Home Chuyên Đề Người Giàu Mất Gì Được Gì Khi Đến Với Chúa Qua Câu Chuyện Các Nhà Thông Thái Đông Phương

Người Giàu Mất Gì Được Gì Khi Đến Với Chúa Qua Câu Chuyện Các Nhà Thông Thái Đông Phương

by Van Anh
30 đọc

Người giàu là những người đã có tất cả những gì tốt nhất trên thế gian này. Họ ăn cao lương mỹ vị, ở nhà sang trọng tiện nghi, được người ta phục vụ, có danh vọng, địa vị, có kiến thức và sự khôn ngoan để thành đạt trên thế gian. Cuộc sống quá đầy đủ dường như khiến họ khó đến với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh từng nói:

“Người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời thật khó biết bao! Vì lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời!” (Luca 18:24-25)

Nhưng điều đó không có nghĩa là người giàu không thể bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời. Trong câu chuyện Giáng Sinh, một đoàn các nhà thông thái đông phương giàu có đã đến với Chúa, có thể họ đã cưỡi lạc đà đến! Nếu các mục đồng chăn chiên là hình ảnh của những người dân nghèo đến với Chúa, thì họ là hình ảnh những người giàu có thông thái trên thế gian đến với Ngài. Hãy cùng suy ngẫm câu chuyện của họ để thấy người giàu mất gì và được gì khi đến với Chúa.

Những nhà thông thái đông phương là ai?

Từ “các nhà thông thái” trong tiếng Hy Lạp là “μάγοι” (“magoi”), có gốc là từ “magi” của tiếng Ba Tư. Magi chỉ tầng lớp các thầy tư tế mà xứ Ba Tư, nổi tiếng về sự khôn ngoan và hiểu biết. Sử sách ghi nhận sự hiện diện của họ trong triều đình vua Ba Tư, tư vấn cho vua các việc triều chính và tâm linh. Gần như toàn bộ phía đông xứ Do Thái lúc đó là Đế Quốc Ba Tư hùng mạnh mà sự huy hoàng của họ có thể sánh ngang với Đế Quốc La Mã cùng thời (phần còn lại là hoang mạc Arabia). Đế Quốc Ba Tư trải dài từ xứ Ba Tư, Ba-by-lon tới gần Ấn Độ, là nơi người Do Thái từng bị lưu đày, nơi Đa-ni-ên từng làm trưởng các nhà thông thái, Nê-hê-mi làm quan tửu chánh và Ê-xơ-tê làm hoàng hậu. Nhiều học giả tin rằng các nhà thông thái đông phương đến từ xứ Ba Tư do mối liên hệ lịch sử này với người Do Thái.

Nếu các nhà thông thái đông phương là “magi” đến từ xứ Ba Tư, ta có thể thông qua hoàn cảnh đời sống của Đa-ni-ên, Nê-hê-mi, Ê-xơ-tê để hiểu về đời sống các đại thần trong triều đình vua Ba Tư cũng như sự giàu có thông thái của họ.

