Home Văn Phẩm Đào Tạo Môn Đồ – Chương 8: Môn đồ hoá: Đó là sự Lựa chọn của Bạn

Đào Tạo Môn Đồ – Chương 8: Môn đồ hoá: Đó là sự Lựa chọn của Bạn

by daotaomondo.com
30 đọc

Đào Tạo Môn Đồ
Tác giả: Greg Laurie

Chương Tám
Môn đồ hoá: Đó là sự Lựa chọn của Bạn

Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến. (Giăng 17:3)

Bạn từng nghe thấy rằng nếu bạn không có đích nhắm, bạn sẽ không thể đánh trúng. Bạn đang đi theo chiều hướng nào trong cuộc đời? Đây không phải là một điều bí ẩn: bạn quyết định điều đó chính là gì. Bạn có sự lựa chọn trong chuyện này. Như Chúa đã phán với dân Y-sơ-ra-ên:

Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống, thương mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và tríu mến Ngài; vì Ngài là sự sống ngươi. (Phục truyền luật lệ ký 30:19-20)

Bạn đứng ở vị trí nào hôm nay sẽ quyết định vị trí bạn đứng vào ngày mai. Bạn quyết định cho buổi tối của cuộc đời bạn như thế nào bằng buổi sáng hôm đó. Và tin tốt là kể cả nếu bạn đã phạm sai lầm trong quá khứ, bạn vẫn có thể làm lại chính mình, vì bạn phục vụ Chúa của cơ hội thứ hai

Bạn được đặt để trên đất để biết Chúa. Mọi thứ đều chỉ đứng sau. Sự nghiệp của bạn, của sở hữu, ngay cả mục vụ và tất cả những thứ làm bạn tách rời khỏi sự nhận biết Chúa. Chúa Giê-su cầu nguyện cho môn đồ Ngài, “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3).

Chúa nói với Giê-rê-mi, “Người khôn chớ khoe sự khôn mình; người mạnh chớ khoe sự mạnh mình; người giàu chớ khoe sự giàu mình. Nhưng kẻ nào khoe, hãy khoe về trí khôn mình biết ta là Đức Giê-hô-va” (Giê-rê-mi 9:23-24).

Đây là mục tiêu của sứ đồ Phao-lô, ông nói rằng, “cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài” (Phi-líp 3:10). Bản dịch khác chép là, “Để tôi có thể dần dần trở nên quen thuộc với Ngài sâu sắc và mật thiết hơn…” (AMP).

Đầu phục Hoàn toàn

Trên giường bệnh, Đa-vít có những lời cuối với con trai Sa-lô-môn, và chúng vẫn đầy năng quyền trên chúng ta ngày nay:

 “Còn ngươi, là Sa-lô-môn, con trai ta, hãy nhận biết Đức Chúa Trời của cha, hết lòng vui ý mà phục sự Ngài; vì Đức Giê-hô-va dò xét tấm lòng, và phân biệt các ý tưởng. Nếu con tìm kiếm Ngài, Ngài sẽ cho con gặp; nhưng nếu con lìa bỏ Ngài, ắt Ngài sẽ từ bỏ con đời đời.” (1 Sử ký 28:9)

Đa-vít biết điều mình đang nói. Hồi còn nhỏ, Chúa đã cất ông từ một người hèn mọn lên vua của Y-sơ-ra-ên. Hãy đọc Thi thiên, phần lớn được viết bởi Đa-vít, sẽ phát hiện ra ông yêu Chúa sâu đậm dường bao. Khi đó ông là cậu trai trẻ yêu thích sự mật thiết sâu nhiệm với Chúa. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh miêu tả ông là “kẻ hát êm dịu của Y-sơ-ra-ên” (2 Sa-mu-ên 23:1) và “một người theo lòng Ngài” (1 Sa-mu-ên 13:14). Chúng ta đọc thấy ông chăn cừu ngoài đồng và hát những bài hát tuyệt vời để ngợi ca Chúa với chiếc đàn dây.

