Home Chuyên Đề 10 Giá Trị Niềm Tin Của Người Tin Lành Ảnh Hưởng Đến Sự Phát Triển Của Xã Hội Xưa Và Nay Phần 2

10 Giá Trị Niềm Tin Của Người Tin Lành Ảnh Hưởng Đến Sự Phát Triển Của Xã Hội Xưa Và Nay Phần 2

by Debbie Thủy
30 đọc

 3.Tin cậy cá nhân

  Kinh Thánh dạy rằng mỗi cá nhân là một thân vị sống, được Chúa tạo nên với một trọng trách đặc biệt trong việc xây dựng cộng đồng mình sống. Không ai được tạo nên là vô ích. Trong lịch sử Kinh Thánh Đức Chúa Trời đã tin cậy và giao phó vai trò lãnh đạo đất nước đầu tiên cho Môi- Se một người chăn chiên đã từng có quá khứ là một tên tội phạm giết người.

Đa- vít cũng là một người chăn chiên, ít học đã được Chúa sử dụng trở thành vị vua thứ nhì của Y-sơ-ra-ên. Ông đã quy phục rất nhiều những thanh niên hư hỏng, lang thang, ông huấn luyện họ trở thành những người tướng giỏi lãnh đạo đất nước, đưa Y-sơ-ra-ên lên thành một quốc gia hùng mạnh trong khu vực thời bấy giờ.

Phi-e-rơ một người đánh cá lớn lên ở một vùng quê nghèo lại được Chúa sử dụng dạy đạo cho nhiều giáo sư học vấn cao.

Nhiều người đã từng là gánh nặng của Xã hội, thảm họa của Cộng đồng. Nhưng sau khi tin Chúa, họ được tin cậy, được giao phó cho những trọng trách quan trọng trong Hội thánh. Họ luôn được khích lệ khẳng định rằng: “ Anh làm được, anh làm rất tốt, hôm nay anh sẽ làm tốt hơn hôm qua…” để rồi từ niềm tin đó họ đã làm được.

Và ngày nay những người đó đang tiếp tục áp dụng giá trị tin cậy đó trên những người xung quanh của mình,  mỗi ngày trong Hội Thánh lại có thêm biết bao người đang được biến đổi trở nên người tốt.

Sự tin cậy sẽ đem đến sự thay đổi cá nhân, cá nhân thay đổi góp phần thay đổi Cộng đồng, thay đổi Xã hội.

4.Tha thứ

   Kinh Thánh dạy rằng tha thứ cho người khác là đem đến sự tự do, phục hồi  cho chính mình và cho cả người kia. Ngược lại không tha thứ là một tội ác bởi nó sẽ trói buộc người kia và cũng hủy hoại bản thân. Người không tha thứ cũng sẽ không nhận được sự tha thứ của Chúa cho chính đời sống mình.

Tha thứ là một điều răn, một mạng lệnh bắt buộc phải được thực hiện cho những người xưng mình là con của Đức Chúa Trời.

Phi-e-rơ một môn đồ rất gần với Chúa Giê Xu, vậy mà một ngày kia ông trở thành kẻ phản bội, kẻ chối Chúa, sau đó ông bỏ Chúa về đi đánh cá. Nhưng Chúa không phạt ông về những việc ông làm với Ngài, Ngài tha thứ cho ông, còn ban cho ông một thuyền đầy cá. Chính tình yêu và sự tha thứ đó đã phục hồi tấm lòng của Phi-e-rơ. Sau này ông đã trở thành một người truyền giáo đầy quyền năng và đã tử vì đạo.

Phần lớn những người trở nên tội lỗi xấu xa là bởi họ sống trong hận thù. Họ không tha thứ  cho những người đã làm tổn thương mình, và rồi họ tiếp tục gieo rắc hận thù cho thêm nhiều người khác, cứ như thế sự cay đắng và tội ác lan tràn thêm nhiều trong Xã hội.

Nếu họ không được tha thứ,  không được giải phóng khỏi sự định tội, không được tin cậy và tôn trọng, họ sẽ không có cơ hội để làm lại từ đầu.

Kinh Thánh dạy rằng tất cả mọi người đều phạm tội rất nặng với Chúa, nhưng Chúa đã tha thứ cho chúng ta tội lớn đó thì chúng ta chẳng có quyền gì mà xét đoán hay chấp những tội nhỏ do người khác gây cho mình.

Và nếu ai không tha thứ cho người khác thì cũng sẽ không nhận được sự tha thứ của Chúa cho họ, nên tha thứ là một mạng lệnh mà Cơ đốc nhân cần phải vâng theo.

 Những người biết tha thứ và nhân từ với những lỗi lầm của người khác là những người đang góp phần xây dựng Xã hội phát triển.

 “Còn Nữa”

Debbie Thủy

 

Bình Luận:

You may also like