  • Họ có địa vị rất cao và quyền lực.
    Như Đa-ni-ên, họ là đại thần đứng chầu nơi cửa vua và cai trị các vùng của Đế Quốc Ba Tư. Truyền thống gọi họ là vua (ba vua) không hoàn toàn sai vì có thể họ cũng đứng đầu cai trị một vùng (Đa-ni-ên 6:1-4) ngang với vua Hê-rốt, người đứng đầu vùng Giu-đa của Đế Quốc La Mã.
  • Họ rất thông thái và khôn ngoan
    Là đại thần cố vấn vua Ba Tư, họ là những người hiểu biết thông thái nhất xứ. Một số học giả tin rằng họ hiểu ý nghĩa của ngôi sao báo hiệu sự sinh ra của Chúa Giê-xu qua việc học phần Kinh Cựu Ước mà Đa-ni-ên và người Do Thái để lại ở xứ Ba Tư. Ngoài ra, các magi nổi tiếng khắp thế giới cổ đại về tài chiêm tinh.
  • Họ rất giàu có và sang trọng.
    Đế Quốc Ba Tư rộng lớn rất giàu có và vua Ba Tư thường hậu đãi cận thần mình (Đa-ni-ên 6:28)
  • Họ làm việc trong cung vua nhiều mưu mô hiểm độc
    Vua Ba Tư có quyền lực tuyệt đối và có thể ra lệnh giết cận thần mình ngay lập tức (Đa-ni-ên 6:16) và ngay cả hoàng hậu (Ê-xơ-tê 4:11) nếu họ không tuân theo quy định do vua đặt ra. Ngoài ra các đại thần trong triều cũng hay ghen tức và nhiều mưu mô nhằm vu cáo hạ bệ lẫn nhau (Đa-ni-ên 6:5).

Không phải tất cả các magi đều là đại thần trong triều đình vua Ba Tư. Tuy nhiên, những magi trong câu chuyện Giáng Sinh là những người được Chúa chọn, có sự thông thái để hiểu ý nghĩa của ngôi sao giáng sinh, có tiền bạc để đưa một đoàn lữ hành vượt hơn 1000 dặm từ xứ Ba Tư đến Giê-ru-sa-lem, được vua Hê-rốt mời, và dâng cho Chúa các món quà quí giá như vàng, nhũ hương, mộc dược. Họ ắt phải thuộc những người thông thái, cao quí và giàu có nhất trong hàng ngũ các magi của xứ Ba Tư.

Họ mất gì khi tìm đến với Chúa?

Dưới đây là những gì các nhà thông thái chịu mất đi khi tìm đến với Chúa

  1. Họ chịu nhiều khó khăn tốn kém nhất để đến với Chúa

Những người mục đồng nghèo khó vùng Bêt-lê-hem có thể đang đêm chạy ngay đến với Chúa. Nhưng từ đế quốc Ba Tư đến Giê-ru-sa-lem tầm 1600 – 2000 km. Việc đi và về mất ít nhất 6 tháng để đi sang một xứ khác (từ Ba Tư sang La Mã), phải băng qua nhiều sa mạc sông núi hiểm trở và còn gặp nhiều hiểm nguy, cướp bóc dọc đường. Các nhà thông thái phải đem theo nhiều tùy tùng để khuân vác và quân sĩ để tự vệ. Họ phải bỏ lại các tiện nghi sang trọng và các cao lương mỹ vị chốn cung đình mà chấp nhận sự khắc khổ nơi sa mạc. Họ phải bỏ bê công việc triều chính, “xin nghỉ phép” suốt 6 tháng. So với những người chăn chiên nghèo khó kia, các nhà thông thái đông phương phải chịu vất vả tốn kém hơn nhiều.

  1. Họ được dấu hiệu xa xăm nhất – một ngôi sao

Những người chăn chiên được thiên sứ hiện đến báo tin, được vinh hiển của Chúa chói lòa xung quanh, được thấy muôn vàn thiên binh thiên sứ ngợi ca Đức Chúa Trời. Các nhà thông thái được dấu hiệu gì? Một ngôi sao lạ xa xăm.

Ngôi sao này hẳn phải sáng một sách đặc biệt lắm để thu hút sự chu ý của mọi người từ trên trời cao. Có lẽ nhiều người thấy nó lạ, nhưng chắc chỉ các nhà thông thái này, với hiểu biết sâu rộng của mình về thuật chiêm tinh của Ba-by-lon hay phần kinh Cựu Ước mà Đa-ni-ên để lại hiểu ý nghĩa quan trọng của nó – báo hiệu vua dân Giu-đa, đấng Mê-si mới sanh. Đó là tất cả dấu hiệu họ có để làm chuyến hành trình vất vả tốn kém đến với Chúa.