Ông chơi đàn giỏi đến mức khi vua Sau-lơ bị quấy nhiễu bởi ma quỷ, Đa-vít sẽ chơi nhạc cụ ngợi khen Chúa và quyền lực bóng tối sẽ tạm thời lui đi. Đa-vít yêu thích sự gần gũi với Chúa và không hề biết trong khi đang chăn cừu rằng sẽ có ngày Chúa kêu gọi ông trở thành vị vua tiếp theo của Y-sơ-ra-ên.

Tất nhiên, ông có nhiều thách thức phải đối mặt trước khi lên tới ngai vàng. Nhưng khi ngày đó cuối cùng cũng đến, ông cai trị thành công với sự khôn ngoan. Ông là một vị tướng dũng cảm và được mọi người yêu mến. Chúa đã chúc phước ông.

Nhưng rồi Đa-vít bắt đầu trượt ngã. Sự mật thiết và gần gũi chúng ta đọc được trong những chương đầu của cuộc đời đã biến mất và thay vào đó là sự lười biếng. Vào cái đêm định mệnh khi ông rơi vào tội lỗi với Bát-sê-ba, chúng ta đọc thấy, “khi các vua thường ra tranh chiến … Nhưng vua Đa-vít ở lại Giê-ru-sa-lem” (2 Sa-mu-ên 11:1). Thay vì ra chiến trường dẫn dắt quân đội, ông đã quyết định ở lại nghỉ ngơi. Ông tự lấy dây buộc mình khi ông nhìn thấy Bát-sê-ba xinh đẹp. Kinh Thánh không đổ lỗi cho Bát-sê-ba mà buộc tội vị vua trẻ. Ông phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Đa-vít mang Bát-sê-ba đến buồng ngủ và quan hệ với bà khiến bà có thai. Nhưng thay vì nhận biết tội lỗi mình, ông gọi chồng bà là U-ri về để đổ đứa con cho ông ta. Nhưng U-ri không ngủ với vợ mình, nên Đa-vít quyết định khiến U-ri chết để che đậy (hoặc ông đã nghĩ vậy) rồi cưới Bát-sê-ba. Đa-vít tưởng rằng ông đã giải quyết xong. Một năm không có sự mật thiết với Chúa đã qua. Rồi một ngày, tiên tri Na-than quở trách Đa-vít và ông đã xưng nhận tội lỗi mình.

Dù bi kịch này dẫn đến tội lỗi, Kinh Thánh bảo chúng ta rằng Đa-vít vẫn là người theo lòng Đức Chúa Trời. Ông không xem nhẹ tội mình hay đổ lỗi cho người khác. Ông không che đậy nó. Thay vào đấy, ông nói với tiên tri Na-than, “Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va” (2 Sa-mu-ên 12:13).

Nếu bạn muốn là người theo lòng Đức Chúa Trời, hãy biết điều này, bạn sẽ phạm tội. Bạn sẽ sa ngã. Nhưng khi bạn nhận ra mình đã phạm tội, đừng đổ lỗi cho người khác. Đừng biện minh và cũng đừng xem nhẹ. Hãy nói như Đa-vít, “Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, và làm điều ác trước mặt Chúa” (Thi thiên 51:4). Chúa sẽ tha thứ bạn nếu bạn xưng nhận tội lỗi mình với Ngài (xem 1 Giăng 1:9).

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn sẽ không phải gánh lấy hậu quả tội lỗi trong những năm tiếp theo. Đa-vít đã thấy điều này. Dù Chúa tha thứ, ông thấy cách ứng xử của ông lặp lại trong cuộc đời con cái mình. Ông là người đã học bài học này cách đau đớn.

Nên khi nhận ra cuộc đời của mình đã gần cạn, ông nghiêm túc nói với Sa-lô-môn, “Con trai à, cha sắp chết rồi. Con sẽ thay thế cha. Đây là những điều con phải học: con cần phải nhận biết Chúa. Nếu con hiểu điều này, mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Sa-lô-môn, con không thể sống mà tách rời mối quan hệ với Chúa. Con phải tự gây dựng lấy.”

Nhớ rằng Đa-vít bảo Sa-lô-môn, “hết lòng vui ý mà phục sự Ngài.” Hay bản dịch khác nói rằng, “Hầu việc Chúa hết lòng và hết trí.” Tức là sự kết ước với Chúa phải trọn vẹn.

