Home Chuyên Đề Mảng Tối Của Các Giải Nobel – Phần 1: Những thành tựu đã bị chứng minh là sai sau khi được trao giải

Mảng Tối Của Các Giải Nobel – Phần 1: Những thành tựu đã bị chứng minh là sai sau khi được trao giải

by Viethungpham.com
30 đọc

Giải Nobel có uy tín vô cùng lớn đến nỗi nhiều người coi đó là thước đo của chân lý. Tuy nhiên, nếu bạn biết những mảng tối của Giải Nobel, bạn sẽ có cái nhìn thận trọng hơn đối với những tuyên bố của Tổ chức Giải Nobel, chẳng hạn như thông cáo về Giải Nobel Hoá học 2018.

Uy tín của các Giải Nobel là điều không thể chối cãi. Hàng năm cứ đến Tháng 10, mọi người hồi hộp chờ đợi các Thông cáo phát đi từ Tổ chức Giải Nobel (Nobel Prize Organization). Những người đoạt giải được xã hội coi như những cá nhân ưu tú nhất trong cộng đồng nhân loại. Thậm chí, trong con mắt của rất nhiều người, nếu không phải là tất cả, những nhà khoa học đoạt Giải Nobel có thể xem như những “ông thánh khoa học”. Lời lẽ của họ ban ra được xem như “lời của thánh”. Tuyên bố và nhận định của Tổ chức Giải Nobel được xem như những khuôn vàng thước ngọc trong việc đánh giá chân lý.

Với ấn tượng thán phục dành cho Giải Nobel như thế, Giải Nobel Hoá học năm nay, 2018, đã gây nên một cơn “địa chấn” dư luận với hai luồng cảm xúc trái ngược:

  • “Phe tiến hoá” vui mừng khôn xiết vì những công trình đoạt Giải Nobel Hoá học 2018 đã chứng minh rằng “sự tiến hoá có hướng dẫn” (directed evolution) là một sự thật không thể chối cãi! Bất luận nội dung công trình nghiên cứu này như thế nào, chữ “tiến hoá” đã có mặt trong lý do để đoạt giải thưởng! Các thầy dạy Thuyết tiến hoá tha hồ nói với học trò của mình rằng, “này các em, năm nay Thuyết tiến hoá đoạt Giải Nobel đấy”! Và tất nhiên, học sinh ngây thơ sẽ trố mắt thán phục.
  • “Phe phản đối thuyết tiến hoá”, một số lấy làm lo lắng, băn khoăn tự hỏi: chẳng lẽ “tiến hoá” là một sự thật hay sao? Số còn lại, những người có hiểu biết vững chắc, không có gì để lo lắng, mà chỉ thấy trách nhiệm của mình là giải thích cho cộng đồng hiểu sự thật: Tổ chức Giải Nobel đã cố tình áp đặt khái niệm “tiến hoá” vào một hiện tượng chẳng nói lên cái gì là tiến hoá cả. Đây chỉ là dịp để mọi người thấy Tổ chức Giải Nobel (bộ phận hoá học) tự giới thiệu mình là một thành phần của “cộng đồng các nhà tiến hoá” mà thôi. Các nhà tiến hoá từng tuyên bố những điều sai sự thật, và đây là một sự kiện tương tự.

Vì thế, sẽ là hữu ích để nói với mọi người về mảng tối của các Giải Nobel. Xin giới thiệu một vài bài báo tiêu biểu nói rõ cho chúng ta biết mảng tối đó:

  • Mảng tối của những nghiên cứu đoạt Giải Nobel” (The dark side of Nobel prizewinning research)[1], bài của Hugues Honore trên tạp chí PHYS.ORG (Tổ chức Vật lý) ngày 04/10/2015
  • 5 quyết định làm cho Giải Nobel trông xấu xí” (Five decisions that made the Nobel Prizes look bad)[2], bài của Karl Ritter trên tạp chí PHYS.ORG ngày 01/10/2016
  • Bác bỏ những khám phá đã đoạt Giải Nobel” (Disproved Discoveries That Won Nobel Prizes)[3], bài của Ross Pomeroy trên tạp chí Real Clear Science (Khoa học Thực Rõ Ràng) ngày 06/10/2015

Mong độc giả tham gia dịch thuật những bài báo nói trên sang tiếng Việt để phổ biến thông tin khoa học đến với mọi người. Sau đây là hai trường hợp sai lầm tiêu biểu của các Giải Nobel đã được nêu lên trong những bài báo đó.

Sai lầm của Giải Nobel Y học năm 1926

Một trong những Giải Nobel gây tranh cãi nhiều nhất là Giải Nobel Y học năm 1926 trao tặng cho Johannes Fibiger, “vì khám phá ra Spiroptera carcinoma” – một loài giun ký sinh được cho là gây ra bệnh ung thư ở chuột. Nhưng những nghiên cứu sau này cho thấy mặc dù loài giun ký sinh đó tồn tại, nhưng chúng không phải là nguyên nhân gây ra ung thư. Vậy cái gì đã làm cho Fibiger sai lầm?

J_FibigerBách khoa toàn thư mở Wikipedia cho biết:

“Khi nghiên cứu về bệnh lao của các con chuột trong phòng thí nghiệm, Fibiger nhận thấy một số u trong các con chuột nghiên cứu. Fibiger cho rằng các u này liên quan tới loài giun tròn ký sinh, sống trong các con gián mà chuột đã ăn. Fibiger nghĩ rằng các sinh vật này là nguyên nhân gây ra ung thư. Thực ra, các con chuột đó bị chứng thiếu vitamin A và đó là nguyên nhân chính gây ra các u. Các vật ký sinh kia chỉ đơn thuần gây ra sự kích thích mô, đẩy các tế bào bị hư vào u ung thư”[4].

