Home Văn Phẩm Đào Tạo Môn Đồ – Chương 4: Đào Tạo Môn Đồ và Kinh Thánh

Đào Tạo Môn Đồ – Chương 4: Đào Tạo Môn Đồ và Kinh Thánh

by daotaomondo.com
30 đọc

Đào Tạo Môn Đồ
Tác giả: Greg Laurie

Chương Bốn
Đào Tạo Môn Đồ và Kinh Thánh

Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu-đa đã tin Ngài, rằng: Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta. (Giăng 8:31)

Tôi luôn kinh ngạc khi thấy công sức bỏ ra để trồng hoa. Vợ tôi thích trồng hoa. Cô ấy có thể dành hàng giờ nhổ cỏ, bắt ốc sên, và làm đất để cây tăng trưởng. Nhưng cỏ dại mọc lên rất nhanh. Cỏ có thể mọc ngay giữa đường hoặc vết nứt trên lối đi mà không cần chăm sóc hay tưới nước. Trong khi các bông hoa mỏng manh lại luôn cần phải lưu tâm.

Đây là một minh hoạ hay dùng để chỉ sự tương phản giữa bản tính mới và cũ của tín hữu. Nếu chúng ta muốn gần Đấng Christ hơn và sống cuộc đời đẹp lòng Ngài, chúng ta cần nuôi nấng và chăm sóc bản tính mới. Khi chúng ta dừng gây dựng bản tính mới, thì bản tính cũ sẽ trở lại hại chúng ta – như cỏ mọc trên đường. Bản tính cũ không cần gì nhiều để phá hoại chúng ta. Tất cả những gì chúng ta cần làm là từ bỏ bản tính mới. Như sứ đồ Phao-lô đã viết, “Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt” (Ga-la-ti 5:16). Có những kỷ luật mà mọi tín hữu phải giữ nếu muốn sống cuộc đời Cơ đốc nhân đúng nghĩa.

Chìa khoá tới Tiến trình Thuộc linh

Trong đoạn này, chúng ta sẽ xem xét kỷ luật đầu tiên được tìm thấy trong Giăng 8:31, khi Chúa Giê-su phán, “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta .” Nếu bạn và tôi muốn là môn đồ thật của Chúa Giê-su, chúng ta phải tiếp tục ở trong Lời Ngài.

Nói rộng hơn, thất bại hay thành công trong cuộc đời Cơ đốc nhân phụ thuộc vào số lượng Lời Chúa thường ở trong tấm lòng và tâm trí chúng ta và chúng ta vâng phục như thế nào. Mọi điều chúng ta cần biết về Chúa được dạy trong Kinh Thánh. Nếu chúng ta bỏ qua việc học Kinh Thánh, cuộc đời thuộc linh sẽ hoàn toàn hư nát.

Tổng thống Abraham Linclon từng nói về Kinh Thánh, “là món quà lớn nhất Chúa từng trao cho con người. Mọi điều tốt đẹp đến từ Đấng Cứu Thế được truyền đạt cho chúng ta thông qua Sách này. Không có Sách này, chúng ta không thể biết đúng sai. Tất cả những gì con người khao khát đều có trong này.” Ông hoàn toàn đúng.

Kinh Thánh là tài liệu tuyệt diệu nhất từng được trao cho con người. Chính xác phải nói không phải một quyển mà là 66 quyển được viết trong khoảng 1.600 năm bởi nhiều người từ vua tới nông dân, triết gia tới người đánh cá, nhà thơ tới chính khách. Mỗi người được cảm hứng bởi Chúa để viết xuống Lời Ngài. Họ không phải tác giả, chính Chúa. Ngài hà hơi vào từng từ.

Vậy sao có quá nhiều tín hữu thất bại trong việc mở Kinh Thánh? Liệu có phải nhiều Cơ đốc nhân thiếu sự đói khát thuộc linh lẽ thật? Có một cách để bác sĩ biết một người có khoẻ mạnh không dựa vào đồ ăn ưa thích. Nếu anh ta không thích ăn gì, có nghĩa là có vấn đề. Tương tự, vài Cơ đốc nhân không thèm muốn Lời Chúa. Một số coi đọc Lời Chúa là nhiệm vụ, một chút khó nhọc và ép buộc. Nhưng điều này sẽ thay đổi khi họ thấy sự khác biệt có được trong cuộc sống hàng ngày.

