Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 19: Phước Cho Người Bị Bách Hại Vì Sự Công Bình

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 19: Phước Cho Người Bị Bách Hại Vì Sự Công Bình

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh:  Ma-thi-ơ 5:10-12
10Phước cho những kẻ chịu bắt-bớ vì sự công-bình, vì nước thiên-đàng là của những kẻ ấy!
11Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. 12Hãy vui-vẻ, và nức lòng mừng-rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt-bớ các đấng tiên-tri trước các ngươi như vậy.

Lời ngỏ: Nhiều du khách đến nước Na-uy ở Bắc Âu rất kinh ngạc vì thường thấy những chiếc xe đẩy trẻ em để tại các hành lang hay ngoài phố đầy tuyết lạnh với các em bé còn rất nhỏ được đặt nằm trong xe. Tại nhiều nhà trẻ cũng có các chương trình cho trẻ ngủ trưa ngoài trời nắng hay thậm chí là lúc tuyết đang rơi. Đó là một phong tục tại Na-uy nhằm rèn tập cho các cháu bé nhanh chóng thích ứng mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của môi trường mà phần lớn là thời tiết lạnh giá. Có lẽ bởi thế nên Na-uy là một trong những quốc gia có tuổi thọ cao trong những quốc gia giáp Bắc cực.