Đây là một vấn đề Áp-ra-ham gặp phải khi ông được kêu gọi bởi Chúa. Giống như Đa-vít, ông có mối quan hệ với Chúa và được gọi là “bạn của Đức Chúa Trời.” Khi Chúa ra lệnh, Áp-ra-ham rời khỏi đất nước và gia đình thờ thần ngoại để đến một nơi xa lạ mà Chúa hứa sẽ chỉ cho ông. Áp-ra-ham vâng Lời Chúa – một phần. Ông có rời đất nước nhưng lại mang theo thành viên gia đình khiến ông bị đi xuống thuộc linh. Tất nhiên, ông đã tách họ ra, đặc biệt là với người cháu Lót. Sau đó, Chúa đến với ông lần nữa và tái sai đi.

Áp-ra-ham đã đánh mất rất nhiều năm đáng lẽ có thể đến gần hơn với Chúa. Bởi vì ông chỉ nghe lời một nửa. Áp-ra-ham đã cố gắng biết Chúa với một trái tim hai lòng và Chúa không thích điều này. Ngài muốn sự thuần phục trọn vẹn.

Giống như nói với vợ mình là, “Em yêu ơi, anh yêu em lắm nhưng anh cân nhắc về việc hẹn hò với người khác. Em thấy có được không?” Tất nhiên là không. Không ai đủ tỉnh táo lại có thể chấp nhận thỏa thuận này.

Tương tự với Sa-lô-môn, ông nghe theo lời khuyên của cha thuở ban đầu. Khi Chúa xuất hiện với ông trong một giấc mơ và nói, “Hãy xin điều gì ngươi muốn ta ban cho ngươi” (1 Các vua 3:5) thì Sa-lô-môn trả lời Chúa,

“Nhưng tôi chỉ là một đứa trẻ nhỏ chẳng biết phải ra vào làm sao… Vậy, xin ban cho kẻ tôi tớ Chúa tấm lòng khôn sáng, để đoán xét dân sự Ngài và phân biệt điều lành điều dữ; vì ai có thể đoán xét dân rất lớn này của Chúa?” (câu 7,9)

Chúa bảo ông rằng bởi vì ông không xin Chúa sự giàu có và vinh hiển hay sống lâu nên Chúa sẽ ban cho Sa-lô-môn sự khôn ngoan mà ông hỏi xin. Thêm nữa, Chúa hứa cho ông những điều ông không xin. Sa-lô-môn đã có một khởi đầu rất tốt. Ông có sự khôn ngoan vĩ đại đến mức mọi người đến từ khắp thế gian để được thấy ông. Thậm chí nữ hoàng Sê-ba còn nói với ông rằng, “và kìa, người ta chẳng thuật cho tôi nghe đến phân nửa sự khôn ngoan lớn lao của vua; vua thật trổi hơn tiếng đồn tôi đã nghe” (2 Sử ký 9:6). Sa-lô-môn đã từng ở trên đỉnh cao. Chúa đã chúc phước ông. Ông còn xây dựng được một đền thờ cho Chúa mà cha ông từng muốn xây.

Nhưng thời gian dần trôi, Sa-lô-môn rời xa khỏi sự nhận biết Chúa. Ông đã đi theo dấu chân của cha mình, gần như vậy, thậm chí còn tệ hơn. Ông đã sa ngã. Và cuối cùng ông kết luận rằng, “Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi” (Truyền đạo 12:13). Tôi tin rằng Sa-lô-môn cuối cùng cũng nhận ra sự khôn ngoan mà cha ông khuyên bảo là biết Chúa.

