Home Khoa học -Khảo cổ Bằng Chứng Từ ADN Cho Thấy Những Người Mắt Xanh Đến Israel Cách Đây 6.500 Năm Từ Iran

Bằng Chứng Từ ADN Cho Thấy Những Người Mắt Xanh Đến Israel Cách Đây 6.500 Năm Từ Iran

30 đọc

Nghiên cứu về xương từ nghĩa địa Ga-li-lê khổng lồ giúp lấp đầy khoảng trống thời gian 3.000 năm hiểu biết về những người dân ở vùng cận đông cổ đại.

Theo một nhóm các nhà khoa học liên ngành quốc tế, có những người định cư da trắng, mắt xanh đã sống ở vùng cận đông của Trung Đông khoảng 6.500 năm trước. Một bài báo được phát hành trên tạp chí bình duyệt Nature Communications đã làm sáng tỏ những bí ẩn về cách làm thế nào nền văn hóa thời kỳ đồ đồng (Chalcolithic) du nhập vào vùng Ga-li-lê, đó là: thông qua di dân.

Khi các nhà khoa học lập bản đồ gen trong xương của 22 trong số 600 bộ xương người được phát hiện ở một nghĩa địa khổng lồ gần Peki’in nằm phía bắc của đất nước, họ đã tìm thấy một sự kết hợp di truyền khá giống với những người định cư trước đây và sau đó của khu vực.

Theo các tác giả trên, những phát hiện này giải quyết những tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ về nguồn gốc của nền văn hóa đồ đồng (Chalcolithic) độc nhất vô nhị, khi các hiện vật thuộc về nền văn hóa này “có rất ít mối liên kết về phong cách nghệ thuật với các nền văn hóa vật thể từng xuất hiện trước hoặc sau đó ở khu vực này.” Những di chỉ có tính nghệ thuật cao và giá trị tăng vọt đã “dẫn đến cuộc tranh luận rộng rãi về nguồn gốc của những con người tạo ra nền văn hóa vật chất này.” Phải chăng những cư dân địa phương là người đã du nhập các tập tục được tìm thấy trong các nền văn hóa đương thời ở phía bắc, hay là qua việc di cư?

Bình chôn trong thời đồ đồng

Theo bài báo, “ADN cổ đại từ thời kỳ văn hóa đồ đồng của Israel cho thấy vai trò của sự pha trộn dân tộc trong quá trình biến đổi văn hóa,” các nhà khoa học kết luận rằng cộng đồng đồng nhất được tìm thấy trong hang động có thể đến từ: khoảng 57% tổ tiên là những dân tộc Cận đông thời kỳ đồ đá mới (Neolithic) địa phương, khoảng 26% tổ tiên là những dân tộc Anatolian thời kỳ đồ đá mới (Neolithic), và ~ 17% tổ tiên là những dân tộc Iran thời kỳ đồ đồng (Chalcolithic).

Công trình nghiên cứu được dẫn đầu bởi các nhà nghiên cứu như Tiến sĩ Hila May và Giáo sư Israel Hershkovitz thuộc Khoa Giải phẫu học và Nhân chủng học –  Trường Đại học Tel Aviv, nhà nghiên cứu Dan David – Trung tâm nghiên cứu tiến hóa và sinh học con người; Tiến sĩ Dina Shalem –  Viện Khảo cổ học Galilean tại trường Đại học Kinneret và Cơ quan bảo tồn di tích cổ Do Thái, là một trong những nhà khảo cổ học đầu tiên khai quật hang động năm 1995; và Éadaoin Harney cùng với Giáo sư David Reich của Trường Đại học Harvard.

“Việc phân tích di truyền giúp đưa ra câu trả lời cho câu hỏi chính chúng tôi đã đặt ra để giải quyết,” Giáo sư Reich trường Đại học Harvard cho biết. “Nó cho thấy rằng người Peki’in có tổ tiên từ những người miền bắc – tương tự như những người sống ở Iran và Thổ Nhĩ Kỳ – gen này không có trong những người nông dân Cận đông thời đầu.”

