Kinh thánh: Ma-thi-ơ 10: 24-27
24 Môn đồ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ. 25 Môn đồ được như thầy, tôi tớ được như chủ, thì cũng đủ rồi. Nếu người ta đã gọi chủ nhà là Bê-ên-xê-bun, phương chi là người nhà! 26 Vậy, các ngươi đừng sợ; vì chẳng có việc gì giấu mà chẳng phải bày ra, cũng chẳng có việc gì kín nhiệm mà sau sẽ chẳng biết. 27 Cho nên lời ta phán cùng các ngươi trong nơi tối tăm, hãy nói ra nơi sáng láng; và lời các ngươi nghe kề lỗ tai, hãy giảng ra trên mái nhà.
Lời ngỏ:
Việt Nam ta có câu tục ngữ quen thuộc “Con hơn cha là nhà có phúc”. Câu này bày tỏ việc cha mẹ đã vì tình yêu mà sinh nặng đẻ đau, cũng như vất vả trong quá trình nuôi dạy con cái mình thành nhân, và thành danh. Bởi sự “hy sinh đời bố để củng cố đời con” ấy của cha mẹ mà con cái được cơ hội học hành đến nơi đến chốn, và được thăng tiến cao hơn cả cha mẹ trong xã hội. Và khi con cái thành danh thì cha mẹ được nở mặt nở mày với xóm giềng. Những người xung quanh nhìn vào gia đình đó thì cho đó là gia đình có phước, có phúc.
Như vậy, con cái thường hơn cha mẹ những điều gì? Có thể con cái có kiến thức nhiều hơn do được cha mẹ hy sinh, vất vả kiếm tiền và khuyên bảo con cái siêng năng học hành đến nơi đến chốn; cũng có thể vì điều kiện cơ bản tốt hơn về học hành, bằng cấp mà được thăng tiến và có được địa vị cao hơn trong xã hội. Thế nhưng, nhiều điều khác trong đời sống thực tế như kinh nghiệm sống ở đời, việc đối nhân xử thế, như tình yêu thương và sự nhẫn nại thì con cái lại khó bì lại với cha mẹ.
Quay lại với đoạn Kinh Thánh hôm nay, Lời Chúa dạy chúng ta những điều sau:
1. Môn đồ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ
Đức Chúa Giê-xu đã phán với các môn đồ của mình rằng: “Môn đồ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ”. Mới đọc đến đây thì có thể cảm thấy rằng Chúa Giê-xu đang khinh thường, khinh rẻ chúng ta, những môn đồ hay tôi tớ của Ngài, và dường như có ý cảnh cáo rằng chúng ta đừng hòng làm cách nào để được hơn Ngài là Thầy, là Chúa chúng ta, phải không? Hoàn toàn không phải như vậy; Chúa không nói ý đó. Phân đoạn Kinh thánh tại đây đang đề cập đến vấn đề người rao giảng phúc âm cứu rỗi về Nước Đức Chúa Trời phải chịu khổ, phải chịu bách hại, phải chịu tiếng thị phi, phải chịu nhiều nỗi bất công, phải bị ghen ghét cách vô cớ dù chúng ta luôn hướng thiện và làm điều tốt lành. Về những điều đó chúng ta là môn đồ thật của Ngài, là tôi tớ của Ngài thì không tránh được. Bởi vì chính Ngài là Đức Chúa Trời quyền năng, là Đấng cao cả, là Ánh sáng của thế giới; nhưng khi Ngài đã mặc lấy thân thể con người để đến ở giữa thế gian này thì bị khinh rẻ, bị ghen ghét thậm tệ. Thậm chí khi Ngài lấy quyền năng để chữa lành bệnh tật cho nhiều người, mở mắt cho người đui, mở tai cho người điếc, cho người què được đi, đuổi nhiều tà ma và bầy quỷ dữ khỏi nhiều người bị nó ám, và Ngài khiến cho người chết sống lại… đáng lẽ qua đó họ sẽ tin Chúa từ Cha mà đến, và hết lòng ngợi khen Đức Chúa Trời; nhưng đằng này lại chối bỏ Ngài, và vu cáo cho Ngài là chúa quỷ Bê-ê-xê-bun. Vì lẽ đó, chúng ta là môn đồ thật của Chúa, là đầy tớ của Chúa thì cũng bị vu khống, hiểu lầm như thế. Đó là điều Chúa Giê-xu cảnh báo trước với chúng ta, và khi đối diện với thực thế phũ phàng như vậy thì đừng chán nản, ngã lòng, đừng thụt chí.
Như vậy, “Môn đồ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ” là với ý đó; chứ không phải là Ngài coi thường chúng ta là môn đồ, đầy tớ Ngài thì không bao giờ hơn được Ngài là Thầy, là Chủ.