Cách để Biết Chúa

Vậy chính xác là làm thế nào để biết Chúa? Chúng ta đã học về tầm quan trọng của nhận biết Chúa – tầm quan trọng của môn đồ hóa – qua quyển sách này:

Chúng ta biết Chúa thông qua việc cẩn thận học Lời Ngài. Ở trong Kinh Thánh chúng ta khám phá ra đặc điểm và bản tính của Chúa. Trong Kinh Thánh chúng ta học về đúng sai, tốt và xấu. Chúng ta không khám phá điều này bằng cách bỏ phiếu bầu hay dựa trên những gì được chấp nhận trong văn hóa của chúng ta. Chúng ta khám phá bằng cách học Lời Chúa. Bạn không thể biết Chúa nếu không học Lời Chúa thường xuyên. Nếu bạn bắt đầu chểnh mảng việc học thì cuộc đời thuộc linh của bạn sẽ bắt đầu lung lay. Mọi thứ bạn cần biết về Chúa được tìm thấy trong Kinh Thánh.

Chúng ta biết Chúa qua lời cầu nguyện. Chúng ta cần bỏ qua các nghi thức để có được hiểu biết thật về lời cầu nguyện. Mục tiêu của cầu nguyện không phải là xin Chúa làm điều mình muốn; mà là để chúng ta làm điều Chúa muốn. Tức là để ý muốn của chúng ta liên kết với ý muốn của Ngài. Nếu bạn có thể nhận biết điều này, lời cầu nguyện sẽ bắt đầu được ứng nghiệm thường xuyên hơn. Hãy tìm cách dành thời gian cầu nguyện, bởi vì đó là cách để bạn biết Chúa.

Chúng ta biết Chúa qua sự thờ phượng. Thờ phượng quan trọng hơn cả những gì chúng ta làm khi chúng ta nhóm lại với các tín hữu và hát bài ngợi khen. Thờ phượng (worship) nguyên bản trong tiếng Anh cổ là “xứng đáng” (worthship). Từ này miêu tả giá trị hoặc sự xứng đáng của ai hoặc điều gì đó. Khi miêu tả về thiên đàng, sứ đồ Giăng viết,

“Đoạn, tôi nhìn xem, nghe bốn bên ngôi và các sanh vật cùng các trưởng lão, có tiếng của vô số thiên sứ; thiên sứ hàng muôn hàng ngàn, đồng nói lên một tiếng lớn rằng: Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quí, vinh hiển và ngợi khen!” (Khải huyền 5:11-12).

Chúng ta thờ phượng Chúa vì Ngài đáng được ngợi khen chứ không phải vì chúng ta có hứng thờ phượng.

Chúng ta biết Chúa qua sự thông công với những môn đồ khác. Các môn đồ thế kỷ đầu tiên thường xuyên gặp nhau, không chỉ một lần một tuần. Tôi không bao giờ hiểu những Cơ đốc nhân nghĩ rằng, tôi sẽ thể hiện một lần một tuần, và thế là đủ rồi. Nếu đó là điều bạn tập chú thì bạn đang đánh mất một điều gì đó còn nhiều hơn thế. Khi chúng ta đọc về Hội thánh trong Tân Ước, chúng ta thấy họ vui thích gặp mặt thường xuyên. Họ “bền lòng….” Họ ở đó, giúp đỡ nhau, yêu thương và biết Chúa.

Bắt đầu t Chúng ta

Càng biết Chúa, bạn càng muốn làm cho Ngài được biết tới trong thế giới hư mất. Khi chúng ta nhìn vào thế giới ngày nay, khi ta nhìn vào quốc gia, thật dễ dàng để chúng ta nói, “Nước Mỹ cần phấn hưng.” Nhưng hãy thu hẹp lại. Phấn hưng bắt đầu với bạn và tôi. Chúng ta cần phải xem lại 2 Sử ký 7:14, Chúa phán,

“Và nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ.”

Hãy cẩn thận nghiền ngẫm những từ trong câu này. Phải ghi nhớ lấy. Chúng ta đều muốn thấy đất nước mình được chữa lành. Nhưng hãy nhớ rằng Chúa chỉ dẫn Lời Ngài tới dân sự của Ngài. Chúa không chỉ ngón tay tới Quốc Hội hay Nhà Trắng. Ngài không chỉ ngón tay xuống Hollywood. Ngày phán, “và nhược bằng dân sự ta….” Chúng ta cần hỏi Chúa nếu có điều gì trong cuộc đời chúng ta không đúng đắn với Chúa. Đó là chỗ chúng ta cần phải nhìn vào ngay bây giờ.

