Home Chuyên Đề Điều Bí Ẩn Trong Sự Lựa Chọn Giu-Đa

Điều Bí Ẩn Trong Sự Lựa Chọn Giu-Đa

by Sưu Tầm
30 đọc

Chúng ta có thể chọn bạn bè, nhưng chúng ta không thể chọn gia đình mình. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời có thể! Và đó là những gì Ngài đã làm. Đức Chúa Trời chọn một gia phả cho riêng Ngài, trước thời hạn. Trước hết, Ngài chọn Áp-ra-ham, sau đó chọn Y-sác (con trai thứ hai của Áp-ra-ham), và đến Gia-cốp (con trai thứ hai của Y-sác).

Trong tất cả mười hai người con của Gia-cốp, vì lý do gì đó mà Đức Chúa Trời chọn Giu-đa – người con thứ tư. Sự lựa chọn này chứa nhiều bí ẩn, và Kinh Thánh không đưa ra một lý do rõ ràng.

Một số người cho rằng ba người con đầu tiên không đạt đủ tiêu chuẩn công bình. Ru-bên, người con cả, xâm hại vợ lẽ của cha mình, trong khi Si-mê-ôn và Lê-vi đã đi lừa dối và giết dân thành Si-chem để trả thù cho sự cưỡng hiếp em gái họ; cướp bóc nhà của họ. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề với việc nghĩ rằng nhờ sự công bình mà “đạt được” sự lựa chọn của Đức Chúa Trời, và thiếu sự công bình làm mất đi sự lựa chọn của Ngài.

Trước hết, cha của họ là Gia-cốp cách xa sự thánh khiết, nhưng rõ ràng ông đã được chọn. Thứ hai, Giu-đa cũng không phải là công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Đọc về những gì ông ta làm trong phân đoạn Sáng thế ký 38… đó là một vụ bê bối! Giu-đa cuối cùng đã thừa nhận với người phụ nữ mình đã ngủ cùng (vì tưởng rằng cô ấy là kỵ nữ) rằng cô ấy công bình hơn. Đúng là có sự thay đổi tính cách theo chiều hướng tích cực hơn khi tiếp tục câu chuyện. Trái ngược với sự phản bội trước của ông về Giô-sép, Giu-đa đã dâng cuộc đời ông như một lời hứa với cha mình rằng ông sẽ chăm sóc cho em út Bên-gia-min. Trong Sáng thế ký 44:33, Giu-đa đề nghị thế chỗ làm nô lệ tại xứ Ai Cập thay cho Giô-sép:

“Vậy bây giờ, xin cho kẻ tôi tớ chúa ở tôi mọi thế cho đứa trẻ, đặng nó theo trở lên cùng các anh mình. Vì, nếu đứa trẻ không theo về, làm sao tôi dám về cùng cha tôi? Ôi, tôi nỡ nào thấy điều tai họa của cha tôi ư” (Sáng-thế ký 44:33).

Hình ảnh Giu-đa tự hi sinh bản thân mình là một khúc dạo đầu cho Đấng Cứu Chuộc, là Đấng đã nhận thay chúng ta hình phạt trên thập tự giá. Phải chăng vì hành động này mà Giu-đa được chọn? Cho dù chúng ta ấn tượng về sự tăng trưởng nhân cách của Giu-đa và hành động của ông chỉ về Đấng Mê-si, chắc chắn rằng Giô-sép vượt trội ông hoàn toàn trong nhiều khía cạnh!

Gậy vương quyền đã được ban cho Giu-đa

Phần cuối câu chuyện của Giô-sép là nơi chúng ta thấy được sự liên kết giữa Giu-đa và vương quyền. Đặc biệt, khi Gia-cốp chúc phước tiên tri cho những người con, sự liên kết giữa vương quyền và Giu-đa được thiết lập:

“Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chân nó, cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới, và các dân vâng phục Đấng đó”(Sáng thế ký 49:10).

Cây phủ việt (scepter), quyền trượng, là một vật tượng trưng cho sự uy quyền và thẩm quyền, và Gia-cốp đã nói tiên tri về một Đấng Cứu Thế gọi là Đấng “Si-lô” sẽ ra từ dòng dõi Giu-đa. Dòng dõi Lê-vi sau này sẽ trở nên một dòng dõi thầy tế lễ, và Giu-đa là dòng dõi hoàng gia.

