Home Chuyên Đề Làm Thế Nào Để Dạy Con Ở Tuổi Thiếu Niên Mặc Lấy Mọi Khí Giới Của Đức Chúa Trời

Làm Thế Nào Để Dạy Con Ở Tuổi Thiếu Niên Mặc Lấy Mọi Khí Giới Của Đức Chúa Trời

by Crosswalk.com
30 đọc

Nuôi dạy con cái ở tuổi thiếu niên đòi hỏi sự hướng dẫn liên tục và nhiều sự kiên nhẫn. Cha mẹ có con ở tuổi thiếu niên thường khó chịu với sự lựa chọn của con mình khi họ chứng kiến con đi qua những năm tháng với nhiều biến chuyển giữa giai đoạn thơ ấu và trưởng thành. Trong khi mỗi bậc phụ huynh lo lắng về những điều khác nhau tùy thuộc vào tính cách và hoàn cảnh của con họ, thì có một nỗi lo mà tất cả cha mẹ nào có con trong độ tuổi thiếu niên đều gặp phải đó là sợ rằng con mình sẽ bị lôi kéo bởi áp lực của bạn bè xung quanh.

Nói một cách đơn giản, áp lực bạn bè là áp lực mà con người ta cảm thấy từ những người bạn hay những người đồng trang lứa với mình để phải cư xử theo một cách nhất định nào đó. Thanh thiếu niên có thể cảm thấy áp lực khi bạn bè của chúng dùng những gợi ý, thách thức, hay lời lẽ có tính chất làm bẽ mặt để chúng làm hay không làm một việc gì đó. Các em cũng cảm thấy áp lực hơn, khi phải đưa ra những sự lựa chọn mà mọi người khác trong vòng tròn xã hội của chúng đều đang lựa chọn để thực hiện.

Áp lực bạn bè có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong đời sống hằng ngày của một thiếu niên, từ chế độ ăn uống, lựa chọn áo quần, và mức độ của các hoạt động thể chất cho đến thái độ đối với trường lớp, các chất gây nghiện và tình dục. Áp lực bạn bè lôi kéo con người ta vào các hoạt động tiêu cực có thể là một thách thức đối với các thanh thiếu niên để chống cự lại bởi vì các em ở độ tuổi này đã đang phải đối diện với tâm lý thay đổi thất thường của bản thân, do hóc-môn và những căng thẳng về trách nhiệm gia tăng.

Kinh Thánh báo trước cho chúng ta về những nguy cơ từ áp lực bạn bè bằng lời cảnh báo rằng “bạn bè xấu làm hư thói nết tốt” (I Cô-rinh-tô 15:33). May mắn thay, Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết phải làm gì với những người bạn xấu mà có thể làm hư thói nết tốt bằng việc đưa ra một lộ trình mà chúng ta có thể sử dụng để giúp các thanh thiếu niên của mình vượt qua những cạm bẫy của áp lực bạn bè. Cụ thể, chúng ta nên khuyến khích các con của mình “trang bị” cho bản thân trước áp lực bạn bè bằng cách mặc lấy “mọi khí giới của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:10-17)

Mọi khí giới của Đức Chúa Trời là gì?

Mọi khí giới của Đức Chúa Trời được hình thành từ “đội quân tiếp viện” thuộc linh mà chúng ta có thể sử dụng để đứng vững trên lập trường của mình và chống lại những cám dỗ tội lỗi (Ê-phê-sô 6:11). Kinh Thánh liệt kê những khí giới đó như sau:

Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công bình, dùng sự sẵn sàng của Tin lành bình an mà làm giày dép. Lại phải lấy thêm đức tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ. Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 6:14-17)

Chúng ta có thể khích lệ các thanh thiếu niên của mình “trang bị cho phù hợp” với trận chiến chống lại áp lực từ bạn bè bằng cách dạy chúng về mục đích đằng sau mỗi phần của bộ giáp. Cụ thể là:

1. Dây nịt lưng của lẽ thật:

(Ê-phê-sô 6:14) Là Cơ-đốc nhân, chúng ta biết rằng Lời của Đức Chúa Trời là lẽ thật. Lẽ thật có năng quyền để thánh hóa (Giăng 17:17), ban ân điển (Giăng 1:17), và giải phóng chúng ta (Giăng 8:32). Trong khi các tiêu chuẩn của xã hội đến rồi đi, chúng ta đặt đức tin của mình trên lời hứa rằng “lời Chúa tồn tại đời đời” (1 Phi-e-rơ 1:25).

Sẽ có lúc các con chúng ta lo lắng rằng chúng không theo kịp xu hướng mới nhất hay bắt chước một lựa chọn mà một người bạn đã làm. Trong những lúc bất an như thế này, chúng ta có thể nhắc nhở các con của mình rằng “vì điều người ta đề cao lại là điều ghê tởm trước mặt Đức Chúa Trời” (Luca 16:15).  Chúng ta có thể nói với các con rằng thay vì làm việc để giành lấy những lời ca ngợi thoáng qua của số đông, chúng có thể chọn cách nắm lấy các bài học của Kinh Thánh và tích trữ của cải đời đời cho mình trên thiên đàng (Ma-thi-ơ 6:19-20).

2. Áo giáp của sự công bình

(Ê-phê-sô 6:14). Nếu con bạn có ý nghĩ tiêu cực với từ “công bình”, có thể là vì cô bé đang nhầm lẫn từ đó với từ “tự xưng công bình”. Từ “công bình” mang ý nghĩa lòng tốt, chính trực, đứng đắn, công bằng — tất cả những trạng thái mà có thể dẫn dắt các thanh thiếu niên thoát khỏi tội lỗi và hướng đến một đời sống hạnh phúc. Ngược lại, từ “tự xưng công bình” có nghĩa là hành vi tự cao tự đại và đạo đức giả — mà các bạn tuổi thiếu niên nên biết sẽ dẫn đến sự khốn khổ và cô đơn.