    Chúa Giê-xu đã phán rằng Ngài đến thế gian không phải để người ta có cuộc sống thoải mái hơn, nhưng Chúa sẽ khiến những người theo Ngài trở nên những con người vĩ đại ở trong thế giới này. Người vĩ đại theo khái niệm này là người bị bách hại hay bị bắt bớ vì sự công bình. Bị bắt bớ là một phước hạnh rất lớn và đứng đầu trong tất cả những chủng loại ơn phước. Thế nhưng, không phải bắt bớ nào cũng sẽ được phước. Có những sự bắt bớ là do chính tội lỗi chúng ta làm ra và phải gánh lấy hậu quả thì đó không phải là sự bắt bớ muốn nói ở đây. Nhưng Kinh thánh ghi rõ “bị bắt bớ vì sự công bình”. Để hiểu được phước hạnh này chúng ta cần hiểu ý nghĩa của sự “chịu bắt bớ”  hay “chịu bách hại” là gì?
    Theo từ gốc tiếng Hy lạp, có hai chủng loại của bắt bớ hay bách hại:
(1) Sự bắt bớ, bách hại bằng môi lưỡi. Trong ý nghĩa này nói đến hành động bị “rình rập” và giăng những cạm bẫy chờ đợi cơ hội để chụp bắt giống như các tay thợ săn rình chờ bắt con mồi. Đó là việc bị người ta mắng nhiếc, lấy mọi điều dữ vu cáo hay tìm những sơ suất trong lời nói để kiện cáo. Chúa Giê-xu và các tiên tri, các sứ đồ thường bị những người Pha-ri-si và thông giáo cực đoan soi mói từ ngữ và lời nói để kiện cáo, nhưng đa số đều là những sự vu khống và tạo chứng cớ giả để bách hại.
(2) Sự bắt bớ hay bách hại bằng hành động từ bàn tay: chỉ về hành động bị “đâm vào” bằng gai gốc khiến phải chịu đau đớn. Chúa Giê-xu cũng đã bị bắt bớ và chịu đau đớn vì bị mão gai đội trên đầu, bị đóng đinh vào tay và chân, bị giáo đâm vào hông. Hội thánh bị bắt bớ được ví sánh với hình ảnh hoa huệ mọc ở giữa những gai gốc và bị những chiếc gai nhọn đâm làm cho đau đớn, nhưng mùi thơm của hoa huệ vẫn lan tỏa.
    Nói tóm lại, “người bị bách hại vì sự công bình” là người bị vu cáo những điều dữ, bị sỉ nhục, bằng lời nói; hoặc bị những hành động bạo lực bằng tay chân vì cớ niềm tin nơi Đức Chúa Giê-xu là Đấng sống lại và là Đấng hằng sống. Hay vì cớ người đó quyết tâm sống và làm theo sự công bình của Đức Chúa Trời nên sẽ có cách sống khác biệt với lối sống của thế gian nên bị ghen ghét dẫn đến bách hại.  Khái niệm này cũng bao gồm những người  lấy tình yêu thương mà làm chứng và rao giảng Tin lành cứu rỗi của Chúa cho người khác mà bị nói xấu, bị gièm chê, bị chửi rủa, thậm chí bị chống cự bằng bạo lực, bằng việc bắt bỏ tù vì niềm tin vì nói về Chúa. Chúa phán rằng những người đó hãy vui mừng bởi đang chịu khổ vì sự công bình.
    Vấn đề ở đây là làm sao có thể vui mừng trong những lúc bị bách hại được? Bởi vì lời Chúa khẳng định rằng người chịu bách hại sẽ được phước.  Bởi vì sự bách hại là một phần trong ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời hay là một phần trong kế hoạch của Ngài (I Tês 3:3). Đây là một phương cách để luyện lọc đức tin và tinh ròng tấm lòng tin kính Chúa (Đa 12:10). Giống như vàng ròng thật thì cần phải luyện trong lửa. Qua sự thử luyện đó để con cái Chúa có được đức tin chân thật và vững vàng. Chính vì thế con cái Chúa đừng ngạc nhiên khi tin Chúa mà bị bắt bớ. Nhưng khi đã trải qua những khó khăn, bắt bớ thì mới nhận biết chỉ có Chúa là Đấng ban cho lời sự sống và Ngài là Đấng duy nhất ban cho chúng ta linh hồn sống nên có một sự xác quyết trong đức tin và trung tín theo Ngài. Vì con người thông thường tìm đến với Đức Chúa Trời hay một Đấng tối cao nào đó đều muốn nhận được phước. Nếu thần linh nào đó làm theo điều mình cầu xin thì tin và thờ lạy, còn không cho theo điều mình mong ước thì tìm thần linh khác cho đến khi đạt điều lòng mình muốn. Người theo Chúa Giê-xu thì Chúa đòi hỏi phải có sự trả giá, phải từ bỏ ý minh, thậm chí cả sự sống của mình để làm theo ý tốt lành của Đức Chúa Trời. Trong lúc chịu sự bách hại sẽ giúp chúng ta tan biến những hoài nghi về tình yêu Chúa đối với mình, và nhận thức sâu sắc về mục đích chân thật khi chúng ta đi theo Chúa, và thông qua sự thử thách đức tin chúng ta mà giúp cho chúng ta nương cậy nơi Chúa nhiều hơn, yêu Chúa nhiều hơn.
    Chúng ta chịu bách hại vì sự công bình bởi chúng ta là con cái thật của Chúa, hết lòng vì làm công việc Chúa mà bị ghen ghét chứ đừng ai cố ý tạo ra những điều gọi là chịu khổ vì sự công bình giả hiệu để tạo danh tiếng cho mình chứ không thật là chịu bắt bớ vì sự công bình đúng đắn thì hậu quả của việc làm đó là rất lớn.
    Phước hạnh Chúa dành cho người chịu sự bách hại vì sự công binh là Nước Thiên Đàng. Chúng ta biết rằng hễ người nào tin Chúa đều sẽ nhận phước hạnh một phần trên đất này; và sẽ hưởng cơ nghiệp đời đời trên Thiên đàng trong ngày Chúa Giê-xu tái lâm khải hoàn. Vậy thì phần thưởng và phước hạnh lớn nhất dành ban cho người chịu bắt bớ vì cớ sự công bình là “vì nước Thiên đàng là của những kẻ ấy” có gì đặc biệt hay giá trị gì lớn lao đến nổi nhiều người theo Chúa sốt sắng cho công việc Chúa và thậm chí tuận vì đạo nữa?
    Những người vì rao giảng danh Chúa và phúc âm cứu rỗi của Chúa mà bị ghen ghét, bị ném đá, bị bỏ tù… thì Chúa sai thiên sứ Ngài ở bên cạnh để bảo hộ họ, ở giữa ngục tù hay ở giữa lò lửa hực, ở trong tận hang ổ của sư tử đói đi nữa thì Ngài cũng bảo hộ họ cách trọn lành. Giống như Ngài từng bảo hộ Đa-ni-ên, như ba bạn Đa-ni-ên, như Phi-e-rơ… nghiêm trọng hơn là phải chịu tuận đạo vì danh Chúa; thì chính Chúa Giê-xu được gọi là Đấng làm xong công tác cứu rỗi đang ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời, là Vua của chúng ta cũng đứng lên để đón tiếp linh hồn người đó vào trong Nước Thiên đàng.
    Không phải chỉ những sứ đồ thân tín của Chúa bị bắt bớ nhưng ngay cả những chấp sự hay nhân sự và thánh đồ tận trung và sống vì sự công bình của Ngài mà phải chịu tuận vì đạo thì Ngài đón tiếp cách long trọng. Ngài cũng sai thiên sứ với xe lửa và ngựa lửa để đón tiếp người tuận đạo vào trong Nước Thiên đàng vinh hiển. Giống như Kinh thánh bày tỏ Đức Chúa Giê-xu từng đứng lên khỏi ngai của mình để đón chấp sự Ê-tiên bị ném đá khi làm chứng về Chúa, hay Ngài cũng đón tiếp sứ đồ Gia-cơ vì làm trưởng đại diện của Chúa ở trong Hội thánh đầu tiên mà vua Hê-rốt vì cớ kêu ngạo và ghen ghét mà dùng gươm giết chết. Đức Chúa Trời thông qua danh Chúa Giê-xu và sự chăm sóc tốt lành của Đức Thánh Linh mà ghi nhớ, ban phước và phần thưởng lớn cho người bị bắt bớ vì cớ sự công bình bởi đức tin.