2. Môn đồ được như thầy, tôi tớ được như chủ
Vậy, câu tiếp theo “môn đồ được như thầy, tôi tớ được như chủ là đủ rồi” có ý nghĩa hay sứ điệp thuộc linh cụ thể như thế nào? Trong Lu-ca 6:40 bày tỏ một ý có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn một chút là: “nhưng hễ môn đồ được trọn vẹn thì sẽ bằng thầy mình”. Chúng ta vốn là con người tội lỗi, bất toàn, bất khiết trước mặt Chúa. Bởi sự thương xót rất lớn của Chúa mà chúng ta nhận được sự tha thứ, được xưng công bình bởi đức tin, được thánh sạch bởi huyết của Chúa. Để càng ngày càng trở nên trọn vẹn, thì chúng ta phải vâng phục và làm theo lời Chúa dạy. Nhưng cần phải lưu ý là chúng ta khi trở nên những môn đồ được như Thầy, trở nên đầy tớ được như Chúa không có nghĩa là ngang bằng thân vị như Chúa Giê-xu, vì nhiều người trong đó khởi đầu là A-đam và Ê-va đã ngộ nhận như vậy mà trở nên kiêu ngạo và sa ngã. “Chúng ta được như Thầy, được như Chúa” trong vai trò là được Chúa kêu gọi và sai phái như những vị sứ giả, đại sứ hòa bình, ra đi rao báo phúc âm cứu rỗi, dẫn đưa người trở về với Cha. Chúa Giê-xu đã vâng phục Cha sai phái và phục tùng ý Cha từ việc hạ mình giáng sinh làm người trong chuồng chiên máng cỏ đến việc tự bỏ chính mình trong việc phải chịu chết trên thập tự giá để mở con đường máu cứu rỗi nhân loại. Cũng tương tự như vậy, chúng ta vâng theo tiếng gọi của Chúa Giê-xu để ra đi rao giảng tình yêu và sống cuộc đời hy sinh như một môn đồ hiền lành, một đầy tớ trung tín của Chúa cho đến chết. Việc dấn thân phục vụ Chúa và làm công việc Chúa sai là điều mà chúng ta được như Thầy, được như Chúa.
Sách Giăng 15:14-15 bày tỏ một ý khác nữa là nếu chúng ta làm đúng theo điều Chúa dạy và rao truyền sứ mạng của Ngài sai chúng ta làm thì Ngài không kể chúng ta như là đầy tớ nữa vì đầy tớ chỉ làm theo mạng lệnh chứ không hề biết rõ ý Chúa, và không thể hiểu rõ mục đích và nội dung chương trình của Chúa. Nhưng Đức Chúa Trời đã sai phái Chúa Giê-xu như thế nào thì Chúa Giê-xu cũng sai phái chúng ta như thể ấy. Đức Chúa Cha và Đức Chúa Giê-xu đồng đẳng đồng quyền nên sự sai phái ấy mang tính cách phân công vai trò và công tác trong chương trình cứu rỗi. Tương tự như vậy, Chúa Giê-xu sau khi hoàn tất công tác cứu rỗi nhân loại thì sai phái các môn đồ mình mà Ngài kể như là bạn hữu của Ngài để tỏ cho biết điều mầu nhiệm của chương trình cứu rỗi. Và như vậy, Ngài kể chúng ta là môn đồ được như Thầy, đầy tớ được như Chủ trong công tác của một sứ giả của Nước Đức Chúa Trời.
Kết luận:
Đức Chúa Giê-xu biết rõ khi Ngài sống và làm việc theo chương trình của Đức Chúa Trời trên thế gian này trong thân vị của một Con người bằng xương bằng thịt thì sẽ phải chịu khổ; nhưng Chúa vẫn trung tín làm cách công khai, giảng cách rõ ràng mà không giấu giếm hay không chạy trốn vì sợ bị ghét, sợ bị giết. Cũng vậy, những điều mà chúng ta đã được nghe, được thấy, được biết từ nơi Chúa thì hãy mạnh dạn rao giảng cách công khai, làm chứng cách rõ ràng giữa thanh thiên bạch nhật cho nhiều người được nghe, được biết mà trở lại ăn năn, tin nhận Chúa.
Bởi Chúa Cha đã sai phái Chúa Giê-xu thể nào thì Chúa Giê-xu cũng sai phái chúng ta thể ấy. Vậy, chúng ta là môn đồ của Chúa, là đầy tớ của Chúa thì cũng phải đồng chịu khổ giống như Chúa, và mạnh dạn làm công việc Chúa sai. Chúa Giê-xu sẽ đồng hành và ban năng lực để chúng ta làm cho đến khi được hoàn tất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
Cảm tạ Ngài vì Ngài không kể chúng con như là một đầy tớ không biết gì, sai đâu đánh đó; nhưng Ngài kể chúng con là bạn hữu của Ngài để bày tỏ chương trình cứu rỗi mầu nhiệm của Ngài và cho chúng con được tham gia.
Cảm tạ Chúa, Chúa đã chịu khổ vì chúng con và vì thế gian này như thế nào thì chúng con cũng sẽ chịu khổ như vậy, qua đó để có thể kinh nghiệm đồng chịu một phần trong sự thương khó của Ngài. Nhưng về những điều tốt lành và phước hạnh thì Ngài hứa với chúng con là sẽ ban cho chúng con được đồng trị, đồng hưởng cơ nghiệp đời đời trong Nước của Ngài.
Nguyện xin Chúa luôn đồng hành, đồng công với chúng con trong mọi bước đường để chúng con xứng đáng là môn đồ thật của Chúa, là đầy tớ trung tín hiền lành của Ngài.
Chúng con nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com