những ngày sau rốt, thánh đồ kỳ Đại Nạn cũng chủ yếu là người gốc Do-thái.

Sự an ủi được thấy nếu độc giả so sánh mức độ giữa sự bắt bớ của thế gian đối với tín đồ và cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với Thế Gian. Sự bắt bớ của thế gian dù tàn bạo, nhưng không kinh khiếp bằng cơn thịnh nộ của Chúa.Tín đồ vì không mang dấu con thú thì không mua bán được, một số người (nhưng không phải tất cả) có thể bị sát hại. Còn thế gian bị quái vật dạng châu chấu và kỵ binh hành hạ, bị ung nhọt, phải uống huyết từ sông, biển, chịu Mặt Trời thiêu đốt, chịu bóng tối, chịu mưa đá, chịu tranh chiến, đói khát, dịch bệnh…

(Còn tiếp)

Nếu quý độc giả có bình luận hoặc thắc mắc gì về bài viết trên xin liên hệ với tác giả qua email: ChanlyChanTinh@yahoo.com

Mục sư: Nguyễn Ngọc Hà

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like