Home Chuyên Đề Sự Cứu Rỗi Qua Thập Tự Giá – Phần 5: Sự Đắc Thắng Của Thập Tự Giá

Sự Cứu Rỗi Qua Thập Tự Giá – Phần 5: Sự Đắc Thắng Của Thập Tự Giá

by Van Anh
30 đọc

“Ngài đã phế bỏ các quyền thống trị, các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng, và bêu chúng ra giữa thiên hạ.”

CÔ-LÔ-SE 2:15

Khi Chúa Giê-su Christ chịu đóng đinh bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem, ít nhất ba thứ đã treo trên thập giá Ngài. Thứ nhất là chính thân thể Ngài. Như Kinh Thánh đã chép, “Họ đã đóng đinh Ngài” (Mác 15:24).

Phong tục của người La Mã là đóng những đinh thép nặng vào cổ tay và cổ chân nạn nhân. Lính La Mã cũng đã làm vậy với Chúa Giê-su: họ “đã…đóng đinh Ngài trên thập tự giá và giết đi” (Công vụ 2:23). Sau khi sống lại từ kẻ chết, Chúa Giê-su đã cho cho các môn đồ xem các dấu đinh trong bàn tay Ngài (Giăng 20:25-27), bởi vì Ngài đã bị đóng đinh vào cây thập tự.

Có thứ khác cũng được đóng vào thập tự nơi Chúa Giê-su chịu chết. Đó là tấm bảng thông báo của quan tổng trấn “được viết và treo trên thập tự giá. Trên tấm bảng có ghi rằng: ‘JESUS NGƯỜI NA-XA-RÉT, VUA DÂN DO THÁI’” (Giăng 19:19). Chính Đức Chúa Trời đã làm ra sự công khai này. Ngài muốn mọi người chứng kiến Chúa Giê-su chịu đóng đinh đều biết rằng Con trai Ngài đây chính là vua thật của Y-sơ-ra-ên. Và rất có thể tấm bảng thông báo ấy cũng được treo vào thập tự giá Đấng Christ bằng búa và đinh.

GIẤY NỢ

Một thứ nữa đã được đóng đinh trên thập tự giá với Đấng Christ. Đáng ngạc nhiên khi chính Đức Chúa Trời đã làm điều đó, mặc dù mắt thường con người không thấy được. Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời “đã tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta. Ngài đã hủy bỏ giấy nợ chống lại chúng ta với những luật lệ ràng buộc chúng ta. Ngài loại bỏ bằng cách đóng đinh nó vào thập tự giá” (Cô-lô-se 2:13-14). “Giấy nợ” là điều thứ ba bị đóng vào thập tự giá.

Đó là “giấy nợ” gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần biết một chút về cách giao dịch kinh doanh trong xã hội La Mã. Trong tiếng Hy Lạp, “giấy nợ” là cheirographon có nghĩa là “được viết tay” hay “được ký tay.” Nó được sử dụng để chỉ bất cứ loại bút tích nào.

Tuy nhiên, từ này cũng mang một ý nghĩa chuyên môn. Trong lĩnh vực tài chính, nó là tờ giấy công nhận nợ có chữ ký của chính người vay nợ. J. B. Lightfoot (1828-1889), một học giả Kinh Thánh nổi tiếng gọi đó là “một tờ giấy viết tay, một trái phiếu hay một phiếu nợ.” Ngày nay nó có thể được gọi là một I.O.U (giấy nợ). Một người đi vay tiền sẽ phải cẩn thận viết ra khoản tiền anh ta có nghĩa vụ phải trả lại cho người cho vay. Sau đó anh ta phải xác nhận tổng số tiền nợ bằng chữ ký của mình.

Điều này chí ít đã trả lời phần nào câu hỏi của chúng ta. Tờ “giấy nợ” mà Chúa đóng đinh vào cây thập tự là một phiếu ghi nợ. Nhưng vẫn còn những thắc mắc khác được nêu ra. Món nợ ấy lớn thế nào? Nợ ai? Điều quan trọng nhất là, bút tích của ai ở cuối tờ giấy nợ ấy?

