Home Chuyên Đề Em-Ma-Nu-Ên, Phúc Âm Theo Lời Tiên Tri Của Ê-Sai 800 Năm Trước Chúa Giê-Xu

Em-Ma-Nu-Ên, Phúc Âm Theo Lời Tiên Tri Của Ê-Sai 800 Năm Trước Chúa Giê-Xu

by Sưu Tầm
30 đọc

Nhiều người nghĩ rằng Chúa Giê-xu bất ngờ xuất hiện trong Tân Ước và rao giảng Phúc Âm (cũng như Phật Tổ hay Mô-ha-mét bất ngờ xuất hiện và giảng đạo của họ). Thật ra, Phúc Âm về sự giáng sinh, sự chết, sự sống lại, sứ mạng và thành quả của Chúa Giê-xu đều đã được báo trước trong Cựu Ước qua các lời tiên tri về Đấng Christ (Đấng Mê-si). Có người đếm được rằng hơn 353 lời tiên tri về Đấng Christ từ Sáng Thế Ký tới Ma-la-chi đã được ứng nghiệm xung quanh cuộc đời Chúa Giê-xu. Những lời tiên tri và sự ứng nghiệm này cho thấy cuộc đời và Phúc Âm của Chúa Giê-xu đã được Đức Chúa Trời sắp đặt và báo trước từ khi Sáng Thế. Trong đó, đầy đủ và rõ ràng nhất là các lời tiên tri về Đấng Em-ma-nu-ên trong sách Ê-sai được viết hơn 800 năm trước khi Chúa Giê-xu sinh ra.

Sách Ê-sai thường hay được xem là quyển sách giàu thần học nhất trong Kinh Cựu Ước. Sống trong thời đại đầy việc thờ hình tượng và bỏ đạo, Ê-sai tiên tri nghịch cùng Y-sơ-ra-ên phía Bắc và Giu-đa phía Nam, nói trước việc đi đày và trở lại miền đất hứa của dân sự. Sự đoán phạt và phục hồi của Y-sơ-ra-ên, Giu-đa, các quốc gia, và cả trái đất là một chủ đề rộng lớn, cũng như sự hủy diệt và sỉ nhục của các tà thần và thần tượng. Sự đoán phạt là một điều xứng đáng phải lẽ vì những tội lỗi của loài người, nhưng sự phục hồi chỉ đạt được qua một nhân vật đặc biệt được tiên tri trong sách Ê-sai: Em-ma-nu-ên. Sách Ê-sai cho ta khải tượng đầy đủ nhất về Đấng Christ (Đấng Mê-si) trong kinh Cựu Ước, và thực tế ta có thể giảng toàn bộ Tin Lành từ sách Ê-sai.

Dù Em-ma-nu-ên rõ ràng là Chúa Giê-xu, sẽ rất hữu ích để xem chúng ta có thể biết gì về Em-ma-nu-ên chỉ riêng từ sách Ê-sai, viết hơn 800 năm trước thời Chúa Giê-xu, trước khi đọc chúng qua lăng kính của những gì Tân Ước cho biết.

Dòng dõi hoàng tộc và sự sinh ra phi thường của Em-ma-nu-ên

Sự sinh ra phi thường của Em-ma-nu-ên cho thấy rõ rằng Ngài sẽ không phải là một người bình thường, nhưng những danh hiệu của Ngài cho thấy rõ Ngài chính là Đức Chúa Trời.

Em-ma-nu-ên sẽ được sinh ra trong nhà Đa-vít (Ê-sai 9:6-7); sự sinh ra của Ngài sẽ là dấu hiệu cho dòng dõi Đa-vít (Ê-sai 7:14). Nhưng Ngài sẽ được sanh ra vào lúc dòng dõi vua đã mất đi sự vinh hiển của Đa-vít và quay lại thời vô danh trước đó của cha của Đa-vít, Y-sai (Ê-sai 11:1). Đây đúng là điều sẽ xảy ra. Khi Chúa Giê-xu được sinh ra, Ma-ri và Giô-sếp lấy hai con bồ câu làm lễ dâng (Lu-ca 2:22-24). Đây là lễ dâng dành cho những người nghèo khổ, cho thấy dòng dõi Đa-vít không còn vinh hiển hay giàu có.

