Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 4: Được Gọi Ra Khỏi Nhà Nô Lệ

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 4: Được Gọi Ra Khỏi Nhà Nô Lệ

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 2:13-23
13Sau khi mấy thầy đó đi rồi, có một thiên-sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong chiêm-bao, mà truyền rằng: Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trốn qua nước Ê-díp-tô, rồi cứ ở đó cho tới chừng nào ta bảo ngươi; vì vua Hê-rốt sẽ kiếm con trẻ ấy mà giết. 14Giô-sép bèn chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài đang ban đêm lánh qua nước Ê-díp-tô. 15Người ở đó cho tới khi vua Hê-rốt băng, hầu cho ứng-nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên-tri mà phán rằng: Ta đã gọi Con ta ra khỏi nước Ê-díp-tô.
16Vua Hê-rốt thấy mình đã bị mấy thầy bác-sĩ đánh lừa, thì tức-giận quá, bèn sai giết hết thảy con trai từ hai tuổi sấp xuống ở thành Bết-lê-hem và cả hạt, theo đúng ngày tháng mà mấy thầy bác-sĩ đã cho vua biết. 17Vậy là ứng-nghiệm lời đấng tiên-tri Giê-rê-mi đã nói rằng:
18Người ta có nghe tiếng kêu la,
Phàn-nàn, than-khóc trong thành Ra-ma:
Ấy là Ra-chên khóc các con mình,
Mà không chịu yên-ủi, vì chúng nó không còn nữa.
19Nhưng sau khi vua Hê-rốt băng, có một thiên-sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong chiêm-bao, tại nước Ê-díp-tô, mà truyền rằng: 20Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trở về xứ Y-sơ-ra-ên, vì những kẻ muốn giết con trẻ đã chết rồi. 21Giô-sép bèn chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trở về xứ Y-sơ-ra-ên. 22Song khi nghe vua A-chê-la-u nối ngôi vua cha là Hê-rốt mà trị vì tại xứ Giu-đê, thì Giô-sép sợ, không dám về; và bởi đã được Đức Chúa Trời mách-bảo trong chiêm-bao, nên người vào xứ Ga-li-lê, 23ở trong một thành kia tên là Na-xa-rét. Vậy là ứng-nghiệm lời mấy đấng tiên-tri đã nói rằng: Người ta sẽ gọi Ngài là người Na-xa-rét.

Lời ngỏ: Một số người nói rằng có nhiều nơi gọi là ‘nhà tù nhỏ’ nhưng có nơi gọi là ‘nhà tù lớn’. Trong định nghĩa đó thì ‘nhà tù nhỏ’ chính là những ngục tù với những căn phòng tối chỉ có một lổi nhỏ gọi là cửa sổ, xung quanh là bốn bức tường dày xi-măng cốt thép, và những cánh cửa xà lim bằng sắt, những dây xích sắt trói chân tay ghê người. Còn ‘nhà tù lớn’ đó là một đất nước, một lãnh địa có quá nhiều bất công bất nghĩa, xem thường mạng sống con người, dùng bạo lực để áp bức những người thấp cổ bé họng, bắt làm việc lao động khổ sai mà không cung cấp đủ thức ăn nước uống, cũng không được mặc ấm, luôn ở trong thân phận thấp hèn, bị khổ nhục, hành hạ như kẻ nô lệ.