Kinh Thánh đưa ra đủ manh mối để giúp chúng ta trả lời những câu hỏi đó. Thứ được đóng đinh trên thập tự là “giấy nợ chống lại chúng ta với những luật lệ ràng buộc chúng ta. Ngài loại bỏ bằng cách đóng đinh nó vào thập tự giá” (Cô-lô-se 2:14). “Những luật lệ” chắc chắn phải là điều liên quan tới luật pháp. Nó gợi lên trong tâm trí chúng ta những luật lệ cuộc sống mà Chúa đã trao cho Môi-se và được tóm tắt trong Mười điều răn: “Trước mặt Ta con không được có các thần nào khác …Con không được giết người. Con không được phạm tội tà dâm. Con không được trộm cắp,” và v.v.. (Xuất Ai Cập Ký 20:1-17).

Những luật lệ tuyệt đối công bình này không có gì sai cả. Đức Chúa Trời hoàn toàn có quyền kỳ vọng con người sống đời sống tốt và thánh thiện. Ngài đã ban cho chúng ta luật lệ của Ngài vì Ngài muốn tốt cho chúng ta. Bất cứ cộng đồng nào thờ phượng một mình Đức Chúa Trời, tôn trọng mạng sống con người, giữ mình cho hôn nhân, và tôn trọng tài sản cá nhân đều là những cộng đồng tốt. Vì vậy, luật pháp Chúa không có vấn đề gì.

Vấn đề là con người là những kẻ phạm pháp. Theo Giáo lý vấn đáp tóm tắt Westminste: “Không một ai trên đời này có thể giữ toàn bộ luật của Đức Chúa Trời, kể từ khi con người sa ngã, nhưng con người vi phạm luật pháp mỗi ngày bởi suy tưởng, lời nói và việc làm của họ” (Câu trả lời 82). Chúng ta đã thờ phượng bất cứ thứ gì và mọi thứ ngoại trừ Chúa. Chúng ta trách Chúa khi chúng ta gặp vấn đề nơi công sở. Chúng ta không dành cho cha mẹ chúng ta sự tôn trọng mà họ xứng đáng. Chúng ta nói dối, lừa gạt và trộm cắp. Chúng ta không hài lòng với những gì chúng ta có bởi vì chúng ta muốn có thứ khác. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta đã không giữ luật lệ của Chúa.

Vì chúng ta là những kẻ phạm luật, nên luật pháp Chúa chống lại chúng ta. Nó là kẻ thù của chúng ta; nó chống đối chúng ta. Danh sách luật pháp Chúa cũng là danh sách tội lỗi của chúng ta. Mỗi một luật lệ của Chúa là một lời nhắc nhở rằng chúng ta đã phạm tội với Đức Chúa Trời thánh khiết. Cho nên, khi nói đến “giấy nợ” là Kinh Thánh muốn nói đến tờ phiếu ký tay. Nó là một quyển sổ nợ dài vô tận mà chúng ta nợ Chúa vì chúng ta đã không giữ luật pháp Ngài.

Đến giờ chúng ta có thể thấy rõ điều đã được đóng đinh vào thập tự giá cùng với chính Chúa Giê-su và bảng công khai về vương quyền của Ngài. Đó chính là tờ phiếu thể hiện món nợ mà chúng ta phải trả vì phá luật của Chúa. Đó là một tờ giấy nợ hợp lệ về món nợ nhiều vô tận chúng ta nợ Chúa vì tội lỗi của chúng ta. Tờ giấy chứng nợ này có chữ ký của chính chúng ta dưới cuối. Và vì “tiền công của tội lỗi là sự chết (Rô-ma 6:23), nên nghĩa là chúng ta đã ký nhận án tử cho chính mình.

MÓN NỢ ĐÃ ĐƯỢC HỦY BỎ

Sự đắc thắng của thập tự giá chính là ở chỗ Đức Chúa Trời đã đóng đinh giấy nợ luật pháp Ngài của chúng ta vào thập tự giá. Ngài đã hủy bỏ “giấy nợ chống lại chúng ta với những luật lệ ràng buộc chúng ta. Ngài loại bỏ bằng cách đóng đinh nó vào thập tự giá” (Cô-lô-se 2:14).

