Home Chuyên Đề Đừng Để Bạo Lực Trở Thành Phương Tiện Giải Trí

Đừng Để Bạo Lực Trở Thành Phương Tiện Giải Trí

by Sưu Tầm
30 đọc

Một người bạn mà tôi tin tưởng đã rủ tôi cùng xem một bộ phim. Mở đầu bộ phim là một cảnh giết người được miêu tả dưới dạng đồ họa. Tôi ném cho cô bạn một cái nhìn lo lắng. Một chuỗi những cảnh rượt đuổi xảy ra sau đó với những người dân vô tội bị chém và đánh đập bằng dùi cui. Sau đó nhân vật chính là một anh dân phòng đã tra tấn nhân vật phản diện kia bằng một cây kềm.

Cô bạn tôi mê mẩn, chống tay lên gối, nghiêng sát người về phía màn hình, còn tôi thì ngồi co ro trên chiếc ghế dài. Đạo diễn đã dựng lên những cảnh phim rùng rợn này nhằm kích thích hóc-môn adrenaline [một loại hóc-môn có tác dụng trên thần kinh giao cảm, được sản xuất bởi cơ thể khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú, nó làm cho nhịp tim của bạn đập nhanh hơn và cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm]. Chúng ta thường cảm thấy hả hê với những cảnh trả thù đầy máu me và khoái chí với chi tiết từng ngón tay đứt lìa dính đầy máu. Những cảnh bạo lực này được ngụy trang trong vỏ bọc giải trí.

“Làm ơn tắt nó đi”, tôi buột miệng thốt lên. Cô bạn tôi cười phá lên, cho rằng tôi đang nói đùa. Khi tôi lặp lại lời yêu cầu của mình, cô ấy trợn mắt nhìn tôi, nói lớn tiếng, “Cậu là một bác sĩ phẫu thuật chấn thương! Chắc chắn là cậu đã từng thấy những cảnh còn ghê hơn như thế này!”

Tôi nghiến răng. Tôi chưa từng thấy điều gì tệ hơn, nhưng những cảnh như thế này tôi đã thấy nhiều rồi. Những bộ phim đẫm máu như thế này đã không tiết lộ hậu quả sau những bi kịch đó. Chúng không cho chúng ta biết rằng những nhát dao, mảnh đạn và những cửa kính chắn gió vỡ nát có nghĩa là sẽ có những người vợ đau thương và những đứa con mất cha. Chúng cũng không nói chi tiết về sự nghiêm trọng của các vết thương, rằng các mô bị rách từ vết thương trong những vụ nổ thì đảm bảo phải mất hàng tháng điều trị với rất nhiều các ca phẩu thuật sau đó, và làm sao mà những kẻ gây ra chuyện này có thể thoát được án tử hình.

Tôi đã nhìn thấy nỗi thống khổ kéo dài giữa những tấm lòng tan vỡ sau khi tôi và đồng nghiệp dọn dẹp những vũng máu trong khoang cứu thương. Tôi cũng đã từng chứng kiến sức tàn phá của những cái bóp cò có thể hủy đi sinh mạng của nhiều người. “Tớ xem đủ rồi”, tôi nói. “Hãy tắt nó ngay đi” .

Ngành truyền thông bạo lực có đang đe dọa con cái của chúng ta hay không?

Những tranh cãi về vấn đề bạo lực trên các phương tiện truyền thông đang nóng lên từng ngày trong cộng đồng khoa học hơn nửa thế kỷ vừa qua. Một thập kỷ trước, Viện hàn lâm Nhi-khoa Hoa Kỳ (AAP) đã đưa ra một tuyên bố cảnh báo cho các bậc cha mẹ và bác sĩ nhi khoa về mối liên hệ giữa bạo lực truyền thông với những suy nghĩ hung hăng trong tâm trí con trẻ. Các nghiên cứu sau đó cũng góp phần củng cố mối lo ngại của họ về việc các bộ phim và trò chơi điện tử có tính chất bạo lực đã ảnh hưởng đến tâm tính của những người trẻ khiến chúng có khuynh hướng dễ nổi nóng và thiếu đi sự nhận thức đầy đủ về vấn đề bạo lực trong thế giới thật cũng như giảm đi lòng trắc ẩn.

