Home Chuyên Đề Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong Bạn – Phần 13: Chúc phước cho người khác

Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong Bạn – Phần 13: Chúc phước cho người khác

by AdrianChua
30 đọc

Lời Chúa trong Ê-sai 58:8 có chép:“… là chia bánh cho kẻ đói, đem những kẻ nghèo khổ đã bị đuổi đi về nhà mình, khi thấy kẻ trần truồng thì mặc cho, và chớ hề trớ trinh những kẻ cốt nhục mình, hay sao? Bấy giờ sự sáng ngươi sẽ hừng lên như sự ban mai, ngươi sẽ được chữa lành lập tức; sự công bình ngươi đi trước mặt ngươi, sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ sau ngươi”.

Có quá nhiều đau buồn và tổn thương trong thế giới mà con người đã sa ngã, một thế giới đã bị bóng tối bao trùm và thống trị cách lạnh lùng, khắc nghiệt. Bóng tối này là nơi tất cả những căn bệnh và sự rối loạn bùng phát, như kiêu ngạo, vô tín, ghen ghét, hung bạo, ái kỷ hay đặt bản thân làm trung tâm, … những điều đã gây ra sự đổ vỡ, thương tổn trong các mối quan hệ và rồi để lại những nỗi đau khắc khoải in sâu trong tấm lòng con người. Đau lòng thay, sự đau khổ vây quanh chúng ta mỗi ngày, trong mọi cách có thể tưởng tượng được. Chúng ta biết nỗi đau và những tổn thương chúng ta đang gánh chịu, nhưng về nỗi đau bên trong những người xung quanh chúng ta thì thế nào?

Đôi khi, sự chữa lành đến khi chúng ta rao giảng Tin Lành cho người khác. Chúa Giê-xu đã trải qua một cuộc đời đau đớn nhất khi chính Ngài bị phản bội và khước từ bởi những con người Ngài đã tạo dựng nên! Trong tình yêu thương, Ngài đã chữa lành và giải phóng cho hàng nghìn người, tuy nhiên, Ngài phải gánh chịu cái chết tàn khốc và nhục nhã nhất. Ấy vậy, Chúa chúng ta đã sử dụng sự bất công đó và biến nó thành một công cụ cứu chuộc và giải phóng cho cả nhân loại này. Đó là bởi công việc của Chúa Giê-xu làm trên thập tự giá mà bạn và tôi đã nhận được cứu chuộc như hôm nay.

Kinh Thánh cho chúng ta biết bởi những lằn roi Ngài chịu mà chúng ta được chữa lành. Tại chính những chỗ Ngài bị thương tích, Chúa Giê-xu đã nhận được thẩm quyền để chữa lành. Nguyên lý áp dụng tương tự đối với chúng ta. Những người có chức vụ chữa lành trên thế giới hầu như đều đã gánh chịu những sự đau đớn trên chính thân thể họ. Nhiều người có lòng thương xót đối với những nạn nhân nghiện ma túy, lạm dụng trẻ em và đồng tính luyến ái từng ít nhất một lần trải qua những việc đó. Sau khi máu và nước mắt tuôn đổ, sự chữa lành đã đến theo sau. Những gì họ làm là biến những tổn thương của họ thành sự chữa lành và thay vào đó cho phép sự chữa lành tuôn ra từ chính những kinh nghiệm họ nếm biết qua tổn thương mình đã trải qua.

Nếu một người chưa từng trải qua một sự khủng hoảng, họ có xu hướng không khoan dung với những người lóng ngóng trong việc đối phó với những tai nạn trong đời sống. Nhưng nếu chúng ta từng bị khinh bỉ trong một số lĩnh vực, chúng ta vẫn nhạy cảm trong những lĩnh vực đó dù đã được chữa lành. Sự nhạy cảm này trở thành thứ mà Đức Chúa Trời có thể sử dụng để giúp chúng ta đồng cảm với người khác. Nó thêm lên lòng thương xót trong chức vụ và cho phép một người thực hiện chức vụ hiệu quả hơn khi đối xử với người bị tổn thương.

Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời hành động qua chúng ta trong quyền năng của Đức Thánh Linh, tuy nhiên, nhiều lúc Thánh Linh hành động thông qua cảm xúc và tâm trí chúng ta. Chẳng phải Lời Chúa có chép như vậy sao, “…Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi, Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp!” (2 Cô-rinh-tô 1:3-4)

Đây là cách Đức Chúa Trời đảo ngược tình thế trên điều ác. Khi chúng ta không khuất phục trước điều ác chống nghịch mình, song thay vào đó, chúng ta tìm kiếm cơ hội sử dụng nó vì lợi ích của người khác, nó giải phóng chúng ta khỏi sự xấu xa đã đến trên cuộc đời chúng ta. Là những người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời trên thế giới, không có gì lạ khi phải chịu đựng những thử thách và tổn thương, nhưng thay vì chúng ta bị chúng xé nát, chúng ta có thể đón nhận chúng làm cơ hội để bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Đau khổ và thử thách không dễ chịu, nhưng chúng là những trợ lý trong việc bộc lộ và giải phóng chúng ta khỏi chiều hướng xấu. Không những vậy, chúng cũng mang đến những cơ hội tốt hơn để truyền ra tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

Hãy kính mến Đức Chúa Trời như Chúa Giê-xu Christ của chúng ta. Hãy biến mọi tổn thương chúng ta gánh chịu thành miếng gạc rịt lành vết thương. Hãy để những giọt máu chảy ra từ trái tim và những giọt nước mắt tuôn ra từ sâu thẳm trong chúng ta được chuyển hóa thành dầu chữa lành và sự sống cho nhiều người khác.

Dịch: Someone

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like