Trong Thi-thiên 60:7 và 108:8, Đức Chúa Trời gọi Giu-đa là cây phủ việt (quyền trượng) của Ngài, và một thông điệp tiên tri khác về Đấng Cứu Thế như một cây phủ việt trong Dân số ký 24:17:

“Tôi thấy Người, nhưng chẳng phải bây giờ; tôi xem Người, nhưng chẳng phải ở gần; một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp, một cây phủ việt trồi lên từ Y-sơ-ra-ên”(Dân số ký 24:17)

Hình ảnh quyền trượng xuất hiện lần cuối cùng trong sách Ê-xơ-tê, là một dấu hiệu của sự chấp nhận khi Ê-xơ-tê đã dám đến trước mặt vua; thực tế, nhà vua giơ thẳng cây phủ việt ra là cách duy nhất tiếp cận vua mà không bị tử hình. Một chút giống với Đấng Messiah, con đường duy nhất đến với Đức Chúa Trời.

Tôi tự hỏi rằng liệu Gia-cốp có nhận ra tầm quan trọng của những lời tiên tri ông nói về Giu-đa hay không. Dường như chính Gia-cốp cũng mong đợi một trong hai người con của Giô-sép trở nên một phước hạnh, như được chỉ ra bởi sự cố trao đổi tay gây tò mò:

“Giô-sép dẫn hai đứa con trai ra khỏi hai đầu gối cha mình, rồi sấp mình xuống đất. Đoạn, người dẫn hai đứa trẻ lại gần cha; tay hữu thì dẫn Ép-ra-im sang qua phía tả của cha, còn tay tả dắt Ma-na-se sang qua phía hữu. Y-sơ-ra-ên đưa tay mặt ra, để trên đầu Ép-ra-im, là đứa nhỏ, còn tay trái lại để trên đầu Ma-na-se. Người có ý riêng để tay như vậy, vì Ma-na-se là đứa lớn. Rồi người chúc phước cho Giô-sép rằng: Cầu xin Đức Chúa Trời mà tổ phụ tôi là Áp-ra-ham và Y-sác đã thờ phượng, là Đức Chúa Trời đã chăn nuôi tôi từ khi mới lọt lòng cho đến ngày nay, thiên sứ đã cứu tôi ra ngoài vòng hoạn nạn, hãy ban phước cho hai đứa trẻ nầy; nối danh tôi và tổ phụ tôi là Áp-ra-ham và Y-sác, và cho chúng nó thêm lên nhiều vô số trên mặt đất! Nhưng Giô-sép thấy cha mình để tay hữu trên đầu Ép-ra-im, thì có ý bất bình, liền nắm lấy tay cha đã để lên đầu Ép-ra-im mà tráo đổi qua đầu Ma-na-se, rồi thưa rằng: Chẳng phải vậy, cha. Đứa nầy đầu lòng, để tay hữu cha trên đầu nó mới phải, chớ. Nhưng cha người không chịu và cãi rằng: Cha biết, con; cha biết. Nó sẽ trở nên một dân; nó cũng sẽ lớn vậy, con; song thể nào em nó cũng sẽ lớn hơn và dòng dõi nó sẽ thành ra vô số nước”(Sáng thế ký 48:12-19).

Cũng tương tự như cách mà Y-sác chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau, đứa nhỏ hơn lại trở nên vượt trội hơn đứa lớn, Ca-in và A-bên, Ích-ma-ên và Y-sác, và thậm chí hai người con sinh đôi của Giô-sép, … Thật sự thì Ép-ra-rim đã trở nên cực kỳ quan trọng trong số các chi phái, thậm chí trở thành tên của mười chi phái phía bắc Israel. Trong nhiều khía cạnh, Giô-sép dường như là một sự lựa chọn rõ ràng. Ông phải chịu đựng bất công và bị ngược đãi cách nặng nề, sau đó ông được nhấc lên cao và trở nên quyền lực. Đức Chúa Trời đã thưởng cho Giô-sép, và ông đã được nhận gấp đôi. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời lại có một kế hoạch khác trong việc chọn gia phả. Cây phủ việt đã được trao cho Giu-đa, Đấng Cứu Thế ra từ dòng dõi Giu-đa.

