Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 76: Đừng đánh mất cơ hội và thời điểm (Phần 1)

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 76: Đừng đánh mất cơ hội và thời điểm (Phần 1)

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 11:20-2220 Vì dân các thành mà Đức Chúa Jêsus đã làm rất nhiều phép lạ rồi, không ăn năn, nên Ngài quở trách rằng: 21 Khốn nạn cho mầy, thành Cô-ra-xin! Khốn nạn cho mầy, thành Bết-sai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm giữa bây, đem làm trong thành Ty-rơ và Si-đôn, thì hai thành đó thật đã mặc áo gai, đội tro, ăn năn từ lâu rồi. 22 Vậy nên ta bảo bây, đến ngày phán xét, thành Ty-rơ và thành Si-đôn sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn bây.

Lời ngỏ:Năm 1887, James Ritty, chủ khách sạn ở tiểu bang Ohio ở Hoa Kỳ, đã chế tạo ra chiếc máy đếm tiền và ông đã bán được vài trăm chiếc. Sau đó, Ritty bán lại công ty cùng phát minh sáng chế cho John Patterson với giá 6.500 USD. Ritty và mọi người trong công ty này đều thấy mức giá này là quá lời và quá tốt để bán và chia lợi tức cho các thành viên của công ty sau thời gian dài vất vả. Thế nhưng Patterson đã nhanh chóng đẩy mạnh kinh doanh sau khi mua bản quyền và sản xuất được 22 triệu chiếc bán ra thị trường. Đấy chính là sự tích ra đời của National Cash Register Company (viết tắt NCR) hãng cung cấp máy ATM số 1 thế giới, công ty này được đánh giá là một trong những công ty ảnh hưởng nhất thế giới mọi thời đại. Sự khác biệt ở đây là Ritty cho rằng máy đếm tiền cơ học chỉ có một vài khách sạn dùng, còn Patterson thì cho rằng tất cả ngân hàng và doanh nghiệp đều cần dùng máy đếm tiền. Patterson đã đánh giá đúng cơ hội và đã tận dụng rất tốt cơ hội ấy.

Cũng vậy, có thể chúng ta là những con cái Chúa từng được Chúa ban cho cơ hội và thời điểm tốt lành để sống và hầu việc Chúa cách tốt nhất. Thế nhưng, đôi khi chúng ta giống như Ê-sau đã khinh rẻ quyền trưởng nam và bán rẻ nó bằng một tô canh phạn đậu cùng với sự thờ ơ lãnh đạm. Để rồi sau này nhận ra thì đã muộn màng và trở nên cay cú vì chính sai lầm của bản thân mình.    Bài học hôm nay và ngày mai sẽ bàn sâu về vấn đề xoay quanh những cơ hội và thời điểm Chúa ban cho một hội thánh, một cộng đồng hay một tập thể. Qua đó chúng ta cần kiểm định nơi cộng đồng hay tập thể mà mình đang tham gia.

1. Sự cứng lòng của dân chúng

a. Tại thành Cô-ra-xin và thành Bết-sai-đa

Hai thành phố Cô-ra-xin và Bết-sai-đa có vị trí địa lý nằm về phía đông bắc của Biển hồ Ga-li-lê. Đây là hai thành phố nhỏ ở vùng duyên hải được biết với các làng ngư phủ đánh cá nằm trên tây ngạn sông Giô-đanh. Hai thành này phần lớn gồm những người Do thái lai tạp với nhiều dân ngoại nên đôi khi bị xem là xứ ngoại bang giữa vùng đất Do thái. Và sứ đồ Phi-líp cũng là người có xuất thân từ thành Bết-sai-đa này.

Các sách phúc âm không chép lại cụ thể về những việc Chúa Giê-xu đã từng làm phép lạ và giảng đạo tại hai thành phố này. Tuy nhiên, họ thừa nhận là Chúa đã từng làm những việc đó nhưng đã không có được nhiều kết quả đáng như mong đợi.  Một trong những phép lạ mà Chúa Giê-xu đã làm tại thành Bết-sai-đa là Chúa chữa lành cho người mù (Mác 8:22-25). Tại đó Ngài đã thấm nước miếng và hoà với đất bùn để đắp vào mắt người mù, và Ngài phải giơ tay lần thứ hai trên mắt đã được thấy mờ mờ để khiến cho người này sáng mắt. Phép lạ chữa lành này được Chúa làm theo phương cách hết sức độc đáo, không giống như những nơi khác mà Ngài đã làm. Những nơi khác thì Ngài chỉ cần phán một lời là người mù được sáng mắt. Điều đó phản ánh sự tối tăm của địa phương này; đối với những con người tại thành này Chúa phải sáng tạo cách mới, và phải dùng nhiều quyền năng trong nhiều lần để có thể chữa lành được một số ít người. Nguyên nhân sâu xa đã gây ra sự ngăn trở lớn này được bày tỏ trong Ma-thi-ơ 11:21 và Lu-ca 10:13. Đó là do dân cư hai thành này đã quá cứng lòng. Tính cách tính toán của Phi-líp là dạng người chịu ảnh hưởng của thành này cũng từng thể hiện rõ trước phép lạ Chúa hóa bánh. Nhất là họ đa nghi và không dễ tin cậy vào Đức Chúa Giê-xu dù Ngài đã trực tiếp đến thăm viếng và dùng quyền năng lớn để làm những dấu kỳ và phép lạ với sự sáng tạo mới và gia ơn cho họ được nghe giảng Phúc âm từ những ngày rất sớm.

