Home Chuyên Đề Sách Khải Huyền – “Hãy Viết” Lần Thứ Ba (Phần 1)

Sách Khải Huyền – “Hãy Viết” Lần Thứ Ba (Phần 1)

by Hong An
30 đọc

HÃY VIẾT cho thiên sứ của Hội Thánh Ê-phê-sô rằng: Nầy là lời phán của Đấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu và đi chính giữ bảy chân đèn vàng: Ta biết công việc ngươi, sự khó nhọc ngươi, sự nhịn nhục ngươi; Ta biết ngươi không thể dung được những kẻ ác, lại biết ngươi đã thử những kẻ tự xưng là sứ đồ mà không phải là sứ đồ, ngươi đã rõ rằng chúng nó giả dối.” – Khải-huyền 2:1-2

Khải-huyền 1:11 chép rằng, ‘HÃY CHÉP vào một QUYỂN SÁCH mà gởi cho bảy Hội Thánh…” Như trong những phần trước, chúng ta thấy Giăng đã gửi cùng một lúc bảy lá thư, chứa toàn bộ những thông điệp về những gì ông đã thấy và nghe cho lần lượt từng Hội Thánh như một sự khích lệ và dạy dỗ đặc biệt dành cho họ. “…tức là sự màu nhiệm của bảy ngôi sao mà ngươi thấy trong tay hữu Ta, và của bảy chân đèn vàng. Bảy ngôi sao là các thiên sứ của BẢY HỘI THÁNH, còn bảy chân đèn là bảy Hội Thánh vậy.” (Khải-huyền 1:20).

Giăng dạy cho chúng ta hiểu ra ý nghĩa và nhìn thấu các hình ảnh cùng biểu tượng. Chính ông đã nhấn mạnh rằng những hình ảnh này nhắm đến một hiện thực cụ thể. Một bức tranh còn thật hơn rất nhiều so với mô tả thực tế. Có những NGÔI SAO, những CHÂN ĐÈN, và Chúa Giê-xu đi giữa những chân đèn ấy. Ngài là nguồn của dầu thắp đèn, bởi Thánh Linh của Ngài mà những ngôi sao sáng lung linh và những đèn cùng chân đèn tỏa chiếu ánh sáng của chúng. Ngài chính là Thầy Tế Lễ Tối Thượng trong nơi mà Ngài ngự, là các Hội Thánh của Ngài. Ngài nắm các ngôi sao cùng các chân đèn trong tay, và Ngài cũng đứng đối diện với chúng trong cương vị của Đấng Phán Xét Thiên Thượng, thánh khiết, khiến cho Hội Thánh nên thánh sạch, để rồi họ nhận được sự phục hồi và sức mạnh kháng cự thuộc linh để chịu đựng sự bắt bớ.

Sự bày tỏ diện mạo đầu tiên của Đức Chúa Giê-xu Christ cho Giăng dường như đã xảy ra TRÊN ĐẤT – tại đảo Bát-mô. Sau đó, trong chương 4:1, Giăng đã được phép nhìn kĩ –THIÊN ĐÀNG. Góc nhìn được thay đổi liên tục từ dưới đất và từ trên trời. Trong chương 10:1, ông một lần nữa đã nhìn thấy thiên sứ xuống từ Trời, cho nên Giăng dường như đã nhìn xem cảnh tượng đó từ dưới đất. Đó là nơi mà ông đã ở (khi chứng kiến những sự mặc khải đầu tiên) cho đến tận chương 11:13. Thế nhưng, tầm nhìn trong chương 11:15-19 đã được nhìn thấy từ trên Trời. Trong chương 12 thì ông có vẻ như lại ở trên đất, nhưng tới chương 14:17-20 gợi ý rằng Giăng đã ở trên Trời – mặc dù đôi lúc cũng không hoàn toàn rõ ràng đối với người đọc để có thể biết được Giăng đang ở đâu khi ông mô tả những gì ông đã nhìn thấy. Những gì xảy ra ở trên Trời thì đều có một sự tác động trên đất, và những gì diễn ra trên đất – ví dụ như những lời cầu nguyện – đều có sự tác động trên Thiên Đàng. Giăng được cho phép nhìn thấy mọi điều TỪ CẢ HAI PHÍA.