Nhưng tại sao lại là Giu-đa?

Đây là lập luận của tôi về lý do Đức Chúa Trời chọn Giu-đa. Nó liên quan đến Lê-a.

Gia-cốp yêu em gái của Lê-a đến nỗi phát cuồng, cả hai người đều làm vợ Gia-cốp, và họ phải sống chung với nhau trong hoàn cảnh gia đình bất ổn. Tôi không thể tưởng tượng được cảnh Lê-a bị từ chối và nhục nhã đến thế nào. Cô đã mất đi những mối quan hệ tốt đẹp từng có với Ra-chên trong quá khứ, và phải chịu đựng sự tồn tại của những điều không mong muốn, cô không được chồng cô khao khát, và không được yêu. Bị ép phải sống gần với hai con người đang yêu nhau, Lê-a chắc phải rất đau khổ, và điều đó phản ánh qua những cái tên đặt cho các con của nàng:

“Lê-a thọ thai, sanh một con trai, đặt tên Ru-bên; vì nói rằng: Đức Giê-hô-va đã thấy sự cực khổ tôi; bây giờ chồng sẽ yêu mến tôi. Nàng thọ thai nữa và sanh một con trai, đặt tên Si-mê-ôn; vì nói rằng: Đức Giê-hô-va có nghe biết tôi bị ghét, nên cho thêm đứa nầy. Nàng thọ thai nữa và sanh một con trai; nàng rằng: Lần nầy chồng sẽ dính díu cùng tôi, vì tôi đã sanh cho người ba con trai; bởi cớ đó, đặt tên là Lê-vi. Nàng thọ thai nữa, sanh một con trai, và nói rằng: Lần nầy tôi ngợi khen Đức Giê-hô-va; vì cớ ấy, đặt tên là Giu-đa. Đoạn, nàng thôi thai nghén” (Sáng thế ký 29:32-35).

Tôi nghĩ rằng đây là thời điểm quan trọng khi một người phụ nữ ở trong sự đau khổ xoay sự chú ý của cô khỏi những điều đau đớn, mặc dù điều cô mong muốn vẫn chưa được giải quyết, nhưng cô quyết định ngợi khen Đức Chúa Trời.

Ngợi khen Đức Chúa Trời giữa hoàn cảnh thống khổ là một sự bùng nổ thuộc linh.

“Lối nửa đêm, Phao-lô và Si-la đương cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và những tù phạm đều nghe”(Công vụ 16:25).

Phao-lô và Si-la, họ đã bị đánh đập, họ đang chảy máu và tan vỡ. Ở trong tù, họ không có sự chăm sóc y tế nào cả. Ở trong một nhà tù đá với nhiều phạm nhân khác, họ không được thoải mái. Họ đã làm gì? Khóc? Than phiền? Không! Họ NGỢI KHEN! Họ hát ngợi khen Đức Chúa Trời, đến nỗi các tù phạm khác đều phải nghe thấy. Và điều gì đã xảy ra? Một cơn động đất! Các cửa mở ra, xiềng xích được tháo ra hết thảy, thậm chí người cai ngục ăn năn và cả gia đình ông đến với Chúa Giê-xu. Một sự bùng nổ thuộc linh!

Tôi thành thật nghĩ rằng không còn điều gì khiến Đức Chúa Trời vui lòng hơn được nữa – tự nguyện ngợi khen Ngài giữa những khó khăn. Nó chứng tỏ tình yêu và sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Tôi nghĩ rằng đây là lý do mà Đức Chúa Trời chọn Giu-đa làm tổ phụ của Vua Đa-vít, và sau cùng là Đấng Mê-si. Sự thay đổi tấm lòng của Lê-a trong khi vẫn phải chịu nhiều đau đớn khiến Ngài vui lòng ban đặc ân cho một trong những con người có cái tên rất ý nghĩa – “Ngợi khen”.

Dich: NCMV

Nguồn: Oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like