Home Thánh Kinh Hàng Ngày Radio Mana Thuộc Linh – Phần 25: Lời thề và lời nói chân thành

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 25: Lời thề và lời nói chân thành

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Lời ngỏ:

Trong cuộc sống, giữa xã hội hay ngay trong cộng đồng Cơ đốc của chúng ta không thể tránh khỏi những “lời thề”. Bởi vì, khái niệm “lời thề” bao hàm nhiều ý nghĩa rất rộng rãi từ “lời hẹn ước” cá nhân giữa hai người, đến “lời tuyên hứa” trước cả cộng đồng. Có những “lời hứa, lời thề” chỉ bằng lời nói trên môi miệng, nhưng có những “lời hứa, lời thề” bằng văn tự, bằng chữ ký và những con dấu đỏ. Vậy thì, Cơ đốc nhân chúng ta có nên “thề, hứa” hay không? Tại sao có, tại sao không? Và nếu có thì có trong trường hợp nào, nếu không thì cũng ở trong trường hợp nào?

Nương trên lời Kinh Thánh hôm nay, chúng ta có thể phân biệt được hai điều sau:

1. Lời thề gian dối

Trong bối cảnh thời bấy giờ, người Do thái có thói quen muốn tránh đề cập đến danh Chúa trong việc thề thốt, nhưng thường dùng những tạo vật vĩ đại Chúa tạo dựng như trời, đất, hay thậm chí thành Giê-ru-sa-lem (Mat 5:34-35) để thề thốt nhằm khẳng định điều mình nói là đáng tin. Bởi vì, họ nghĩ rằng những việc đó, vật đó ở ngoài Chúa và không đụng đến danh Chúa, cho nên sẽ không can hệ gì nếu họ làm không đúng theo lời đã thề thốt. Điều này thể hiện rằng mục đích của sự thề thốt vốn là không có tính chân thành; bản chất của những lời thề mang tính gian dối, lừa lọc từ bên trong; ý đồ của lời thề là muốn qua mặt người khác và làm ra vẻ chắc chắn nhưng thật ra chỉ như “nắng bề nào che bề đó”.

Thậm chí, những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo thời bấy giờ còn đặt ra những chi tiết cụ thể trong luật thề thốt cho dân sự, những vật đề cập trong luật thề thốt này thực tế liên quan đến chính của cải, vật chất của người dân phải nộp thì sẽ bị bắt buộc thực hiện, còn những vật chung chung của giáo hội thì không bị ảnh hưởng đến lời thề. Chẳng hạn, họ cho rằng lời thề chỉ “vàng” làm đền thờ mà thề thì lời thế ấy phải bị bắt buộc làm theo, còn nếu chỉ “đền thờ” chung chung mà thề thì có thể bỏ qua. Hay, nếu chỉ “của lễ” của chính người dân nào đó dâng trên bàn thờ mà thề thì bị mắc lời thề, và phải bắt buộc thực hiện, trong khi nếu chỉ “bàn thờ” để dâng của lễ đó thì không bị can hệ gì (Mat 22:16,18). Điều đó thể hiện những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái này không muốn chịu trách nhiệm với những lời thề của dân chúng, và không muốn bị ảnh hưởng phải giải quyết vấn đề liên quan đến bàn thờ hay đền thờ. Họ muốn đổ trách nhiệm cho chính người dân ấy và phủi tay với những gì không tốt liên quan đến họ khi xảy ra việc kiện tụng.

Cho nên, việc thề thốt như thế này lan tràn trong xã hội đương thời nên Chúa Giê-xu xem là “thề dối”, vì nó vốn là những lời không chân thành, và những lời không đáng tin được bao bọc với chiếc vỏ đạo đức, tôn giáo của con người.

Cũng vậy, trong lời thề mà đa số người Việt chúng ta thường dùng để thề thốt với nhau trong quan hệ giao tiếp, trong việc kinh doanh buôn bán, hay trong những việc nào đó có tính tranh chấp, thậm chí dùng để “cãi lộn” với nhau khi bất hoà thì phần lớn đều là những lời nói chứa đựng sự gian dối hay cố tình che đậy sự thật, nhưng lại biện minh cho việc làm của mình là đúng. Nói chung, những lời thề thốt này chỉ là những lời nói trên môi miệng hay nói suông; nhưng không có hay thiếu những chứng cớ rõ ràng và bằng chứng thiết thực. 