Em-ma-nu-ên sẽ được sinh ra bởi ‘một trinh nữ’ (Ê-sai 7:14, Ma-thi-ơ 1:23). Nhưng ai là ‘người trinh nữ’? Câu giải thích rõ ràng nhất là đó là trích ý rằng đấng Christ sẽ là “dòng dõi người nữ”, người sẽ giày đạp đầu con rắn (Sáng Thế Ký 3:15), và Ngài sẽ là “dòng dõi người nữ” vì Ngài sẽ không có con người nào là cha.

Người Do Thái cổ đại biết rõ như người hiện đại rằng không thể có việc một trinh nữ thọ thai cách tự nhiên; đây là lý do Giô-sép tính ly dị Ma-ri trước khi ông được thiên sứ nhắc bảo trong giấc mơ. Đây chính là lý do; một phụ nữ trẻ thọ thai cách bình thường sẽ chẳng phải là dấu hiệu phi thường cho nhà Đa-vít.

Nhân cách thánh của Em-ma-nu-ên

Em-ma-nu-ên sẽ là tôi tớ của Đức Giê-hô-va từ lúc đầu xuất hiện (Ê-sai 49:1,5). Ngài sẽ là thánh và được biệt riêng để phụng sự Đức Giê-hô-va, người sẽ đặt lời mình vào miệng Em-ma-nu-ên (Ê-sai 49:2). Ngài sẽ có sự khôn ngoan siêu việt, và sẽ đầy Thánh Linh của Chúa (Ê-sai 11:2). Em-ma-nu-ên sẽ luôn “bỏ điều dữ và chọn điều lành” (Ê-sai 7:15), điều mà chẳng người nào có thể làm cách trọn vẹn; ngay cả những người thánh nhất trong Kinh Thánh vẫn có lúc phạm lỗi.

Thần tánh của Em-ma-nu-ên

Sự sinh ra của Em-ma-nu-ên cho thấy rõ là Ngài không phải là một người bình thường, và tên Ngài nghĩa là “Đức Chúa Trời Ở Cùng Chúng Ta”, nghĩa là sự sinh ra của Ngài thể hiện sự hiện diện của Chúa với dân sự Ngài một cách đặc biệt”. Ngài còn được gọi là “Đấng Mưu Luận Lạ Lùng”, “Đức Chúa Trời Quyền Năng”, “Cha Đời Đời”, “Chúa Bình An”. Một người mang những danh hiệu này chỉ có thể là Chính Đức Chúa Trời.

Một số người tự hỏi tại sao Đức Chúa Con Giáng Sinh lại có thể được gọi là “Cha Đời Đời”. Đây có phải là nhầm lẫn giữa Ba Ngôi (Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Thánh Linh)? Thật ra, danh hiệu này có thể được dịch rõ hơn là “Cha Của Đời Đời”, nghĩa là Ngài là đấng tạo dựng thời gian, hoặc Ngài là cội nguồn của sự sống đời đời (cả hai đều đúng về Đức Chúa Con).

Em-ma-nu-ên bị từ chối và chết cách nhục nhã

Sách Ê-sai cho ta mặc khải đầy đủ nhất về đấng Christ trong Kinh Cựu Ước, và thực sự có thể giảng trọn Tin Lành từ sách Ê-sai.

Dù có những dấu hiệu dẫn đến sự thật về nhân dạng của Em-ma-nu-ên, Ngài sẽ trông như người thường; Ngài sẽ không hiện rõ thần tánh (Ê-sai 53:2). Và người Y-sơ-ra-ên cuối cùng sẽ từ chối Ngài, như người Y-sơ-ra-ên đã từ chối Đức Giê-hô-va để theo các thần tượng trong ngày của tiên tri Ê-sai, khiến Ngài chịu sỉ nhục và cuối cùng bị chết. Ngài sẽ bị đánh đập tồi tệ đến nỗi mặt Ngài bị biến dạng (Ê-sai 52:14). Nhưng tất cả điều này đều theo ý của Đức Giê-hô-va (Ê-sai 53:10); và vì ý chỉ của Đức Giê-hô-va mà Em-ma-nu-ên sẽ không kháng cự (Ê-sai 50:6, 53:7).

