Home Chuyên Đề Covid-19: Những bài học từ sách Gióp

Covid-19: Những bài học từ sách Gióp

by ChristianToday
30 đọc

Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao, sẽ hằng được ở dưới bóng của Đấng Toàn Năng…. Ngươi sẽ chẳng sợ sự kinh khiếp ban đêm hoặc tên bay ban ngày, hoặc dịch lệ lây ra trong tối tăm hay là sự hủy diệt phá hoại đang lúc trưa.” (Thi-thiên 91:1, 5-6)

“Làm sao bạn có thể tin vào một Đức Chúa Trời tốt lành trong khi nhiều người trên toàn thế giới đang chết dần vì Covid-19?” Đây là một câu hỏi rất thẳng thắng của một bác sĩ trẻ ở Anh (cô tin mình đã bị nhiễm bệnh, mặc dù không có đủ bộ thử để làm xét nghiệm). Thoạt đầu, tôi không biết phải trả lời cô ấy như thế nào.

Tôi đã cầu nguyện rất nhiều cho đại dịch toàn cầu này, xin Chúa làm chậm tốc độ lây lan của nó lại, bảo vệ các nhân viên ở tuyến đầu, an ủi người bệnh và những người đang đau khổ, sự an toàn cho những người thân yêu của tôi… Nhưng tôi cũng có nhiều câu hỏi dành cho Ngài. Tại sao Ngài lại cho phép trận dịch này xảy ra? Có phải đây là sự phán xét, và nếu vậy, thì tại sao những người yêu mến và thờ phượng Chúa cũng nằm trong số những người bệnh? Ngài có thực đang tể trị? Tại sao vậy, Chúa ơi?

Sẽ không sao khi ta đặt câu hỏi cho Chúa. Chúng ta biết điều này vì đã có người hỏi Chúa như vầy trong Kinh Thánh:  “Đức Giê-hô-va ôi! Vì sao Ngài đứng xa? Trong lúc gian truân sao Ngài lại ẩn mặt?” (Thi-thiên 10:1) “Đức Chúa Trời ôi! Kẻ chống nghịch sẽ sỉ nhục Ngài cho đến chừng nào? Kẻ thù cứ xúc phạm danh Ngài mãi sao?” (Thi-thiên 74:10)

Đôi khi chúng ta không cảm thấy rằng mình đã có được câu trả lời rõ ràng; đôi khi câu trả lời đến từ lời của một mục sư, hoặc qua việc đọc Kinh Thánh, hay khi chúng ta bất ngờ cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và quyền năng Ngài. Trong trường hợp của tôi, câu trả lời của Chúa đến khi tôi đang nghe sách Gióp trong giờ tập thể dục hằng ngày.

Tôi đang tham gia một khóa học trực tuyến cung cấp một cuộc khảo sát về toàn bộ Cựu Ước. Khóa học này yêu cầu đọc nhiều (tôi đã hoàn thành phần lớn việc này bằng cách nghe Kinh Thánh âm thanh) và đôi khi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cũng có nhiều lúc được ‘khai trí’ khi ngộ ra rằng những sự kiện lịch sử, các lời tiên tri và văn học trí tuệ thường đi chung với nhau và chỉ ra những đặc tính khác nhau của một Đức Chúa Trời mà tôi hầu như chỉ được biết qua lăng kính Tân Ước.

Và tôi thấy rằng sách Gióp, khi được đọc và hiểu một cách tổng thể, có sự cộng hưởng đặc biệt tại thời điểm căng thẳng và rắc rối này.

Sự chịu đựng của Gióp

Gióp được giới thiệu là một người “trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và tránh xa điều ác” (Gióp 1:1). Dẫu vậy, ông phải chịu những nỗi đau khủng khiếp như mất hết tài sản, các con của ông đều chết hết, và cuối cùng, chính ông phải chịu bệnh tật hành hạ (Gióp 12). Bốn người bạn của Gióp đến bên để ‘an ủi’ ông, nhưng ai cũng đều cho rằng ông đã làm sai gì đó trước mặt Chúa, vì Chúa công bằng và Ngài “không bỏ người trọn vẹn” (Gióp 8:20, lời của Binh-đát), rồi họ động viên ông nên ăn năn để được phục hồi lại của cải như trước (Gióp 22:21-23).

