Home Văn Phẩm Bữa Cơm Gia Đình

Bữa Cơm Gia Đình

by Độc Giả
30 đọc

Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ đứng giữa những mối quan hệ thì sự quan tâm lẫn nhau cũng như tình cảm mà mọi người dành cho nhau không còn mặn mà như trước nữa.

Người ta đi cùng nhau, ngồi cùng nhau, thưởng thức cà phê cùng nhau nhưng thiên hướng vẫn nằm nơi chiếc smartphone trên tay.

Có nơi nào trên thế gian này mà người ta có thể trốn tránh công nghệ để trở về những giá trị truyền thống – nơi mà tình thân, tình yêu thương được thắp lên và lan tỏa trong lòng người đối diện, nơi mà những tiếng cười, những lời hỏi thăm quan tâm nhau được đong đầy, nơi mà người ta có thể kể cho nhau nghe những câu chuyện đầy khích lệ về một Đức Chúa Trời luôn ban phước và yêu thương – Đấng chi phối đời sống của nhân loại còn lớn hơn cả sự chi phối của những thứ công nghệ kia.

Tôi đã nghe anh đồn rằng, “có một nơi như thế.” Đó là “Góc bếp của mẹ” – nơi làm nên những bữa cơm gia đình đầy yêu thương.

Trên đời này, có những điều người ta nghe qua và cảm thấy nó thật mộc mạc, giản dị nhưng để thực hiện thì không phải gia đình nào cũng làm được. Cũng giống như “Bữa cơm gia đình” – nó sẽ trở thành một truyền thống, một thói quen, một hoạt động bắt buộc phải có khi gia đình đó, cụ thể là cha mẹ của gia đình đó có ý thức tạo lập từ khi những đứa con của họ còn nhỏ, giữ gìn và duy trì đến khi chúng lớn lên và phát triển đến những thế hệ tiếp theo.

Anh đã kể cho tôi nghe về ích lợi của bữa cơm gia đình mình, rằng đó là thời gian mà tất cả mọi thành viên sẽ dừng hoạt động cá nhân của mình lại, phụ mẹ bày những món ăn ra chiếc bàn lớn, rồi ba sẽ là người dâng lời cảm tạ Chúa về những thức ăn và những câu chuyện được nối dài từ người này đến người khác.

Người mẹ thì đon đả gắp thức ăn cho chồng và các con, miệng không ngừng thăm hỏi về chuyện công việc và lòng thì giãi bày sự lo lắng cho người con thứ chưa lập gia đình.

Ba thì huyên thyên về những bài nhạc Thánh Ca cùng những khúc ca Bolero trữ tình, về những con cá ba vừa câu được hồi chiều và mối hiềm khích với ông hàng xóm bên cạnh.

Vợ chồng anh hai thì sôi nổi kể về kho báu có được là hai cô công chúa, về công việc làm ngày một khó khăn cùng với mối bận tâm nuôi dạy con cái.

Người con thứ tâm sự về những dự định tương lai: việc mua nhà, cưới vợ… xen lẫn sự trĩu lòng về gia đình phía cô bạn gái vẫn chưa đồng ý chuyện hôn nhân.

Và cô con gái út với vẻ mặt hớn hở về việc được sếp tăng lương nhưng rồi cũng phải thốt ra sự cô đơn trong việc chuyện tình cảm còn dang dở.

Mỗi người đều có thế giới riêng của mình về những niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống. Nhưng chính tại bữa cơm gia đình, những câu chuyện đó được thổ lộ và san sẻ.

  • “Mẹ à, mẹ đừng lo lắng quá cho con mà thêm phiền muộn, con và Hương đã cầu nguyện để Chúa hướng dẫn, con tin rằng Ngài hiểu hết mọi sự và sẽ ban phước cho chúng con.Và con vẫn tin vào lời hứa của Ngài rằng ‘Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa sẽ mở cho’” – người con thứ lên tiếng.
  • “Ông à, chắc là ông Tư Châu ổng không thích ông mở nhạc quá lớn ảnh hưởng tới sự nghỉ ngơi của ổng nên hay sinh sự với ông. Với lại những lúc ổng châm chọc về đạo của mình, ông cũng nên im lặng là tốt nhất, đừng đối đáp chi cho phiền hà, không hay… Tôi vẫn nhớ lời Chúa nói với chúng ta rằng ‘Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” – người mẹ nói.
  • “Con à, hầu việc gì cũng phải nhờ cậy Chúa nhe con. Hồi trước ba mẹ nuôi các con cũng vất vả khôn cùng, rồi chính Chúa là Đấng ban ơn càng thêm cho gia đình mình chẳng bao giờ thiếu thốn thứ chi. Ba tin rằng nếu vợ chồng con biết nhờ cậy Chúa thì Ngài sẽ luôn lắng nghe và đáp lời. Và nhớ là phải nuôi dạy con cái mình trong lời Chúa nhe con. ‘Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va. Đi trong đường lối Ngài!, Vì ngươi sẽ hưởng công việc của tay mình, được phước và may mắn!’” – người ba nhẹ nhàng khuyên
  • “Chân của mẹ còn bị đau không, con có gửi bạn con bên Mỹ mua thuốc đau chân cho mẹ, chắc vài bữa nữa có. Tụi con không có gì vui hơn là được nhìn thấy ba mẹ khỏe mạnh. Ba mẹ ráng giữ sức khỏe, con cầu Chúa chữa lành và ban thêm sức cho ba mẹ” – cô con gái Út an ủi.
  • “Út à, em cũng đừng buồn nhiều về chuyện tình cảm. Chúa đã thương em đến bây giờ, ban phước cho công việc của em, hà cớ gì mà Ngài tiếc mà không ban phước của Ngài trên chuyện tình cảm của em. Anh chị luôn nhớ đến em và anh thứ trong lời cầu nguyện” – người anh hai ân cần khuyên lơn.

Những câu chuyện được mở ra trên nền của những mối bận tâm, sự cực lòng và những khó khăn trong cuộc sống nhưng nó luôn khép lại bằng việc “có một Đức Chúa Trời luôn yêu thương, thành tín và ban phước.” Dường như, Chúa là Đấng ban màu sắc của sự hy vọng, của sự vui vẻ, của sự bình an trong câu chuyện của mỗi người. Và Ngài luôn là vị khách đặt biệt hiện diện im lặng trong những bữa ăn để lắng nghe hết thảy câu chuyện của chúng ta.

Tôi nghe anh kể, lòng có những ước ao về gia đình mình. Một gia đình có quá nhiều rạn nứt của các mối quan hệ. Một gia đình mà các thành viên lo vun vén cho việc cá nhân của mình, quên mất hoạt động chung mà mình phải làm cùng nhau, đơn giản và thiết thực nhất là một bữa ăn chung. Và một gia đình có sự khiếm khuyết về niềm tin nơi Chúa.

Từ nơi câu chuyện của anh, tôi thấy sự hạnh phúc nở trong lòng mỗi người. Sự hạnh phúc đó không hẳn là ở thức ăn ngon nhưng nó còn nằm ở tình thân, bao gồm cả sự yêu thương và quan tâm dành cho nhau. Sự hạnh phúc vì có một Thiên Chúa là chìa khóa để giải quyết tất cả các nan đề của cuộc sống. Và cả sự hạnh phúc khi không có một thứ công nghệ nào có thể chen chân để chi phối không khí sum họp của gia đình trên mâm cơm.

Nơi câu chuyện của anh, tôi nghe được lời khen của mọi người dành cho mẹ “Mẹ nấu ăn ngon quá mẹ ơi.”…

 

Hương Nam

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like