Cơ đốc nhân đói khát là Cơ đốc nhân khoẻ mạnh. Kinh Thánh cho chúng ta biết, “hãy ham thích sữa thiêng liêng của đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn, nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào” (1 Phi-e-rơ 2:2-3). Ham thích sữa thiêng của Đạo nghĩa là chúng ta khao khát sự dạy dỗ của Kinh Thánh vì chúng ta muốn trưởng thành. Nếu chúng ta không nỗ lực thuộc linh, có lẽ chúng ta chưa khao khát Lời Chúa.

Tiếng than của tiên tri Ô-sê vẫn còn liên hệ với chúng ta: “Dân ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết” (Ô-sê 4:6). Ngày nay có nhiều tín hữu sống buông thả, rơi vào tội lỗi, bị dẫn dắt lạc lối bởi dạy dỗ sai chệch vì họ chưa bao giờ phát triển kỷ luật học Kinh Thánh cần có hàng ngày. Nếu chúng ta là môn đồ Chúa Giê-su, có cuộc sống Cơ đốc hiệu quả và thành công, thì Lời Chúa phải ở thứ tự ưu tiên.

Châm ngôn 2:1-9 cho chúng ta một chuỗi các lời hứa tuyệt vời sẽ giúp chúng ta học Kinh Thánh hiệu quả nhất. Mỗi lời hứa có một điều kiện mà chúng ta phải hoàn thành. Điều kiện được đưa ra trong năm câu đầu tiên cho thấy chúng ta phải tiếp nhận Lời Ngài và dành giữ mạng lệnh Ngài, kêu cầu sự phân biện và kêu cầu sự thông sáng như bảo vật ẩn bí.

Nhận biết cho Chính mình

Hãy xem câu đầu tiên của những nguyên tắc này để thấu hiểu Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy trong câu 1: “Hỡi con, nếu con tiếp nhận lời ta, Dành giữ mạng lịnh ta nơi lòng con…” Để thấu hiểu Kinh Thánh, chúng ta phải tiếp nhận và trân quý Lời Chúa.

Nhắc tới Cơ đốc nhân tại thành Bê-rê, Công vụ 17:11 chép, “Những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem kinh thánh, để xét lời giảng có thật chăng”. Người Bê-rê kiểm tra xem sự dạy dỗ của Phao-lô có đúng không dựa trên Kinh Thánh. Nếu ngay cả họ còn kiểm tra sự dạy dỗ của sứ đồ thì chúng ta càng phải kiểm tra sự dạy dỗ của chính các mục sư, giáo sư và và những người được gọi là sứ đồ và tiên tri hiện nay phải không?

Ngày nay nhiều người tuyên bố là họ phán Lời của Chúa, nhưng nếu ai đó hỏi về tính đúng đắn của những điều họ nói, người đó sẽ bị quở trách vì dám thách thức những người tuyên bố họ là những sứ đồ và tiên tri thời nay. Thật dại dột! Không có ai là không bị hỏi cả. Nếu sứ đồ Phao-lô còn bị tra xét dựa trên Kinh Thánh thì những người thường xuyên giảng trái với Kinh Thánh càng đáng phải bị kiểm tra hơn.

Ngoài tra cứu Kinh Thánh, người Bê-rê “sẵn lòng” tiếp nhận sứ điệp. Đây không phải chỉ là sự khao khát về phía họ để học điều gì mới mà còn sẵn lòng củng cố và áp dụng những điều họ đã biết.

Nhiều Cơ đốc nhân nghĩ rằng họ biết nhiều hơn họ tưởng. Thường thì những tín hữu trưởng thành sẽ không biết gì khi đối mặt với câu hỏi về các giáo lý Kinh Thánh cơ bản. Họ biết đây là những điều họ nên tin nhưng họ không thể trả lời theo Kinh Thánh. Họ tin chỉ bởi vì họ được dạy rằng đó là sự thật.