Trong những lời lẽ đáp trả đầy xúc động, Gióp khẳng định sự vô tội của mình; ông nguyền rủa hoàn cảnh của mình, nhưng không chịu nguyền rủa Đức Chúa Trời. Cuối cùng, Đức Chúa Trời hiện ra với Gióp, và đặt cho ông nhiều câu hỏi như “Khi Ta đặt nền trái đất thì con ở đâu?…có bao giờ con ra lệnh cho buổi sáng, hay chỉ định vị trí cho hừng đông?… Đường nào dẫn đến nơi ánh sáng phân tán?…” (Gióp 38-41), Chúa cho thấy những lời than phiền của Gióp bắt nguồn từ hiểu biết hạn hẹp. Nhưng Ngài miễn tội cho Gióp và nổi giận với những người bạn đang kết tội ông. Kết thúc sách này, Chúa phục hồi gia sản và sức khỏe của Gióp, cũng như tuôn đổ phước lành trên ông.

Đằng sau câu chuyện

Tất nhiên, có một câu chuyện đằng sau tất cả những việc này – một câu chuyện hậu trường mà Gióp chẳng bao giờ được biết. Điều mà những độc giả như chúng ta biết được là nỗi khổ đau của Gióp bắt nguồn từ việc Sa-tan (ma quỷ) thách thức Đức Chúa Trời, hắn khẳng định rằng Gióp chỉ trung thành với Chúa vì những điều tốt lành mà Ngài đã dành cho ông, và hắn có thể khiến Gióp “phỉ báng Đức Chúa Trời ra mặt” (Gióp 1:9-11).

Sa-tan muốn công kích đầy tớ Chúa, và Chúa cho phép điều này, nhưng Ngài vẫn giữ quyền tể trị cao nhất: Sa-tan không được phép hại đến mạng sống của Gióp (Gióp 2:6). Đòn tra tấn mà Sa-tan có thể tung ra với Gióp là khiến vợ ông nói “Ông vẫn giữ tấm lòng trọn lành được sao? Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời và chết đi!

Nhưng Gióp đáp “Ơn phước Đức Chúa Trời ban, chúng ta nhận; còn tai họa, lẽ nào chúng ta không nhận?

Và chúng ta được cho biết, “Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình.” (Gióp 2:10)

Sa-tan không thể và sẽ không bao giờ thắng hơn được; Đức Chúa Trời luôn chiến thắng.

Khi đọc sách này, tôi cảm thấy như thể Chúa muốn nhấn mạnh một số lẽ thật nhất định về tính cách và quyền năng Ngài, cũng như về cách mà Ngài chăm sóc con dân Ngài:

  • Gióp là một người tốt yêu mến Chúa; Chúa biết điều nay, nhưng Ngài vẫn cho phép ông chịu khổ.
  • Chúa không gây ra đau khổ cho Gióp; Sa-tan hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này.
  • Sa-tan bị giới hạn bởi Chúa, hắn không thể chạm vào người Gióp mà không có sự cho phép của Chúa.
  • Bốn người bạn của Gióp có những câu hỏi dường như khá hợp lý, họ đã đúng khi nói rằng Đức Chúa Trời là công chính, nhưng họ cũng không biết câu chuyện đằng sau, bởi vì Chúa đã không tiết lộ mục đích cao hơn của Ngài cho họ biết, nên họ đã đưa ra những giả định sai lầm và cuối cùng bị định tội.
  • Khi Gióp giữ vững sự trung thành của mình với Chúa, Sa-tan thất bại, và Đức Chúa Trời đã dùng quyền năng của Ngài để khôi phục lại tất cả cho Gióp.

Vậy tất cả những điều này có liên quan gì đến đại dịch Corona? Chúng giúp tôi trả lời cô bạn bác sĩ của mình thế nào?

Câu trả lời những bài học từ sách Gióp

Thứ nhất, sách Gióp cho ta thấy Đức Chúa Trời thỉnh thoảng có cho phép người tốt chịu đau khổ.

Vì chúng ta tin rằng Chúa là đấng toàn năng và Ngài có thể ngăn chặn đại dịch Covid-19, nên ta phải chấp nhận rằng Chúa đã cho phép nó xảy ra. Tuy nhiên, Chúa không phải là tác giả của những đau khổ này; nó bắt nguồn từ ma quỷ. Chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã, các thế lực xấu xa có thể gây ra nhiều khổ đau và nỗi buồn khủng khiếp cho chúng ta trong một khoảng thời gian bị giới hạn, như những gì chúng ta thấy đang xảy ra xung quanh khi vi-rút corona lây lan.