Chưa dừng lại ở đó, trong khi các ý kiến về vấn đề này vẫn chưa được thống nhất. Một số nhà phê bình đã cáo buộc các tổ chức như Viện hàn lâm Nhi-khoa Hoa Kỳ đã đưa ra các kết luận vô căn cứ. Đặc biệt, họ ghi nhận rằng hầu hết các nghiên cứu về nội dung bạo lực tập trung ở suy nghĩ và cảm xúc được  khơi gợi trong phòng thí nghiệm với những số liệu tương đối ít về việc tiếp xúc với phương tiện truyền thông có thể ảnh hưởng đến hành vi thực tế. Mặc dù việc xem các bộ phim đẫm máu có thể làm tăng tính hung hăng nhưng chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng những suy nghĩ hung hăng này truyền cảm hứng cho hành vi bạo lực đối với người khác. Không có số liệu nào chứng minh được điều này, những người hoài nghi tranh luận rằng các cảnh báo nghiêm khắc về truyền thông là không có căn cứ.

Sự tranh cãi trong cộng đồng y tế đã trở thành vấn đề của công chúng. Năm ngoái, khi một loạt các vụ xả súng xảy ra nhắm vào các viên chức cấp cao làm choáng váng cả nước, các chính trị gia đã trích dẫn các bộ phim và trò chơi điện tử như là những thành phần đóng góp tiềm năng. Các phản ứng dữ dội nổ ra nhanh chóng và kịch liệt, với các cuộc biểu tình từ phía người dân nhắm vào Internet. Sau đó, Universal Studios đã hủy việc phát hành bộ phim kinh dị The Hunt [săn mồi] để tránh gây thêm đau buồn. Vài tháng sau, bộ phim Joker [gã hề] đã gây tranh cãi vì tiềm năng truyền cảm hứng cho những kẻ giết người bắt chước của nó. Cuộc tranh cãi nổ ra, với những cơn giận dữ bùng lên ở cả hai phía.

Khi giải trí làm tổn hại tình yêu thương.

Là môn đồ của Đấng Christ chúng ta phải phản ứng như thế nào đối với vấn đề này? Khi TV chiếu các cảnh tàn bạo như là một công cụ giải trí thì chúng ta sẽ tiếp tục xem hay quay sang chỗ khác? Mặc dù không có số liệu nào liên kết bạo lực truyền thông với các hành động gian ác ngoài đời thực, thì bằng chứng hiện tại vẫn sẽ khiến chúng ta phải dừng lại để suy xét. Một bài báo chỉ ra rằng: “Bạo lực truyền thông có thể làm con người trở nên chai lì với hành vi bạo lực, nó khiến họ bớt nhạy cảm với nỗi đau và sự khổ sở của những người xung quanh”. Ngay cả khi một cảnh đẫm máu trong một bộ phim không truyền cảm hứng cho chúng ta để thực hiện hành vi bạo lực đi nữa, thì nó vẫn có thể làm chết đi lòng thương xót của chúng ta.

Là người theo Chúa, chúng ta không thể không chú ý đến điều này. Hai điều quan trọng mà những người theo Chúa như chúng ta được kêu gọi là phải yêu Chúa và yêu những người xung quanh:

“Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.” (Ma-thi-ơ 22:37- 40) Yêu người xung quanh đòi hỏi chúng ta phải nhìn người khác như những người mang lấy ảnh tượng của Chúa với những giá trị và phẩm cách tốt đẹp. Chúng ta được kêu gọi để lan tỏa lòng thương xót đến những người như chúng ra, những người đang phải oằn mình dưới gánh nặng tội lỗi và kêu cứu. Vì Đấng Christ đã yêu chúng ta nên chúng ta phải yêu thương nhau. (Giăng 13:34-35). Như sứ đồ Giăng có nói, “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy. Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được!” (I Giăng 3:16-17). Khi chúng ta tự cho phép mình thưởng thức những hình ảnh bạo lực một cách vô ý thức trên màn ảnh, chúng ta đang có nguy cơ tách mình ra khỏi hoàn cảnh của những anh em đang phải chịu đau khổ. Chính chúng ta tự làm mất đi khả năng yêu thương của mình dành cho họ. Lâu dài, chúng ta sẽ đánh mất một tấm lòng bác ái để đổi lấy những hình ảnh đồi trụy mang đến cảm giác mạnh.