  1. Họ chịu nhiều rủi ro nhất để đến với Chúa

Các mục đồng chịu rủi ro khi bỏ bầy chiên mình ngoài đồng ban đêm để đến với Chúa. Giờ hãy tưởng tượng Đa-ni-ên xin vua Đa-ri-út vắng mặt 6 tháng đến xứ La Mã thù địch để theo dấu ngôi sao lạ để đến bái kiến vua Giu-đa vừa sinh ra. Các bạn nghĩ vua Đa-ri-út sẽ phản ứng thế nào? Các quan lại thù địch sẽ dèm pha ra sao?

Nê-hê-mi đã rất sợ hãi khi xin vua Ạt-ta-xét-xe về xây dựng lại Giê-ru-sa-lem (Nê-hê-mi 2:2). Các nhà thông thái chắc cũng phải đối mặt với rủi ro như vậy khi đến với Chúa.

Họ dâng cho Chúa những điều trên thế gian xứng đang với ngôi vị của Chúa

Chịu hành trình khó khăn tốn kém nhất, có đức tin theo dấu hiệu xa xăm nhất, chấp nhận rủi ro cao nhất, các nhà thông thái đông phương đã đến và dâng cho hài nhi Giê-xu những vật quí giá nhất trên thế gian xứng đáng với ngôi vị của Chúa: vàng, nhũ hương và mộc dược. Ngoài ra, sự sấp mình thờ lạy của họ cũng là món quà thể hiện ngôi vị của Chúa. Như Đa-ni-ên, các nhà thông thái chỉ sấp mình trước vua Ba Tư hay hoàng đế La Mã tối cao, không phải trước Hê-rốt hay bất cứ ai khác.

Họ được gì khi tìm đến với Chúa?

Các nhà thông thái được gì qua những khó khăn tốn kém rủi ro như vậy. Họ được gì khi tìm đến với Chúa?

  1. Họ được Chúa cho điều kiện để chịu những khó khăn tốn kém rủi ro như vậy

Kinh Thánh nói “Ban cho thì có phước hơn nhận lãnh” (Công Vụ 20:35). Như hoàng hậu Ê-xơ-tê (Ê-xơ-tê 4:14), ngay từ đầu, họ được Chúa đặt để cho họ có điều kiện tài chính dư dả để trang trải chi phí cho chuyến đi tốn kém, hiểu biết sâu rộng để nhận biết ý nghĩa của ngôi sao lạ, và được ơn trước mặt vua để thực hiện chuyến đi. Chúa không thể giao nhiệm vụ này cho các mục đồng nghèo, vì họ không có điều kiện và sự hiểu biết về chiêm tinh để biết trước.

  1. Họ được các trải nghiệm độc đáo mà các nhà thông thái không đi không bao giờ thấy

Cuộc hành trình hơn 1000 dặm có nhiều khó khăn tốn kém hiểm nguy nhưng cũng cho họ nhiều trải nghiệm mà những người ở cung điện tiện nghi sang trọng không bao giờ thấy. Những vùng đất lạ, những hoang mạc rộng lớn, những đồi núi sông nước hùng vĩ, những kỳ hoa dị thảo trên đường v.v… Ngoài ra họ còn được tận mắt gặp vị Vua của các vua, Cứu Chúa của nhân loại, Đức Chúa Trời giáng sinh trong hình hài em bé là điều mà cả nhân loại với bao nhiêu vị vua và nhà tiên tri vĩ đại không có cơ hội chứng kiến. Hành trình này đem lại cho họ nhiều trải nghiệm khó quên trong đời, những điều không thể có được nơi cung vàng điện ngọc.