Bài học áp dụng: Bạn thân mến,  Nước Thiên Đàng là nơi Chúa ngự, là chỗ Chúa làm chủ. Tâm hồn người tin Chúa chính là đền thờ Chúa ngự, và chính là thiên đàng. Chúng ta không chỉ tin Chúa để chờ đợi một ngày nào đó vào thiên đàng, nhưng chúng ta thuộc về thiên đàng ngay trong hiện tại. Để nhận được phước hạnh lớn thì phải trả giá lớn; nhưng giá trị này là chắc chắc và lâu bền. Tuy nhiên, chịu khổ vì sự công bình không có nghĩa là chúng ta giống như con thiêu thân để làm liều, thấy chết mà cứ lao mình mà không suy nghĩ gì cả.
Qua lịch sử cho thấy, Cơ đốc giáo tại châu Âu kéo dài hơn cả hơn 20 thế kỷ qua và rất mạnh mẽ so với nhiều nơi khác trên thế giới, bởi vì những người tiền bối của họ đã phải chịu bách hại vì niềm tin nơi Chúa Giê-xu liên tục trong suốt 10 đời hoàng đế La mã kéo dài gần 3 thế kỷ. Chúng ta thấy nhiều nơi trên thế giới có những cuộc phấn hưng lớn có thể thấy được rõ ràng nhưng đằng sau họ phải trả giá rất nhiều với những sự bách hại niềm tin trong nhiều năm trước đó. Chúng ta muốn dân tộc Việt Nam chúng ta phấn hưng thì cần có nhiều sự trả giá về sự công bình cho Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, chúng con theo Chúa nhưng dường như chúng con không thích bị bắt bớ hay bách hại, nhưng qua lời Chúa dạy hôm con biết đó là giá phải trả để mở mang vương quốc của trên đất này. Lòng chúng con cưu mang cho đất nước và dân tộc Việt Nam sớm được phước và được phấn hưng thì xin Chúa cho chúng con trước hết phải sống cho danh của Chúa và vì sự công bình của Ngài. Xin Chúa giúp chúng con đủ sức đối diện với những khó khăn, gian khổ hầu mang đến sự phấn hưng cho dân tộc và đất nước Việt Nam trong tương lai. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like