Trong Kinh thánh gọi những nơi như thế là “nhà nô lệ”. Đó không chỉ có phạm vi trong một ngôi nhà, một căn phòng mà bao trùm phạm vi cho cả đất nước, hay thậm chí là thế giới tối tăm. Giống như việc dân Do thái lúc ban đầu đã đến xứ Ai cập qua vị tể tướng Giô-sép vốn là ân nhân của xứ, vì có công chuẩn bị đủ mọi lương thực cho cả quốc gia và thế giới đương thời trong nạn đói kém. Ông đã giải cứu dân tộc này qua khỏi 7 năm đại hoạn nạn với cơn hạn hán kéo dài cả thế giới lúc bấy giờ. Thế nhưng, từ khi vị tể tướng Giô-sép qua đời, người khác lên ngôi không hề biết công lao của Giô-sép và dân Do thái đã từng giúp họ; trái lại, thấy dân tộc này càng ngày càng phát triển và thịnh vượng kỳ lạ trong vùng đất mầu mỡ phì nhiêu, vua và dân bản xứ đã khởi phát phong trào chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và dân Do thái từ đó bị khinh thường trong đế quốc Ai cập cổ đại. Không chỉ như vậy, họ trở nên những người phải làm những công việc đồng áng, xây thành đắp lũy nặng nhọc như những tên nô lệ. Hàng nghìn hàng triệu trẻ em sơ sinh của dân Do thái bị ném xuống sông Nile để nhằm âm mưu tuyệt diệt dòng dõi này, đồng hóa dân tộc này trải mấy trăm năm. Tiếng kêu van thảm thiết của dân Do thái được thấu đến Chúa và Ngài đã ra tay giải cứu họ khỏi “nhà nô lệ” ấy để đem họ ra thành một dân tộc độc lập, và dẫn họ về xứ đượm sữa và mật dành sẵn cho họ từ thời tổ phụ của họ.
Đức Chúa Giê-xu đã giáng sinh, đã ứng nghiệm mọi lời tiên tri trong Kinh thánh Cựu Ước cách tỉ mỉ. Những hình ảnh mà dân Do thái đã trải qua suốt mấy nghìn năm lịch sử đều mang ý nghĩa hình bóng và dự ngôn đã được chính Đức Chúa Giê-xu đến thực hiện và ứng nghiệm cách trọn vẹn. Trong đó nơi Ngài được sinh ra trong thân thể Con người để cảm thông mọi nổi khổ đau là tại thành Bết-lê-hem, nơi Ngài được cha mẹ dẫn đến tạm lánh nạn khỏi cơn sát hại trẻ em của vua Hê-rốt vì ông ta lo sợ sau này Chúa Giê-xu sẽ là vua cướp mất ngôi của ông, đó là xứ Ai-cập mà dân sự Ngài trước đó bị làm nô lệ suốt 430 năm, và nơi Ngài quay trở về sau khi vua Hê-rốt đại đế băng hà thì cha mẹ Ngài đã quyết định đến Na-xa-rét để sinh sống, cho nên sau này Ngài được gọi là người Na-xa-rét.
Một vài câu hỏi có nhiều người đã từng thắc mắc và chất vấn vào Lễ Giáng sinh của Chúa là:
(1) Tại sao Đức Chúa Giê-xu vốn là Đức Chúa Trời quyền năng mà lại chọn địa điểm giáng sinh tại một vùng quê hẻo hánh, tại một thành phố bé nhỏ mang tên Bết-lê-hem không có nhiều người biết đến? Thứ nhất, Đức Chúa Giê-xu giáng sinh trên đất tại thành phố nhỏ mang tên Bết-lê-hem là nhằm ứng nghiệm lời dự ngôn của tiên tri Ê-sai. Lý do Ngài chọn sinh ra tại thành phố này mà không phải ở hoàng cung tại Giê-ru-sa-lem là vì chương trình kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Ngài đến không phải để làm vua của một dân tộc, của một đất nước mang tên Do thái; nhưng Ngài đến để làm Vua trong Nước Đức Chúa Trời vô hình gồm những con người đặt lòng tin nơi Đấng Cứu Thế và trở nên con dân Nước Trời, đây là về phương diện thuộc linh chứ không phải thuộc thể. Thành phố Bết-lê-hem cũng từng ghi dấu ấn về dòng dõi lời hứa ra từ Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và sau đó là chi phái Giu-đa. Từ dòng dõi này ra đời những vị vua mang hình bóng về Chúa Giê-xu như là vua Đa-vít. Vì thế mà Chúa Giê-xu đã giáng sinh tại Bết-lê-hem, nơi chuồng chiên máng cỏ, nơi mang dấu tích của gia đình Bô-ô và Ru-tơ, Bô-ô và Ru-tơ sinh Ô-bết, Ô-bết sinh Y-sai, Y-sai sinh Đa-vít. Do Đa-vít từng sinh ra tại thành Bết-lê-hem và trở nên đầy tớ đẹp lòng Chúa, nên Ngài hứa từ dòng dõi Đa-vít mà ra Đấng Cứu Thế.
(2) Tại sao Chúa Giê-xu phải giáng sinh làm người, trong hình hài một em bé với một thân phận nghèo nàn? Vì Đức Chúa Giê-xu giáng sinh trên đất này với mục đích là để làm Đấng Trung bảo, nối lại mối quan hệ bất hòa giữa Đức Chúa Trời và con loài người. Con người xuất phát từ ông bà A-đam và Ê-va đã bất tín, bất tuân, kiêu ngạo muốn bằng Chúa mà phạm tội, khiến tội lỗi nhân đó mà vào thế gian. Từ đó con người trở nên kẻ thù của Đức Chúa Trời vì đã theo mưu Sa-tan và làm nô lệ cho nó. Vì thế, Đức Chúa Giê-xu vốn là Đức Chúa Trời nhưng đã giáng sinh làm một Con người trọn vẹn giống như A-đam thứ hai để chịu thử thách giống y như A-đam thứ nhất đã từng bị. Ngài phải chiến thắng cám dỗ của Sa-tan để đủ tư cách là Đấng Cứu Thế cho cả nhân loại. Như vậy, Ngài là Đấng Trung Bảo đem lại sự hòa bình, hòa thuận trong hiệp ước giữa Đức Chúa Trời với con người. Hễ ai tin Đức Chúa Giê-xu thì được làm hòa lại với Đức Chúa Trời.
(3) Tại sao Đức Chúa Giê-xu giáng sinh với mục đích đem lại sự hòa bình cho nhân loại mà ngay khi Ngài vừa giáng sinh chưa bao lâu thì những con trẻ từ hai tuổi sấp xuống vô tội tại thành Bết-lê-hem bị tàn sát thật đau thương? Việc vua Hê-rốt ra lệnh sát hại các con trẻ từ hai tuổi trở xuống tại thành Bết-lê-hem là do Hê-rốt từng là bạo chúa khét tiếng, trong lịch sử ông từng giết vợ, giết con vì vợ con ông và chính bản thân ông có nguồn gốc là dân Ê-đôm chứ không phải là Do Thái, ông ta đã mua chuộc lòng dân để được làm vua dân Do thái. Ông ta từng ra lệnh giết rất nhiều hiền tài tướng giỏi vì đã khuyên ông giảm tham vọng. Khi tin tức Chúa Cứu Thế sinh ra bị lộ bởi các nhà thông thái đã tìm kiếm Chúa nhưng không tìm đúng chỗ, họ đã đến với vua Hê-rốt, nên sự tàn sát này là hậu quả của sự sai lầm của con người và tham vọng của tên bạo chúa khát máu. Chúa đã bảo vệ những người tìm thờ Chúa thật là những nhà thông thái theo con đường Chúa mách bảo trở về quê hương, và Ngài bảo hộ gia đình Giô-sép, Ma-ri và con trẻ mới sanh bằng cách mang đi lánh nạn ở Ai-cập. Sự tàn bạo của Hê-rốt trong thời gian dài là sự tích lũy tội ác xã hội trong thời bấy giờ, sự thiệt mạng của các con trẻ dưới hai tuổi là sự cảnh tỉnh xã hội dân Do Thái đang miệt mài trong tội lỗi. Sau đó Chúa đã cất mạng sống ông này đi và nước Do Thái bị phân chia.

