Katelyn Pavey là nguồn cảm hứng thực sự. Sinh ra chỉ có một cánh tay, cô đã kiên trì, vượt qua những khó khăn của mình — và, bất chấp mọi nghịch cảnh để chơi bóng mềm ở trường đại học.
Hành trình đáng kinh ngạc của Pavey được kể lại trong “I Can”, một bộ phim cho thấy ân điển của Chúa qua nhiều thử thách trong cuộc sống. Suốt nhiều năm, cô đã từ chối những lời đề nghị làm một bộ phim về câu chuyện của mình, nghĩ rằng mình thực sự không có gì đặc biệt để chia sẻ.
“Tôi không muốn bị coi là được ai đó nâng đỡ“, cô nói. “Và tôi nghĩ rằng có nhiều người khác cần được kể câu chuyện của họ — Tôi đã từ chối ba lần; và không chỉ tôi mà có cả bố tôi nữa.”
Nhưng mục sư của cô, Tyler Sansom — cũng là đạo diễn của “I Can” — đã thuyết phục thành công Pavey. Tuy nhiên, điều đó không dễ dàng, vì lúc đầu gia đình còn ngần ngại khi kể câu chuyện của mình, vì một số yếu tố trong đó có thể bị coi là không hay.
Nhưng cô và bố cô, Eric, nhận ra rằng họ có thể tạo ra tác động tích cực.
“Tyler nói, ‘Nếu làm việc này bạn có thể truyền cảm hứng cho một người và nếu bạn có thể giúp một người tin và theo Chúa Giê-xu, bạn có làm không?’” cô nhớ lại. “Và tôi đã nói, ‘Chắc chắn rồi.’”
Câu chuyện của Pavey có một thực tế khó khăn.
“Tôi là đứa con được sinh ra do ngoại tình.” cô nói. “Cả bố và mẹ tôi đều đã kết hôn trước đó, và sau đó họ đến với nhau rồi sinh ra tôi.”
Thêm vào đó là cảm giác của bố mẹ cô rằng việc cô sinh ra chỉ có một cánh tay là hình phạt cho tội lỗi của họ. Nhưng bà nội của Pavey đã nhắc nhở bố cô một điều quan trọng rằng mặc dù cô bị khuyết tật nhưng: “Chúa không bao giờ phạm sai lầm.”
Mặc dù cảm giác tội lỗi về quá khứ của Eric ban đầu đã ngăn cản bộ phim “I Can” được thực hiện, ông đã nhận ra tầm quan trọng của việc kể lại câu chuyện của gia đình và khả năng vượt qua khó khăn đáng kinh ngạc của Pavey.
Bất chấp quá khứ, Pavey lớn lên trong một gia đình tin Chúa, đi lễ nhà thờ hàng tuần. Tất nhiên, việc sinh ra chỉ có một cánh tay đã đặt ra những thách thức.
“Khi lớn lên, tôi đã phải đối mặt với rất nhiều nghịch cảnh,” cô chia sẻ. “Tôi đã phải đối mặt với rất nhiều thử thách mà tôi phải vượt qua và thích nghi.”
Bố mẹ của Pavey nói với cô rằng cô có thể làm bất cứ điều gì cô quyết tâm, ngay cả khi nó có vẻ khác với những người khác. Nhưng ngay cả khi còn học mẫu giáo, đã có một giáo viên phàn nàn về việc buộc dây giày cho Pavey; giáo viên này đã yêu cầu bố mẹ cô cho con gái đi giày thể thao có khóa dán.
Thay vì bỏ cuộc, Pavey đã nỗ lực hết mình và học cách buộc dây giày.
“Ngày hôm sau, tôi đến gặp giáo viên của mình và nói, ‘Nhìn này, con có thể buộc dây giày của mình rồi,’” cô nhớ lại. “Đó chỉ là ‘những khoảnh khắc không thể’ mà tôi phải đối mặt khi lớn lên.”
Đôi khi, có những ông bố bà mẹ thậm chí còn ngăn cấm con cái chơi với cô vì cô trông khác biệt. Theo thời gian, cô phải học cách thích nghi với những khoảnh khắc như vậy.
“Bạn tiếp tục thích nghi với bất kỳ nghịch cảnh nào mà bạn gặp phải trong cuộc sống và bạn vượt qua điều đó, bạn sẽ thành công,” Pavey chia sẻ. “Bạn không quay lại với cách cũ, bạn không bỏ cuộc, bạn tiếp tục nỗ lực để thành công, để cho mọi người thấy rằng bạn có thể. Và đó chính xác là những gì tôi đã làm trong suốt cuộc đời mình, đặc biệt là thông qua môn bóng mềm.”
