Home Dưỡng Linh Tự Do Là Trở Nên Giống Chúa

Tự Do Là Trở Nên Giống Chúa

by Desiringgod.org
30 đọc

Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do, song chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau.” (Ga-la-ti 5:13) Chúa Giê-xu Christ bước lên thập tự giá để cho dân sự Ngài có được tự do. Những cây đinh nhọn trên tay Chúa chính là chìa khóa để giải thoát chúng ta khỏi những xiềng xích. Tiếng phán “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30) chính là lệnh truyền của Ngài để chúng ta được phóng thích. Ngôi mộ trống trong buổi sáng phục sinh đã phá tan cánh cửa của sự giam cầm. Bởi vì Chúa Giê-xu đã chết và sống lại, giờ đây mỗi Cơ Đốc nhân có thể nói như sứ đồ Phao-lô rằng, “Đấng Christ đã giải phóng để chúng ta được tự do.” (Ga-la-ti 5:1)

Tuy nhiên, đôi lúc khái niệm về sự tự do nghe qua thì hấp dẫn hơn là thực tế. Như sứ đồ Phao-lô có nói, sự tự do thật là quỳ gối, rửa chân cho anh em mình thay vì chỉ toàn theo đuổi mơ ước cá nhân. Ga-la-ti 5:13 có chép: “Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do, song chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau.” Thế tại sao Chúa lại giải phóng chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi trong quá khứ, sự rủa sả của luật pháp, và khỏi sự cai trị của tội lỗi trước đây trên chúng ta (Ga-la-ti 1:3-4; 3: 13; 5:24)? Chúa mang đến sự tự do để chúng ta có thể phục vụ.

Hạ mình để được nâng lên Lời giảng của sứ đồ Phao-lô nghe có vẻ vô lý đối với con người xác thịt như chúng ta. Theo như bản chất của con người tự nhiên, chúng ta có rất nhiều định nghĩa về “sự tự do” như là độc lập, tự do thể hiện bản thân, sự lựa chọn cá nhân — nhưng hiếm khi nó bao hàm “sự phục vụ”. Tuy nhiên, sự vô tín luôn luôn chia cách những điều mà Chúa muốn kết hợp. Trong vương quốc của Đức Chúa Trời, sự tự do và sự phục vụ đi đôi với nhau như A-đam và Ê-va, như trời và đất, như ân điển và bình an.

Chúng ta không nên vượt hơn Chúa Giê-xu của chúng ta. Không ai được tự do hơn chính Chúa. Tuy nhiên, Con của Đức Chúa Trời đã sử dụng sự tự do đó để làm gì? Ngài đã tự bỏ mình đi, “lấy hình tôi-tớ và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:7) Chúa phán với 12 môn đồ, “Ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy” (Lu-ca 22:27). Ngài lấy khăn quấn ngang lưng mình, rồi cúi xuống để rửa chân cho các môn đồ (Giăng 13:1-5). Qua câu chuyện về sự phục vụ của Chúa Giê-xu, sự chịu khổ và cứu rỗi của Ngài, chúng ta thấy người tự do nhất đã từng sống như vậy.

Chúng ta không cần phải sợ mất đi sự tự do vốn có vì khi theo Chúa Giê-xu nghĩa là phải đặt mình vào vị trí thấp nhất trong mọi hoàn cảnh. Như Chúa phán với các môn đồ, “Trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 20:26). Khi chúng ta cúi người vì mang ách, chúng ta sẽ bước đi thẳng hơn. Khi chúng ta quì gối trên nền đất, chúng ta đứng cao hơn. Sự tự do thật không phải là phục vụ chính mình. Sự tự do thật chỉ được tìm thấy khi chúng ta trở nên giống Chúa.

Gắn kết hàng ngàn linh hồn Rất ít người bày tỏ được con đường của sự tự do thật này một cách đẹp đẽ như cách mà B.B Warfield, một nhà thần học đã làm hơn một thế kỉ trước. Rao giảng về tình yêu hy sinh chính mình của Chúa Giê-xu trong Phi-líp 2:5-8, Warfield có nói,

Hy sinh chính bản thân mình là lý do Chúa đến thế gian. Sự hy sinh chính mình sẽ dẫn chúng ta—là những người theo Chúa, không phải xa lánh con người mà phải dấn thân vào giữa vòng họ. Bất cứ nơi nào người ta chịu khổ thì chúng ta phải an ủi. Nơi nào người ta tranh chiến, chúng ta phải giúp đỡ. Nơi nào người ta thất bại, chúng ta phải nâng đỡ. Nơi nào người ta thành công, chúng ta phải vui mừng cùng với họ.

Hy sinh bản thân có nghĩa là không thờ ơ với những thứ đang diễn ra và những người xung quanh: hay nói cách khác là để tâm trong những việc ấy. Có nghĩa là chúng ta không chỉ sống cho mình mà vì mọi người – tự buộc mình vào với những linh hồn đang cần giải cứu bằng sợi dây của tình yêu thương và sự đồng cảm, xem đời sống của họ là một phần của chúng ta.

