Home Chuyên Đề Ngày Sinh Của Chúa Giê-xu Theo Góc Nhìn Của Người Do Thái

Ngày Sinh Của Chúa Giê-xu Theo Góc Nhìn Của Người Do Thái

by Sưu Tầm
30 đọc

Người ta thường hay hỏi tại sao chúng tôi, người Do Thái tin rằng Chúa Giê-xu đã ra đời vào ngày Sukkot (Lễ Lều Tạm, thường là từ khoảng giữa tháng 9 và đầu tháng 10, tùy năm) và bài báo nầy sẽ giải thích cho biết tại sao các nhà thần học đi đến kết luận nầy. Bài báo do đó cũng sẽ nói về việc Đức Chúa Trời đã biệt riêng ngày Lễ Lều Tạm Sukkot làm một ngày Lễ của nước Y-sơ-ra-ên mà một ngày nào đó mọi dân tộc trên thế giới sẽ ăn mừng.

Hãy bắt đầu bằng câu hỏi: Làm thế nào chúng ta đi đến kết luận rằng dịp Lễ Lều Tạm là thời gian Chúa Giê-xu được sinh ra?

1. Thứ nhất, chúng ta có thể xác định được rằng Giăng Báp-tít, người anh em họ của Chúa Giê-xu được hoài thai vào giữa tháng Sivan theo lịch của người Do Thái (tức vào tháng 5 hoặc tháng 6) và chào đời 40 tuần sau đó vào dịp Lễ Vượt Qua, tức vào ngày 15 tháng Nisan:

– Chúng ta biết rằng ông Xa-cha-ri, cha của Giăng là một người Lê-vi được chỉ định để phục vụ trong đền thờ trong thời gian của ban A-bi-gia, là ban thứ 8 trong năm (Lu-ca 1:5, 1 Sử Ký 24:10).

– Vì vòng phục vụ trong đền thờ bắt đầu vào ngày Sa-bát đầu tiên của tháng Nisan (nói cách khác, lịch phục vụ trong đền thờ bắt đầu vào ngày trăng mới trước lễ Vượt Qua – tức vào ngày thứ nhất tháng Nisan). Chúng ta cũng biết rằng các ban thầy tế lễ đều được yêu cầu phục vụ vào cả hai dịp lễ Vượt Qua và lễ Tuần (còn gọi là lễ Ngũ Tuần). Chúng ta có thể tính được thời điểm của ban thứ 8, lúc Xa-cha-ri phục vụ trong đền thờ trong tuần thứ 10 trong năm, đó phải là lúc khởi đầu ngày Sa-bát thứ hai trong tháng Sivan (tháng 5 hoặc 6).

– Kinh Thánh ký thuật rằng Giăng Báp-tít được hoài thai không lâu sau khi Xa-cha-ri phục vụ trong đền thờ (Lu-ca 1:23-4) — có nghĩa là độ chừng vào tuần thứ ba tháng Sivan (hay còn gọi là hậu Sivan).

– Sau khi đủ thời gian mang thai, (điều nầy Kinh Thánh không nói), Giăng Báp-tít được chào đời vào dịp lễ Vượt Qua (tức ngày 15 tháng Nisan).

– Người Do Thái luôn mong đợi Ê-li đến vào dịp lễ Vượt Qua và loan báo ngày đến của Đấng Mê-si-a. Và thậm chí ngày hôm nay, họ có tục lệ bày ra một chén rượu đặc biệt trong bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua trong sự chờ mong Ê-li đến trong dịp lễ. Chúa Giê-xu phán rằng Giăng Báp-tít làm công việc có tính cách như tiên tri Ê-li (Ma-thi-ơ 17:10-13, Lu-ca 1:17), bởi thế việc Giăng Báp-tít (mà chức vụ như của Ê-li) đã ra đời vào dịp lễ Vượt Qua.

2. Chúa Giê-xu được hoài thai vào những tuần cuối của tháng Kislev (tháng 11 hoặc 12)và chào đời 40 tuần sau đó vào dịp lễ Sukkot/Lều Tạm.

– Chúng ta biết, Chúa Giê-xu được hoài thai 6 tháng sau Giăng Báp-tít (xem Lu-ca 1:24-27, 36) và Giăng Báp-tít được hoài thai vào những tuần cuối của tháng Sivan.  Như vậy, 6 tháng sau tuần cuối tháng Sivan là tuần cuối của tháng Kislev.

Điều quan trọng cần ghi nhận đó là tháng thứ sáu ở đây nói đến tháng thứ sáu của cái thai trong bụng bà Ê-li-za-bét (xem Lu-ca 1:36).