Những thông điệp dành cho BẢY HỘI THÁNH đã đến trước hết, trước những ấn, những tiếng kèn và các bát thạnh nộ cùng những sự phán xét dành cho thế giới. Phi-e-rơ nói rằng sự phán xét bắt đầu từ trong Nhà của Đức Chúa Trời: “Vì thời kỳ đã đến, là khi sự phán xét sẽ khởi từ nhà Đức Chúa Trời; vả, nếu khởi từ chúng ta, thì sự cuối cùng của những kẻ chẳng vâng theo Tin-lành Đức Chúa Trời sẽ ra thế nào?” (1 Phi-e-rơ 4:17). Tuy nhiên, sự phán xét đối với Hội Thánh, đối với hội chúng Cơ Đốc chân thật, sẽ đem họ đến sự tinh sạch; trong khi đó sự phán xét dành cho thế gian chẳng khác gì một SỰ TUYÊN ÁN, phải khai trình trước Chúa, như chép trong Rô-ma 12:19 “…Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng.”

Hội Thánh thật của Đấng Christ sẽ nhận lãnh phần thưởng, dựa theo những việc lành mà Chúa Giê-xu đã làm qua họ bởi Thánh Linh của Ngài.

Sứ đồ Phao-lô VIẾT trong 1 Cô-rinh-tô 3:10-15 rằng “Theo ơn Đức Chúa Trời ban cho tôi, tôi đã lập nền như một tay thợ khéo, mà có kẻ khác cất lên trên; nhưng ai nấy phải cẩn thận về sự mình xây trên nền đó. Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là ĐỨC CHÚA GIÊ-XU CHRIST. Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, VÀ CÔNG VIỆC CỦA MỖI NGƯỜI ĐÁNG GIÁ NÀO, LỬA SẼ CHỈ RA. Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình. Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.”

Và như Sứ đồ Giăng ghi chép lại trong Khải-huyền 14:13 “Tôi nghe có tiếng đến từ trên trời rằng: Hãy viết lấy: Từ rày phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau.”

Giăng nói trong Khải-huyền 1:20 về “…sự màu nhiệm…” đồng thời giải thích các hình ảnh và biểu tượng ấy ngay tức thì. Những điều khác mà ông đã ghi chép lại đều cần phải được hiểu và được giải thích bằng từ ngữ theo đúng nghĩa đen – giống như mô tả về hình ảnh Đấng Christ được Vinh Hiển. Những “NGÔI SAO” là những Thiên-sứ, không phải là những Thiên-thần hộ mệnh, mà là những người dạy dỗ, những SỨ GIẢ. Như trong Ma-la-chi 2:7 chép rằng “Vì môi miếng của thầy tế lễ nên giữ sự thông biết, người ta tìm luật pháp trong miệng nó, vì nó là SỨ GIẢ của Đức Giê-hô-va vạn quân.”

Các “CHÂN ĐÈN” chính là CÁC HỘI THÁNH. Chiếc đèn ‘menorah’ bảy nhánh là biểu tượng thờ phượng của người Do Thái, của đạo Do Thái. Tuy nhiên, Hội Thánh thời đó đã đối mặt với áp lực mạnh mẽ (xem Khải-huyền 2:9 và 3:9) từ những người thuộc đạo Do Thái trong những thế kỉ đầu tiên. Đối với Cơ Đốc nhân, sự xung đột và mối bất hòa với Do Thái giáo có nghĩa là đánh mất nền tảng hợp pháp đối với sự tồn tại của họ trong Đế chế La-mã lúc bấy giờ. Chừng nào Cơ Đốc nhân còn được coi là một nhánh hoặc một giáo phái ra từ Do Thái giáo, thì họ còn được bảo vệ và không bị liệt vào sự cấm vận của La-mã chống lại việc thành lập các cộng đồng tôn giáo, giáo phái mới. Tuy nhiên, sự xung đột với Do Thái giáo ngay lập tức gây ra những sự va chạm đối với chính quyền La-mã. Vì vậy, sự cám dỗ để quay trở lại dưới lá cờ Do Thái (có thể hiểu là dưới sự thống trị của Do Thái giáo) là vô cùng mạnh mẽ. Thế nhưng, sứ giả của Thầy Tế Lễ Cả Thượng Phẩm (Đấng Christ) thì không được sợ hãi, vì: ‘Các ngươi là những chân đèn; các ngươi được xưng là Dân thuộc Đức Chúa Trời, quốc gia của Ngài, nước Ngài, là những thầy tế lễ của Ngài ở trên đất này.’ (xem Khải-huyền 1:6). Thật là một sự khích lệ dành cho Hội Thánh!