Sau khi chết, Em-ma-nu-ên sẽ được phục sinh và vinh hiển

Em-ma-nu-ên sẽ bị sỉ nhục nhất thời, nhưng chính đức Giê-hô-va sẽ minh oan cho Em-ma-nu-ên (Ê-sai 50:7-9). Đời sống của Ngài sẽ được thêm dài, và Ngài sẽ được vinh hiển đời đời (53:10-12)

Mục đích của việc Em-ma-nu-ên chịu sỉ nhục và chết là để trả thay cho tội lỗi của dân sự Đức Giê-hô-va, kể cả người Do Thái và người ngoại (Ê-sai 53). Em-ma-nu-ên sẽ không bao giờ phạm tội, nên sự chết của Ngài có thể đem làm giá chuộc cho nhiều người. Sự hi sinh này sẽ đem lại giao ước mới, trong đó người Do Thái và người ngoại in ở Đức Giê-hô-va và Đức Chúa Con sẽ cùng hưởng cuộc sống đời đời như nhau (Ê-sai 56:3,6-7)

Ê-sai thấy vinh hiển của đấng Em-ma-nu-ên

Một trong nhữn sự kiện được biết đến nhiều nhất ghi lại bởi Ê-sai là hình ảnh ông thấy về vinh hiển của Đức Giê-hô-va:

Về năm vua Ô-xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao-sang, vạt áo của Ngài đầy dẫy đền-thờ. Những sê-ra-phim đứng bên trên Ngài; mỗi sê-ra-phim có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chân và hai cái dùng để bay. Các sê-ra-phim cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn-quân! Khắp đất đầy-dẫy sự vinh-hiển Ngài! Nhân tiếng kêu đó, các nền ngạch cửa rúng-động, và đền đầy những khói.” — Ê-sai 6:1-4

Giăng nói đó là hình ảnh của Đức Chúa Con trước giáng sinh (Giăng 12:37-41). Mặc dù Em-ma-nu-ên không hiển thị hoàn toàn vinh hiển thật của Ngài, Ngài vẫn sở hữu nó (và sự Hóa Hình của Chúa Giê-xu là lúc Ngài tỏ rõ vinh hiển đó).

Em-ma-nu-ên phục hồi trái đất và cai trị đời đời

Bởi vì Em-ma-nu-ên trả cái giá của tội lỗi cho dân sự Ngài, Ngài có thể mở ra thời đại phục hồi cho toàn bộ trái đất. Cai trị từ ngai của Đa-vít, Ngài sẽ phán xét mọi quốc gia. Chính trái đất sẽ được phục hồi về trạng thái như vườn Ê-đên nơi không có sự ăn thịt hay săn mồi nữa, và loài rắn cũng chẳng đe dọa cả em bé nhỏ nhất (Ê-sai 11:6-9; 65:25). Lúc đó, mọi thần giả sẽ bị sỉ nhục và mọi thần tượng sẽ bị phá hủy và chẳng bao giờ được thờ phượng nữa.

Chúa Giê-xu là Đấng Em-ma-nu-ên

Khi chúng ta hiểu cách chính xác cách Đấng Christ được báo trước trong Cựu Ước, ta có thể thấy Tin Lành không phải là điều mới, hay một ý tưởng xa lạ với Kinh Cựu Ước. Ta có thể giảng Tin Lành từ Ê-sai hay từ những quyển sách Cựu Ước khác, như chính Chúa Giê-xu đã làm (Lu-ca 24:13-35), hay Phi-líp (Công Vụ 8:26-39), và đặc biệt là Phao-lô (Công Vụ 17:2), nếu chúng ta thấy cách chúng chỉ đến Chúa Giê-xu.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: Creation.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like