– Xác định thời điểm mang thai Chúa Giê-xu vào những tuần cuối của tháng Kislev cũng làm chúng ta hiểu rõ tại sao Ngài được gọi là Ánh Sáng của Thế Gian (Giăng 8:12, 9:5, 12:46), bởi vì ngày đầu của kỳ lễ Chanukah (hay lễ hội của Ánh Sáng) là ngày thứ 25 của tháng Kislev. Dựa vào những dữ kiện nói trên, chúng ta có thể xác định thời điểm Chúa Giê-xu được mang thai.

– Cộng thêm 6 tháng vào ngày thứ 15 của tháng Nisan (ngày sinh nhật của Giăng Báp-tít), chúng ta đi đến ngày thứ 15 của tháng thứ 7, là ngày Tishri – ngày đầu của kỳ lễ Lều Tạm/hay Sukkot.

– Theo luật của Môi-se, Chúa Giê-xu phải được cắt bì vào ngày “thứ tám” sau khi sinh ra. Cho rằng Ngài được sinh ra vào ngày đầu của lễ Lều Tạm hay  Sukkot, thì ngày thứ tám rơi vào ngày quan trọng trong lịch Do Thái được gọi là Shemini Atzeret/hay Simchat Torah (lễ mừng kinh Torah), ngày mà giống như ngày đầu, một ngày nhóm họp thánh (theo Lê-vy Ký 23:39).  Vào ngày nầy, người Do Thái hoàn tất chu kỳ đọc kinh Torah trong năm và bắt đầu đọc trở lại từ sách Bereshit (hay Sáng Thế Ký), vì lẽ đó ngày lễ Simchat Torah/lễ Mừng Kinh Torah được người Do Thái xem như một thời điểm “hoàn thành“  kinh Torah. Sự cắt bì cho Chúa Giê-xu vào lúc đó chỉ ra rằng Ngài đã đến để hoàn thành luật pháp (kinh Torah) và lời tiên tri (Ma-thi-ơ 5:17-18).

  3. Bằng chứng suy diễn

Giăng 1:14 nói rõ rằng “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt”  và “cư ngụ” với chúng ta. Chữ “cư ngụ”, nguyên văn Hy Lạp [skeinao] xuất phát từ chữ skeinos, mà bản 70 (Septuagint) dùng thay cho chữ mishkan (tabernacle còn có nghĩa là ở trong trại). Cái tên dành cho dịp lễ Lều Tạm trong bản 70 là Herotei Skeinon.

– Vua Hê-rốt dường như đã sử dụng dịp lễ hội Lều Tạm/Sukkot (ở Giê-ru-sa-lem) để thực hiện việc kiểm tra dân số. Việc nầy không rơi vào ngày lễ hội Ánh Sáng/hay Chanukah (vào khoảng ngày 25 tháng 12 theo lịch Gregorian/Tây lịch) vì Hê-rốt ghét và sợ những người Hasmoneans/người theo đảng Maccabee.

– Những người chăn chiên không chăn giữ bầy chiên ngoài đồng trong mùa đông không có sự sống ở Y-sơ-ra-ên. Thiên sứ đã hiện ra với những người chăn chiên và nói: “Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân [Lu-ca 2:10]. Vì lễ Lều Tạm/Sukkot được biết như là một đại lễ vui mừng và cũng là “Lễ Hội của Nhiều Nước,” bởi lẽ đó thiên sứ đã ban cho họ lời chào dùng cho Lễ Lều Tạm/Sukkot.

– Chúng ta biết rằng Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ lúc Ngài 30 tuổi (Lu-ca 3:23) và thừa nhận (như nhiều học giả Kinh Thánh) rằng Ngài làm chức vụ trong 3 năm rưỡi, chúng ta có thể tính ngược lại từ lúc Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá (tháng Nisan) để đi đến ngày sinh của Ngài, là vào tháng Tishri, đúng vào dịp lễ Lều Tạm/Sukkot.

– Hội Thánh Công Giáo vào năm 336 SC tuyên bố ngày 25 tháng 12 theo lịch của Julius Ceasar là ngày sinh của Chúa Giê-xu để thế cho ngày lễ Saturnalia/lễ thần Mặt Trời. Hội Thánh đầu tiên, trong nỗ lực bỏ đi ngày lễ ngoại giáo đã chọn và công bố ngày 25 tháng 12 là ngày sinh của Con Đức Chúa Trời.

– Kinh Thánh dạy rằng một ngày kia, khi Chúa trở lại, mọi quốc gia trên thế giới sẽ ăn mừng ngày lễ Lều Tạm/Sukkot (Xa-cha-ri 14:16-19).