b. Tại thành Ty-rơ và Si-đôn

Hai thành phố Ty-rơ và Si-đôn có vị trí nằm ở miền duyên hải cực Tây Bắc của nước Do thái. Đây là hai thành phố cảng và thương mại sầm uất nhất của xứ Do thái từ rất sớm trong thời các vua Đa-vít và Sa-lô-môn. Đó cũng là hải cảng giao thương với các nước ngoại quốc trong vùng Địa Trung Hải rộng lớn, trong đó có mối quan hệ xa rộng đến tận cảng Ta-rê-xi thuộc Tây Ban Nha trong việc buôn bán vàng bạc, sắt đồng, cùng nhiều kim loại quý và những sản phẩm cao cấp, hàng sắc tía dành cho các bậc vua chúa, quý tộc (Ê-sai 23).

Thế nhưng hai thành phố cảng này đã mắc hai trọng tội. Tội thứ nhất là họ đã trở nên tự phụ và quá kiêu ngạo dựa trên sự giàu có, họ đã buôn bán và tích luỹ quá nhiều tiền bạc đến mức làm nô lệ cho thần Ma-môn mà không hề hay biết (Ê-sai 23:9; Ê-xê-chi-ên 28:5). Việc kinh doanh, buôn bán và trở nên giàu có không phải là cái tội. Nhưng tội lỗi là bởi cậy vào sự giàu có mà làm việc bất công, bất nghĩa, bất khiết. Tội thứ hai mà dân thành này đã phạm, là trong thời kỳ dân Do Thái bị đưa đi lưu đày, họ đã ủng hộ điều ác và tỏ ra vui mừng khi thành Giê-ru-sa-lem thất thủ (Ê-xê-chi-ên 26:2); và họ đã mượn cớ sa cơ thất thế của dân sự của Chúa mà tham gia vào đường dây buôn người, buôn nô lệ. Họ đã buôn bán dân sự Chúa tại xứ Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem để đưa đi làm nô lệ phương xa cho dân Hy-lạp (Giô-ên 3:6). Dân thành này đã quá tự phụ, kiêu ngạo mà từ khước Chúa, chế nhạo Chúa, sỉ nhục con cái Chúa khi họ sa cơ thất thế. 

2. Đánh mất cơ hội và thời điểm

Nếu kể tội thì cả bốn thành phố trên đều phạm những tội trọng nhưng lời cảnh cáo Chúa Giê-xu ở đây cho thấy, trong cái nhìn của con người thì tội lỗi của thành Si-đôn và Ty-rơ có lẽ rõ ràng và gian ác hơn. Nhưng điều mà Chúa quở trách hai thành Cô-ra-xin và Bết-sai-đa là họ được Chúa cho nhiều cơ hội nhìn thấy Chúa, chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm mà không chịu tin, họ sẽ phải chịu hình phạt còn nặng hơn hai thành phố Ty-rơ và Si-đôn gian ác kia, những người ít được nghe và thấy Chúa Giê-xu.

Cũng vậy, theo lịch sử Hội thánh Việt Nam ghi nhận thì tại Việt Nam có một số nơi như tại cố đô Huế và vùng lân cận được Chúa cho cơ hội biết và tiếp xúc với phúc âm từ rất sớm với những chiến dịch truyền giảng rầm rộ và quy mô lớn. Thế nhưng, so với dự kiến thì tại đây có nhiều phản ứng tiêu cực, đạo Chúa gặp nhiều sự bắt bớ lớn từ chính quyền trung ương lẫn những người dân của những tỉnh thành ấy. Tuy rằng, từ nơi đó đã sản sinh ra những đầy tớ Chúa hết lòng trung kiên cho công việc Chúa nhưng nhìn chung thì bởi sự cứng lòng của người dân ở những nơi đây mà họ đã đánh mất những cơ hội được Chúa ban phước lớn như đáng phải có.

Bài học áp dụng: Qua sự cảnh cáo của Chúa đối với các thành, đối với các cộng đồng vẫn còn cứng lòng chưa tiếp nhận sứ điệp của Chúa, thì chúng ta cần tỉnh thức chính minh. Chúng ta cần có sự đáp ứng đúng khi nghe Lời Chúa, phải ăn năn tội khi được Chúa dạy dỗ và bày tỏ quyền năng của Ngài. Thái độ cho rằng mình đã biết và tự cao, tự mãn không cần học hỏi và thay đổi là điều đi ngược với tinh thần hạ mình, mềm mại, khiêm nhường mà Chúa muốn mỗi chúng ta là con cái Chúa cần có để có một đời sống mỗi ngày giống Chúa hơn. Và lời Chúa cảnh cáo cách mạnh mẽ là một khi đã biết quyền năng của Chúa hành động mà vẫn cứng lòng, không tin, không ăn năn thì tội nặng hơn những người không ăn năn vì không biết nữa.

Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin tha thứ cho con về sự vô tín, cứng lòng trước năng quyền của Chúa đang hành động. Xin lời Chúa hôm nay là sự tỉnh thức cho con cần mạnh mẽ, sốt sắng hơn trong sự làm chứng về Chúa cho gia đình, làng xóm, quê hương của mình vì đến ngày Chúa đến sẽ không còn lý do gì để họ có thể bào chữa khi không chịu ăn năn và tin nhận Ngài. Xin Chúa vùa giúp con. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu. Amen. 

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like