Home Chuyên Đề Sự Màu Nhiệm Của Lễ Vượt Qua

Sự Màu Nhiệm Của Lễ Vượt Qua

by Sưu Tầm
30 đọc

Đứng thứ hai so với sự cứu chuộc tại đồ Gô-gô-tha, tôi nghĩ rằng sự màu nhiệm của Lễ Vượt Qua là điều Chúa ưa thích. Ngài nhắc đến sự kiện này thường xuyên trong Kinh Thánh, và khiến tháng tổ chức Lễ Vượt Qua trở nên tháng đầu tiên trong một năm của người Do Thái.

“Tháng nầy định làm tháng đầu cho các ngươi, tức là tháng giêng trong quanh năm” (Xuất Ê-díp-tô ký 12:2).

Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài qua sự kiện Lễ Vượt Qua này: Phần mở đầu của mười điều răn Ngài giới thiệu như thế này:

“Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:2).

Ngài thường gọi chính mình là “Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp”, hoặc “Đấng Ta Là” (I AM)… Nhưng “Đấng đã rút các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô” là danh mà Ngài tự gọi mình nhiều lần sau khi dân Israel vượt qua biển Đỏ, hàng trăm lần như vậy.

Đức Chúa Trời thích thú về sự kiện Lễ Vượt Qua, và càng đào sâu vào câu chuyện này chừng nào, chúng ta càng thấy được những điều đẹp đẽ, ý nghĩa và quyền năng đến chừng đó…

Phép lạ Vượt Qua được nhắc lại nhiều lần trong Thi Thiên, và mặc dù nhiều người Do Thái thấy hình ảnh núi Si-nai là đặc trưng của Cựu ước, tôi dám khẳng định rằng sự kiện Lễ Vượt Qua được ví như là đá góc nhà của các câu chuyện của dân Israel.

Đức Chúa Trời của sự tự do

Tôi thích sự thật là Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời của sự tự do: Ngài đã ban cho mọi người sự tự do lựa chọn tại từng diễn biến trong câu chuyện Lễ Vượt Qua được tường thuật trong sách Xuất Ê-díp-tô ký. Mặc dù Đức Chúa Trời đã làm cứng lòng Pha-ra-ôn, đó là sau khi Pha-ra-ôn đã cương quyết đưa ra những lựa chọn dựa trên sự cứng lòng của bản thân ông. Đức Chúa Trời chỉ làm cho sự tự do lựa chọn của ông được củng cố thêm.

Chúa còn ban sự tự do cho dân Ngài, về việc có đi theo kế hoạch của Ngài hay không. Chúa không hề ép buộc dân Israel, nhưng Ngài ra một điều khoản: để sự chết vượt qua khỏi nhà của họ, họ phải hi sinh những con chiên và bôi máu của chúng trên khung cửa. Đây là một hành động của đức tin. Đó là một hành động đáp trả lại mạng lệnh của Chúa, kèm theo một lời hứa… Những ai tin và làm theo đã được cứu. Điều này có nghĩa những ai đã thoát ra khỏi Ai Cập đã được tự do lựa chọn vâng phục Đức Chúa Trời và đi theo Ngài bởi đức tin – không phải vì tổ phụ của họ. Đây là thời điểm dân Israel trở thành một dân của đức tin.

Luật pháp được Chúa ban để nhắc nhở rằng Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương nô lệ và muốn giải phóng họ, và mạng lệnh trước hết ngay sau mười điều răn là:

“Đây là luật lệ ngươi phải truyền cho dân sự: Nếu ngươi mua một người đầy tớ Hê-bơ-rơ, nó sẽ hầu việc cho sáu năm; nhưng qua năm thứ bảy nó sẽ được thả ra, không phải thối tiền” (Xuất Ê-díp-tô ký 21:1-2).

Một mạng lệnh lạ lùng khi bắt đầu thiết lập chính quyền của Ngài, đời sống thuộc linh và đạo đức! Nhưng trước hết, Đức Chúa Trời xác định rằng dân Ngài không nên trở thành nô lệ – họ nên được tự do. Đây là thông điệp của Lễ Vượt Qua. Đây là những gì Cuộc Xuất Hành nói đến. Đức Chúa Trời rất nghiêm túc trong việc giải phóng dân Ngài.

Tưởng nhớ Lễ Vượt Qua

Sự tưởng nhớ là rất quan trọng đối với Đức Chúa Trời. Ngài luôn gợi lại kỷ niệm này trong suốt Kinh Thánh, điều này thúc giục chúng ta rằng “hãy ghi nhớ”!

Tôi nghĩ chiến thuật của Sa-tan là làm mờ nhạt ký ức của chúng ta. Nếu chúng ta ghi nhớ những gì Đức Chúa Trời đã làm, những gì Ngài đã phán và Ngài là ai, chúng ta có thể có đức tin nơi Ngài hôm nay và trông cậy Ngài ngày mai. Điều ngược lại cũng hoàn toàn đúng.

