Home Chuyên Đề Tội Lỗi Của Việc Phán Xét Người Khác – Phần 2: NHỮNG VIỆC LÀM SAU ĐÂY LÀ ĐANG PHÁN XÉT NGƯỜI KHÁC MỘT CÁCH SAI TRÁI

Tội Lỗi Của Việc Phán Xét Người Khác – Phần 2: NHỮNG VIỆC LÀM SAU ĐÂY LÀ ĐANG PHÁN XÉT NGƯỜI KHÁC MỘT CÁCH SAI TRÁI

by Sưu Tầm
30 đọc

1. BẠN ĐANG PHÁN XÉT NGƯỜI TA MỘT CÁCH SAI TRÁI KHI BẠN CHỈ TRÍCH NGƯỜI ĐÓ VÌ LÒNG ĐỐ KỴ, SỰ CAY ĐẮNG, THAM VỌNG ÍCH KỶ, HOẶC MỘT SỐ TỘI LỖI KHÁC, CHỨ KHÔNG PHẢI TÌM CÁCH GÂY DỰNG NGƯỜI ĐÓ TRONG ĐẤNG CHRIST.

Nói cách khác, động cơ của bạn là rất quan trọng! Khi Gia-cơ nói (4:11), “Hỡi anh em, chớ nói hành nhau,” một số bản dịch khác thì nói là, “Đừng nói xấu nhau.” Nói hành, có nghĩa là làm cho ai đó phải xấu hổ hoặc phá hoại danh tiếng của ai đó bằng cách nói với người khác những thông tin sai lệch hoặc cố ý gây hiểu nhầm, những việc làm như vậy luôn luôn là tội lỗi. Nhưng từ ngữ mà Gia-cơ sử dụng có ý nghĩa rộng hơn bao gồm bất kỳ hình thức phê phán bình phẩm nào hoặc chỉ trích ai đó xuất phát từ động cơ ích kỷ. Nói cách khác, những gì bạn nói có thể đúng, nhưng lý do mà bạn chia sẻ điều đó là để làm cho mình trông tốt đẹp và biến người khác trở thành kẻ xấu. Nếu động cơ của bạn khi chỉ trích ai đó là vì ghen tị, tham vọng ích kỷ, ganh đua, kiêu ngạo, hay hận thù, thì bạn đang xét đoán người ta một cách sai trái.

 

2. BẠN ĐANG PHÁN XÉT NGƯỜI TA MỘT CÁCH SAI TRÁI KHI BẠN CHO RẰNG BẠN BIẾT TẤT CẢ CÁC CƠ SỞ LẬP LUẬN VÀ ĐỘNG CƠ THÍCH HỢP ĐẰNG SAU NHỮNG LỜI NÓI HOẶC HÀNH ĐỘNG CỦA MỘT NGƯỜI.

Trong Phi-líp 1:15,17, Phao-lô công kích động cơ của những người đang rao giảng vì lòng ganh tị, tranh cạnh, và tham vọng ích kỷ, họ đang cố làm cho ông đau khổ thêm trong khi bị xiềng xích. Tôi không biết làm thế nào mà Phao-lô biết được động cơ của những người đó. Ông hẳn phải có bằng chứng vững chắc. Nếu bạn không có bằng chứng, thì giống như bạn đang đứng trên một cái nền không vững chắc để đánh giá động cơ của người khác. Chúng ta hiếm khi biết được mọi dữ kiện thích hợp để đưa ra những tuyên bố như vậy.

 

3. BẠN ĐANG PHÁN XÉT NGƯỜI TA MỘT CÁCH SAI TRÁI KHI BẠN THIẾT LẬP CÁC TIÊU CHUẨN CỦA CON NGƯỜI, THAY VÌ NẮM GIỮ TIÊU CHUẨN CỦA LỜI CHÚA.

Phao-lô đã dành hai đoạn Kinh Thánh để nói về vấn đề này. Trong Rô-ma 14, những người chỉ ăn rau xét đoán những người ăn thịt. Những người khác tuân theo những ngày nhất định và lấy đó làm ngày thánh thì đoán xét những người không làm như vậy. Trong I Cô-rinh-tô 8, vấn đề là việc ăn của cúng các thần tượng. Nhưng đây là một vài lĩnh vực mà Kinh Thánh không đưa ra những mệnh lệnh dứt khoát. Thật là sai lầm khi lấy niềm tin cá nhân của bạn trong các lĩnh vực như vậy và thiết lập chúng như tiêu chuẩn để đánh giá những người không có cùng niềm tin với bạn.

Đây là một tội trọng của người Pha-ri-si. Họ đã thêm hàng tá các quy tắc do con người đặt ra vào luật pháp của Đức Chúa Trời, và sau đó xét đoán tất cả những người không tuân giữ những quy tắc này. Họ chuyên tâm về những điều nhỏ nhặt mà bỏ qua điều hệ trọng hơn hết trong luật pháp, là “sự công bình, thương xót và trung tín” (Ma-thi-ơ 23:23). Họ tập trung vào bề ngoài, nhưng tấm lòng họ đã xa cách Đức Chúa Trời. Họ đã bỏ qua các điều răn của Đức Chúa Trời và thay vào đó là những truyền thống của con người (Mác 7:6-9).