Đây là một điều rất nguy hiểm. Chúng ta không bao giờ được đặt đức tin của chúng ta trên những gì người ta đưa cho chúng ta, dù cái nguồn đó có đáng tin cậy hay tin kính ra sao. Nếu người đó nói điều sai, đức tin của chúng ta sẽ bị phá hủy. Đó là lý do tại sao đức tin của chúng ta phải được đặt nền tảng chắc chắn trên Lời của Chúa. Chúng ta cần biết cho chính mình.

Cách Học

Kinh Thánh bảo chúng ta “hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật” (2 Ti-mô-thê 2:15). Từ “lấy lòng ngay thẳng” có nghĩa là “phân tích chính xác, thẳng thắn” lẽ thật.

Bạn có tin rằng Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời? Đây là một giáo lý quan trọng. Bạn có tin rằng Chúa Giê-su là con đường duy nhất đến với Đức Chúa Cha? Bạn có tin rằng Đức Chúa Trời có một kế hoạch cho bạn và muốn bày tỏ ý muốn của Ngài cho bạn? Nếu vậy, bạn có thể chứng minh niềm tin đó theo Kinh Thánh không? Tiếc thay, nhiều Cơ đốc nhân không thể trả lời những câu hỏi này một cách thông minh và theo Kinh Thánh.

Một lý do cho do việc này là chúng ta không đoc Kinh Thánh cách thông minh. Nhiều lần chúng ta đọc nhưng chúng ta thất bại trong việc hiểu đoạn đó nói cái gì trong bối cảnh. Chúng ta không biết ai đang nói và hoàn cảnh xung quanh phân đoạn đó là gì.

Ví dụ, đọc Cựu Ước về các con sinh tế khác nhau sẽ khiến bạn bối rối nếu không có hiểu biết căn bản về Tân Ước. Tôi có thể cho rằng cách tốt nhất để tiếp cận Chúa là qua con sinh tế, tuy nhiên, với sự hiểu biết về Tân Ước, tôi nhận ra hệ thống tế lễ là hình bóng của những gì Chúa Giê-su sẽ làm trên thập tự giá.

Dưới đây là vài câu hỏi chìa khóa bạn nên hỏi chính mình khi bạn mở Kinh Thánh và học đoạn Kinh Thánh đó:

  • Chủ đề chính của đoạn đó là gì?
  • Những người được nhắc đến trong phân đoạn là ai?
  • Ai đang nói?
  • Phân đoạn đang nói về ai?
  • Câu chìa khóa là gì?
  • Đoạn này dạy cho tôi điều gì về Chúa Giê-su?

Khi bạn đọc, quan trọng là phải hỏi phân đoạn có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của bạn như thế nào. Khi đọc một phân đoạn, hãy hỏi chính mình những câu hỏi sau:

  • Có tội lỗi nào được nhắc đến mà tôi cần phải phải xưng ra hoặc từ bỏ?
  • Có mệnh lệnh nào tôi phải tuân theo?
  • Có lời hứa nào tôi có thể áp dụng vào hoàn cảnh hiện tại?
  • Có lời cầu nguyện nào tôi nên cầu nguyện?

Khi bạn đọc, hãy dừng lại và nghĩ về những gì Chúa đang bày tỏ cho bạn. Bạn nên nhai thức ăn thuộc linh đó. Đây chính là ý nghĩa của việc suy ngẫm Lời Chúa. Chúng ta nên đọc năm câu chậm rãi và hiểu các câu đó có nghĩa gì thay vì đọc năm đoạn nhanh chóng và chẳng hiểu gì cả. Học cách chậm lại. Học cách để Đức Thánh Linh phán với bạn qua mỗi phân đoạn bạn đọc.

 Thi thiên 1 cho chúng ta một tấm gương của một người đã học cách đi với Chúa và bảo với chúng ta rằng người đó “lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” (câu 2). Là người môn đồ, chúng ta cũng nên giống như vậy.

Điều này đưa chúng ta đến một yếu tố quan trọng khác trong việc học Kinh Thánh, được tìm thấy trong Châm ngôn 2:3 “Phải nếu con kêu cầu sự phân biện, và cất tiếng lên cầu xin sự thông sáng.” Để tối ưu hoá việc học Kinh Thánh, chúng ta cần cầu nguyện xin sự thông sáng. Chúng ta cần đến trước Chúa và cầu nguyện như vậy.

