Kinh thánh: Ma-thi-ơ 10:16
16 Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu.
Lời ngỏ:
Trong số các tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam ta, có bài tuyên cáo “Bình Ngô Đại Cáo” của tác giả Ức Trai Nguyễn Trãi được viết vào mùa xuân năm 1428, tức vừa sau chiến thắng quân Minh xâm lược. Bài thơ này cũng được xem như là Bản tuyên ngôn thứ hai của nước Việt Nam trong lịch sử được Bình định vương Lê Lợi cho gửi khắp nơi để rao báo sự bình định và an dân. Trong bài thơ này có hai câu thơ rất ý nghĩa, và có thể gọi đó là trái tim của cả bài cáo. Cũng có nơi cho rằng hai câu này là sợi chỉ điều như dòng máu chảy xuyên suốt cả bài tuyên cáo khiến cho nó trên nên sống động. Hai câu ấy là: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo.”
Hai câu này bày tỏ phương pháp đưa đến chiến thắng cả mấy đội quân tinh nhuệ của kẻ thù từng mang tiếng là rất tàn bạo và hung hăng, ấy là lấy sự quyết tâm sử dụng đại nghĩa, chính nghĩa của dân tộc yêu chuộng hoà bình để đối lại đạo quân hiếu chiến và tàn bạo. Sau khi chiến thắng đã không trả thù hay tận diệt những kẻ hiếu chiến thất trận, nhưng cấp lương thực và phương tiện để họ trở về mà không dám quay lại.
Lời Chúa còn sâu nhiệm và đầy nhân ái hơn biết bao lần so với tinh thần trên. Chẳng hạn như “Chớ ấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người… Vậy nếu kẻ thù mình có đói hãy cho ăn, có khát hãy cho uống” (Rô-ma 12:17-21). Hay “Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.” (Ma-thi-ơ 5:44). Với tinh thần đó, câu Kinh thánh hôm nay là một sứ điệp tốt lành đến với mỗi chúng ta. “Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu.”
Chúng ta là những môn đồ thật của Chúa sẽ được Chúa sai đi ra thế giới này ví như “chiên vào giữa bầy muông sói”. Điều này có thể hiểu như việc sứ giả của Chúa phải đi đến một môi trường khắc nghiệt, mà đa phần là những đồi núi trập trùng, những thung lũng sâu hút, những cánh rừng hoang nước độc. Trong môi trường ấy lúc nào cũng phải luôn thận trọng như “chiên ở giữa bầy muông sói” chứ không phải như được ở nơi đồng cỏ xinh tươi, mé nước bình tịnh có sẵn mà lúc trước đã được ban cho để yên bình hưởng thụ cho mình. Một mặt là Chúa luôn ở cùng và bảo hộ chúng ta để có thể hoàn tất sứ mạng được giao; nhưng mặt khác chúng ta sẽ phải đối diện xung quanh với bao cám dỗ, bao nhiêu sự chống đối và còn có vô số người không chịu đầu phục Chúa, không chịu tin và nghe phúc âm tốt lành để được cứu rỗi. Không những thế họ quay lại phản đối chúng ta bằng nhiều cách, trong đó có những cách mang tính bạo lực và những hành vi rất manh động, gian ác.
Chúa không bảo chúng ta hãy tự xử lý trong tình huống khó khăn, nguy hiểm bằng cách trở nên như những con rắn quỷ quyệt tự luồn lách ra khỏi đó để mà cứu thân; hay như những con bồ câu tự biết thân biết phận mà tìm đường bay về nhà tránh khỏi những bẫy rập chết người giăng đầy khắp lối đi về. Tuy nhiên, chúng ta là con cái Chúa không nên “lấy ác trả ác”, “mà phải lấy thiện đối lại cái ác”. Tinh thần ấy thể hiện như “sự khôn khéo của rắn”, “sự đơn sơ của chim bồ câu”.
1. Hãy “khôn khéo như rắn”
Người ta thường ghét muỗi vì nó hay chích và hút máu người. Nhưng qua sự nghiên cứu của y học về muỗi mà người ta phát hiện ra phương cách bảo quản máu không đông, từ đó có thể để dành làm ngân hàng máu nhằm truyền máu cứu người trong những ca phẫu thuật.
