Home Chuyên Đề Tận Hiến Cho Hôn Nhân – Bài 35: Lời Lẽ Không Tốt, Bên Thông Gia, Và Từ Khủng Khiếp “Ly Hôn”

Tận Hiến Cho Hôn Nhân – Bài 35: Lời Lẽ Không Tốt, Bên Thông Gia, Và Từ Khủng Khiếp “Ly Hôn”

by AdrianChua
30 đọc

Ê-phê-sô 4:29 Ðừng có một lời dữ nào thoát ra từ miệng anh chị em, nhưng khi cần, chỉ nói những lời có ích cho sự xây dựng, đem ân lành đến cho người nghe.

Hãy cẩn thận với những lời lẽ thiếu biết ơn và gây tổn thương – những lời nói của chúng ta nên dùng để rao ra ân điển. Hãy trao đổi để xây dựng nhau thay vì phá hủy lẫn nhau.

Chúng ta thường yêu cầu cách nhẹ nhàng về mọi điều chúng ta muốn trong thời kỳ hẹn hò, nhưng lại đòi hỏi cách khắt khe sau khi kết hôn.

 Nếu người phối ngẫu không đáp ứng tình yêu và cảm xúc lãng mạn của chúng ta, chúng ta cần phải kiểm định lại chất lượng tình yêu mà chúng ta dành cho họ. Cuối cùng thì, chúng ta gặt hái những gì mình gieo ra.

Châm ngôn 18:21 Sống hay chết do quyền của lưỡi; Ai yêu mến nó sẽ hưởng hoa lợi của nó.

Hôn nhân là một cái hộp rỗng. Hầu hết mọi người khi kết hôn đều nghĩ rằng hôn nhân là một cái hộp đẹp đẽ có đầy đủ mọi thứ mà họ mong muốn: lãng mạn, thân mật, tình yêu, tình bạn… Sự thật thì hôn nhân bắt đầu bằng một cái hộp rỗng. Bạn phải đặt một cái gì đó vào trước khi có thể lấy bất cứ cái gì ra. Tình yêu không nằm ở hôn nhân, tình yêu ở trong con người và con người là những người lựa chọn việc mang tình yêu vào trong hôn nhân. Là vợ chồng, chúng ta phải học nghệ thuật và thói quen cho đi, yêu thương, phục vụ, khen ngợi, để giữ cho cái hộp luôn đầy. Nếu chúng ta chỉ lấy đi những thứ gì đã đưa vào từ ban đầu, cái hộp cuối cùng sẽ trở lại trống rỗng.

 

Bên Thông gia

Sáng Thế Ký 2:24 Bởi vậy người nam sẽ rời cha mẹ để kết hợp với vợ mình, và hai người sẽ trở nên một thịt.

Rời cha mẹ không nhất thiết phải là một hành động về thể chất (mặc dù nó thường là như vậy), nhưng quan trọng hơn đó là thiết lập thái độ và tâm trí. Đơn giản, nghĩa là chúng ta cần thiết lập một mối quan hệ hoàn toàn mới với cha mẹ sau khi kết hôn. Chúng ta không bao gồm họ nữa trong những thứ bậc ưu tiên.

Khi chúng ta nhận vai trò mới là vợ hoặc chồng và thành lập một đơn vị gia đình của riêng mình, nhu cầu của người phối ngẫu phải được ưu tiên hơn cha mẹ. Rời cha mẹ là chuyển lòng tận tâm sâu sắc của chúng ta từ cha mẹ sang người bạn đời. Sau khi trở nên một thịt với người đó, chúng ta vẫn yêu thương và tôn trọng cha mẹ một cách lành mạnh nhất.

Chúng ta không phá vỡ mối quan hệ gia đình, nhưng đúng hơn là hiểu rằng mối quan hệ với cha mẹ, trong các lĩnh vực có thẩm quyền và trách nhiệm, phải thay đổi. Chúng ta phải duy trì mối quan hệ tốt nhất có thể đối với bên thông gia. Nhưng đồng thời, không được để cho ảnh hưởng của họ làm suy yếu hoặc đe doạ hôn nhân của chúng ta bằng bất cứ cách nào. Ranh giới phải rõ ràng và cần thiết cho quá trình trở thành một đơn vị gia đình khỏe mạnh.

Quan trọng nhất là các khoản vay hoặc quà tặng từ cha mẹ không nên can thiệp vào quyền riêng của gia đình mới. Không được để cha mẹ “mua” quyền gây ảnh hưởng cho cuộc hôn nhân của chúng ta.

 

Từ Ly Hôn

Hôn nhân vốn khó khăn và tranh cãi là điều không thể tránh khỏi. Khi chúng ta tổn thương hoặc tức giận, một số người có xu hướng sử dụng “vũ khí hủy diệt hàng loạt” – từ Ly Hôn được dùng để đe doạ và để được lắng nghe, hoặc để thể hiện cho người kia hiểu chúng ta buồn như thế nào.

Đe doạ ly hôn là cách nhanh nhất phá huỷ sự thân mật. Nó gieo hạt giống bất an và oán hận vào rất sâu, để lại gốc rễ của sự bất đồng gần như không thể nhổ bỏ được. Ý định ly hôn thể hiện rằng cuối cùng thì cũng sẽ bị bỏ rơi và suy nghĩ ấy sẽ đi vào cốt lõi các vấn đề kèm theo sau đó. Nó có thể làm tăng mức trầm cảm và lo lắng. Bất cứ khi nào chúng ta sử dụng từ Ly Hôn trong một cuộc tranh cãi, chúng ta đang loại đi sự an toàn, an ninh và niềm tin trong mối quan hệ, là những nhu cầu cơ bản của một con người.

Thậm chí nếu nó chỉ là đe dọa suông, sức hủy diệt vẫn có thể gây chấn thương và cực kỳ có hại vì nó cho thấy khả năng ly hôn trong hôn nhân. Chúng ta đang đưa ra thông điệp rằng mối quan hệ này không an toàn hoặc mối quan hệ này rất mong manh và nó sẽ không thể chịu được bất kỳ căng thẳng hoặc áp lực nào. Do đó, người phối ngẫu của chúng ta sẽ không bao giờ thấy yên tâm về tinh thần để có thể giải quyết các vấn đề. Người này có thể sợ rằng nếu mình cố ép theo cách giải quyết này thì người kia có thể chọn cách rút lui.

Đưa ra những đe dọa không bao giờ là hành vi lành mạnh trong một mối quan hệ yêu thương, và có những cách khác mang tính xây dựng hơn để nhu cầu của bạn được đáp ứng. Các cặp vợ chồng nên tạo ra một quy tắc cơ bản để cấm sử dụng từ Ly Hôn trong hôn nhân của họ.

Điều đáng suy ngẫm:

Gần đây bạn có làm tổn thương người phối ngẫu bằng những lời lẽ không tốt chăng?

Liệu chúng ta vẫn còn đang bị lúng túng, bị vướng hay dính bẫy của gia đình bên cha mẹ của chúng ta?

Bạn có bao giờ sử dụng từ ly hôn để đe dọa mối quan hệ? Nếu có, tốt hơn hết bạn nên ăn năn và xin sự tha thứ từ người phối ngẫu.

(Còn tiếp)

Sophie Nguyễn Thu Vịnh dịch

Adrian Chua

Ảnh: sklawoffices.com

Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like