“Cha ơi, con tin rằng Cha là tác giả của quyển sách này.Con tin rằng, như Ngài phán trong Kinh Thánh, rằng mọi mọi lời đều được hà hơi bởi Ngài. Do đó, con xin Ngài, là tác giả, hãy dẫn dắt con. Xin giúp con hiểu và cho con thấy cách những lẽ thật này được áp dụng vào đời sống con.”

Kiểu cầu nguyện chân thành này khiến cho Kinh Thánh trở nên sống động trong khi học.

Kinh Thánh cho chúng ta biết nếu chúng ta muốn biết Chúa thì chúng ta phải tìm kiếm Ngài và sự khôn ngoan của Ngài như thể chúng ta đi đào vàng hoặc tìm “bửu vật ẩn bí” (Châm ngôn 2:4).

Với những tín hữu sống tại Mỹ, tôi không chắc chúng ta nhận ra Kinh Thánh là bửu vật. Mới đây, khi tôi nói chuyện với một nhà xuất bản Kinh Thánh. Ông nói với tôi rằng ngày nay độc giả đang có xu hướng thích Kinh Thánh là vật trang trí hơn là để nghiên cứu và giúp họ. Chúng ta đã quá được nuông chiều rồi. Nhiều người trong chúng ta có hơn một quyển Kinh Thánh ở nhà. Cá nhân tôi cũng đang có nhiều quyển Kinh Thánh với các kích cỡ, hình dáng và các bản dịch khác nhau.

 Nhưng ở Trung Quốc và những quốc gia mà Kinh Thánh bị cấm cản thì đó là bảo vật. Tôi đã từng nghe câu chuyện về những tín hữu chỉ có một quyển Kinh Thánh cho cả hội chúng. Họ cầm quyển Kinh Thánh đó xé ra từng trang và đưa cho mỗi cá nhân trong hội chúng để học thuộc. Với nhiều Cơ đốc nhân, Kinh Thánh giá trị như vàng bạc. Thậm chí còn hơn vậy. Chúng ta cần thấy giá trị tương tự như vậy trong Lời của Chúa. Như Thi thiên 19:9-10 có nói, “Các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân thật, thảy đều công bình cả. Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng.”

Khi bạn đọc Kinh Thánh, hãy nghĩ về cuốn sách như việc đào vàng. Bạn đã từng đánh rơi đồng 25 xu chưa? Bạn có tìm kiếm đồng xu đó không? Tôi có đấy. Hay bạn có tìm kiếm đồng 10 xu hay là 1 xu? Tôi có, tùy vào hoàn cảnh.

Giả dụ bạn làm mất một triệu đô. Bạn liệu có đi tìm nó không? Tôi nghĩ là bạn sẽ tìm. Nếu tôi sẵn lòng tìm kiếm đồng 25 xu thì tôi chắc chắn sẽ tìm kiếm một triệu đô này.

Có vàng được chôn trong các trang của Kinh Thánh. Bạn cần phải đào bới, tìm kiếm và tìm thấy trong Kinh Thánh cho chính mình.

Tại sao phải Ghi nhớ?

Cách tốt nhất để ghi nhớ mọi thứ là viết xuống. Khi tôi viết điều gì xuống, tôi sẽ ghi nhớ sâu hơn là nếu chỉ đọc không. Tôi thậm chí còn không cần phải xem lại những gì tôi viết. Viết xuống giúp cho mọi thứ tiến vào tâm trí tôi và ở lại lâu hơn. Bạn nên có thói quen có quyển sổ bên cạnh khi học Kinh Thánh. Khi bạn tự học Kinh Thánh và lắng nghe những gì phân đoạn phán với bạn, hãy viết xuống những gì Chúa bày tỏ cho bạn. Có thể điều đó chưa cần thiết ngay lúc đấy nhưng ngày hôm sau, hay tháng sau, đây lại chính là điều mà bạn cần.

