Home Chúa sáng tạo Tại Sao Người Không Có Đuôi? – Phần 3 và hết: Cái đuôi và thuyết tiến hóa

Tại Sao Người Không Có Đuôi? – Phần 3 và hết: Cái đuôi và thuyết tiến hóa

by Viethungpham.com
30 đọc

Nhưng hãy trở lại với câu chuyện về cái đuôi của con người.

Thuyết tiến hóa thích câu chuyện này, vì đây là dịp để họ sử dụng những hình vẽ giả mạo của Haeckel mà họ cho là “hợp lý” (!). Họ nói rằng xương cụt là “dấu vết còn sót lại” của cái đuôi động vật. Họ còn chỉ ra nhiều bộ phận “vô ích” khác ở con người như những “di tích” chưa hoàn toàn biến mất trong quá trình tiến hóa. Không may cho họ, khoa học càng tiến lên càng để lộ cho thấy họ… dốt. Ngược lại, những người tin vào lý thuyết thiết kế thông minh hoặc Thuyết Sáng tạo thì nghĩ rằng chẳng có cái gì là vô ích cả, mọi thứ Chúa sáng tạo ra đều có vai trò của nó, nhưng có thể chúng ta chưa đủ khôn để hiểu rõ mà thôi. Vậy hãy nói về cái đuôi của con người.

Câu chuyện sau đây nhắm tới 3 câu hỏi cần được trả lời:

  1. Con người có thể có đuôi không?
  2. Cái đuôi có phải là đặc trưng phân biệt động vật với con người không?
  3. Nếu con người có đuôi, đó có phải là dấu hiệu chứng tỏ con người xuất thân từ động vật không?

Trước hết, phải nói rằng bạn T.H. hoàn toàn đúng khi nhận xét rằng con người không có đuôi! Có một số trường hợp y khoa xác nhận người “có đuôi”, nhưng không phải là đuôi theo đúng nghĩa giải phẫu sinh lý động vật học, mà là một bộ phận dị dạng trông giống như cái đuôi.

Dưới ánh sáng của khoa học về đột biến gene, có thể khẳng định rằng những trường hợp người “có đuôi” (bộ phận dị dạng trông giống một cái đuôi) là hậu quả của đột biến gene.

Như bài báo “Genetic Entropy / Sự Thoái hóa Di truyền”[4] đã cho thấy, đột biến gene (genetic mutation), không phải là một cơ chế dẫn tới tiến hóa, mà ngược lại, nó là CƠ CHẾ CỦA SỰ THOÁI HÓA (devolution) ─ đột biến gene là nguyên nhân dẫn tới LÃO – BỆNH – TỬ – TUYỆT CHỦNG!

Dưới con mắt của cả Phật giáo lẫn Kitô giáo, hiện tượng lão – bệnh – tử – tuyệt chủng không chỉ có nguyên nhân logic khoa học, mà còn có nguyên nhân sâu xa về mặt tinh thần và tâm linh. Tuy nhiên, câu chuyện của chúng ta hôm nay chỉ bàn tới nguyên nhân khoa học, đó là đột biến gene.

Quái thai là sản phẩm điển hình của đột biến gene! Có hàng trăm hàng ngàn kiểu quái thai. Không ai có thể dự đoán hết mọi dạng đột biến gene nên không ai có thể dự đoán hết mọi dạng quái thai. Nhưng những gì chúng ta chứng kiến về những dạng quái thai ở người và động vật thiết tưởng đã quá đủ để làm cho chúng ta ghê sợ. Thí dụ người có lông lá đầy mình không khác gì thú vật,… Các nhà tiến hóa thường coi những trường hợp này là hiện tượng “lại giống” (một bằng chứng để lộ mối quan hệ họ hàng giữa người với thú vật). Nhưng thực ra đó chỉ là hậu quả của đột biến gene. Trường hợp người “có đuôi” cũng tương tự, đó là đột biến gene dẫn tới quái thai, một dạng bệnh lý!  Xin lưu ý rằng những quái thai được gọi là “có đuôi” không phải là có đuôi thực sự, theo nghĩa là có một cái đuôi có xương cốt và cơ bắp để cử động. Để hiểu thêm vấn đề này, xin đọc bài báo sau đây:

“The Human Tail and Other Tales of Evolution”[5] (Đuôi người và những chuyện chuyện bịa đặt khác của Thuyết tiến hóa) của TS David Menton ngay 29/07/2017 trên trang Answers in Genesis. Xin lược duyệt đôi điều trong bài báo này.