4. Lễ Lều Tạm/Sukkot – một Lễ Hội cho Mọi Dân Tộc trên Trái Đất

Sukkot (Lễ Lều Tạm) đã được Đức Chúa Trời biệt ra trong Kinh Thánh làm một ngày lễ duy nhất ở Y-sơ-ra-ên mà mọi dân tộc một ngày kia sẽ cử hành – không những người Do Thái mà thôi, mà mọi dân tộc trên đất (dân ngoại), là điều kiện để Chúa sẽ ban mưa cho những dân tộc đó. (Xa-cha-ri 14:17)

Xa-cha-ri chương 14 nói rằng vào thờ kỳ cuối cùng chính Đức Chúa Trời sẽ tụ họp mọi dân tộc trên thế giới đến chống lại Giê-ru-sa-lem và Ngài sẽ tỏ mình và chiến đấu chống lại họ:

Nầy, ngày của Đức Giê-hô-va đến, những của cướp ngươi sẽ bị chia giữa ngươi. Vậy ta sẽ nhóm mọi nước lại tranh chiến cùng Giê-ru-sa-lem, và thành sẽ bị lấy, nhà sẽ bị cướp, đờn bà sẽ bị hãm, phân nửa thành sẽ đi làm phu tù; nhưng dân còn lại sẽ không bị trừ bỏ khỏi thành. Bấy giờ Đức Giê-hô-va sẽ ra đánh cùng các nước đó, như Ngài đã đánh trong ngày chiến trận. (Xa-cha-ri 14:1-3)

Rồi Kinh Thánh lại nói tiếp rằng chính Chúa sẽ trở lại và đặt chân Ngài trên Núi Ô-li-ve.  Mới sau trận chiến chỗ các quốc gia trên thế giới đến chống lại Giê-ru-sa-lem, thì Trong ngày đó, chơn Ngài sẽ đứng trên núi ô-li-ve, là núi đối ngang Giê-ru-sa-lem về phía đông … đây là một phân đoạn Kinh Thánh trong Cựu Ước. Ở đây đã nói đến chân của Chúa?

“Trong ngày đó, chơn Ngài sẽ đứng trên núi ô-li-ve, là núi đối ngang Giê-ru-sa-lem về phía đông.” (Xa-cha-ri 14:4)

Giờ chúng ta xem Tân Ước dạy điều gì?

Lu-ca 24:50 chỉ rằng Chúa Giê-xu lên trời ở gần Bethany — tức trên triền phía đông của núi Ô-li-ve.

Công Vụ Các Sứ Đồ 1:10-11 nói rằng có 2 thiên sứ nói rằng Ngài sẽ trở lại cùng một cách như Ngài đã ra đi.

Họ còn chăm chú nhìn theo Ngài lên trời, bỗng có hai người nam mặc áo trắng hiện ra đứng bên họ,  bảo: “Các người Ga-li-lê kia, sao các anh cứ đứng nhìn lên trời làm gì? Đức Giê-su này vừa được tiếp đón về trời khỏi các anh cũng sẽ trở lại như cách các anh thấy Ngài lên trời vậy!” 

Đúng thế, Chúa Giê-xu sẽ trở lại như cách người ta thấy Ngài thăng thiên – trên núi Ô-li-ve.

Đó là ngày Tái Lâm của Chúa – ngày mà không ai ngoài Ngài sẽ làm Vua trên khắp đất và chỉ có Danh Ngài được chúc tụng.

“CHÚA sẽ là vua Cai trị toàn cầu. Ngày ấy, duy nhất chỉ có CHÚA, Và duy nhất chỉ có danh Ngài.  [Xa-cha-ri 14:9]

Nhưng rồi Kinh Thánh lại nói một điều rất lạ lùng …

Rằng những người sống sót từ các quốc gia đã chống lại Giê-ru-sa-lem lúc đó sẽ được yêu cầu lên Giê-ru-sa-lem hằng năm để “thờ lạy trước mặt Vua” và “để giữ lễ Lều Tạm” và nếu họ không làm thì trời sẽ không mưa xuống cho họ.