2. Lời nói chân thành hơn là lời thề gian dối

Thay vì cứ cố chấp lưu giữ thói quen làm theo lời truyền khẩu của tôn giáo, hay biện minh để duy trì cho lối sống truyền thống của con người ấy thì Chúa Giê-xu đưa ra lời dạy: “Đừng chỉ trời mà thề, vì là ngôi của Đức Chúa Trời; đừng chỉ đất mà thề, vì là bệ chân của Đức Chúa Trời; đừng chỉ thành Giê-ru-sa-lem mà thề, vì là thành của Vua lớn. Lại cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì tự ngươi không thể làm cho một sợi tóc nên trắng hay là đen được. Song ngươi phải nói rằng: Phải, phải; không, không. Còn điều người ta nói thêm đó, bởi nơi quỉ dữ mà ra.” Tại đây, Chúa Giê-xu muốn nhấn mạnh đến việc phải nói những lời chân thành “phải thì nói phải, không thì nói không”. Bởi vì lời thề dối có bao biện như thế nào đi nữa cũng không phải là lời nói chân thành. Cho dù những người thề thốt lấy những vật bên ngoài bằng vật chất thấy được chung chung và dường như không có liên quan trực tiếp đến danh của Chúa nhưng thật ra đều liên quan đến Chúa và danh của Ngài. Chẳng hạn, “trời” có hình bóng liên quan đến “ngôi Chúa ngự”, “đất” có hình bóng liên quan đến “bệ chân Chúa”, ‘thành Giê-ru-sa-lem” là nơi Chúa đặt danh của Ngài ở trên; hay thậm chí lấy “cái đầu mình” mà thề thì đó cũng là do Chúa sáng tạo và tể trị, Ngài biết cả sợi tóc ít hay nhiều, tóc trắng hay đen trên đầu chúng ta.

Sứ điệp quan trọng mà Đức Chúa Giê-xu muốn phán dạy con dân Chúa và môn đồ của Ngài đương thời đó nói riêng và tất cả con cái Chúa, môn đồ của Ngài ngày nay nói chung là lời nói ra từ môi miệng chúng ta phải là những lời nói thật chân thành xuất phát từ đáy lòng mình; không có sự gian dối hay mánh khoé trong lời nói, hay nói cho có nói còn thực hiện thì tính sau là điều không nên. Những lời nói mà mình nói ra thì phải chịu trách nhiệm thực hiện cho đến khi hoàn tất dù phải chịu nhiều tổn hại. Còn nếu biết trước mình không thể thực hiện nổi thì tốt nhất là không nên thề thốt hay hứa bừa bãi cho qua. Và khi đã thề hứa rồi mà nếu cố gắng hết sức vẫn không thực hiện được thì hãy thành thật để nói lời xin lỗi và phải chịu trách nhiệm cho sự tổn thất mà mình đã gây ra.

Cho nên, cách tốt nhất vẫn là thành thật với chính mình và chân thành với mọi người. Bởi sự chân thành đó dù không thề non hẹn biển, không hứa hẹn hảo huyền cho đẹp lòng người khác, nhưng vẫn cứ âm thầm được thực hiện cách trọn vẹn theo sự dẫn dắt và vùa giúp của Chúa là Đấng thành tín.

Bài học áp dụng:

Vậy thì ngày nay chúng ta cũng có những lời thề hứa thì thế nào? Chúng ta cần phân biệt “lời hứa trong giao ước” khác với “lời thề thốt bằng môi miệng”. Bởi vì “lời thề thốt trên môi miệng” sẽ không cánh mà bay, sẽ như “lời nói gió bay”; trong khi  “lời hứa trong giao ước” là lời rõ ràng, minh bạch, có bằng chứng công khai. Trước hết, chính Đức Chúa Trời cũng đã phán dạy và Ngài đã hứa thật nhiều qua các tiên tri và tôi tớ Chúa, những lời ấy đã được ghi lại trong Kinh thánh. Chính Đức Chúa Trời đã thực hiện đúng lời hứa theo đúng thời điểm và Ngài đã thực hiện nghiêm túc cho đến khi hoàn tất từng lời hứa theo giao ước, đến mức ‘một chấm, một nét’ của giao ước lời hứa cũng không hề sai trật.

Trong cuộc sống mỗi ngày, trong mối giao tiếp giữa người với người, nếu bạn hay có thói quen hứa hẹn hoặc thề thốt trên môi miệng thì qua lời Chúa dạy hôm hay tập tành nói những lời thành thật và có việc làm chân thành. Không nói thêm, không nói bớt; nhưng nói cách đúng đắn. Vì Chúa lên án sự thề đã bị bóp méo từ bản chất do con người cố tình làm ra như thế. Song lời thề trước Chúa, nhân danh Chúa là hợp pháp, vì Ngài là Đức Chúa Trời của sự sáng tạo (Xuất 22:11), chính Đấng Christ không ngần ngại mà trả lời khi thấy thầy tế lễ thượng phẩm thề mà hỏi (Mat 26:63). Các Sứ đồ cũng công nhận lời thề là hợp pháp, vì họ xin Đức Chúa Trời làm chứng điều mà mình nói là thật (IICôr 11:31; Ga 1:20). Cho nên, trong đời sống của Cơ đốc nhân chúng ta có những giao ước đã nhân danh Chúa mà ký kết như một sự xác tín và chân thành từ đáy lòng mình, thì chúng ta cũng nên thực hiện với sự vùa giúp của chính Ngài.  

Cầu nguyện:

Lạy Chúa!

Ngài thật là Đấng thành tín, giữ trọn lời hứa và lời thề của mình vì tình yêu và vì sự thành tín vốn có của Ngài. Ngài đã  vì giao ước ấy mà trở nên con người ở giữa chúng con để cảm thông những yếu đuối và qua đó giúp chúng con thực hiện lời mình hứa nguyện trước mặt Ngài.

Nguyện xin Chúa cho chúng con biết nói lời thành thật trước Chúa và trước mọi người, cũng như khi đã hứa nguyện trước Ngài thì xin giúp con làm đúng theo điều ấy. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like