Home Lời Chứng Từ Vô Thần Đến Đầu Phục – Phần 1: Chúa dẫn dắt tương lai

Từ Vô Thần Đến Đầu Phục – Phần 1: Chúa dẫn dắt tương lai

by Độc Giả
30 đọc

Rời Quê Vào Sài Gòn

Tôi sinh ra và lớn lên trên một vùng quê nghèo của dải đất miền Trung. Kết thúc 12 năm đèn sách, tôi cũng khăn gói vô Sài Gòn để thi đại học. Tuy đi thi nhưng trong lòng tôi đã chuẩn bị cuốc xẻng để đi làm mướn nuôi thân. Vì tôi thấy thiên hạ người ta đã vô Sài Gòn để luyện thi ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông. Còn bạn bè có điều kiện thì nhờ đủ các thầy giỏi để kèm, còn mình chẳng có gì ngoài việc làm bạn với ngọn đèn mỗi đêm đến 1-2 giờ sáng. Vậy nên, đối với tôi cơ hội đậu là rất thấp (tôi đã nghĩ như vậy).

Rồi ngày phải vô Sài gòn để thi cũng đã đến. Tôi bọc vài trăm ngàn trong người với cái giỏ sách, ra quốc lộ đón xe. Qua gần một đêm, sáng sớm thì lơ xe họ bỏ đâu đó và tôi đi bộ gần 1 tiếng mới đến được ngã tư Thủ Đức. Tôi hỏi thăm và tìm đường ra được cổng trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức. Đến đây, tôi gần như kiệt sức vì mệt và đói. May mắn thay, có anh bạn cùng quê đang học ở trường này thấy vậy đem tôi về phòng trọ của anh cho ở nhờ để chờ ngày thi.

Tôi làm bài thi rất nhanh, 3 ngày trôi qua rất lẹ, rồi từ giã trở về quê và chờ kết quả.

Đến giờ tôi vẫn thấm thía cái câu “May hơn khôn”. Tôi không biết có đúng với tất cả mọi người không, nhưng ít nhất nó đúng với tôi. Tôi nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học ngành Điện Kỹ Thuật. Đó là điều mà tôi nghĩ là nó không thể xảy ra. Đây có thể là phép lạ đầu tiên trong đời, nói như người ta đồn là tôi có “Quý nhân phù hộ”. Ngày đó, tôi tin là như vậy.

Rồi tôi vô trường để nhập học. Vì quá thiếu thốn nên sau gần 2 tháng tôi không biết mình có thể tiếp tục được hay không! Bữa ăn sinh viên lúc bấy giờ chỉ toàn rau muống, miếng thịt mỏng đến nỗi cầm lên, bịt một bên mắt, mắt kia có thể thấy được bóng đèn. Chỗ ngủ cho sinh viên như tôi thời ấy rất khiêm tốn, giường tầng chồng lên, rất hôi hám vì nó nằm ngay cạnh cái nhà vệ sinh. Lúc ấy, chân tôi đã bị phù, cơ thể bắt đầu có dấu hiệu bị suy nhược. Tiến thoái lưỡng nan, tôi thực tình không biết phải làm gì. Sự lo sợ bắt đầu chớm xuất hiện, dù vẫn lên lớp nhưng trong thâm tâm tôi không biết mình còn trụ được bao lâu. Con số 4 năm lúc ấy với tôi nó dài như cả một đời người.

Nhưng kỳ lạ thay, hôm sau, một buổi sáng rất đẹp trời, tôi đang ngồi học trong lớp, một thầy bước vô hỏi:  “Ai là Trương Quý?”

Tôi giật mình, thầm nghĩ: “Có chuyện gì chẳng lành chăng?”

Tôi đứng lên và nói: “Dạ em thưa thầy.”

Thầy nói: “Em thu dọn sách vở rồi theo tôi, đi làm thủ tục để xuống Nguyễn Chí Thanh học tiếng Nga và chuẩn bị đi du học, vì em được chọn.”