Khi Đức Chúa Trời đóng đinh giấy nợ của chúng ta vào thập tự giá với Đấng Christ, tất cả tội lỗi chúng ta đã được tha. Tất cả nợ nần của chúng ta đã được xóa. Như Kinh Thánh đã viết, Đức Chúa Trời “đã hủy bỏ giấy nợ.” Trong tiếng Hy Lạp gốc, từ “hủy” có nghĩa là “xóa xạch” hay “gột rửa.” Ý là món nợ mà chúng ta đã từng nợ Chúa vì tội lỗi chúng ta giờ đây đã được xóa bỏ hoàn toàn.

Sự đắc thắng của thập tự giá là khi Đức Chúa Trời hủy bỏ toàn bộ món nợ tội lỗi của chúng ta bằng cách đóng đinh nó vào thập tự giá với Đấng Christ. Ngài đã tha thứ tất cả tội lỗi của chúng ta khi Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Vì mọi tội của chúng ta đã bị đóng đinh vào cây thập tự với Đấng Christ, toàn bộ số nợ của chúng ta đã được trả hết. Không có bất cứ chi phí vượt trội nào.

Sự đắc thắng tội lỗi của thập tự giá đã được bày tỏ một cách rất đẹp đẽ trong một lời bài thánh ca nổi tiếng của Horatio G. Spafford. Cuộc đời Spafford chứa những sự kiện bi thảm. Vào tháng một năm 1873, ông gửi vợ và bốn cô con gái lên tàu viễn dương của Pháp tên là Ville du Havre để đi Châu Âu. Đang khi vượt Đại Tây Dương, chiếc tàu va chạm với một tàu khác và hầu hết hành khách trên tàu đã mất tích trên biển. Trong số những người mất tích có các con gái của Spafford, mặc dù vợ của ông đã được thoát nạn.

Spafford đã mua vé đi chuyến tàu kế tiếp. Khi tàu đi đến chỗ gần nơi các con gái ông bị nạn, ông đã viết bài thánh ca mang tên “Tâm linh tôi yên ninh thay.” Dù trong đau thương, Stafford vẫn tìm thấy niềm an ủi nơi sự đắc thắng của thập tự giá:

Vinh thay tư niệm này, thật tôi thỏa vui mực nào,

Ngài xóa hết, không lưu một tội nào;

Nhờ Chúa đóng đinh xưa, nay tôi thoát khỏi ách ma,

Linh hồn hỡi, chúc tán Chúa chuộc mua ta!

Khi viết những lời này, Spafford đã nhớ đến chương hai của thư tín Cô-lô-se, chỗ viết rằng Đức Chúa Trời đã tha thứ toàn bộ món nợ tội lỗi chúng ta bằng cách đóng đinh nó vào thập tự giá.

MỘT CẢNH TƯỢNG PHƠI BÀY

Tại thập tự giá Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã không chỉ chiến thắng tội lỗi, mà Ngài còn chiến thắng Sa-tan. Sa-tan là một kẻ thù thật xưa cũ, và thập tự giá là một chiến thắng thật lẫy lừng, đến nỗi Chúa không thể chỉ giữ chiến thắng này cho riêng Ngài. Sau khi giải thích việc Đức Chúa Trời đã đóng đinh tội lỗi chúng ta trên cây thập tự như thế nào, Kinh Thánh tiếp tục bằng việc nói rằng “Ngài đã phế bỏ các quyền thống trị, các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng, và bêu chúng ra giữa thiên hạ” (câu 15).

Tại đây một lần nữa chúng ta cần biết một chút về văn hóa La Mã cổ đại. Khi một vị tướng trở về nhà sau chiến thắng lớn, ông sẽ dẫn đầu một cuộc diễu hành đi qua các đường phố thành Rô-ma. Theo sau đoàn diễu hành của ông là các tù binh ông bắt được trong cuộc chiến. Vị tướng này đã phơi bày cảnh tượng các tù binh ông bắt được bởi vì tù binh chiến tranh chính là bằng chứng của sự toàn thắng.