Bữa ăn Lễ Vượt Qua là một kinh nghiệm giảng dạy, do chính Đức Chúa Trời thiết lập, để dân sự Chúa không bị quên. Nó liên quan đến thị giác, khướu giác, vị giác và xúc giác. Nó được thiết kế để dạy một câu chuyện tuyệt vời từ thế hệ này sang thế hệ khác, giữ cho câu chuyện đó sống động trong tâm trí người Do Thái.

Bữa ăn Lễ Vượt Qua do Chúa Giê-xu thiết lập để ăn cùng với các môn đồ cũng tương tự như vậy. Chúa Giê-xu phán với các môn đồ rằng:

Hãy làm sự nầy để nhớ đến ta” (Lu-ca 22:19b).

Chúng ta ăn uống trong tiệc thánh để tưởng nhớ đến dòng huyết của Chúa Giê-xu mang lại sự tự do cho chúng ta, và cũng khiến sự chết “vượt qua” chúng ta như vậy.

Chúa Giê-xu là hiện thân của sự hoàn thành câu chuyện Lễ Vượt Qua. Và chúng ta sẽ ghi nhớ những gì Ngài đã làm mỗi khi chúng ta “ăn bánh này”“uống chén này”.

Bốn giai đoạn của sự giải phóng

“Ta cũng có nghe lời than thở của dân Y-sơ-ra-ên bị người Ê-díp-tô bắt làm tôi mọi, bèn nhớ lại sự giao ước của ta. Vậy nên, ngươi hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Ta là Đức Giê-hô-va

sẽ rút các ngươi khỏi gánh nặng mà người Ê-díp-tô đã gán cho,

cùng giải thoát khỏi vòng tôi mọi;

ta sẽ giơ thẳng tay ra, dùng sự đoán phạt nặng mà chuộc các ngươi.

Ta sẽ nhận các ngươi làm dân ta, và ta sẽ làm Đức Chúa Trời của các ngươi;

các ngươi sẽ biết ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi, đã rút các ngươi khỏi gánh nặng của người Ê-díp-tô” (Xuất Ê-díp-tô ký 6:5-7).

Lễ vượt qua truyền thống của người Do Thái có bốn cái ly để tượng trưng cho 4 khía cạnh của sự cứu chuộc được liệt kê trong Xuất Ê-díp-tô ký:

1. Ta sẽ rút các ngươi ra khỏi gánh nặng mà người Ê-díp-tô đã gán cho

Đây là giai đoạn đầu tiên của sự giải phóng – giải cứu khỏi tình trạng bị giam cầm. Đó là sự giải phóng thân thể ra khỏi vùng đất Ai Cập và đến với Đất Hứa. Là những người tin Chúa, chúng ta có thể thấy rằng Chúa Giê-xu đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta trên thập tự giá, giải phóng chúng ta khỏi sự đoán phạt, và mở ra một hành trình cùng đi với Đức Chúa Trời. Trên thực tế người Do Thái đi ngang qua biển Đỏ cũng có thể so sánh với hình ảnh người tin Chúa Giê-xu nhận phép báp-tem, một phần của quá trình cứu chuộc.

2. Ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi vòng tôi mọi

Giai đoạn thứ hai nói đến sự giải phóng tinh thần. Ngay cả khi được tự do, con người lẫn động vật đôi khi vẫn hành động như khi chúng chưa được tự do. Đôi khi điều này được gọi là sự thể chế hóa. Khi chúng ta quá quen với việc sống trong một cái chuồng, chúng ta không biết cách bước đi như một người tự do. Tại đây, Đức Chúa Trời hứa giải phóng dân Israel ra khỏi sự nô lệ của tâm trí, và chúng ta là những người tin Chúa Giê-xu cũng cần được giải phóng khỏi một tâm trí đã bị làm nô lệ cho tội lỗi. Chúng ta cần hiểu rằng chúng ta đã thực sự được tự do, và bước đi như một người tự do.

3. Ta sẽ giơ thẳng tay ra dùng sự đoán phạt nặng mà chuộc các ngươi

Câu chuyện Xuất Ai Cập đầy dẫy sự siêu nhiên. Tôi thường tự hỏi nếu những phép lạ đó xảy ra ngày nay, chúng ta sẽ nghĩ gì… chúng ta có sẵn lòng chấp nhận Đức Chúa Trời trong tất cả các điều siêu nhiên? Nhiều phép lạ và sự đoán phạt rất khó được chấp nhận – đặc biệt là từ phía những người Ai Cập. Đây là Đức Chúa Trời của chúng ta – quyền năng, khó hiểu, không ai có thể vượt qua, và không giống bất kỳ những gì chúng ta có thể hiểu. Nhưng đây là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Ngài muốn chúng ta đón nhận Ngài và sự cứu chuộc của Ngài, và để Ngài quyết định phải làm như thế nào.