Tình yêu của Pavey dành cho bóng mềm bắt đầu khi cô mới 3 tuổi, khi các kỹ năng của cô đã được thể hiện đầy đủ. Cuối cùng, cô đã mài giũa tài năng của mình, học cách thích nghi với việc chơi chỉ bằng một tay.
“Tôi đã phải dành vô số giờ tập luyện ở sân sau với bố,” Pavey nói. “Và khi tôi khoảng 8 tuổi, tôi bắt đầu chơi cạnh tranh hơn. Tôi bắt đầu tham gia một đội du đấu.”
Cô tiếp tục, “Nhưng đó là lúc tôi nhận được rất nhiều ý kiến từ cha mẹ, từ những người chơi khác, từ các huấn luyện viên.”
Và những lời đó không phải lúc nào cũng mang tính khích lệ.
“Tôi nhớ rất rõ mình đang chơi trong một đội, và huấn luyện viên ra hiệu tạm dừng, khi đó tôi chuẩn bị đánh bóng, và ông đã đưa tất cả các cầu thủ của mình vào,” Pavey nói. “Ông ấy kiểu như, ‘Cô ấy không thể đánh bóng, cô ấy không làm được đâu!’”
Cô tự nhiên cảm thấy bị coi thường chỉ vì cánh tay của mình. Vào những lúc khác, phụ huynh sẽ phàn nàn về cô — đến mức một huấn luyện viên đã yêu cầu cô rời khỏi đội.
“Tôi không thích sự kịch tính trong đội của mình,” huấn luyện viên nói. “Em đang gây ra rất nhiều sự kịch tính… Phụ huynh phàn nàn rằng một cô gái chỉ có một tay lại chơi với con gái họ có hai tay và họ không hiểu, và tôi không thể giải quyết được sự kịch tính này trong đội của mình. Vì vậy, tôi sẽ phải yêu cầu em rời đi.”
Kiểu động lực này đủ để phá vỡ một số người, nhưng Pavey vẫn kiên trì, sử dụng những lời nói và cách đối xử tiêu cực như “nhiên liệu để trở nên tốt hơn” trong môn thể thao này.
“Những lời đó gây tổn thương — chúng gây tổn thương rất nhiều, và điều đó khiến tôi buồn, và khiến tôi cảm thấy tồi tệ,” cô nói. “Nhưng tôi biết rằng mình có một mục đích lớn hơn. Tôi biết mình có năng khiếu chơi bóng mềm. Tôi biết Chúa đã ban cho tôi tài năng này và tôi muốn dùng những lời đó làm động lực để chứng minh với mọi người rằng tôi xứng đáng được ra sân và được chơi cùng với mọi người.”
Sau khi rời đội, Pavey vẫn tiếp tục làm việc và tập luyện, xây dựng kỹ năng và sức bền của mình. Chẳng mấy chốc, mục tiêu của cô trở nên cao hơn, với hy vọng được chơi bóng mềm ở trường đại học. Tuy nhiên, một lần nữa, cô lại gặp phải rào cản.
“Tôi nghe thấy điều tương tự từ các huấn luyện viên đại học — ‘Bạn có kỹ năng tuyệt vời, tôi rất muốn có bạn trong đội của tôi, nhưng…’ — và luôn có một chữ ‘nhưng’ — ‘Tôi không biết cách huấn luyện một cô gái chỉ có một tay,’ hoặc ‘Tôi không biết các cầu thủ của mình sẽ phản ứng thế nào khi có một đồng đội chỉ có một tay.’”
Pavey tiếp tục, “Vì vậy, các huấn luyện viên sẽ không bao giờ cho tôi cơ hội.”
Nhưng cô vẫn tiếp tục tiến tới mục tiêu của mình, trở thành một cầu thủ thực sự trong suốt sự nghiệp trung học của mình và cuối cùng đã ký được học bổng đại học để chơi bóng mềm — một suất học bổng toàn phần tại Đại Học Cincinnati Christian.
Đây thực sự là câu chuyện vượt khó và người xem có thể trải nghiệm điều đó thông qua “I Can.” Pavey hy vọng bộ phim sẽ truyền cảm hứng sâu sắc cho khán giả.
“Chúa không bao giờ phạm sai lầm,” cô nói. “Và không quan trọng bạn là ai, bạn trông như thế nào, bạn đến từ đâu. Chúa có mục đích cho cuộc đời bạn, và Ngài đã tạo ra bạn theo hình ảnh hoàn hảo của Ngài.”
Pavey tiếp tục, “Và bạn chỉ cần tin tưởng vào Ngài rằng Ngài có kế hoạch cho bạn.”
Cô muốn mọi người cảm thấy được truyền cảm hứng để vượt qua những khó khăn của họ và chạm đến định mệnh mà Chúa dành cho họ.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: cbn.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com