Bài học áp dụng: Như đã nói ở trên, thế gian chính là “nhà nô lệ” lớn bởi cớ tội lỗi và sự tối tăm. Con người chúng ta đang sống trong biển đời tội lỗi trầm luân. Bạn có thấy mình đang ở trong “nhà nô lệ” theo khái niệm này không? Nhưng tôi xin báo với bạn một Tin Lành, đó là Đức Chúa Trời đã sai Đức Chúa Giê-xu đến “nhà nô lệ” này để làm Đấng Trung Bảo giải cứu chúng ta ra khỏi đó. Vậy thì làm thế nào để được cứu khỏi “nhà nô lệ” này? Trước hết bạn cần tin nhận Chúa Giê-xu thì được giải cứu khỏi quyền lực của tội lỗi, được giải cứu linh hồn mình khỏi thân phận nô lệ cho Sa-tan. Thứ hai, Chúa đã biệt riêng bạn và tôi cùng hết thảy những người tiếp nhận Ngài ra để ở trong cộng đồng Hội thánh là nơi những người tin Chúa được huấn luyện, được dạy dỗ và biệt riêng ra thánh ở giữa thế giới này.

Cầu nguyện:
Lạy Thiên Phụ từ ái của chúng con! Cảm tạ Chúa đã giải cứu chúng con khỏi nhà nô lệ lớn, nhỏ ở thế giới này và ban cho chúng con sự tự do, bình an trong cánh tay Ngài. Amen.

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like