Home Văn Phẩm Con Đường Định Cư

Con Đường Định Cư

by Phương Nguyên
30 đọc

Có người hỏi tôi, nếu có cơ hội định cư ở châu Âu tôi có muốn đi không? Và sao tôi lại về Việt Nam dù đã có thường trú ở Singapore?

Tôi biết những cái tốt đẹp ở nước ngoài: môi trường sạch đẹp, kinh tế phát triển, xã hội văn minh. Tất nhiên tôi cũng biết những vấn đề của Việt Nam: môi trường ô nhiễm độc hại, kinh tế lạm phát tham nhũng, đạo đức giáo dục suy đồi.

Tôi biết nhiều người ở Việt Nam ra đi tìm đường cứu thân. Tài giỏi giàu sang thì có người nhập cư Canada, Úc, Latvia. Nghèo khó thì có người lấy chồng nước ngoài, xuất khẩu lao động, hay nhập cư lậu (từ đi nhờ chuyên cơ hay trốn trong container lạnh), v.v… Âu đó cũng là kết quả của việc đuổi Pháp, đánh Mỹ, theo Nga, thân Tàu, ham được “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.

Nhưng tôi nghĩ khác.

Tôi tự hào rằng từ xưa đến nay, như Chúa Giê-xu từ bỏ thiên đường vinh quang đến sống nơi thế gian u tối, nhiều Cơ Đốc nhân đã tình nguyện ra đi khỏi xã hội văn minh phát triển mình đang sống để rao giảng Tin Lành và xây dựng nước Chúa. Họ từ La Mã văn minh đi Anh, từ Pháp sang Việt Nam, từ Anh, Mỹ qua châu Phi. Họ chịu khó, chịu khổ, và chấp nhận hi sinh trong danh Chúa. Nhờ những hi sinh của họ, nhiều người tin nhận Chúa, tâm linh được biến đổi và có đời sống văn minh tốt đẹp hơn.

Đời này rất ngắn ngủi, và khả năng hưởng thụ của ta rất có hạn. Xã hội châu Âu có văn minh đẹp đẽ, nhưng nó cũng không phải là thiên đường. Nó không phải là nơi đầy hoa trái nhìn thì đẹp, ăn thì ngon, nơi “chó sói ở chung với chiên con, beo nằm cạnh dê con, bò con, sư tử tơ, và các thú mập mạp sẽ sống chung với nhau, và một đứa bé sẽ chăn dắt chúng” (Ê-sai 11:6). Nó chẳng phải là nơi không có khóc than, đau đớn, chết chóc, cũng chẳng phải là nơi mà Đức Chúa Trời sống giữa con người, và mọi người đều sống với nhau trong tình yêu thương anh em trong Chúa. Vậy so với cuộc sống đời đời nơi Chúa đã hứa cho những ai yêu mến Ngài, mọi cái tốt đẹp để hưởng thụ ở đời này là không đáng kể.

Vậy nên sao ta không hi sinh việc hưởng thụ đời nay để đầu tư cho đời sau? Tôi chỉ muốn sống cách đơn giản như một người lính ở đời này. Không cần hưởng thụ, êm ấm hay văn minh, sẵn sàng chấp nhận ô nhiễm độc hại hay những tội lỗi hư nát của thế gian, miễn là tôi có thể đóng góp cho Chúa trong công việc rao giảng Tin Lành, cứu chuộc linh hồn và xây dựng nước Ngài. Đây là việc ý nghĩa nhất, và cũng là mối đầu tư tốt nhất tôi có thể làm ở đời này. Nếu tôi làm điều này tốt nhất ở Việt Nam, tôi ở Việt Nam.

“Ai chỉ lo tìm kiếm cho đời sống mình sẽ mất nó, nhưng ai từ bỏ đời sống mình vì cớ Ta sẽ tìm được nó lại.” – Ma-thi-ơ 10:39

Tôi không làm việc Chúa toàn thời gian vì, thiệt, nhiều người làm điều này hiệu quả hơn tôi. Với điều kiện và năng lực của mình, ở Việt Nam hiệu quả nhất là tôi dâng hiến hỗ trợ nhân sự làm việc cho Chúa, giúp kết nối Cơ Đốc nhân trong nước với nước ngoài, và chia sẻ, áp dụng lời Chúa cách sống giữa thế gian. Nếu những gì ta làm cho Chúa ở đời này sẽ được khen thưởng gấp trăm lần ở đời sau, chắc đến nước Chúa tôi sẽ không được là người lãnh đạo cộng đồng, nhưng chắc sẽ là người có nhiều quan hệ vui vẻ, hiểu biết sâu rộng, và phần thưởng dư dật. Vậy cũng là thành công rồi.

Có người hỏi, vậy con cái tôi sẽ thế nào? Kinh Thánh nói “đủ ăn đủ mặc là ta phải thỏa lòng” (1 Ti-mô-thê 6:8). Sự bảo bọc, tiện nghi, êm ấm quá mức sẽ làm con người trở nên đòi hỏi và lười biếng. Con nhà lính thì sống kiểu nhà lính, tôi muốn rèn luyện nó thành một chiến sĩ hơn một hoàng tử hay công chúa. Kinh Thánh đặt tránh nhiệm dạy con lên cha mẹ, trường học chỉ là phụ. Nếu con tôi chịu học theo tôi thì nó cũng sẽ được hấp thụ nền giáo dục quốc tế lọc qua lăng kính Kinh Thánh từ cha nó. Nếu con tôi tin nhận Chúa và muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa cho Ngài và đầu tư cho đời sau, nó sẽ có nhiều điều kiện làm ở Việt Nam. Còn nếu không, dù có đi đến nơi văn minh đẹp đẽ thế nào thì rồi nó cũng sẽ sống đời đời ở một nơi rất nóng, rất tối, đầy khóc lóc và nghiến răng mà thôi (Ma-thi-ơ 13:50).

Richard Huynh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like