Gia-cơ, đầy tớ[a] của Ðức Chúa Trời và của Ðức Chúa Jesus Christ, kính gởi mười hai chi tộc sống rải rác ở hải ngoại. Kính chào anh chị em. (Gia-cơ 1:1)
Thư Gia-cơ là một bức thư chung. Những lá thư chung thường không có tên họ và địa chỉ cụ thể của người nhận. Thư chung thường được gửi cho một nhóm người, như thư 1 Phi-e-rơ gửi cho những người kiều ngụ rải rác trong các tỉnh thành khác nhau của vùng Tiểu Á. Lá thư sẽ được đọc ở một địa phương, sau đó sẽ được sao chép lại rồi gửi tới cho một địa phương thứ hai và tiếp tục như vậy.
Mười hai chi tộc hay chi phái của Y-sơ-ra-ên đang sống rải rác ở hải ngoại là đối tượng của thư Gia-cơ. Chúng ta biết người Do Thái là một dân tộc có nhiều người sống lưu vong hơn bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới.
Khởi đầu cuộc sống lưu vong của họ là vào thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, khoảng năm 720, vua A-si-ry xâm lăng vương quốc phía Bắc 10 chi phái, giết nhiều người và bắt lưu đày. Khoảng 145 năm sau đó, vào cuối thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, Nê-bu-cát-nết-sa vua Ba-by-lôn xâm chiếm Giu-đa, phá hủy đền thờ và bắt lưu đày nhiều công dân ưu tú của 2 chi phái còn lại.[1] Mười chi phái ở phương bắc không còn được nói đến nữa trong lịch sử của người Do Thái nhưng vẫn còn tồn tại trong những lời tiên tri, rằng đến thời kỳ cuối cùng những người còn sót lại của Y-sơ-ra-ên và Giu-đa sẽ được Chúa tập hợp và đem về đất nước của họ, không sót một người nào (Giê-rê-mi 23:3 và 8; Ê-sai 10:22). Bởi lòng thương xót, Chúa sẽ cho họ được định cư trên đất của họ, các dân sẽ liên kết với họ và dẫn đưa họ trở về quê hương (14:1-29). Đó là 2 cuộc lưu đày bắt buộc với dân tộc Do Thái.
Đến thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, thời kỳ hưng thịnh của đế quốc La-mã, khi đường xá trong đế quốc được mở mang, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, thương mại, thì những người Do Thái bắt đầu đi ra sống ở hải ngoại, mà đặc biệt là ở trong các xứ được kể tên ở Công Vụ 2:9-11. Phao-lô cũng là một người trong số những gia đình sống tha phương như vậy và hoạn quan Ê-thi-ô-pi (8:27) phải chăng cũng là hậu tự của một chi phái nào đó?
Những cộng đồng Do Thái sống tha phương được Gia-cơ gửi thư ở đây là những cộng đồng đã biết và tin nhận Chúa Cứu Thế. Chúng ta thấy Gia-cơ nói với họ về niềm tin chung về sự tái lâm của Chúa (Gia-cơ 4:7-8), về chức vụ trưởng lão và các sinh hoạt trong Hội Thánh ban đầu – xưng tội, cầu nguyện chữa bệnh.
Cộng đồng người Do Thái tha hương có những nan đề đặc thù được phản ánh trong thư của Gia-cơ: sự phân biệt giàu nghèo, nguy cơ bị thế gian đồng hóa, tình trạng nói xấu lẫn nhau, làm thế nào để sống đức tin, để có được sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời, làm thế nào vượt được thử thách, cám dỗ, thực hiện mục vụ chăm sóc tâm linh, cầu nguyện chữa bệnh như thế nào. Gia-cơ, giám mục Hội Thánh mẹ ở Giê-ru-sa-lem dùng Kinh Thánh Cựu Ước, những hình ảnh so sánh sống động, những lời dạy hết sức thực tế, gửi đến những người ông trìu mến gọi là anh chị em của tôi, anh chị em yêu dấu. Mỗi đề tài quan trọng được Gia-cơ nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong thư chứ không theo một trật tự nhất định nào cả, và mỗi lần ở một khía cạnh khác nhau tạo nên một sự lôi cuốn đặc biệt trong lá thư nầy.
Thư Gia-cơ được gửi đến cho những Cơ đốc nhân tha phương phải thực hành đức tin trên một vùng đất xa lạ. Những phải chăng qua đó, các Cơ đốc nhân trên thế gian mọi thời đại cũng nhận diện được chính mình: Những kiều dân và lữ khách trên đất đang mong ước một quê hương tốt hơn ở trên trời (Hê-bơ-rơ 11:13-16).
Người Việt Nam chúng ta ngày nay phải chăng cũng là một dân tộc có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới, trong đó có những cộng đồng Cơ đốc cũng đối diện với những nan đề như trong thư Gia-cơ? Anh chị em và tôi phải chăng là những con người bé nhỏ đang giữ đức tin mình trong một môi trường thù nghịch như đang ở trong vùng đất lạ? Những nan đề nói đến trong cộng đồng cơ đốc ở đây không chỉ là riêng cho những cộng đồng sống ở hải ngoại, mà là những vấn đề chung, những vấn đề rất lớn của hội thánh, mà nếu không khéo, những con chồn nhỏ sẽ phá hại vườn nho (Nhã Ca 2:15), gây ra những tổn thất không lường được.
Lời Cầu Nguyện Cho Hôm Nay
Lạy Chúa, mười hai chi phái bị tan lạc của dân Y-sơ-ra-ên khiến con nhớ đến dân tộc Việt Nam tản lạc khắp thế giới ngày hôm nay. Những nan đề họ gặp cũng chính là những nan đề của chúng con trong cộng đồng Cơ đốc hiện tại ở trong nước và khắp mọi nơi. Chúng con cần lời dạy dỗ, nhủ khuyên của Gia-cơ như những anh chị em của hội thánh thuở ban đầu. Xin Thánh Linh mở lòng, ban cho con niềm say mê với lời Chúa. Amen!
Ân Điển
[1] Https://www.jewishvoice.org/learn/who-are-lost-tribes-israel, muốn tìm hiểu về 10 chi phái bị lạc mất, xin xem trang https://www.geni.com/projects/Where-are-The-Ten-Lost-Tribes-of-Israel/3474
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com