Thứ hai, sẽ có nhiều kẻ cáo buộc trong những thời điểm như thế này.

Nhiều người sẽ hỏi những câu mà dường như đều là những câu hỏi hoàn toàn chính đáng, như “Tại sao một Đức Chúa Trời tốt lành và công chính lại cho phép một đại dịch như vậy giáng trên những con người vô tội?” Cơ-đốc nhân có thể gặp khó khăn khi bảo vệ niềm tin của mình, nhưng những người trung tín sẽ không phỉ báng Chúa – cả họ lẫn những kẻ cáo buộc kia đều không biết gì về câu chuyện đằng sau.

Tôi không biết tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép điều này xảy ra, tôi không hiểu (và tôi cần cởi mở về vấn đề này với bạn tôi – Gióp không làm bộ rằng ông cứ nhắm mắt mà chấp nhận hết những đau khổ về phía mình), nhưng tôi nhận ra rằng lúc này đây có nhiều việc đang diễn ra trên các tầng trời hơn những gì mà tôi có thể thấy.

Và cuối cùng, ma quỷ không bao giờ chiến thắng, và Đức Chúa Trời có quyền năng để phục hồi.

Chúng ta cầu nguyện cho đại dịch này sớm chấm dứt là đúng; chúng ta có quyền cầu nguyện để nhanh chóng tìm ra vắc-xin cũng như phương pháp điều trị, cho sự chữa lành và bảo vệ. Và chúng ta cũng được phép cầu vấn Chúa những câu hỏi của mình. Nhưng, giống như Gióp, chúng ta phải tin vào quyền tể trị tối cao của Đức Chúa Trời và đừng bao giờ nhượng bộ để buông lời phỉ báng Ngài.

Cuối cùng, tôi thừa nhận với cô bạn của tôi rằng tôi cũng thấy thời gian này thật là khó khăn như cô ấy vậy, nhưng tôi tin rằng Đức Chúa Trời, Đấng có đường lối cao hơn đường lối của con người chúng ta (Ê-sai 55:9) sẽ – bằng cách nào đó – làm cho mọi chuyện trở nên đẹp đẽ trong thời điểm của Ngài (Truyền-đạo 3:11)

Lời kết

Qua câu chuyện của Gióp, chúng ta thấy rằng những người tốt lành yêu mến Chúa như Gióp cũng có thể chịu rủi ro, bất hạnh. Điều này xảy ra là vì Sa-tan cáo buộc họ theo Chúa chỉ để hưởng các phước lành từ Ngài, chứ không phải do yêu mến Chúa. Chúa cũng có thể để con dân Ngài chịu thử thách cám dỗ của Sa-tan, để họ có thể chứng tỏ lòng yêu mến Chúa kể cả trong gian khổ. Nhưng cả trong gian khổ bất hạnh, Chúa vẫn giữ quyền tể trị tối thượng, và Sa-tan chỉ có thể hành hạ họ ở mức độ Chúa cho phép trong một thời gian giới hạn. Khi thử thách qua đi, Chúa có thể phục hồi cho họ mọi mất mát mà Sa-tan đã gây ra.

Nầy, chúng ta gọi những người kiên định là có phước. Anh em đã nghe nói về sự kiên định của Gióp, và thấy được mục đích của Chúa; vì Chúa đầy lòng xót thương và nhân từ.” – Gia-cơ 5:11

Nếu một lúc nào đó, đau thương mất mát đến với chúng ta, hãy nhớ rằng đây có thể là thử thách của Sa-tan, xem chúng ta có còn yêu mến Chúa trong đau khổ hay không. Đừng sa vào cám dỗ của hắn mà phỉ báng Đức Chúa Trời. Hãy nhớ đến sự kiên định của Gióp. Hãy biết rằng đau thương chỉ là nhất thời và Chúa vẫn tể trị. Rồi thử thách sẽ qua, và chúng ta sẽ thấy được mục đích của Chúa cùng lòng thương xót và sự nhân từ của Ngài thật đầy dẫy trên mỗi một người trong chúng ta.

Richard Huynh dịch

Theo ChristianToday.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like