Tại thập tự giá, Đức Chúa Trời đã thực hiện điều tương tự đối với Sa-tan. Sa-tan đã gây chiến chống lại Chúa hàng thiên niên kỷ nay. Cuộc chiến trên đất giữa thiên đàng và hỏa ngục đã bắt đầu nổ ra tại vườn Ê-đen, nơi Sa-tan cám dỗ Ê-va phạm tội đầu tiên. Bắt đầu từ đó, Sa-tan đã ra sức phá hoại dân Chúa bằng cách dẫn họ dấn sâu vào tội lỗi. Vô cùng hoan lạc, nó nhìn xem loài người ngày càng lún sâu vào món nợ tội lỗi một cách vô vọng. Nó biết rằng chúng ta sẽ không bao giờ có thể trả những gì chúng ta đã nợ Chúa vì không giữ luật Ngài.

Nhưng có một điều mà Sa-tan quên tính đến. Nó đã không nghĩ đến chiến thắng của thập tự giá. Nó đã không biết rằng Chúa Giê-su Christ sẽ trả toàn bộ món nợ tội lỗi bằng cách chết trên thập giá. Nó đã không thể hiểu rằng khi Chúa Giê-su chịu đóng đinh thì món nợ vô tận mà chúng ta nợ Chúa cũng sẽ bị treo lên thập tự cùng với Ngài. Khi Sa-tan nhận ra rằng thập tự thật ra là chiến thắng của Đức Chúa Trời, chứ không phải là cái chết của Ngài thì đã quá trễ.

Kinh Thánh nói rằng khi Đức Chúa Trời đóng đinh tội lỗi của chúng ta vào thập tự, Ngài “đã phế bỏ các quyền thống trị và các thế lực” (câu 15). “Các quyền thống trị và các thế lực” ám chỉ Sa-tan và các quỷ của nó. Chúa đã cho phép chúng nắm giữ sức mạnh của tội lỗi và uy quyền của sự chết trên dân Ngài trong một thời gian. Nhưng sức mạnh và quyền lực của chúng đã bị vô hiệu hóa tại thập tự giá. Matthew Henry (1662-1714) – một tín hữu Thanh giáo đã giải thích điều ấy như thế này: “Cái chết của Đấng Cứu Chuộc đã đánh bại ma quỷ và phế bỏ tất cả uy quyền của địa ngục.” Khi Đấng Christ chết trên thập tự, quyền lực tội lỗi và uy quyền sự chết của các kẻ thù của Đức Chúa Trời không còn nữa.

Vì thế, sự đóng đinh của Chúa Giê-su Christ phô bày chiến thắng của Đức Chúa Trời trước Sa-tan: “Ngài đã phế bỏ các quyền thống trị, các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng, và bêu chúng ra giữa thiên hạ” (câu 15). Như một vị tướng lĩnh dũng mãnh, Đức Chúa Trời đánh bại Sa-tan và các quỷ của nó bằng thập tự giá. Rồi Ngài phô bày chiến thắng ấy một cách tỏ tường giữa thiên hạ. Thập tự giá phô bày chiến thắng của Đức Chúa Trời. Nó bày tỏ rằng Chúa đã đánh bại tội lỗi và Sa-tan bằng cách đóng đinh món nợ của chúng ta vào thập tự giá.

Thập tự giá là chiến thắng của Đức Chúa Trời. Nó cũng là một chiến thắng cho chúng ta nếu chúng ta tin vào Chúa Giê-su Christ để được cứu rỗi. Rev. Ed King đã giải thích về chiến thắng của thập tự giá khi ông giảng tại tang lễ của James Chaney, một nhà hoạt động vì hòa bình Mỹ-Châu Phi, người đã bị đảng 3K ám sát vào tháng tám năm 1964. King biết rằng đảng 3K đã dùng biểu tượng chữ thập cho các mục đích gian ác, nhưng ông vẫn muốn giành lại chiến thắng cho thập tự giá của Đấng Christ. Ông đã giảng rằng “Thập tự giá không phải là một cây gỗ bị thiêu cháy mà là cây thập tự trên đồi Can-vê nhuộm máu của Chúa Giê-su, Con Trai của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã ban chính Con của Ngài cho tất cả chúng ta và đây là cây thập tự mà chúng ta đi theo – cây thập tự mang nghĩa chiến thắng.”

(Còn tiếp)

Nguồn: Vietnamese Missionary Institute

Bình Luận:

You may also like