Chúa phán, “Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, … là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình” (Giê-rê-mi 29:11). Từ “lúc cuối cùng” có thể được dịch là “kết quả như mong đợi,” hoặc “trông đợi kết quả cuối cùng” (AMP). Nói cách khác, sẽ có một kết quả hoàn thành trong cuộc đời bạn. Chúa sẽ buộc lại những mối nối cuối cùng. Là Cơ đốc nhân, chúng ta là công việc đang dang dở: “Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ” (Phi-líp 1:6).

Là một người nghệ sĩ, tôi thích vẽ và thiết kế, và tôi luôn thích vẽ đồ họa. Có những lúc tôi vẽ, và ai đó sẽ nhìn qua vai và hỏi, “cái này sẽ là cái gì?”

“Đợi chút,” tôi bảo.

“Tôi nghĩ anh nên làm thế này….”

“Cứ để tôi làm đi,” tôi nói với họ. “Khi tôi làm xong, tôi sẽ rất vui lòng cho anh xem.”

Tương tự, mỗi chúng ta đều là những công trình đang dang dở. Chúa đang hành động trong cuộc đời chúng ta, và khi hoàn thành, Ngài sẽ cho bạn thấy. Nhưng việc chưa thành, nên hãy kiên nhẫn. Chúa thấy sự cuối cùng từ lúc ban đầu. Truyền đạo 3:11 chép, “Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công việc Đức Chúa Trời làm từ ban đầu đến cuối cùng, người không thế hiểu được.”

Chúng ta không thể thấy công việc Chúa làm, nhưng Ngài quả thực đang làm việc. Đến một ngày, chúng ta sẽ được giải phóng khỏi tầm ảnh hưởng của tội lỗi, và chúng ta không còn trải nghiệm sự giới hạn của thân thể con người nữa. Câu hỏi của chúng ta không còn là ẩn số, và chúng ta sẽ sống đời đời trong sự hiện diện của Chúa Quyền Năng.

Lúc này, chúng ta nên có mục tiêu sống thánh khiết, nghĩa là làm điều Chúa bảo chúng ta. Điều này không cần quá cường điệu ngày nay. Chúng ta không có quyền để nói rằng chúng ta biết Chúa nếu chúng ta không tìm cách sống theo cách mà Ngài đã kêu gọi chúng ta.

Lời nói không mất tiền mua. Tôi tin vào những lời tuyên bố phúc âm, nhưng cách sống của chúng ta thì cũng rất quan trọng. Nhiều lần lời nói của chúng ta không có trọng lượng, bởi vì chúng tương phản với cách chúng ta sống. Như 1 Giăng 2:3-4 nhắc nhở chúng ta, “Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài. Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người.”

Nghĩa là Cơ đốc nhân cần phải nói thật. Tức là chúng ta không được ăn cắp. Tức là chúng ta nên giữ lời hứa nguyện trong đám cưới. Nghĩa là chúng ta phải là người nam và nữ chính trực, bởi vì mọi người đang xem xét chúng ta. Ngạc nhiên là nhiều người nói rằng họ biết Chúa. nhưng họ không làm điều Ngài phán.

Chúa Giê-su phán, “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16). Câu này tức là chúng ta nên làm lành cho người khác, kể cả người chưa tin, với hi vọng là họ sẽ đến với Đấng Christ. Như tôi đã chỉ ra vừa nãy, có thể chúng ta là Kinh Thánh duy nhất mà một số người từng đọc.

Khi bạn sống một đời sống thánh khiết, nó sẽ cho chúng ta quyền mạnh mẽ tuyên bố phúc âm. Mọi người có thể thấy rằng chúng ta được thay đổi, và do đó, họ sẽ mở lòng lắng nghe sứ điệp của chúng ta.