Tôi bần thần mất gần 5 phút…vì chưa kịp hiểu chuyện gì. Có lẽ “Quý nhân” đã thấu hiểu hoàn cảnh và phép lạ một lần nữa đã đến đúng lúc.

Sang chỗ học mới, điều kiện dành cho dân du học có cải thiện. Nó tốt hơn rất nhiều so với “thường dân”. Chúng tôi được ở ký túc xá 7 tầng, có nhà vệ sinh riêng bên trong. Giường chiếu sạch sẽ. Ăn uống vẫn tự túc, nhưng lúc này mọi sự đã khác, các anh chị ở quê đã có động lực để chu cấp vì chỉ cần 6 tháng thôi là mọi áp lực chu cấp tài chánh từ gia đình sẽ kết thúc.

Du Học Ở Nga – Xô

Sau 6 tháng rèn luyện tiếng Nga trôi qua rất nhanh, tôi đã nói được vài câu chào hỏi, nghe được vài mẩu chuyện phim đơn giản. Qua xong kỳ thi kiểm tra trình độ nói, nghe, viết, tôi cùng các bạn được chọn ngành và chờ ngày lên máy bay…  Ngày 13 tháng 8 năm 1990, từ phi trường Tân Sơn Nhất, gần trăm du học sinh háo hức lên máy bay để bắt đầu tạo dựng một tương lai ở Nga xô xa xôi.

Sau 10 giờ, máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Sheremetyevo, ở thủ đô Mat-xco-va. Tôi và các bạn được đưa về ký túc xá bằng xe buýt và chờ để nhận trường, nhận lớp vào đầu tháng 9 tới. Bữa ăn đầu tiên tại nhà ăn của trường thật hấp dẫn. Nó giống cảnh người ăn mày lần đầu bước vào hàng sang trọng. Thịt cá, khoai tây, xúc xích, súp, bơ, sữa.v..v tất cả đều trông rất ngon lành và sạch sẽ, muốn ăn bao nhiêu tùy thích. Tôi lúc đó làm 2 suất liền, ăn để thỏa cái đói và thèm bị kìm nén lâu ngày.

Nhìn người Nga họ trắng phau, mập mạp, cao lớn, rồi nhìn lại đám du học sinh chúng tôi đen đúa, ốm nhách, thấp bé sao nó giống hệt như cảnh một lũ vượn tiến hóa lần đầu được tiếp xúc với thế giới loài người quá! Thực ra thì ở trường phổ thông, tôi được thầy cô dạy rằng loài người mình từ khỉ mà ra. Lúc này đây tôi càng bị thuyết phục về điều đó hơn nữa!

Thế nhưng, tâm trí tôi cũng bắt đầu lờ mờ nhận ra một điều khác, ấy là thế giới thì thật rộng lớn, luôn có nhiều điều tốt, mới lạ, hấp dẫn ở phía chân trời để mình trãi nghiệm, miễn là mình dám bước ra hoặc được đưa ra khỏi cái đáy giếng đang ngồi.

Vài ngày trôi qua, một người đàn ông Nga đến đưa tôi ra ga tàu hỏa để đi Kharkov nhận trường học. Tôi chẳng biết gì, họ đưa tôi đi đâu thì tôi đi đó. Từ Mat-xco-va đến Kharkov tầm 1000Km, tôi bước lên tàu và nhắm mắt ngủ để mặc cho tàu chạy. Mang tiếng là có 6 tháng học tiếng Nga ở nhà, nhưng khi sang đến nước bạn thì họ nói tôi chẳng hiểu gì, và khi tôi cố nói thì họ cũng chẳng hiểu. Chỉ còn cách khoa tay múa chân loạn xạ khi cần diễn đạt một điều nào đó thật cấp bách.

Tàu đã đến nơi và tôi đã xuống bến tàu tại ga Kharkov, nhưng chẳng biết đi đâu (người ta nói là sẽ có người đến đón nhưng không thấy một ai). Trong cơn hoảng loạn tôi chào đại một người đi ngang qua nhưng họ cứ lắc đầu rồi đi rất nhanh. Cuối cùng tôi tự mò ra mặt lộ và vẫy đại một taxi. Tài xế dừng lại và tôi nói được đúng hai chữ “Việt Nam.”