Ngày 20/05/1982, trên tạp chí Y khoa The New England, Tiến sĩ Fred Ledley đã trình bày một báo cáo lâm sàng có tựa đề “Tiến hóa và đuôi người”. Báo cáo của Ledley liên quan đến một em bé sinh ra với sự phát triển một khối thịt dài hai inch trên lưng của nó, mang một bề ngoài giống như cái đuôi. Ledley mạnh mẽ ngụ ý rằng khối thịt mọc ra này về cơ bản là một cái “đuôi người”, mặc dù ông thừa nhận rằng nó hầu như không có đặc điểm sinh học đặc biệt nào của một cái đuôi!

Tất cả những các đuôi thực sự của động vật đều có xương như là phần nối tiếp mở rộng của cột sống. Ngoài ra, tất cả các đuôi thực sự đều có các cơ liên quan đến đốt sống của chúng, cho phép cái đuôi có thể vận động theo những ý muốn nhất định. Ledley thừa nhận rằng chưa bao giờ có một trường hợp nào được báo cáo về một cái đuôi động vật mà không có những tính năng đặc biệt này, và cũng không có một trường hợp “đuôi người” nào có bất kỳ tính năng nào trong số những tính năng này. Trên thực tế, “đuôi người” mà Ledley mô tả chỉ đơn thuần là một sự phát triển thừa của da không nằm ở đúng nơi trên lưng để trở thành một “cái đuôi”! Tuy nhiên, Ledley đã coi cái “đuôi người” mà ông báo cáo là một bằng chứng thuyết phục của thuyết tiến hóa, rằng con người xuất thân từ vượn.

“Đuôi người” chỉ là một thí dụ của cái mà các nhà tiến hóa gọi là “cơ quan vết tích” (vestigial organ), tức là bộ phận để lại vết tích của tổ tiên. Tên gọi này ngụ ý đó là những bộ phận “dư thừa” trên con người như những tàn dư vô dụng của những gì đã từng là những cơ quan có chức năng hữu ích trong các thế hệ tổ tiên nguyên thủy của chúng ta. Gần đây nhất là năm 1971, Bách khoa toàn thư Britannica tuyên bố rằng có hơn 100 “cơ quan vết tích” ở con người. Ngay cả các cơ quan quan trọng như tuyến ức và tuyến cận giáp đã từng được coi là di tích đơn giản vì chức năng của chúng không được hiểu rõ. Khi khoa học y sinh đã tiến triển, số lượng các “cơ quan vết tích” ngày càng giảm đi. Nhưng bất chấp sự thật đó, các “cơ quan vết tích” vẫn được đề cập trong sách giáo khoa như một trong những bằng chứng mạnh nhất cho sự tiến hóa, chống lại Lý thuyết Thiết kế Thông minh và Thuyết Sáng tạo. Các ví dụ được trích dẫn thường xuyên nhất về các “cơ quan vết tích” ở người là xương cụt và ruột thừa.

Xương cụt của con người, hoặc “xương đuôi”, là một nhóm bốn hoặc năm đốt sống nhỏ hợp nhất thành một xương ở đầu dưới của cột sống của chúng ta. Các nhà tiến hóa tin chắc rằng xương cụt là một di tích của một cái đuôi còn sót lại từ tổ tiên loài vượn của chúng ta.