Nhà khảo cổ học Shalem cho biết hang thạch nhũ tự nhiên, dài 17 m và rộng 5-8 mét này là hang có một không hai cả về số lượng xương được chôn trong đó và về “họa tiết nổi bật” – các thiết kế hình học và hình người – được mô tả trên các chai lọ đựng hài cốt còn sót lại.

Tiến sĩ Shalem phát biểu: “Một số phát hiện trong hang này mang tính điển hình cho khu vực, nhưng một số khác cho thấy có sự giao lưu văn hóa với những khu vực cách xa hơn. Công trình nghiên cứu này giải quyết một cuộc tranh luận kéo dài về nguồn gốc của nền văn hóa độc đáo người thời đồ đồng (Chalcolithic). Liệu sự thay đổi văn hóa tại khu vực này xảy ra do những làn sóng di cư; sự xâm nhập của những luồng tư tưởng mới là kết quả của các mối quan hệ thương mại và/hoặc giao lưu văn hóa; hay là phát minh của địa phương? Giờ đây chúng ta biết rằng câu trả lời là do di cư.”

Hình 3D của chuỗi ADN

Thời đại Chalcolithic, còn được gọi là Thời đại đồ đồng đỏ (Copper Age), theo sau Thời đại đồ đá (Stone Age) và trước Thời đại đồ thiếc (Bronze Age). Đã có nhiều phân tích ADN về những người định cư trong vùng cận đông Thời đại đồ đồng, trong đó bao gồm việc phát hành nghiên cứu về những bộ xương được chôn từ Thời đại đồ đồng vào mùa hè năm trước, cho thấy 93% tổ tiên của người Lebanon hiện đại đến từ người Ca-na-an. Giờ đây, bản đồ bộ gen mới của người Pekiin đã lấp đầy khoảng trống 3.000 năm của các phân tích về ADN.

Nghiên cứu ADN đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi được được đặt ra bởi các nhà khảo cổ trên khắp Israel, là những người đã khai quật các di tích bằng đồng và các kỹ thuật chế tác đồ kim loại khác không phải thuộc Israel mà thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Được phát hiện vào năm 1961, hang Treasure gần Ein Gedi chứa 429 vật thể được giấu kín cách đây 6.500 năm. Trong số những vật thể này, một số được làm từ đồng được cho là đã được nhập từ miền đông Thổ Nhĩ Kỳ hoặc vùng Caucasus. Tương tự, hang Ashalim của Negev, được tìm thấy vào năm 2012, chứa một vật thể bằng chì được tạo ra bởi công nghệ Anatolia từ nước ngoài.

Với kết luận của công trình nghiên cứu mới, một nửa bộ gen của người Chalcolithic bản xứ có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cổ đại, dường như những hiện vật này có thể đã đến trong quá trình di cư và không đơn thuần là kết quả phụ của một con đường thương mại như đã từng nêu trước đây.

“Cave of Treasure.” (Courtesy of the Israel Museum) Trong năm 1961, một nhóm khảo cổ gia đi tìm các Cuộc biển Chết. Thay vào đó, họ lại tìm ra biểu tượng hai con dê núi và nơi đượ gọi là “Hang Kho Báu.”

Một khám phá tình cờ nguồn di tích khổng lồ

Hang mộ của người Peki’in, nghĩa trang lớn nhất từng được xác định kể từ giai đoạn cuối của thời kỳ đồ đá tại khu vực Cận đông, được phát hiện tình cờ vào năm 1995 trong quá trình làm đường. Khi đó, một xe máy kéo vô tình khiến cho một phần mái của hang mộ bị sụp, nhờ đó làm lộ ra hàng trăm bình đựng hài cốt và một hệ thống nền được lát và có nhiều tầng.

Trong một bài báo tạp chí Khảo cổ học Odyssey năm 1998, các nhà khảo cổ ban đầu đã đưa ra giả thuyết rằng hang này là một nghĩa trang dành cho những người quan trọng và có thế lực, và họ ví nơi này như “trục bánh xe, có những chiếc nan hoa tỏa ra mọi hướng.”