Khi Kinh Thánh được khắc vào trong tâm trí bạn, thì nó sẽ luôn ở đó để cho bạn sử dụng. Sẽ có những lúc câu hoặc đoạn Kinh Thánh bạn ghi nhớ đó mang lại ích lợi lớn. Nó sẽ an ủi tấm lòng bạn hay thêm sức cho bạn trong khi gặp phải cám dỗ lớn. Tác giả Thi thiên viết rằng, “Tôi đã giấu Lời Chúa trong lòng tôi, Để tôi không phạm tội cùng Chúa” (Thi thiên 119:11). Mặc dù có quyển Kinh Thánh mang theo trong va-li, ba-lô, túi sách là điều rất tốt, nhưng nơi tốt nhất lại chính là tấm lòng bạn.

Chúa phán với chúng ta, “Vậy, hãy cất để trong lòng và trong trí mình những lời ta nói cùng các ngươi, đeo nó như một dấu nơi tay, như một ấn chí giữa hai con mắt. Hãy dạy nó lại cho con cái mình, nói đến hoặc khi ngươi ngồi ở trong nhà hay là đi đường, hoặc khi ngươi nằm hay là khi chổi dậy” (Phục truyền 11:18-19).

Cô-lô-se 3:16 nói rằng, “Nguyền xin Lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em….”  Câu này cũng có thể được dịch là, “Hãy để lời của Đấng Christ ngập tràn cuộc đời bạn,” hay “Hãy để lời của Đấng Christ ngự trong lòng bạn.” Tức là, hãy để Kinh Thánh đổ đầy cuộc đời bạn. Hãy yêu mến Lời Chúa. bạn sẽ không bao giờ phải hối hận đâu

Điều bạn sẽ hối hận là tất cả các thời gian bạn dành cho việc xem ti-vi. Bạn sẽ hối hận với thời gian bạn dành để lên mạng. Nhưng bạn sẽ không bao giờ hối hận một phút nào bạn dành cho việc học hoặc ghi nhớ Kinh Thánh.

Bạn có bao giờ cảm thấy chán nản sau khi đến nhà thờ? Lại thêm mấy giờ đồng hồ lãng phí ở nhà thờ. Dài lê thê. Thà ở nhà xem một chương trình vô thưởng vô phạt trên tivi. Chúng ta có thể xem bộ phim vớ vẩn nào đấy. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình lãng phí thời gian khi dành thời gian thờ phượng Chúa và học Lời của Ngài.

Áp dụng những điều chúng ta học

Học Kinh Thánh hàng ngày hoặc ghi nhớ không bao giờ là đủ; bạn phải để Kinh Thánh ảnh hưởng cách bạn sống.

Lướt qua Lời của Chúa không bao giờ là đủ. Hãy để cho Lời Chúa xuyên qua bạn.

Không phải là cách chúng ta đánh dấu Kinh Thánh mà là Kinh Thánh đánh dấu lên chúng ta ra sao.

Chúng ta phải áp dụng những điều chúng ta học từ Kinh Thánh lên các hoạt động hàng ngày của chúng ta. Nhớ rằng Chúa Giê-su phán nếu chúng ta hằng ở trong Ngài thì chúng ta là môn đồ Ngài. Từ “hằng ở” cũng là từ Chúa Giê-su dùng trong Giăng 15:7 khi Ngài nói về “ở trong.” Ngài nói, “Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó.”

Chúng ta ở trong Chúa Giê-su khi chúng ta lấy sức mạnh và các nguồn lực từ Ngài. Tương tự như cây nho lấy các nguồn lực từ đất và nhánh tiếp nhận nguồn lực đó từ thân cây, chúng ta cần phải duy trì mối quan hệ thông công và tình bạn không thể gãy đổ với Chúa. Nếu chúng ta ở trong Lời Chúa, có nghĩa là chúng ta đang lấy các ý tưởng và phong cách sống từ đó. Kết quả là hành động và lời nói của chúng ta cũng được tác động.

Lời Chúa có ảnh hưởng trên bạn ngày hôm nay không? Lời Chúa có đang chống đỡ cuộc đời bạn? Có đang kiểm soát suy nghĩ của bạn, cách bạn kinh doanh, cuộc sống tại nhà và ngay cả trong thời gian rảnh rỗi? Nếu không thì bạn không phải là người môn đồ. Chỉ khi chúng ta đặt để chính mình ở dưới thẩm quyền của Lời Ngài và thuần phục sự dạy dỗ đó thì chúng ta mới trở thành người môn đồ.