Những Linh hồn được Cứu, những Cuộc đời bị Lãng phí

Tất cả những điều này giống như bạn xem quyển sách Christianity 101 chuyên trả lời những câu hỏi về Cơ đốc giáo vậy. Nhưng câu hỏi của tôi là bạn có đang làm điều này không? Cuộc đời bạn có những điều thuộc linh nào không? Tiên tri Đa-ni-ên nói với vị vua Bên-xát-sa xấu xa, người đã xúc phạm Chúa, “Vua đã bị cân trên cái cân, và thấy là kém thiếu” (Đa-ni-ên 5:27). Nói cách khác, “Bên-xát-sa, vua đã bị đem lên cân thuộc linh. Vua chẳng có gì. Và giờ mạng vua sẽ bị lấy đi.” Cuộc đời của ông ta đã phí hoài và đã quá muộn rồi. Xin đừng để những điều này xảy ra trên chúng ta.

Nếu hôm nay cuộc đời của bạn bị đem lên cân, thì Chúa sẽ nói gì? Ngài có thấy cuộc đời đầy dẫy, một cuộc đời theo trọn Đấng Christ? Hay Ngài sẽ thấy một đời đã bị lãng phí cho những đeo đuổi trống rỗng.

Là một người trẻ, Alan Redpath là một kế toán thành đạt. Anh đã kết ước với Chúa Giê-su, nhưng không thực sự sống cho Chúa như anh đáng phải làm. Một ngày nọ, anh đang nói chuyện với một người bạn Cơ đốc nhân, người đã nói một câu biến đổi cuộc đời anh: “Một linh hồn được cứu nhưng có một cuộc đời lãng phí là điều có thể xảy ra.” Anh không thể quên những lời này. Chúng ám ảnh anh cả ngày hôm đó, tới buổi tối và sang cả ngày hôm sau. Anh không thể bỏ qua được. Anh nhận ra rằng Chúa đang bày tỏ cho anh rằng anh có một linh hồn được cứu nhưng một cuộc đời lãng phí. Nên Redpath quỳ xuống và cầu nguyện, “Chúa ơi, con muốn ý muốn của Ngài trên con. Con không muốn lãng phí cuộc đời mình. Con dâng trọn cho Ngài.” Chúa đã đổi hướng cuộc đời anh, và thay vì làm kế toán viên, anh trở thành một người hầu việc Chúa trong nhiều năm – thậm chí anh còn viết nhiều quyển sách Cơ đốc hay.

 Tôi không có đề nghị là bạn nên dâng trọn cuộc đời mình cho Chúa, hay Ngài sẽ chỉ dẫn bạn để trở thành một người mục vụ hay một giáo sĩ, mặc dù Ngài có thể làm được. Ngài có thể để bạn ở yên tại nơi bạn đang đứng, nhưng cho bạn thấy cách khác để sử dụng ân tứ của bạn cho vinh quang Ngài. Thêm nữa, Ngài có thể hướng dẫn bạn đi con đường khác mà bạn chưa bao giờ nghĩ tới.

Đây là điều bạn nên biết: Cuộc đời của bạn thuộc về Chúa. Bạn không tự dưng chia sẻ cuộc đời và ân tứ của bạn cho Chúa; Ngài chia sẻ chúng cho bạn. Bạn cần nhận biết và hiểu lẽ thật này.

Thái độ của môn đồ thật nên là, “Chúa ơi, con không biết con còn bao nhiêu lâu nữa. Có thể con còn rất nhiều năm. Hoặc con không có nhiều như con hi vọng. Dù thế nào thì thời gian của con ở trong tay Chúa. Con dâng chính mình cho Ngài. Ngài đã ban cho con sự tin cậy thánh để chia sẻ sứ điệp phúc âm. Con đã sẵn sàng để làm phần của mình.”

Bạn có sẵn lòng lập kết ước này ngày hôm nay?

Lời cầu nguyện của tôi là những nguyên tắc tôi đã chỉ ra trong quyển sách này sẽ giúp bạn hiểu hơn về người môn đồ thật của Chúa Giê-su là gì? Và bạn có thể kinh nghiệm đời sống Cơ đốc nghiêm túc cho chính mình.

Lời Sau Cuối

Bạn có bao giờ băn khoăn tại sao Chúa đặt để bạn trên đất không? Tại sao bạn được tạo ra? Mục đích của bạn trong đời là gì?