Các nhà khảo cổ đã chỉ ra rằng các thi thể được đưa đến hang mộ từ mọi hướng để canh giữ – từ những nơi xa như Thung lũng Jordan, sa mạc Judean và Negev, và bờ biển Lebanon. Theo các nhà khoa học thì: “Rõ ràng, họ đã nỗ lực rất lớn mới có thể vận chuyển được thi thể người chết đến địa điểm uy nghiêm này.”

Hang Peki’in

Những hiện vật được phát hiện trong hang này là “một bảo tàng thật sự của nền nghệ thuật đồ đồng (Chalcolithic).”

“Những vật dụng thờ cúng thời kỳ này thể hiện phong cách nghệ thuật của nhiều nhóm văn hóa khu vực Cận đông,” mà theo các nhà khảo cổ học thì hang này được coi là “một trung tâm tang lễ của khu vực, nơi mọi người từ khắp nơi trong khu vực Palestine cổ đại đã hội tụ để chôn cất người chết”. Theo nghiên cứu mới, phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ cho thấy hang mộ này được sử dụng trong suốt thời kỳ sau của Thời đại đồ đồng (Chalcolithic) (4500–3900 TCN).

Thật không may, mặc dù hang đã bị niêm phong trong khoảng 6.000 năm, nhưng ngay sau thời gian đầu bị hang mộ đóng cửa, những tên cướp mộ đã đột nhập và gây ra sự phá hủy hàng loạt tại địa điểm này. Người ta cho rằng chúng đã lấy đi hầu hết các đồ vật bằng kim loại mà có thể đã được chôn cất cùng với người chết, vì con số đồ vật tìm thấy tại nơi này thấp hơn nhiều so với những khu vực khác cùng thời đại.

Mặc dù đối diện với nạn phá hoại tràn lan này, rất nhiều hài cốt người được bảo quản vẫn có thể được sử dụng để thử nghiệm di truyền. Theo bài báo của Nature Communications, trong một cơ sở phòng ốc sạch sẽ chuyên dụng tại Trường Y Harvard, các nhà khoa học đã “lấy được bột xương từ 48 bộ xương còn sót lại, trong đó có 37 bộ nổi tiếng về tình trạng ADN được bảo tồn xuất sắc.”

Dữ liệu được trích xuất từ ​​phần còn lại của xương, lấy từ 22 di cốt, “có chất lượng xuất sắc của ADN thường khó bảo quản được bởi khí hậu vùng cận Đông ấm áp,” các nhà khoa học viết.

Theo Hershkovitz của trường Đại học Tel Aviv, “ADN của con người được bảo tồn trong xương của những người bị chôn vùi trong hang Peki’in, có khả năng là do các điều kiện mát mẻ trong hang động và lớp vỏ đá vôi đã giúp che phủ xương và bảo tồn AND.”

Kết quả là, các nhà nghiên cứu đã có thể thực hiện phân tích toàn bộ bộ gen của 22 bộ xương.

“Công trình nghiên cứu 22 di cốt này là một trong những nghiên cứu về ADN cổ ​​đại lớn nhất được thực hiện từ một địa điểm khảo cổ duy nhất, và cho đến nay đây là công trình lớn nhất từng được báo cáo ở vùng Cận Đông,” nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tel Aviv cho biết.

Các nhà khoa học đã khám phá ra một số đặc điểm di truyền lặn mà các nhà khoa học không nghĩ sẽ tìm thấy trong các di cốt người từ khu vực Cận đông.

“Một số đặc điểm, chẳng hạn như đột biến di truyền góp phần tạo ra màu mắt xanh, đã không nhìn thấy trong kết quả xét nghiệm ADN của những di cốt người Cận đông trước đó,” May nói.

Cộng đồng da trắng, mắt xanh đã mất đi, nhưng ít nhất giờ đây các nhà nghiên cứu đã có được ý tưởng tại sao. “Những phát hiện này cho thấy sự thăng trầm của nền văn hóa đồ đồng (Chalcolithic) có lẽ là do những thay đổi nhân khẩu học tại khu vực này,” May nói.

Dịch: Agnes Le

Nguồn: Timesofisrael.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like