Người ta cũng hay có thành kiến với con rắn vì nó hay cắn và giết người bằng nọc độc của nó. Thế nhưng ngày nay, nhờ những nọc rắn mà y học sản xuất nhiều loại thuốc giải độc hay chất gây mê trong thời gian phẫu thuật khó và nguy hiểm đến tính mạng. Và nhiều người phải thán phục về cách di chuyển linh hoạt của loài rắn trong nhiều môi trường nhỏ hẹp, khó khăn không thuận lợi.
Con cái Chúa hiển nhiên không nên học và sống cách quỷ quyệt, nhiều lươn lẹo và thiếu ngay thẳng như con rắn; nhưng chúng ta cần học cách nhanh chóng thích ứng với mọi môi trường sống như loài rắn. Dù môi trường có thuận lợi hay bất thuận lợi đi nữa thì cũng nhanh chóng thích ứng để rao giảng phúc âm cứu rỗi của Chúa.
Tinh thần truyền giáo về phúc âm cứu rỗi này tương tự như đời sống mà sứ đồ Phao-lô đã từng trải khi ông làm chứng rằng: “Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.” (Phi-líp 4:12-13).
Sứ đồ Phao-lô không chỉ thích ứng nhanh chóng về tài chính và sinh hoạt ở nhiều nơi ông đi đến để có thể truyền giáo cho mọi đối tượng, dù là giàu có hay nghèo khổ. Nhưng ông cũng thích ứng nhanh chóng về thân phận của nhiều người, để qua đó tìm cơ hội truyền giáo và cứu giúp được nhiều người trở về với Chúa. Ông đã tường thuật về điều này như sau: “Vả, tôi đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục mọi người, hầu cho tôi được nhiều người hơn. Với người Giu-đa, tôi ở như một người Giu-đa, hầu được những người Giu-đa; với những người dưới quyền luật pháp, (dầu chính tôi chẳng ở dưới quyền luật pháp), tôi cũng ở như kẻ dưới quyền luật pháp, hầu được những người dưới quyền luật pháp; với những người không luật pháp, (dầu đối với Đức Chúa Trời tôi không phải là không luật pháp, vì tôi ở dưới luật pháp của Đấng Christ), song tôi cũng ở như người không luật pháp. Tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối; tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào. Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin Lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó.” (I Cô-rinh-tô 9:19-23)
2. Hãy “Đơn sơ như chim bồ câu”
Tính cách của tôi con Chúa được Chúa sai phái làm sứ giả hoà bình thuộc linh cần có tinh thần đơn sơ như chim bồ câu. Đó là tinh thần như thế nào và tại sao phải như vậy?
Trước nhất, chúng ta biết rằng dù chim bồ câu được sai phái và được đem đi thật xa, và nơi đó chưa hề được biết đến đi nữa thì chúng cũng có khả năng định vị rất tốt và nhanh chóng trở về nơi mình ra đi cách chính xác. Cũng vậy, tôi con Chúa được Chúa kêu gọi và sai phái ra đi làm công việc Chúa thì cần phải có tinh thần vâng phục và trung tín làm trọn sứ mạng Chúa giao cách nhanh chóng.
Hơn nữa, tính cách của chim bồ câu được biết đến là “đơn sơ”. Đơn sơ ở đây không phải chỉ là đơn giản, mà là thuần khiết hay tinh sạch. Dù phải sống trong môi trường đầy tội lỗi, tối tăm và gian ác; nhưng tôi con Chúa phải giữ mình thanh sạch giữa thế gian. Dù phải lăn lộn và cố gắng thích ứng với nhiều hoàn cảnh, môi trường sống khắc nghiệt đi nữa thì tôi con Chúa không vì thế mà chạy theo trào lưu “ai sống sao mình sống vậy”; tức là lối sống phóng khoáng, sống thỏa hiệp với đời. Tôi con Chúa hòa đồng nhưng phải giữ bản chất thuần khiết trong đời sống thuộc linh.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, con chỉ là một con chiên đơn sơ giữa thế gian đầy tội lỗi, nơi ma quỷ là muông sói luôn bao vây tìm cách cắn nuốt. Xin cho con học được tinh thần của lời dạy của Chúa hôm nay là “khôn ngoan hơn rắn và đơn sơ như chim bồ câu” để con có thể mang nhiều người trở về với Chúa và Danh Chúa được vinh hiển qua con. Con tạ ơn Cha. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com