Ma-thi-ơ 24:32-33 đã chép rằng:
“32 Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. 33 Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa”.
Xuyên suốt Kinh thánh, chúng ta được thúc giục để trở thành những quan sát viên thận trọng về các thời điểm và kỳ định. Dù chúng ta không thể xác định được những thời điểm này, vì sẽ không ai biết ngày hay giờ cụ thể mà Chúa Giê-xu trở lại, nhưng chúng ta có thể nhận biết về một thời kỳ chung chung nhờ vào các dấu hiệu được tỏ bày qua các thời điểm. Chúng ta phải nhận thức được những gì Kinh Thánh dạy về các lời tiên tri, đồng thời theo dõi chặt chẽ các sự kiện đang diễn ra trên thế giới, để chúng ta có thể xác định bất kỳ mối tương quan nào có thể có giữa cả hai. Chính vì vậy, chúng ta luôn được kêu gọi để thức canh và cầu nguyện!
Đức Chúa Trời rõ ràng đã tiết lộ một số điều nhất định thông qua lời tiên tri trong Kinh Thánh, và chúng ta phải quan sát những dấu hiệu đó để khi những lời tiên tri được thực thi, hoặc lúc giai đoạn đang được thiết lập thì chúng ta sẽ sẵn sàng. Ngoài các dấu hiệu của thảm họa tự nhiên như:
“3 Ngài đương ngồi trên núi Ô-li-ve, môn đồ tới riêng cùng Ngài, và nói rằng: Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? Và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế. 4 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy giữ, kẻo có kẻ dỗ dành các ngươi. 5 Vì nhiều người sẽ mạo danh ta đến mà nói rằng: Ta là Đấng Christ; và sẽ dỗ dành nhiều người. 6 Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc: Hãy giữ mình, đừng bối rối, vì những sự ấy phải đến; song chưa là cuối cùng đâu. 7 Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; nhiều chỗ sẽ có đói kém và động đất. 8 Song mọi điều đó chỉ là đầu sự tai hại.” (Ma-thi-ơ 24:3-8)
Và sự suy đồi đạo đức, một trong những dấu hiệu cảnh báo mà ta cần chú ý và đề phòng, đó là sự bội đạo:
2 Ti-mô-thê 3:1-5 : “1 Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. 2 Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, 3 vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, 4 lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, 5 bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó. Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi.”
Ma-thi-ơ 24:12:
“12 Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều, thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lần”.
Sự Bội Đạo Thực Sự
2 Ti-mô-thê 4:1-2 đã chép rằng:
“1 Vả, Đức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ, 2 bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì”.
Và trong 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3 đã chép:
“3 Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra”
Trong hai đoạn Kinh thánh này, chúng ta cũng được cảnh báo rõ ràng về sự nguy hiểm của việc bội đạo trong thời kỳ cuối cùng. Chúng ta hãy xem xét rõ hơn về định nghĩa của sự bội đạo qua Kinh Thánh.
Hê-bơ-rơ 10:26-29 có chép rằng:
“26 Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, 27 nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi. 28 Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót,29 huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi huyết của giao ước, tức là huyết mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đức Thánh Linh ban ơn, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao?”
Sự bội đạo không giống như tái phạm thuộc linh. Sự tái phạm là lúc mà một Cơ đốc nhân phạm tội do sự yếu đuối nhất thời trong xác thịt. Một Cơ Đốc nhân thật có thể đôi lần đi lang thang khỏi Chúa, bị mắc kẹt trong việc theo đuổi các thú vui trần tục, ngừng sinh hoạt hay đi đến Hội Thánh, thậm chí đến những nơi không dành cho các Cơ Đốc nhân. Nhưng nếu người đó ăn năn, sự tha thứ của Chúa không bao giờ là quá xa để với tới người, và người đó có thể được phục hồi lại mối tương giao với Ngài. Nghĩa là bất cứ ai lo sợ rằng họ đã rời xa Đấng Christ đến nỗi họ nghĩ rằng mình không còn hy vọng phục hồi và cứu chuộc thì không phải là kẻ bội đạo.