Bạn là kiểu người nghe nào?

Trong Lu-ca 8 chúng ta thấy câu chuyện được gọi là Dụ ngôn về người Gieo Giống minh họa những điều ngăn trở Lời Chúa đâm rễ trong đời sống chúng ta. Hạt giống tượng trưng cho Lời Chúa và đất thì tượng trưng cho các kiểu loại người tiếp nhận Lời Chúa.

Kiểu người thứ nhất được nhắc đến trong câu chuyện chúng ta gọi là người nghe đường cái: “Người gieo đi ra để gieo giống mình. Khi vãi giống, một phần giống rơi ra dọc đường, bị giày đạp và chim trời xuống ăn hết” (câu 5). Hạt giống không bao giờ có thể đâm rễ với người nghe đường cái. Họ nghe Lời Chúa nhưng chẳng tin. Không phải bởi vì họ không tiếp nhận hay không muốn tin mà họ không thích. Họ không cởi mở và họ cũng không tìm kiếm.

Tiếp theo là người nghe đường đá sỏi: “Một phần khác rơi ra nơi đất đá sỏi, khi mới mọc lên, liền héo đi, vì không có hơi ẩm” (câu 6). Trái ngược với người nghe đường cái là người nghe đường đá sỏi. Người nghe đường đá sỏi thì có suy nghĩ sau. Họ nói, “Ừ! Chính là đây! Chính là điều tôi đang tìm kiếm!” Nhưng một tuần sau hay một hoặc hai tháng sau, họ bỏ đi. Họ nói, “Tôi không thích nữa.” Họ không thể duy trì sự bước đi với Chúa để kết quả. Và thời gian sẽ trả lời là họ có thực sự được cải đạo hay không.

Điều này mang chúng ta đến với người nghe bụi gai. “Một phần [hạt giống] khác rơi vào bụi gai, gai mọc lên với hột giống, làm cho nghẹt ngòi” (câu 7). Kiểu người nghe thứ ba này thể hiện một tiến trình liên tục có thể kéo dài đến mấy tháng hay vài năm. Nhưng như cỏ dại không thể tách khỏi đất, túm lấy một cái cây, lắc dữ dội, đây là một tiến trình liên tục phá huỷ kiểu tăng trưởng thuộc linh này. Nó sẽ diễn ra từ bắt đầu đi nhà thờ ít đi và ít đọc Kinh Thánh hơn. Sự ưu tiên thuộc linh giảm xuống trong khi các sự ưu tiên khác thì tăng lên – đến khi sự tăng trưởng bị dừng lại. 

Cuối cùng chúng ta có người nghe kết quả. “Lại có một phần [hạt giống] khác rơi xuống nơi đất tốt, thì mọc lên, và kết quả, một thành trăm.”

Tại sao kiểu người này lại sinh ra trái? Bởi vì người đó muốn vậy. Đất tốt được tạo nên bởi công việc của người Chủ Vườn và sự đồng công của chúng ta. Bạn không tự nhiên có một tấm lòng tiếp nhận. Bạn khiến nó trở nên dễ tiếp nhận. Gốc cây cần phải bám rễ. Cỏ phải bị nhổ và đốt đi để hạt giống mới có thể được trồng.

Chúa phải làm việc trong mảnh đất tấm lòng con người. Chúng ta không thích khi Ngài đến và bỏ đi tất cả những gì chúng ta cho phép đâm rễ trong cuộc đời mình giống như cành lá tội lỗi hay hạt giống hay cỏ dại nổi loạn hay gốc rễ của sự bất tuân. Chúa nói, “Chúng ta phải bỏ điều này đi để chúng ta có thể khiến đất đai màu mỡ cho hạt giống là Lời Chúa, và sau đó quả mới kết được.”

Chúa muốn hạt giống Lời Ngài thấm vào mọi lĩnh vực của cuộc sống chúng ta – nhà cửa, công việc, thời gian rảnh rỗi cũng như thời gian cầu nguyện. Tiếp tục ở trong Lời Ngài là một điều cần thiết cho tất cả những ai muốn trở thành môn đồ Ngài.

Nguồn: daotaomondo.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like