Bấy giờ, tất cả những người còn sống sót từ mọi dân tộc đã tiến đánh thành Giê-ru-sa-lem, hằng năm sẽ đi hành hương, lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng CHÚA Vạn Quân, và mừng lễ Lều Tạm. Trong các dân tộc trên đất, dân tộc nào không đi hành hương lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng CHÚA Vạn Quân, thì sẽ không có mưa cho chúng. Nếu dân tộc Ai-cập không đi hành hương lên Giê-ru-sa-lem, không đến thờ phượng, thì chúng sẽ không có mưa, và CHÚA sẽ giáng xuống chúng tai họa mà Ngài giáng xuống các dân tộc không đi hành hương lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ Lều Tạm. Đó là hình phạt mà Ai-cập sẽ phải chịu, và cũng là hình phạt mọi dân tộc không lên mừng lễ Lều Tạm sẽ phải chịu. (Xa-cha-ri 14:16-19)

Tại sao Chúa muốn mọi dân tộc phải giữ lề Lều Tạm – cả dân ngoại chứ không chỉ người Do Thái?  Sao không phải là lễ Vượt Qua, khi Ngài hiến mạng sống mình? Tại sao không phải là ngày Cây Trái Đầu Mùa khi Ngài sống lại từ kẻ chết? Sao không phải là ngày Shavuoth/hay Lễ Ngũ Tuần, ngày mà Luật Pháp và Thánh Linh được ban cho? Sao lại là ngày Lều Tạm/Sukkot?

Phải chăng đó là lúc mà mọi quốc gia dân tộc trên thế giới sẽ cử hành ngày Sinh Nhật của Chúa trong ngày sinh thật sự của Ngài – chứ không phải là vào ngày 25 tháng 12 như đang làm hiện nay?

Chúng ta đã nói ở trên rằng Chúa Giê-xu sẽ trở lại trên núi Ô-li-ve, nhưng khi nào? hãy biết rằng chúng ta không biết ngày cũng không biết giờ Chúa trở lại – như điều Kinh Thánh nói rằng chỉ có một mình Cha biết (Ma-thi-ơ 24:36, Mác 13:32) nhưng biết thì giờ trong năm, biết mùa.

Nhiều nhà thần học tin rằng Chúa Giê-xu sẽ trở lại vào ngày Rosh Hashanah, còn được gọi là Lễ Thổi Kèn có tên gọi trong Kinh Thánh là Yom Teruah (nghĩa đen là “ngày reo mừng”) — là ngày lễ duy nhất của Y-sơ-ra-ên chưa được ứng nghiệm trong Chúa Giê-xu;

Vì khi mệnh lệnh ban ra cùng với tiếng gọi của thiên sứ trưởng và tiếng kèn của Đức Chúa Trời vang lên thì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống. Bấy giờ những người chết trong Chúa Cứu Thế sẽ sống lại trước hết, rồi đến chúng ta là những người đang sống mà còn lại sẽ cùng họ được cất lên trong đám mây để nghênh tiếp Chúa trên không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.(1 Tê-sa-lô-ni-ca 4: 16-17)

Lịch của Do Thái là âm lịch, bởi thế mỗi năm, ngày lễ Thổi Kèn/Rosh Hashanah rơi vào một ngày khác trong dương Lịch. Cho rằng Ngài sẽ trở lại vào ngày Lễ Thổi Kèn không nói lên được đó là ngày nào; vì còn tùy thuộc vào năm. Ngày đó có thể là ngày thứ ba thứ hau, hay bất kỳ ngày nào, kể cả ngày Sa-bát.

Nhưng phải chăng với tất cả những ngày lễ đã được ứng nghiệm trên Chúa Giê-xu, ngày lễ Thổi Kèn là ứng nghiệm cuối cùng khi Ngài trở lại?

Bảng so sánh đối chiếu dưới đây cho ta thấy tương ứng của lịch Tây với lịch Do Thái

Tháng theo lịch Do Thái Tương ứng với lịch tây (của năm 2000)
Nisan Tháng tư, tháng năm
Iyar Tháng năm, tháng sáu
Sivan Tháng sáu, tháng bảy
Tamuz Tháng bảy, Tháng tám
Av Tháng tám
Elul Tháng chín
Tishri Tháng chín, Tháng mười
Heshvan Tháng mười, Tháng mười một
Kislev Tháng mười một, Tháng mười hai
Tevet Tháng mười hai, Tháng một
Shevat Tháng một, Tháng hai
Adar Tháng hai, Tháng ba
Adar Bet (Leap month) Tháng ba, Tháng tư

Có rất nhiều tranh cãi vẫn đang diễn ra về ngày sinh thực sự của Chúa Giê-xu. Có rất nhiều câu hỏi mà sự giới hạn của con người không trả lời nổi. Dù sao thì ngày 25 tháng 12 đã được chọn bởi phần đông và được giữ trong gần 2.000 năm. Sau tất cả, chúng ta hãy cùng nhau cảm tạ Chúa đã ban Con Một cho chúng ta và chúng ta cùng nhau kỷ niệm Chúa đã sinh ra đời.

Dịch: Ân Điển

Nguồn: Jewishrootsofchristianity.ca

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like