Không nên nặng lời chê trách Fibiger hoặc Tổ chức Giải Nobel vì sai lầm này, bởi lẽ vào thời điểm đó, những năm 1920, ung thư là một trong những căn bệnh nan y bí ẩn nhất. Fibiger là một nhà khoa học trung thực đã làm việc không mệt mỏi, mạnh dạn nêu lên các giả thuyết, trong đó ký sinh trùng là một trong những giả thuyết về nguyên nhân gây nên ung thư. Tuy nhiên, sai lầm vẫn là sai lầm. Không thể vì sự thông cảm với Fibiger mà bảo rằng ông không sai hoặc Giải Nobel trao cho ông không sai. Một số người bênh vực Fibiger và Tổ chức Giải Nobel nói rằng “ý tưởng cho rằng mô bị hư là nguyên nhân của bệnh ung thư vẫn là một tiến bộ quan trọng trong nghiên cứu bệnh ung thư”. Nhưng tiến bộ ấy có xứng đáng với Giải Nobel hay không lại là việc hoàn toàn khác. Vả lại, muốn hay không, trong nhận định trao giải thưởng, Tổ chức Giải Nobel đã nhận định sai lầm, vì thừa nhận kết luận của Fibiger rằng ký sinh trùng Spiroptera carcinoma là nguyên nhân dẫn tới ung thư.

Thật vậy, trong một ấn bản năm 1992 của Biên niên sử Y học nội bộ, Tamar Lasky và Paul D. Stolley nhận định[5]:

“Hiện nay chúng ta biết ung thư dạ dày không phải do ký sinh trùng Spiroptera carcinoma gây ra, và “khám phá” có mục đích nói lên mối quan hệ đó dường như không xứng đáng với một chú thích lịch sử, chứ đừng nghĩ tới một giải Nobel”.

Thật trớ trêu, khi tuyên bố lý do trao tặng giải thưởng cho Fibiger, Uỷ ban Nobel đã mô tả công trình của ông là “một ngọn hải đăng toả sáng trong nỗ lực của khoa học tìm kiếm sự thật…”.

Tamar Lasky và Paul Stolley kết luận:

“Câu chuyện của Fibiger đáng kể không chỉ vì nó dạy chúng ta về những cạm bẫy trong nghiên cứu khoa học và lý luận, mà còn vì nó có thể cung cấp sự an ủi cho những người không bao giờ được nhận Giải Nobel (mà xứng đáng được nhận)”

Sai lầm của Giải Nobel Vật lý năm 1938

Nếu ít người được biết sai lầm của Giải Nobel dành cho Fibiger thì có lẽ nhiều người biết sai lầm của Giải Nobel dành cho Enrico Fermi, một nhà vật lý nổi tiếng được ghi nhận như cha đẻ của lò phản ứng hạt nhân đầu tiên ở Chicago, người được khắc tên vào các cuốn sách lịch sử về lý thuyết lượng tử, vật lý hạt nhân và hạt, cơ học thống kê. Nhưng ông cũng giành được một Giải Nobel do nhầm lẫn.

Bài báo “Bác bỏ những khám phá đã đoạt Giải Nobel” (đã dẫn ở trên) cho biết:

enricofermiaFermi đã đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1938 “vì những luận chứng của ông về sự tồn tại của các nguyên tố phóng xạ mới được tạo ra bởi bức xạ neutron, và vì sự phát hiện liên quan đến các phản ứng hạt nhân do các neutron chậm mang lại”.

Nhưng thực ra Fermi không chứng minh được sự tồn tại của các nguyên tố phóng xạ mới.

Khi Fermi bắn phá các nguyên tử uranium với các neutron chuyển động chậm, và quan sát một quá trình được gọi là phân rã beta, ông nghĩ ông đã khám phá ra những nguyên tố mới và thậm chí còn đặt tên cho những nguyên tố mới đó là Ausonium và Hesperium. Nhưng sau này người ta biết rằng những gì ông thực sự làm và vô tình thực hiện chính là sự phân hạch hạt nhân uranium, trong đó các nguyên tử uranium phân chia thành các nguyên tố nhẹ hơn!

Người sau này thực sự thực hiện được phản ứng phân hạch uranium là Otto Hahn và Lise Meitner. Hahn đã đoạt Giải Nobel Hoá học năm 1944, Meitner bị Uỷ ban Nobel “bỏ quên”. Còn Enrico Fermi thì đã thừa nhận mình nhầm lẫn. Không hề có Ausonium và Hesperium, chỉ có nguyên tố thứ 93, Neptunium được tạo ra từ sự phóng xạ uranium.

Tất nhiên Fermi vẫn là người có công lớn khi khám phá ra phương pháp bắn phá uranium bằng neutron chậm, nhưng cả Fermi lẫn Uỷ ban Nobel đều SAI khi cho rằng luận chứng của Fermi chứng minh sự tồn tại của những nguyên tố phóng xạ mới.

Những câu chuyện về sai lầm của các Giải Nobel dạy chúng ta điều gì?

Trước hết nó dạy ta rằng trong khoa học, không có ai là “thánh”. Uỷ ban Nobel không phải là “thánh”, nên những điều họ tuyên bố, bên cạnh nhiều điều là đúng, có không ít điều là SAI.

(Còn tiếp)

Nguồn: Viethungpham.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like