Mục đích chính của chúng ta trong đời là biết và yêu Chúa. Sách Khải Huyền cho chúng ta biết Chúa đã tạo nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và được dựng nên” (Khải huyền 4:11). Thật tuyệt vời! Chúa kêu gọi chúng ta, trước mọi thứ khác, để biết Ngài cách cá nhân và bước đi với Ngài, với kết quả kèm theo là làm đẹp lòng Ngài. Tôi sẽ cho bạn biết một bí mật nho nhỏ: nó cũng sẽ khiến bạn vui nữa.

Ngày hôm nay bạn đã biết Chúa chưa? Có thể bạn không thể trả lời với một sự tin chắc là bạn biết Ngài. Điều này rất quan trọng, bởi vì nếu bạn không biết Chúa ngày hôm nay, Chúa sẽ không biết bạn trong ngày cuối cùng khi bạn đứng trước Ngài. Nếu bạn muốn đảm bảo rằng bạn sẽ đi đến thiên đàng, thì bạn phải có mối quan hệ này với Chúa. Sẽ có những lúc trong đời bạn nói, “Con là tội nhân. Con xin lỗi vì tội lỗi đó.” Phải có thời điểm trong đời khi bạn xoay khỏi tội lỗi và đặt để đức tin của bạn nơi Chúa Giê-su là Cứu Chúa của bạn.

Nếu bạn chưa làm điều này, bạn có làm được hôm nay không? Hãy nói một lời cầu nguyện như này và thực lòng nghĩ vậy:

Chúa Giê-su, con biết con là tội nhân. Con tin rằng Ngài đã chết vì tội lỗi con. Ngay bây giờ con xoay khỏi tội lỗi mình và mở cửa lòng và cuộc đời con. Con xưng nhận Ngài là Chủ và Chúa Cứu Thế của con. Cảm ơn Ngài đã cứu con. Amen.

Kinh Thánh nói với chúng ta rằng, “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (1 Giăng 1:9). Nếu bạn cầu nguyện như trên và thực sự muốn vậy thì Chúa Giê-su đang ngự trong lòng bạn. Quyết định theo Chúa Giê-su của bạn có nghĩa là Chúa đã tha thứ bạn và bạn sẽ ở đời đời trên thiên đàng.

Để giúp bạn tăng trưởng trong đức tin mới này, hãy đảm bảo làm theo những điều sau mỗi ngày: đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, dành thời gian với những Cơ đốc nhân khác bằng cách đến nhà thờ và nói với người khác về đức tin của bạn.

Để có thêm những nguồn tài liệu giúp bạn học thêm về ý nghĩa của việc trở thành người theo Chúa Giê-su, hãy theo dõi trang: http://www.harvest.org/knowgod.

Phụ lục

Kế hoạch Cứu rỗi

Điều kiện: Chúng ta đều là tội nhân

Điều đầu tiên chúng ta cần nói rõ với những người chúng ta chia sẻ phúc âm là sự thật tất cả chúng ta đều là tội nhân. Một từ định nghĩa cho tội lỗi trong tiếng Hy Lạp là harmatia, có nghĩa là “đánh mất.” Đánh mất điều gì của Chúa? Sự hoàn hảo. Chúa Giê-su phán, “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn” (Ma-thi-ơ 5:48). Ngoài Chúa, không có ai hoàn hảo; mọi người đều đã đánh mất. Do đó, mọi người đều là tội nhân.

  • 1 Giăng 1:8-9: “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.”
  • Rô-ma 3:23: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.”
  • Ê-sai 53:6” “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.”
  • Kết quả: sự Chết

Tiếp theo, chúng ta cần nói về kết quả của tội lỗi. Mỗi người trong chúng ta đều đã đánh mất Chúa. Mỗi người trong chúng ta đã không còn hoàn hảo. Kết quả là sự chết. Chúng ta chỉ đang nhận lấy điều mình đáng nhận và chúng ta đang mang sự phán xét đó lên chính mình. Một điều tôi cần ghi nhớ là Chúa đem bất cứ ai xuống địa ngục. Chính chúng ta tự đưa mình xuống đấy bằng cách từ chối lẽ thật của Ngài.

