Home Dưỡng Linh Nhận Diện Chính Mình – Phần 2: Nhận Diện Trong Đấng Christ

Nhận Diện Chính Mình – Phần 2: Nhận Diện Trong Đấng Christ

by AdrianChua
30 đọc

Giăng 10: 10 – “Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật.” 

Kể từ sự kiện vườn Ê-đen, nhân thân thực sự của chúng ta đã bị Sa-tan đánh cắp và thiết lập lại. Qua mánh khoé gian dối và những lời dối trá, Sa-tan đã cướp đi bản chất tốt đẹp bên trong chúng ta do chính Đức Chúa Trời tạo ra và do đó cản trở chúng ta đạt được tiềm năng đầy trọn của mình trong Đấng Christ.

Chúng ta cần một sự hiểu biết Kinh Thánh về bản thân mình để biến đổi tấm lòng và làm mới tâm trí khi chúng ta bước đi theo cách xứng đáng với Chúa. Chứng nhận chắc chắn và lành mạnh về nhân thân trong Đấng Christ sẽ giữ chặt và hướng dẫn chúng ta vượt qua các thời kỳ và hoàn cảnh không ngừng đổi thay trong cuộc sống.

Xác định nhân thân Tôi là ai? 

Nhiều người trong chúng ta biết được bản chất của mình thông qua những biểu hiện bên ngoài. Nói cách khác, chúng ta để cho người khác định nghĩa bản thân mình. Khi còn nhỏ, chúng ta xây dựng bản thân mình từ những điều mà cha mẹ, thầy cô nói với chúng ta… Vì lý do đó, những người bị ngược đãi bằng lời nói từ nhỏ, khi lớn lên sẽ có xu hướng không xem trọng bản thân và lòng tự trọng thấp. Khi ở tuổi thiếu niên, bản thân chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi bạn bè và khi trưởng thành, chúng ta bị chi phối bởi những thành tích trong sự nghiệp, tình trạng tài chính xã hội, và sự thành công… Nói tóm lại, chúng ta cho phép những ảnh hưởng bên ngoài định nghĩa chúng ta là ai!

Là Cơ-đốc nhân, nhân thân thực sự của chúng ta không phải là ‘tôi là ai’ mà phải là ‘tôi thuộc về ai’. Con người thật của chúng ta được tìm thấy trong mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giê-xu chứ không phải trong những trải nghiệm sống tích cực hay tiêu cực của chúng ta. Có một số nhân tố thiết yếu liên quan đến con người thật của chúng ta. Chúng ta sẽ bắt đầu với câu hỏi cơ  bản nhưng sâu sắc nhất, “Tôi là một Cơ-đốc nhân như thế nào hay ý nghĩa của việc ở trong Chúa Giê-xu là gì?

“Ở trong Đấng Christ”, hay những cách diễn đạt tương tự như “trong Ngài”, hoặc “trong Chúa”, được tìm thấy hơn 170 lần trong Tân Ước và nó đơn giản có nghĩa là hợp nhất với Chúa Giê-xu. Rõ ràng, đây là một khái niệm rất quan trọng trong đời sống Cơ-đốc nhân của chúng ta.

“Trong A-đam” và “Trong Đấng Christ”

1 Cô-rinh-tô 15: 22  “Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại”.

1 Cô-rinh-tô 15: 45 “ấy vậy, có lời chép rằng: Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh hồn sống. A-đam sau hết là thần ban sự sống.”

“A-đam sau hết” ở đây rõ ràng là đề cập đến Chúa Giê-xu. Như vậy, qua hai câu này, chúng ta biết rằng toàn bộ nhân loại được đại diện bởi hai người, A-đam và Đấng Christ. Ban đầu, Đức Chúa Trời đã tạo ra A-đam để trở thành đại diện của loài người. Do đó, hậu quả tội lỗi của ông đã giáng xuống toàn nhân loại.

Rô-ma 5: 12  “12 Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội…

Tất cả chúng ta đều phạm tội vì chúng ta hợp nhất với A-đam. Cả nhân loại phải gánh chịu hậu quả tội lỗi của A-đam. Thông qua sự hiệp nhất với A-đam, tất cả chúng ta đều là tội nhân từ lúc mới sinh ra và do đó, chúng ta cư xử  như những kẻ đầy tội lỗi nối tiếp nhau, phạm tội mỗi ngày trong suy nghĩ, lời nói, việc làm và động cơ.

Thi-thiên 51: 5   “Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi”.

Chúng ta được hoài thai với bản chất tội lỗi, bởi vì chúng ta ở “ trong A-đam” và tất cả chúng ta đều đến thế gian “trong A-đam”. Phao-lô nói về điều này một cách khéo léo trong Ê-phê-sô 2: 1-3, “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình,đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung, tức là thần hiện đương hành động trong các con bạn nghịch. Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác.”