Hầu hết các sách giáo khoa sinh học hiện đại cung cấp cho người học một ấn tượng sai lầm rằng xương cụt của con người không có chức năng thực sự nào khác là để nhắc nhở cho loài người biết rằng chúng ta là hệ quả “không thể tránh khỏi” của sự tiến hóa. Thực ra, xương cụt có một số chức năng rất quan trọng. Một số cơ bắp hội tụ từ sự sắp đặt như những vòng nhẫn của xương chậu (xương hông) để neo trên xương cụt, hình thành nên một tầng cơ bắp hình bát của xương chậu được gọi là cơ hoành vùng chậu. Xương cụt bẻ cong vào với cơ hoành vùng chậu của nó giữ cho nhiều cơ quan trong khoang bụng của chúng ta rơi đúng qua giữa hai chân của chúng ta. Một số cơ hoành vùng chậu cũng rất quan trọng trong việc kiểm soát việc loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể chúng ta thông qua trực tràng. Tóm lại, xương cụt đóng vai trò rất quan trọng chứ không phải một “cơ quan vết tích” của cái đuôi xa xưa nay đã trở nên vô ích như nhiều sách giáo khoa của thuyết tiến hóa mô tả.

Một tuyên bố phổ biến khác của các nhà tiến hóa có thể tìm thấy trong sách giáo khoa là ruột thừa của con người thực ra chỉ là một “ruột tịt vết tích” (vestigial ceacum) còn sót lại từ tổ tiên tiến hóa ăn thực vật của chúng ta. Ruột tịt là một túi mù kết thúc gần đầu của ruột già, cung cấp thêm không gian cho tiêu hóa. Ở một số động vật ăn thực vật, chẳng hạn như bò, ruột tịt chứa vi khuẩn đặc biệt hỗ trợ tiêu hóa cellulose. Ruột thừa rõ ràng không phải là một “ruột tịt vết tích” vì hầu hết các động vật có vú đều có một ruột tịt và nhiều trong số đó cũng có một ruột thừa! Ví dụ con người vừa có một ruột tịt vừa có một ruột thừa ─ chẳng có cái gì là vết tích hoặc vô dụng. Ruột thừa, giống như amiđan vòm họng từng bị coi là “vết tích dư thừa”, là một cơ quan bạch huyết (một phần của hệ thống miễn dịch của cơ thể) làm cho kháng thể chống nhiễm trùng trong hệ tiêu hóa. Vì tin rằng nó là một bộ phận vô dụng “còn sót lại” của quá trình tiến hóa, nhiều bác sĩ phẫu thuật đã từng loại bỏ các ruột thừa khỏe mạnh ngay cả khi nó đang nằm yên lành trong các khoang bụng. Ngày nay, việc loại bỏ một ruột thừa lành mạnh trong hầu hết các trường hợp sẽ bị coi là một sai lầm về y tế.

157181951-56a5cfb25f9b58b7d0de8b44

Trong khi đó, có những cơ quan trong cơ thể không được biết rõ chức năng ở động vật trưởng thành nhưng không hề thể hiện một dấu vết tiến hóa nào cả. Ví dụ, các tuyến vú phát triển kém và không hoạt động ở con đực trưởng thành của tất cả các động vật có vú, kể cả con người. Ngay cả các nhà tiến hóa cũng không tin rằng những tuyến thô sơ này là tuyến vú di truyền còn sót lại từ tổ tiên của con người, họ cũng không tin rằng con đực từng nuôi dưỡng con cái của họ. Có một lời giải thích tốt hơn nhiều cho tuyến vú của nam giới. Nam và nữ phát triển từ phôi gần giống hệt nhau, trong đó, ở giai đoạn đầu phát triển, trở thành nam hoặc nữ dưới ảnh hưởng của các gene trong nhiễm sắc thể giới tính. Các bộ phận tương tự của phôi thai có thể sinh ra các cơ quan sinh dục nam và nữ và tuyến vú. Ở người, hầu như mọi thành phần của cơ quan sinh dục nữ đều có thể được tìm thấy ở dạng thô sơ ở nam giới; và ngược lại cũng đúng. Do đó, sự hiện diện của các cơ quan thô sơ ở người lớn không cho chúng ta biết điều gì đó về sự tiến hóa, mà đúng hơn là nói cho chúng ta điều gì đó về phôi thai.