 

4. BẠN ĐANG PHÁN XÉT NGƯỜI TA MỘT CÁCH SAI TRÁI KHI BẠN KHÔNG TỰ XÉT ĐOÁN TỘI LỖI CỦA CHÍNH MÌNH TRƯỚC KHI CỐ GẮNG GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC NHẬN RA TỘI LỖI CỦA HỌ.

Đó là quan điểm của Chúa Giê-su trong Ma-thi-ơ 7:1-5. Ngài không nói rằng việc lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình là sai, nhưng trước khi bạn cố gắng để làm điều đó, bạn phải xử lý cây đà trong mắt mình. Nếu bạn đi khám ở một bác sĩ nhãn khoa để lấy một cái rác ra khỏi mắt mình và ông bác sĩ đó thì lại có một cây đà nhô ra từ mắt, bạn sẽ không muốn để cho ông ấy chạm vào mắt của bạn! Và, theo quan điểm khác, nếu bạn không lấy cây đà ra khỏi mắt mình, bạn sẽ vấp phải sự kiêu ngạo và thiếu lòng trắc ẩn nếu bạn cố gắng giúp đỡ anh em mình với cái rác trong mắt của họ. Lấy cây đà ra khỏi mắt của chúng ta là một cách để khiến chúng ta trở nên khiêm nhường!

 

5. BẠN ĐANG PHÁN XÉT NGƯỜI TA MỘT CÁCH SAI TRÁI KHI BẠN CHIA SẺ THÔNG TIN CÁ NHÂN HOẶC NHỮNG ĐIỀU THẦM KÍN CỦA NGƯỜI ĐÓ VỚI MỤC ĐÍCH SAI TRÁI.

Một trong những ví dụ điển hình nhất của điều này là khi ai đó nói “Tôi muốn bạn biết chuyện này để bạn có thể cầu nguyện.” Nhưng bạn thực sự không cần phải biết thông tin này và bạn cũng không phải là một phần của giải pháp. Người chia sẻ thông tin đó chỉ muốn cảm thấy mình quan trọng bởi vì mình biết những gì đang xảy ra. Hoặc, một cách phổ biến khác mà điều này xảy ra là khi bạn chia sẻ thông tin gây hại cho người khác để làm cho bản thân mình nhìn có vẻ tốt đẹp hoặc để lôi kéo người khác đứng về phía mình nhằm chống lại người kia vì mối hận thù mà bạn có với họ. Thông thường thông tin này là sai hoặc gây hiểu nhầm. Nhưng người chia sẻ những thông tin đó muốn xuyên tạc sự thật nhằm chống lại người kia vì một lý do nào đó, thường là để che giấu tội lỗi của chính mình.

 

6. BẠN ĐANG PHÁN XÉT NGƯỜI TA MỘT CÁCH SAI TRÁI KHI BỞI TÍNH TỰ MÃN, MÀ BẠN CHỈ TRÍCH HOẶC PHỈ BÁNG NGƯỜI KHÁC CHỈ VÌ MỘT VẤN ĐỀ NHỎ HOẶC QUÁ ĐỖI BÌNH THƯỜNG .

Có lẽ bạn có cái nhìn sâu sắc về một vấn đề mà người khác còn thiếu. Hoặc, bạn chưa bao giờ phải tranh chiến với cùng một vấn đề mà người khác đang tranh chiến. Trong cuộc trò chuyện với một người thứ ba, bạn kể lại một cách xúc phạm về sự thiếu hiểu biết của người này hoặc việc người đó tranh chiến với tội lỗi của mình, và động cơ của bạn là để cho thấy bạn “tài giỏi” như thế nào bằng cách so sánh. Đó là phán xét anh em mình!

 

7. BẠN ĐANG PHÁN XÉT NGƯỜI TA MỘT CÁCH SAI TRÁI KHI BẠN THỰC HIỆN MỘT TUYÊN BỐ MANG TÍNH ĐỘC ĐOÁN VỀ SỐ PHẬN CỦA MỘT NGƯỜI TRONG CÕI ĐỜI ĐỜI.

Kinh Thánh đưa ra nhiều sự thử nghiệm mà chúng ta có thể áp dụng cho bản thân để xác định xem đức tin của chúng ta có chân thật hay không (ví dụ 1 Giăng). Những thử nghiệm này cũng thích hợp để áp dụng cho người khác. Chúa Giê-su đã nói, đối với các giáo sư giả (Ma-thi-ơ 7:16), “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được.” Nếu hành vi hay sự dạy dỗ của một người không phù hợp với Kinh Thánh, bạn có thể đưa ra kết luận một cách chính xác, người đó là một tín hữu chưa trưởng thành. Hay tệ hơn, người đó có thể vẫn chưa được cứu.

Chúng ta có thể nói, “Dựa vào bông trái, tôi đặt câu hỏi về sự cứu rỗi của người đó” khi nói chuyện với một Cơ Đốc nhân đã tuyên xưng đức tin nhưng đời sống hay giáo lý của họ không phù hợp với Kinh Thánh. Nhưng chúng ta không thể nói với ai đó một cách độc đoán rằng: “Bạn sẽ xuống địa ngục.” Chỉ có Đức Chúa Trời mới biết chắc về điều đó.

(Còn tiếp)

 

Dịch: Eunice

Nguồn: Bible.org

Bình Luận:

You may also like