Kẻ bội đạo là kẻ không hề khiếp sợ Đức Chúa Trời, vì tấm lòng hắn cứng cỏi đến đỗi đã chối từ Đấng Christ và bước đi trong sự bất chính. Do đó, những người xem nhẹ sự cứu rỗi sẽ đối mặt với một nguy cơ thực sự sa đà vào tình trạng như vậy.
Hiểm Họa Của Việc Bội Đạo
Hê-bơ-rơ 6:4-8 chép như vậy:
“4 Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, 5 nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, 6 nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. 7 Vả, một đám đất nhờ mưa đượm nhuần mà sanh cây cỏ có ích cho người cày cấy, thì đất đó hưởng phần phước lành của Đức Chúa Trời. 8 Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt”.
Đây là một trong những cảnh báo nghiêm trọng nhất về bản án dành cho những kẻ bội đạo, vì để phục hồi sự ăn năn của họ là điều bất khả thi. Vậy những người này đã làm gì để kiến bản thân mất đi tư cách để đổi mới và phục hồi lại như trước?
Đầu tiên, Kinh thánh nói rằng họ đã từng “được soi sáng”. Điều đó có nghĩa là họ đã từng tin và hiểu được Phúc Âm, nhưng sau đó quay lại trong sự tối tăm của tội tội lỗi và trở nên cứng lòng trước Đức Chúa Trời. Và rồi họ cũng “đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh” có nghĩa là họ đã tham gia vào chức vụ hầu việc với Đức Thánh Linh, làm việc với Ngài và là chứng nhân về quyền năng vinh hiển của Ngài. Họ cũng đã “nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau”, vì họ đã thấy những dấu, điều kỳ diệu và phép lạ mà tất cả đều chứng thực cho quyền năng của Chúa. Vì vậy, bởi việc trở lại con đường tội lỗi và sống nghịch với lời Chúa, tội lỗi của họ chính là đang “đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa”.
Câu chuyện về “đám đất” và “mưa” minh họa thêm cho điều này. ‘Cơn mưa thường đến (trên đất ) là ân điển của Đức Chúa Trời được ban cho không cho hết thảy những ai cầu Ngài. Mặc dù tất cả các Cơ Đốc nhân đều nhận được ân điển này, giống như cách đất đón cơn mưa rơi, nhưng không phải tất cả các Cơ Đốc nhân đều sinh hoa trái, điều này tương tự như việc không phải mọi vùng đất sẽ sanh cây cỏ có ích cho nhân loại. Các Cơ Đốc nhân sử dụng ân điển của Đức Chúa Trời một cách sốt sắng trong sự cứu rỗi của mình giống như vùng đất sanh cây cỏ – cả hai điều được Đức Chúa Trời ban phước. Nhưng những Cơ Đốc nhân đã nhận được ân điển của Ngài cách không có kết quả và sinh hoa trái của sự bất chính giống như vùng đất chỉ sang cỏ rạ và gai góc. Đều sẽ bị Chúa từ chối và định sẵn cho sự hủy diệt.
Sự phản bội của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt với Chúa Giê-xu để đổi lấy 30 đồng bạc là một ví đụ điển hình của kẻ bội đạo và hậu quả của nó.( Ma-thi-ơ 26:14-25, 47-57 và 27:3-10)
Về Hy-mê-nê và A-léc-xan-đơ, đức tin của họ đã bị chìm đắm và Phao-lô đã phải dứt phép thông công của họ khỏi Hội Thánh bởi họ rõ ràng thậm chí dự phần vào sự phạm thượng (1 Ti-mô-thê 1:19-20).
Đê-ma đã lìa bỏ sứ đồ Phao-lô vì tình yêu của ông cho thế gian (2 Ti-mô-thê 4:10).
1 Phi-e-rơ 4:7 đãnhắc nhở chúng ta rằng:
“7 Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện.”
Có những thời điểm đòi hỏi ta phải tỉnh thức phía trước, và Phi-e-rơ đã kết nối sự cấp thiết của việc cầu nguyện khi sự cuối cùng của muôn vật đến gần. Chúng ta phải nên thật sự “tỉnh thức và cầu nguyện” để sẵn sàng trở thành cô dâu của Chúa Giê-xu Christ.
Dịch: Hoàng Gia
Nguồn: Adrian Chua
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com