Nỗi đau ẩn chứa phía sau những bộ phim ăn khách

Không phải mọi chủ đề bạo lực nào trên truyền thông cũng đều xấu. Thay vì để giải trí, nhiều bộ phim được sản xuất để lên án một tội ác nào đó, các phim về chủ nghĩa hiện thực là một trong số đó. Chúng phản ánh sự xấu xa bên trong con người.

Những bộ phim thời chiến được mô tả một cách trung thực, cho thấy sức mạnh hủy diệt cả thể xác và tâm hồn của chiến tranh, có thể khiến chúng ta phải suy ngẫm và nhấn mạnh đến nhu cầu cần một vị cứu tinh. Khi được tiếp cận đúng cách với sự trung thực và nhạy cảm, thay vì chỉ chú trọng vào tính liều lĩnh, thì những bộ phim hiện thực có thể thúc đẩy con người chúng ta đi đến chỗ ăn năn.

Tuy nhiên, các nhà làm phim lại thường xuyên khai thác đề tài bạo lực, thay vì lên án nó. Họ coi nó như một trái cấm, một cảnh tượng gây kích động, hơn là tội lỗi đang được giải phóng. Trong khi công nghệ đồ họa mô tả các vụ nổ đầy máu me trong sự nhẹ nhõm như không có gì, họ che đậy tác động của chúng đến tâm hồn, tâm trí và tấm lòng của người xem. Các nhà làm phim bạo lực này không đào sâu vào điều mà bất kỳ bác sĩ lâm sàng nào trong khoa cấp cứu đều biết: bạo lực khiến trẻ em bị giết và mồ côi cha. Rằng một cái bóp cò có thể gây ra nỗi đau kéo dài hàng thập kỉ. Một cơn giận dữ có thể phá hủy cuộc sống của những con người đang yêu, có mơ ước và hy vọng, không chỉ trong một khoảnh khắc, mà còn kéo dài qua nhiều thế hệ.

Làm sao để biết nên xem cái gì?

Về phương diện truyền thông, khi chúng ta chọn xem một bộ phim, trò chơi điện tử, hoặc các văn hóa phẩm khác như tranh ảnh sách báo… chúng ta có thể đến với Phi-líp 4:8 để được hướng dẫn. Với khả năng phân biệt của mình, sứ đồ Phao-lô đưa ra lời khuyên bằng những lời lẽ tuyệt đẹp, “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.”

Những bộ phim bạo lực mà chúng ta xem có nói lên được điều chi đáng tôn hay chân thật không? Hay chúng có phản ánh được điều chi thánh sạch, đáng yêu chuộng và có tiếng tốt chăng? Chúng ta có nhận ra được điều tốt đẹp gì từ những khung cảnh đó không? Liệu những hình ảnh bạo lực đó có làm cho chúng ta cảm thấy bị cáo trách và hướng chúng ta đến sự ăn năn không? Chúng có mang lại sự hiểu biết? Hoặc là chúng ta sẽ có thêm lòng trắc ẩn khi xem những bộ phim như vậy? Nếu như câu trả lời là “có”, thì sau đó hãy dùng đôi mắt sáng suốt cùng tâm trí hướng về Chúa Giê-xu và một tấm lòng rộng mở mà tiếp tục thưởng thức bộ phim đó.

Còn nếu câu trả lời là “không”, thì bởi tình yêu thương dành cho người lân cận mình mà bạn hãy tắt màn hình đi và thay vào đó là nhìn vào những điều đúng đắn và đáng yêu chuộng—dựa trên tiêu chuẩn phù hợp của Đức Chúa Trời.

Lời cầu nguyện: Lạy Chúa, Ngài cho chúng con tận hưởng các dịch vụ về truyền thông để giải trí và mở mang kiến thức. Ma quỷ là kẻ lợi dụng và thời cơ, truyền thông có thể là phương tiện gián tiếp của hắn làm chúng con xa rời chân lý Chúa. Xin giúp chúng con biết chú tâm vào “điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen” để sống đẹp lòng Ngài. Amen

Dịch: Hữu Đức

Nguồn: desiringgod.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like