4. Ta sẽ nhận các ngươi làm dân ta, và Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của các ngươi

Mục tiêu cuối cùng là mối quan hệ. Đức Chúa Trời muốn có mối quan hệ mật thiết với dân Ngài.

Hoang mạc, có thể được xem là nơi bước đi cùng Đức Chúa Trời, và trên thực tế Đức Chúa Trời nhìn lại khoảng thời gian đó ngay sau khi dân sự ra khỏi Ai Cập:

“Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng tôi rằng: Hãy đi, kêu vào tai Giê-ru-sa-lem rằng: Đức Giê-hô-va phán như vầy: Ta còn nhớ về ngươi lòng nhân từ của ngươi lúc đang thơ, tình yêu mến trong khi ngươi mới kết bạn, là khi ngươi theo ta nơi đồng vắng, trong đất không gieo trồng. Y-sơ-ra-ên vốn là dân biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va; vốn là trái đầu mùa của hoa lợi Ngài. Phàm những kẻ nuốt dân ấy sẽ có tội; tai vạ sẽ lâm trên họ, Đức Giê-hô-va phán vậy” (Giê-rê-mi 2:1-3).

“Cho nên, nầy, ta sẽ dẫn dụ nó, dẫn nó vào đồng vắng, và lấy lời ngọt ngào nói cùng nó. 15 Ta lại sẽ ban vườn nho cho nó từ nơi đó, và trũng A-cô sẽ trở nên cửa trông cậy. Nó sẽ trả lời tại đó như trong ngày trẻ tuổi nó, và như trong ngày nó ra khỏi đất Ê-díp-tô” (Ô-sê 2:14-15).

Có một lần mục sư của tôi nói, “món tráng miệng (dessert) là thứ bạn muốn nhưng bạn không cần, còn hoang mạc (desert) là thứ bạn không muốn nhưng bạn cần”. Sống tại hoang mạc không dễ dàng, nhưng nó thường là nơi mà sự bước đi cùng Đức Chúa Trời trở nên thân mật và sâu sắc hơn. Một ngày nào đó chúng ta sẽ ở trong “đất hứa” và được yên nghỉ hoàn toàn, nhưng cho đến khi đó, sống với Đức Chúa Trời không phải lúc nào cũng như đi dạo trong công viên. Đó là thời gian chúng ta học biết về Đấng Cứu Chuộc chúng ta, lớn lên trong sự trông cậy, tình yêu thương và bước đi theo Ngài. Chúng ta ở cùng với Ngài, và Ngài ở cùng với chúng ta. Chúng ta là dân sự Ngài, và Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta. Chúng ta được buộc chặt vào một mối quan hệ với Đức Chúa Trời, và điều đó là niềm vui của chúng ta và Ngài.

Những câu chuyện huy hoàng hơn!

Đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi khi suy nghĩ về câu chuyện Lễ Vượt Qua và sự hoàn thành của nó qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta dễ dàng thấy được tại sao đây là một cột mốc quan trọng, và là một hình bóng hoàn hảo cho câu chuyện về sự cứu chuộc chúng ta. Đức Chúa Trời nhắc nhở dân Israel về Ngài là ai và những gì Ngài đã làm cho họ lần này đến lần khác bằng cách thêm vào những sự kiện trong danh của Ngài: “Vậy nên, ngươi hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Ta là Đức Giê-hô-va sẽ rút các ngươi khỏi gánh nặng mà người Ê-díp-tô đã gán cho”… Và cũng như tất cả chúng ta, Dân Israel cần rất nhiều sự nhắc nhở.

Nhưng tiên tri Giê-rê-mi viết một điều gây tò mò về Đức Chúa Trời:

“Vậy nên, Đức Giê-hô-va phán: Nầy, ngày đến, là khi người ta sẽ chẳng nói rằng: Thật như Đức Giê-hô-va hằng sống, là Đấng đã đem con cái Y-sơ-ra-ên lên khỏi xứ Ê-díp-tô. 15 Nhưng nói rằng: Thật như Đức Giê-hô-va hằng sống, là Đấng đã đem con cái Y-sơ-ra-ên lên từ phương bắc, và từ các nước mà họ đã bị đuổi đến. Ta sẽ lại dẫn chúng nó về trong đất mà ta đã ban cho tổ phụ chúng nó” (Giê-rê-mi 16:14-16).

Câu chuyện của Đức Chúa Trời và dân Israel vẫn chưa kết thúc. Đức Chúa Trời đã đưa dân Israel ra khỏi vùng đất phía bắc (Nga và các vùng lân cận) và từ các quốc gia mà họ đã bị trục xuất trong khoảng gần 2000 năm. Ngài vẫn chưa được biết đến cách rộng rãi qua tên của hành động này. Nhưng, những ngày đang đến…

Nước Israel đã được phấn hưng vào thế kỷ trước. Bây giờ, chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho sự phấn hưng thuộc linh của họ.

Dịch: NCMV

Nguồn: Oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like