Một lần nữa “Quý nhân” đã phù hộ tôi bằng cách cho ông ấy hiểu tôi muốn gì (tôi muốn đến nơi nào có người Việt nam ở thành phố này), ông tươi cười và mời tôi lên xe. Ông đưa tôi thẳng đến một ký túc xá, nơi do du học sinh Việt nam ở và thả tôi xuống đó. Tôi đưa tay ra hiệu bao nhiêu tiền, ông nói tôi chẳng hiểu gì, nhưng tôi vẫn lục túi lấy tiền trả cho ông (trước khi đi, má tôi đã cố gắng tất cả để sắm cho tôi chiếc nhẫn 1 chỉ vàng 9999, một cái đồng hồ Seiko 5 rất nam tính và 10 tờ tiền Mỹ mệnh giá 1USD! Tôi không nhớ lắm có ai đó đã bày là đi ra nước ngoài phải có Đô-la, nên gia đình chúng tôi đã sắm như vậy, còn giá trị nó như thế nào ở ngoại quốc thì …kệ!). Tôi rút ngay ra 1 tờ USD và đưa cho bác tài, tôi không biết là đủ hay thiếu, tuy nhiên tôi thấy bác ấy cười rất tươi, ngắm nghía nó và nhét vào túi rất ư là hài lòng.

Tôi cứ ngồi ở cổng và chờ… Tôi cũng không hiểu nổi là chờ ai và chờ cái gì, nhưng vẫn cứ chờ! Và rồi bất chợt, có một anh người Việt đi qua và nhìn thấy nên hỏi “Em chờ ai ở đây?” Tôi thành thật trình bày cho anh ấy tất cả sự tình. Một lần nữa “Quý nhân” đã phù hộ tôi bằng cách cho tôi gặp một người anh tốt bụng, anh đã mời tôi về phòng anh, sắm chỗ cho ngủ nghỉ, chỉ cho cái tủ lạnh của anh đầy bơ, sữa, thịt bò, bắp cải, muốn dùng gì cứ tự nhiên như ở nhà.

Tôi cứ ở đó gần một tháng trọn và nhờ anh liên hệ giúp cái trường của tôi ở đâu và tên gọi nó là gì. Anh ấy quá tốt và tử tế. Tôi cứ ăn nhờ, sống đậu ở đó và làm quen với các anh năm trên. Một lần, ngồi nói chuyện vui, một anh hỏi:

“Em sang đây đem theo được mấy tờ đô?”

Tôi trả lời “Dạ, có cái đồng hồ Seiko 5, một chỉ vàng và còn lại 9 tờ anh à”.

Anh ấy ngạc nhiên: ” Có tận 9 tờ cơ à? Vậy nhà chắc khá lắm phải không?”.

Tôi móc 9 tờ 1 USD ra khoe, làm cả hội phá lên cười…sau này tôi hiểu họ tưởng tôi mang theo 900 USD.

Sau gần 1 tháng liên lạc, thì được biết là không có trường nào có ngành được phân cho tôi ở Kharkov (Ngành tôi học là Giao thông vận tải điện). Trong cơn bối rối và vô vọng thì có tin người chị của một bạn đi cùng khóa năm ấy (đi từ miền Bắc) đã tìm ra được ngành học này là tại trường Đại Học Năng Lượng Mat-xco-va. Đây chẳng phải là Quý nhân phù hộ thì là gì? Vậy là tôi nhờ các anh bán giúp cái Seiko 5 để có tiền trang trải tàu xe, và đi ngược lên Mat-xco-va.

(Còn tiếp)

Trương Quý

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Từ Vô Thần Đến Đầu Phục – Phần 2: Làm giàu nơi xứ người và biết về Chúa

Từ Vô Thần Đến Đầu Phục – Phần 3: Đời sống được biến đổi

Từ Vô Thần Đến Đầu Phục – Phần 4 và hết: Dâng trọn cuộc đời cho Chúa

 

Bình Luận:

You may also like