  • Rô-ma 6:23: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.”
  • Giải pháp: sự chết của Chúa Giê-su trên thập tự giá

Lúc này, hãy để mọi người biết giải pháp: Đấng Christ chết cho tội lỗi của chúng ta.

  • Giăng 3:16-17: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu.”
  • Ê-sai 53:5: “Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.”
  • Rô-ma 5:8: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.”

Bởi chúng ta không bao giờ có thể đo lường được tiêu chuẩn của Chúa theo tiêu chuẩn của chính mình, Ngài đã vươn tới chúng ta. Chúng ta không thể giải quyết được nan đề tội lỗi, nhưng Chúa, Đấng hoàn hảo, thì có thể. Ngài đã trở thành cây cầu nối cho chúng ta qua Chúa Giê-su.

  • Sự lựa chọn: Tiếp nhận hoặc Chối bỏ Đấng Christ là Chúa Cứu Thế

Nếu ai đó nhận biết họ là tội nhân và chấp nhận để Đấng Christ là giải pháp, họ đang ở trên con đường thập tự. Họ có thể từ chối giải pháp của Chúa và chấp nhận hậu quả, hoặc họ có thể tiếp nhận Đấng Christ là Chúa Cứu Thế. Họ phải làm gì để được tha thứ tội lỗi và ở trong mối quan hệ với Chúa?

Đầu tiên, họ phải ăn năn.

  • Lu-ca 13:3: “Ta nói cùng các ngươi, không phải; song nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy.”
  • Công vụ 3:19: “Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi.”
  • Công vụ 17:30: “Vậy thì, Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu muội đó, mà nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn năn.”

Ngoài việc nhận ra mình là tội nhân và ăn năn cho tội lỗi đó, thì một cá nhân phải đến với Chúa Giê-su.

  • Ma-thi-ơ 11:28-30: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”
  • Sự Đáp ứng: Tiếp nhận Món quà là sự Sống Đời đời

Lời mời của Đấng Christ rất rõ ràng. Chúng ta phải đến với Ngài. Tất cả những gì cần là sự đáp ứng.

  • Rô-ma 6:23: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.”

Chúng ta phải làm gì để chấp nhận món quà cứu rỗi của Chúa? Hãy nhận lấy!

  • Khải huyền 3:20: “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.”

Chúa Giê-su đứng ở cửa lòng bạn và tôi để gõ, tìm kiếm lối vào cuộc đời chúng ta. Chúng ta phải làm gì để mời Ngài vào? Mở ra!

  • Giăng 1:12: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.”

Chúng ta phải tiếp nhận Ngài. Như thế nào? Bằng cách mời Ngài bước vào cuộc đời chúng ta.

Nếu chúng ta chia sẻ những lẽ thật này với một người chưa tin và người đó muốn tiếp nhận Đấng Christ thì chúng ta chỉ cần mở rộng lời mời. Trên thực tế, chúng ta nên cầu nguyện với cá nhân đó ngay lúc đấy nếu người đó muốn có quyết định thay đổi cuộc đời và tiếp nhận và theo Chúa Giê-su. Tôi biết rằng không có niềm vui nào lớn hơn là đưa một ai đó tới lời cầu nguyện tiếp nhận Đấng Christ.

  • SĐảm bảo của sCứu rỗi

Tiếp theo, rất quan trọng để một tân tín hữu có sự đảm bảo rằng Đấng Christ đã đến trong cuộc đời người đó.

  • 1 Giăng 5:11-13: “Chừng ấy tức là Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta, và sự sống ấy ở trong Con Ngài. Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống. Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời.”
  • 2 Cô-rinh-tô 5:17:  “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”
  • Thi thiên 103:12: “Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu.”
  • Lời Tuyên thệ Đức tin

Lúc này, bạn có thể khích lệ một tân tín hữu có lời tuyên thệ công khai về đức tin mới tìm thấy trong Đấng Christ.

  • Ma-thi-ơ 10:32-33: “Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời; còn ai chối ta trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời.”

Sau khi bạn đã dẫn ai đó đến với Đấng Christ, thì cần phải đặt người đó ở dưới cánh mình và giúp người đó hình thành nên mối quan hệ với Chúa Giê-su.

Hết!

Nguồn: Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam (VMI)

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like