“Trong A-đam”, tất cả chúng ta đều chết về mặt tâm linh, làm nô lệ cho thế gian,  ma quỷ và niềm đam mê tội lỗi của mình, và do đó chúng ta cũng là đối tượng của cơn thạnh nộ Đức Chúa Trời. Và theo như đã được mặc định, A-đam trở thành một đứa con mồ côi, tất cả chúng ta đều mang trong mình một tâm linh mồ côi.

“Ở trong Đấng Christ” có nghĩa là gì?

2 Cô-rinh-tô 5: 17  “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”

Được ‘tái sinh’  nghĩa là chúng ta được sinh ra lần nữa trong một bản chất mới, chúng ta là một tạo vật mới. Và được ‘báp-têm (trong)’ có nghĩa là được ‘được tham gia cùng với (ai đó).’ Khi chúng ta được kết hợp với Chúa Giê-xu, chúng ta đã cùng dự phần trong sự đóng đinh, sự chết và sự phục sinh của Ngài. Nói cách khác, chúng ta đã chết đi con người cùng bản chất cũ của mình và  nhận lấy bản chất của Ngài. Đáng buồn thay, nhiều người, sau kinh nghiệm được tái sinh, tiếp tục có nhận thức và quan tâm nhiều hơn về bản chất thế gian thay vì con người thuộc linh của mình. Chúng ta tiếp tục tận hưởng con người cũ thấp kém thay vì hài lòng với nhân thân cao hơn của chúng ta. Vì lẽ đó, chúng ta luôn cố gắng chứng minh tầm quan trọng của mình thay vì bước đi trong sự vâng lời.

Nếu vấn đề nhân thân của chúng ta không được giải quyết, chúng ta sẽ luôn đấu tranh với việc hoàn toàn đầu phục bản thân mình trước Chúa. Khi chúng ta tiếp tục sống với con người cũ của mình trong A-đam, chúng ta sẽ luôn sống để được yêu. Nhưng nếu chúng ta sống theo bản chất con người mới của mình trong Đấng Christ, chúng ta sẽ sống để yêu!

Nhân thân & đời sống cầu nguyện

Khi các môn đồ xin Chúa Giê-xu dạy họ cách cầu nguyện, Chúa Giê-xu đã cho họ thấy tâm linh được làm con, “Lạy Cha chúng con ở trên trời…; (Ma-thi-ơ 6:9). Chúa Giê-xu có thể sử dụng các danh xưng khác như Chúa, Đức Chúa Trời toàn năng, hay Đức Giê-hô-va  v.v. Tuy nhiên, Ngài muốn chúng ta biết Đức Chúa Trời không chỉ là Cha của Ngài mà còn là Cha của chúng ta nữa.

Trong câu chuyện Chúa Giê-xu khiến La-xa-rơ từ cõi chết sống lại, Chúa đã đưa ra một tuyên bố rất quan trọng:

Giăng 11: 41-42 “Thưa Cha, Con tạ ơn Cha, vì đã nhậm lời Con. Con biết Cha luôn nhậm lời Con, …”

Chúa Giê-xu tin chắc rằng mọi lời cầu nguyện mà Ngài cầu xin đều được Đức Chúa Cha lắng nghe và nhậm lời. Đối với nhiều người, khái niệm về Cơ-đốc giáo của họ là Chúa Giê-xu ở trên trời còn chúng ta thì ở dưới đất nên lời cầu nguyện cũng giống như một cuộc gọi đường dài lên thiên đàng vậy. Tuy nhiên, sự thật là khi chúng ta ở “trong Đấng Christ”, chúng ta có mối quan hệ sống động với Ngài, chúng ta phải rèn luyện đức tin để nhận được sự sống và nuôi dưỡng nó thông qua việc chúng ta được hiệp nhất trong sự sống Ngài. Chúng ta là người dự phần trong sự sống của Ngài, sự sống của chính Ngài đang vận hành và tuôn chảy bên trong chúng ta. Cho đến chừng nào chúng ta tự tin vào nhân thân của mình nơi Ngài, bằng chẳng vậy chúng ta sẽ luôn tranh chiến với đức tin và luôn tự hỏi liệu Chúa có thực sự nghe lời cầu nguyện của chúng ta không.

Chúng ta không thể sống cách trọn vẹn và thể hiện hết tiềm năng của mình trừ khi chúng ta hoàn toàn bị thuyết phục và không mảy may nghi ngờ gì về con người mới của chúng ta trong Đấng Christ. Nhiều người vẫn không chấp nhận sống hoặc bước đi trong vận mệnh của họ vì họ đã bị hư hoại bởi bản chất cũ của mình.

Dịch: Hoàng Gia

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like