  1. Họ được sự thỏa mãn về học thuật

Các học giả đều có lòng yêu thích việc tích lũy kiến thức và suy đoán dựa trên hiểu biết của mình. Kiến thức càng cao siêu, suy đoán càng khác thường mà ứng nghiệm càng chính xác thì họ càng thỏa mãn. Ngôi sao lạ chắc ai cũng thấy, nhưng chỉ các nhà thông thái mới suy đoán được ý nghĩa của nó. Và họ chấp nhận rủi ro tốn kém để thực nghiệm suy đoán của mình, và dã thấy sự ứng nghiệm chính xác. Họ đã gặp được vị Vua của muôn vua theo lời tiên tri từ ngàn xưa. Điều này chắc chắn đem lại cho họ sự thỏa mãn tuyệt vời trong học thuật.

  1. Họ được an bình trước áp lực của đời sống triều chính

Giàu sang phú quí nơi triều đình cũng có rất nhiều nguy hiểm bởi các mưu mô áp lực trong đó. Đa-ni-ên và ba người bạn, Nê-hê-mi, hoàng hậu Ê-xơ-tê đều phải đối phó với mưu mô ghen tức của các quan trong triều. Các nhà thông thái này cũng vậy. Chuyến đi đến thờ phượng Chúa tuy có nhiều khó khăn vất vả, nhưng cũng cho họ được tạm nghỉ ngơi an bình khỏi những áp lực mưu mô nơi triều đình vua Ba Tư.

  1. Họ được điều mà sự giàu có, danh vọng, địa vị và sự khôn ngoan trên thế gian không thể cho: được gặp Chúa và sự cứu rỗi của Chúa

Như những người thành đạt trên thế gian này, các nhà thông thái phương đông đã có tất cả những gì thế gian có thể cho họ: cao lương mỹ vị, tiện nghi sang trọng, danh vọng địa vị, không ngoan thông thái v.v… Nhưng mọi vinh hoa phú quí trên thế gian không thể giúp con người thoát khỏi sinh lão bệnh tử và trở nên công chính. Không gì trên thế gian này có thể cho con người những thứ đó. Tu hành khổ hạnh cũng không. Chấp nhận khó khăn tốn kém nguy hiểm để đến với Chúa, dâng cho Ngài những món quà xứng đáng với ngôi vị Ngài, các nhà thông thái đông phương nhận lại từ Chúa điều mà thế gian không thể cho họ: được gặp Chúa, được xưng công chính, sự cứu rỗi của Chúa và sự sống đời đời với Ngài (Kinh Thánh không chép chi tiết về những điều xảy ra sau đó trong cuộc sống của họ nhưng với câu chuyện về hoạn quan Ê-thi-ô-pi, tôi hoàn toàn tự tin về sự cữu rỗi họ nhận được).

Kết luận

Trong câu chuyện Giáng Sinh, những nhà thông thái đông phương là hình ảnh của những người giàu có quyền lực thông thái trên thế gian. Khi đến với Chúa, họ sẽ phải đi quãng đường dài vất vả tốn kém ra khỏi chốn tiện nghi sang trọng thân thuộc. Họ phải học hỏi, suy nghĩ nhiều, theo đuổi các dấu hiệu xa xăm và chịu nhiều rủi ro. Sự giàu có, thông thái và địa vị của họ cũng chính là phước mà Chúa đã đặt để cho họ để họ có thể hi sinh cho Chúa.

Nhưng so với những người giàu có thông thái không đến với Chúa, họ được (1) những trải nghiệm độc đáo mà đời sống cao sang khó có thể thấy được, (2) sự thỏa mãn tri thức – nhất là qua việc học và áp dụng lời Chúa để thấy sự ứng nghiệm, (3) an bình trước những áp lực mưu mô của đời sống quyền lực. Và quan trọng nhất, họ được những điều mà sự giàu có khôn ngoan của thế gian không thể cho: được gặp Chúa, được sự công chính của Chúa, sự cứu rỗi của Chúa và sự sống đời đời với Ngài.

 

Richard Huynh

Ảnh: wikipedia.org

Bình Luận:

You may also like