Khi được giải thích theo cách này, tầm quan trọng của việc sống một đời sống công bình ngay thẳng trở nên rõ ràng. Các con của chúng ta có thể sống ngay thẳng bằng cách sắp xếp mọi hành động của chúng theo như sự chỉ dẫn của Chúa trong Kinh Thánh, đặc biệt là Nguyên Tắc vàng “bất cứ điều gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ” (Ma-thi-ơ 7:12).

3. Tin Lành Bình An

(Ê-phê-sô 6:15).  Kinh Thánh bảo chúng ta phải mang vừa hay bao bọc chân mình trong Tin Lành bình an. Khi chúng ta thúc đẩy các con của mình bao bọc chân của chúng với Tin Lành bình an, chúng ta đang khích lệ chúng để lời Chúa là ngọn đèn cho chân chúng và  ánh sáng soi đường của chúng. (Thi-thiên 119:105). Chúng ta có thể giúp các con của mình bước đi trong sự bình an bằng cách dạy dỗ chúng, qua việc để Chúa làm trung tâm của những lời nói và hành động, làm thế nào để tương giao tốt với những người xung quanh và làm thế nào để giải quyết những bất hòa một cách điềm tĩnh và hợp lẽ.

4. Thuẫn Đức Tin

(Ê-phê-sô 6:16) Khi chúng ta hình dung một chiến binh đang cầm một cái thuẫn trong chiến trận, chúng ta hình dung người chiến binh đang chống đỡ trước những cuộc tấn công của kẻ thù. Cái thuẫn là để che chắn cơ thể.

Tương tự như vậy, khi chúng ta khích lệ các con mình cầm lấy thuẫn đức tin, chúng ta đang thuyết phục chúng bảo vệ tâm linh của mình bằng cách giữ vững đức tin khi con người và hoàn cảnh cám dỗ chúng làm điều sai trái. Các con sẽ hiểu được rằng, chừng nào chúng còn giữ vững đức tin của mình như giữ một cái thuẫn trong suốt những trận chiến thuộc linh trong cuộc đời, chúng sẽ có thể dập tắt những nghi ngờ và  sợ hãi, còn không những thứ đó sẽ đánh thủng niềm tin của chúng.

5. Mão Trụ Của Sự Cứu Chuộc

(Ê-phê-sô 6:17) Đối với thế hệ thanh thiếu niên ngày nay, thì việc nhìn thấy người ta đội mũ bảo hiểm là rất bình thường, dù những người đó đang đi xe đạp, chơi thể thao hay làm việc với những vật nặng phía trên đầu. Con cái chúng ta biết rằng mũ bảo hiểm cứu được tính mạng con người bằng cách bảo vệ đầu khỏi những chấn thương chí mạng.

Cha mẹ có thể dùng hình ảnh tương tự đó để dạy cho trẻ vị thành niên tầm quan trọng của việc mang lấy mão trụ cứu chuộc để bảo vệ tâm trí non trẻ khỏi việc tin vào những suy nghĩ có thể dẫn đến sự chết thuộc linh.

Trong suốt cuộc đời của mình, con cái chúng ta sẽ phải chịu nhiều khoảnh khắc của sự thất vọng mà sẽ thử thách đức tin của chúng. Con chúng ta cũng có thể gặp những người bạn xấu, những người mà sẽ cố gắng làm chúng dao động và đánh mất niềm tin của mình. Nếu chúng ta dạy các con cảnh giác và luôn nghĩ về sự cứu rỗi của mình qua Đấng Christ, thì ngay cả ma quỷ là kẻ “như sư tử gầm thét, đang rình rập chung quanh, tìm người để cắn nuốt” cũng không thể thắng được đức tin vững vàng của con cái chúng ta (1 Phi-e-rơ 5:8).

6. Gươm của Đức Thánh Linh

(Ê-phê-sô 6:17) Gươm Thánh Linh là phần cuối cùng trong bộ khí giới của Đức Chúa Trời và cũng là một thứ “vũ khí” mà có thể được sử dụng để tự vệ lẫn tấn công. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng gươm của Đức Thánh Linh là Lời của Đức Chúa trời và chúng ta phải học cách sử dụng thành thạo gươm đó trong chiến trận thuộc linh.

Trước khi chúng ta có thể dạy các con mình sử dụng thanh gươm Lời Chúa này, chúng ta phải làm phần của mình là “mài dũa” gươm đó bằng cách làm cho con cái chúng ta quen thuộc với Lời của Chúa. Tóm lại, trách nhiệm của chúng ta là phải “dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo” để  “ khi nó trở về già, cũng không lìa khỏi đó” (Châm-ngôn 22:6).

Trang bị cho con cái mình với sự hiểu biết về Lời Chúa cho phép chúng sử dụng gươm của Thánh Linh để tự vệ, đánh gục bất cứ lý lẽ nào mà bạn bè chúng có thể dùng để làm hao mòn đức tin của chúng. Sự hiểu biết lời Chúa cũng cho phép con cái chúng ta sử dụng gươm Thánh Linh này để tấn công, công bố lẽ thật của Kinh Thánh để củng cố và khích lệ các Cơ-đốc nhân khác giữ vững đức tin. (Công-vụ 14:22)

Dịch: Ny Ny

Nguồn: Crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like