Niềm tự hào của sự tự do Cơ Đốc không phải là việc cuối cùng thì chúng ta cũng đã chạm tới được những năng lực tiềm ẩn của bản thân mà là việc chúng ta có thể giúp người khác nhận ra bản thân họ. Không phải vì chúng ta khám phá được bản thân mình nhưng được thoát khỏi tình trạng chỉ biết đến mình, để cuối cùng chúng ta có thể hướng mắt đến những người xung quanh. Sự tự do thật không phải để chúng ta chạy theo những mong muốn cá nhân mà để làm trọn những mong muốn đó của mình vì lợi ích của những người xung quanh.

Nói cách khác, sự tự do thật mang đến cho một người tâm trí của Đấng Christ, là Đấng đã và vẫn đang tiếp tục tự gắn kết chính mình Ngài với hàng ngàn linh hồn khác. Như Phao-lô có nói trong Ga-la-ti 5, sự tự do thật dạy người ta yêu người lân cận như chính bản thân mình (Ga-la-ti 5:14)

Không dễ để cảm thấy sự tự do Chừng nào chúng ta còn ở trong thế gian này thì chúng ta vẫn chưa được tự do, nhưng chắc chắn một ngày nào đó chúng ta sẽ đạt được. Ngày ấy, sẽ không có sự ích kỉ nào cám dỗ chúng ta từ bỏ trên hành trình phục vụ nữa. Trái tim của chúng ta sẽ có chung nhịp đập với Chúa của mình, và việc ban ra cho người khác trở thành niềm vui của chúng ta.

Đến một lúc nào đó, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy bản thân không còn tha thiết gì với việc phục vụ nữa. Có thể đó là khi chúng ta trở về nhà sau một ngày làm việc thì thấy bọn con đang khóc lóc còn đồ ăn thì vung vãi trên sàn. Hoặc là khi những cơn bão tuyết tháng Hai khiến tuyết chất thành từng đống trên đường và chúng ta phải xúc tuyết ba lần một tuần. Hay khi chúng ta thấy một thành viên hội thánh có hoàn cảnh khó khăn đang ngồi ủ rũ một mình và chúng ta biết rằng mình nên tiếp cận người này.

Vậy trong những lúc như thế chúng ta làm gì? Làm sao để “phục vụ người khác bằng tình yêu thương” khi mà chúng ta muốn thỏa đáp sự thoải mái cho bản thân mình trước? Chúng ta bắt đầu bằng việc xua đuổi ý nghĩ rằng phục vụ là làm tôi mọi cho người khác. Chúng ta nên nhớ rằng “Ðấng Christ đã giải thoát chúng ta để chúng ta hưởng tự do”. Với niềm tin rằng chính Chúa là Đấng giải cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi, Ngài rất sẵn sàng để mang chúng ta đến mức độ sâu hơn của sự tự do – không phải chỉ xoay quanh công việc phục vụ trước mắt mà thông qua sự phục vụ.

Tin cậy và tiến bước Trong những trường hợp như vậy, khi chúng ta quyết tâm tiến tới, xác tín niềm tin nơi sự chu cấp của Chúa, chúng ta sẽ nhận ra rằng Đức Chúa Trời không giống như vua Pha-ra-ôn, ra lệnh làm gạch mà không cho rơm. Thay vào đó, Ngài “ban Đức Thánh Linh” – Đấng dẫn dắt chúng ta trong tình yêu thương. (Ga-la-ti 3:5; 5:16-24). Khi những công việc trước mắt dường như vượt quá sức chịu đựng của chúng ta, thì hãy nhớ rằng chúng không hề nặng đối với Chúa Thánh Linh.

Đấng Christ đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, thì chẳng lẽ Ngài không thể kéo chúng ta ra khỏi sự ích kỉ của xã hội ngày nay sao? Ngài đã ban Đức Thánh Linh cho chúng ta, không lẽ Ngài không thể cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần để bắt chước Chúa trong sự phục vụ của Ngài sao? Chắn chắn Ngài sẽ làm được. Vì sự tự do, Ngài giải phóng chúng ta. Vì thế hãy tin vào lời hứa của Chúa, hít thật sâu và tiếp tục bước đi trong sự tự do của Ngài.

Hãy cầu nguyện cùng tôi:

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì chúng con vốn là kẻ tội lỗi đáng bị hình phạt. Nhưng bởi tình yêu lớn của Ngài, Ngài đã chết và sống lại vì chúng con, để giải cứu chúng con khỏi sự ràng buộc của tội lỗi để tự do đến với Ngài. Xin cho chúng con trân quý sự tự do mà Ngài ban cho và sử dụng điều ấy để phục vụ những người xung quanh cho tới ngày Chúa trở lại. A-men.

Dịch: Hữu Đức

Nguồn: desiringgod.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like