Tóm lại, vấn đề “vết tích” còn sót lại của sự tiến hóa của nhiều cơ quan trong cơ thể động vật và của chúng ta đơn thuần chỉ là cách che đậy sự thiếu hiểu biết về chức năng thực sự của chúng. Thật không may, có rất ít chương trình nghiên cứu ý nghĩa và chức năng thực sự của các cơ quan bị coi là “vô dụng”. Hiện tại có rất ít cơ quan được coi là không có chức năng ở cả phôi thai lẫn người trưởng thành. Ngay cả khi có các bộ phận được coi là “cơ quan vết tích”, chúng cũng không hề cung cấp bằng chứng nào cho sự tiến hóa mà ngược lại, chúng chỉ nói lên sự THOÁI HÓA do đột biến gene!

Nan đề đối với các nhà tiến hóa không phải là ở chỗ các cơ quan hữu ích bị mất đi như thế nào, mà ở chỗ sự tiến hóa đã tạo ra các cơ quan mới hữu ích như thế nào, với tất cả sự phức tạp mà chúng đã tích hợp. Ở đây chúng ta tìm thấy những câu chuyện bịa đặt của thuyết tiến hóa.

Kết luận

Hãy tưởng tượng một cuộc đối thoại giữa bạn T.H. và tôi xung quanh chủ đề cái đuôi của con người. Bạn T.H. nói trước, tôi nói sau:

  • Tại sao con người không có đuôi?
  • Vì Bộ Gene của con người (Human Genome) đã thiết kế như vậy.
  • Bộ Gene là cái gì mà thông minh như vậy?
  • Bộ Gene là ngôn ngữ do Chúa viết ra (Francis Collins). Nói cách khác, Chúa đã thiết kế con người không có đuôi!

Để kết câu chuyện hôm nay, tôi xin trả lời 3 câu hỏi đã nêu ở trên:

  1. Con người không có đuôi. Những bằng chứng y khoa cho thấy một số trường hợp người “có đuôi” thực ra không phải là có đuôi thực sự theo nghĩa giải phẫu sinh lý học, mà chỉ là một bộ phận dị dạng trông giống như cái đuôi. Bộ phận dị dạng này là hậu quả của đột biến gene. Điều này nằm trong một quy luật phổ biến của sự sống, đó là: đột biến gene dẫn tới quái thai! Chính xác hơn và tổng quát hơn: đột biến gene dẫn tới THOÁI HÓA! Sự thoái hóa bao gồm lão – bệnh – tử – tuyệt chủng! Quái thai là một biểu hiện của bệnh.
  2. Đuôi không phải là dấu hiệu phân biệt người với linh trưởng, vì rất nhiều loài hoặc giống linh trưởng không có đuôi. Chỉ có một số loài hoặc giống linh trưởng có đuôi mà thôi. Vì thế ý nghĩ cho rằng xương cụt là “vết tích” còn sót lại của sự tiến hóa từ vượn lên người là hoàn toàn bịa đặt. Sự bịa đặt này là kết quả của một tư duy bị ám ảnh bởi thuyết tiến hóa Darwin.
  3. Vì con người không có đuôi, xương cụt không phải là vết tích của cái đuôi còn sót lại, nên mọi liên hệ về sự tiến hóa từ vượn lên người thông qua cái đuôi tưởng tượng đều là những lập luận tưởng tượng do các nhà tiến hóa áp đặt lên tư duy của khoa học trong 150 năm qua, dẫn đến những sai lầm tai hại về những bộ phận được coi là “cơ quan vết tích” vô dụng còn sót lại sau quá trình tiến hóa. Điều này chỉ phản ánh sự dốt nát của con người mà thôi. Với sự phát triển của khoa học, càng ngày người ta càng thấy rằng chẳng có bộ phận nào là vô ích hoặc dư thừa cả, chỉ có sự dốt nát kém hiểu biết mà thôi. Con người không có đuôi. Xương cụt không phải là vết tích của cái đuôi trong quá trình tiến hóa! Một số người mọc “đuôi giả” là do đột biến gene.

Kết luận quan trọng nhất mà tôi muốn gửi tới độc giả là:

Đột biến gene không dẫn tới tiến hóa (evolution), mà dẫn tới thoái hóa (devolution)!

(Hết)

Nguồn: Viethungpham.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like