Trong bản ‘SEPTUAGINT’ – bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Hy-lạp cổ nhất của Cựu Ước bằng tiếng Hê-bơ-rơ, từ ngữ được dùng cho ‘messenger’ – SỨ GIẢ là ‘ANGELOS’, angel – Thiên-sứ/Sứ-giả; sách A-ghê 1:13 chép “A-ghê, SỨ GIẢ của Đức Giê-hô-va bèn nói cùng dân sự theo lịnh truyền của Đức Giê-hô-va, mà rằng: Ta ở cùng các ngươi, Đức Giê-hô-va phán vậy”. Trong Ê-sai 44:26 chép, “Chúa làm ứng nghiệm lời của tôi tớ Ngài, thiệt hành mưu của SỨ GIẢ Ngài; phán về thành Giê-ru-sa-lem rằng: Nó sẽ có người ở; và về các thành của Giu-đa rằng: Nó sẽ được lập lại, Ta sẽ dựng lại các nơi hoang vu của nó.” Từ ‘messenger’ – SỨ GIẢ – tiếng Hy-lạp ở trong Tân Ước cũng được gọi là ‘ANGELOS’, angel – Thiên-sứ/Sứ-giả. Mark 1:2 chép “Như đã chép trong sách tiên tri Ê-sai rằng: Nầy, Ta sai SỨ Ta đến trước mặt ngươi, Người sẽ dọn đường cho ngươi…”; hay trong Ma-thi-ơ 11:7-10 “… Ấy vì người đó mà có chép rằng: Nầy, Ta sai SỨ Ta đến trước mặt con, Đặng dọn đường sẵn cho con đi.” Sách Gia-cơ 2:25 cũng chép “Đồng một thể ấy, kỵ nữ Ra-háp tiếp rước các SỨ GIẢ và khiến họ noi đường khác mà đi, người há chẳng phải cậy việc làm mà được xưng công bình sao?”

Bản dịch Kinh Thánh ‘Septuagint’ – từ tiếng La-tinh: ‘Septuaginta’ nghĩa đen là “bảy mươi”, thường được viết tắt bằng LXX, đôi khi được gọi là “Cưu Ước tiếng Hy-lạp – là bản dịch lâu đời nhất bằng tiếng Hy-lạp còn tồn tại của Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ bắt nguồn từ tiếng Hê-bơ-rơ gốc.

Năm sách đầu tiên của Cựu Ước, được biết đến như Kinh Torah hoặc Pentateuch (5 Sách Ngũ Kinh Môi-se), ước tính đã được dịch ra vào giữa thế kỷ thứ III trước Công Nguyên; và những bản văn của các sách còn lại trong Cựu Ước, (gọi là ‘TANAKH’: Kinh Thánh Do Thái bao gồm cả các sách Luật Pháp – gọi là Torah, các sách tiên tri – gọi là Nevi’im, và các sách Thi-thiên – gọi là Ketuvim) đã được dịch ra vào thế kỷ thứ II trước Công Nguyên.

Bản dịch Tiếng Hy-lạp của Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Hê-bơ-rơ được gọi là “Septuagint”, vì 70 (hoặc 72) học giả Do Thái được cho là đã tham gia vào quá trình dịch thuật. Các học giả đã làm việc tại thành phố Alexandria trong triều đại Ptolemy II Philadelphus (285 – 247 trước Công Nguyên) theo như trong Bức Thư của Aristeas gửi cho người anh trai Philocrates của mình. Họ đã tập hợp lại để dịch Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp vì tiếng Hy-lạp (Koine Greek) đã bắt đầu thay thế tiếng Hê-bơ-rơ trở thành ngôn ngữ được người Do Thái sử dụng phổ biến nhất trong thời kì đó.

Chúa Giê-xu đã nói với Hội Thánh thông qua các mục sư/thầy tế lễ, sứ giả, những người mang thông điệp của Chúa đến hội chúng. Sứ đồ Phao-lô trong 1 Cô-rinh-tô 4:1 chép rằng: “Vậy, ai nấy hãy coi chúng tôi như đầy tớ của Đấng Christ, và kẻ quản trị những sự màu nhiệm của Đức Chúa Trời.” Và trong 2 Cô-rinh-tô 5:20 chép: “Vậy chúng tôi làm chức khâm sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhân danh Đấng Christ mà nài xin anh em: Hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.”

Mỗi một cá nhân thuộc Hội Thánh Chúa cần hành động và cư xử theo một cách. Phao-lô nói rằng “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy.” (1 Cổ-rinh-tô 11:1). Chúng ta là những Cơ Đốc nhân giống như vậy có thể nói điều này với những người khác không? Chúng ta có phải là những người mang lấy hình ảnh của Đấng Christ, như chép trong Rô-ma 8:29, là những ngôi sao trong tay Ngài? Chúng ta có phải là những bức thư được viết bởi chính Đấng Christ cho người khác đọc được như Phao-lô nói trong 2 Cô-rinh-tô 3:2-3 rằng “Ấy chính anh em là thơ gởi gắm của chúng tôi, viết trong lòng chúng tôi, mọi người đều biết và đều đọc. Vả, rõ thật rằng anh em là bức thơ của Đấng Christ, bởi chức vụ chúng tôi viết ra, chẳng phải viết bằng mực, nhưng bằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống, chẳng phải viết trên bảng đá, nhưng trên bảng thịt, tức là trên lòng anh em” chăng? Chúng ta có phải là những người mang lấy sự sáng như trong Phi-líp 2:14-16a chép rằng “Phàm làm việc gì chớ nên lằm bằm và lưỡng lự, hầu cho anh em ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được nên con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian; cho đến nỗi tới ngày của Đấng Christ,”

Ma-thi-ơ 5:14-16 chép “Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được; Cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chân đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà. Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.”

Ê-phê-sô 5:8-11 chép “…Vả lúc trước anh em đương còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng làng, vì trái của sự sáng láng ở tại mọi điều nhân từ, công bình và thành thật. Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa, và chớ dự phần vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách chúng nó thì hơn;…”

Bảy bức thư dành cho bảy Hội Thánh chứa một nét mục vụ tiên tri rõ ràng. Đấng Christ khuyên bảo, cảnh cáo và răn đe trong tình yêu thương. Bảy lá thư này có thể được nhìn thấy theo khía cạnh ba mặt: (1) như một thông điệp gửi đến Hội Thánh tại địa phương đó, cho chính nơi đó, ở Á Châu tại thời điểm đó; (2) là điển hình của các thời kì trong lịch sử Hội Thánh; (3) như một thông điệp đầy đủ cho Hội Thánh của mọi thời đại và khắp mọi nơi.

Chúa Giê xu không chỉ đứng ở giữa các chân đèn [hội thánh] mà còn đi giữa chúng. Ngài chủ động phân bổ thời gian với các hội thánh, từng nơi một. Trước tiên, sự chú ý của Ngài hướng tới hội thánh Ê-phê-sô, thủ phủ của tỉnh La Mã, thuộc Châu Á. Chúng ta đã quen thuộc với hội thánh này từ Sách Công vụ chương 18 và 20, và từ thư của Sứ đồ Phao-lô gửi tới người Ê-phê-sô, mặc dù  từ “tại Ê-phê-sô” trong Sách Ê-phê-sô 1:1 không được nói tới trong một số bản thảo tốt nhất.

(Còn tiếp…)

Tác giả: Willem J.J. Glashower – Christians for Israel International

Dịch & Biên tập: Cơ Đốc Nhân vì Israel Quốc Tế

*Vui lòng bấm vào link để đọc bài trước: https://hoithanh.com/55491/sach-khai-huyen-hay-viet-lan-thu-hai.html

Bình Luận:

You may also like