Home Chuyên Đề Tận Hiến Cho Hôn Nhân – Bài 32: Trò Chơi Đổ Lỗi và Hành Động Mỉa Mai

Tận Hiến Cho Hôn Nhân – Bài 32: Trò Chơi Đổ Lỗi và Hành Động Mỉa Mai

by AdrianChua
30 đọc

Hai vợ chồng nọ đương cãi nhau. Kết cục, do vô cùng giận dữ, người chồng buộc miệng thốt: “Em à, anh không hiểu sao Đức Chúa Trời tạo nên em xinh thật… mà sao ngu thế!”

Người phụ nữ nhìn chòng chọc vào chồng mà nói: “Đúng vậyyyy… Chúa dựng nên tôi XINH ĐẸP để anh có thể yêu tôi. Và Chúa dựng nên tôi NGU để tôi có thể yêu anh!”

“Trò chơi đổ lỗi” là gì? – Là hành động gán ghép trách nhiệm do sai phạm lên ai đó thay vì nhận lỗi về mình.

Sáng Thế Ký 3:12-13“A-đam thưa: “Người nữ mà Chúa đặt bên con đã cho con trái cây đó và con đã ăn rồi.” Giê-hô-va Đức Chúa Trời hỏi người nữ: “Con đã làm gì vậy?” Người nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn rồi.”

Từ phân đoạn trên, chúng ta thấy rằng trò chơi đổ lỗi đã là tật xấu trong DNA kế thừa bởi tổ phụ của chúng ta và điều này đã phản ánh nên bản năng phạm tội trong chúng ta. Chúng ta cần phải thay đổi!

Đây là cơ chế phòng thủ vô cùng thiếu lành mạnh. Đổ lỗi luôn luôn sản sinh sự hủy hoại, và sự kiêu ngạo là do đổ lỗi cho người khác mà ra. Chúng ta kiêu ngạo bác bỏ nhược điểm của bản thân, thay vào đó lại chăm chăm vào điểm yếu của đối phương. Khi đổ lỗi cho nhau, không ai nhận lấy trách nhiệm cho những nhược điểm, nỗi sợ hay lựa chọn của bản thân. Đổ lỗi cho người khác thì luôn dễ dàng hơn là thay đổi suy nghĩ và hành động của mình. Chúng ta nên chỉnh hướng lại việc đổ lỗi và tìm cầu Chúa để được thay đổi. Hãy cẩn thận hội chứng “Cây Đà”!

Ma-thi-ơ 7:3-5“Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình. Hỡi kẻ giả hình! Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.”

Khi chúng ta đổ lỗi cho người phối ngẫu tức là chúng ta đang giải phóng loại chất độc giết đi cảm xúc của ta cho họ, cùng một lúc đó, ta khích cho cơ chế phòng thủ bảo vệ của họ hoạt động để họ đả kích lại chúng ta. Việc này khiến căn nhà trở thành bãi chiến trường thay vì là tổ ấm.

Hôn nhân trở nên mạnh mẽ và trưởng thành trong sự mật thiết chỉ khi chúng ta học cách tập trung vào điều mà ta ngưỡng mộ lẫn nhau hơn là tập trung vào những điều khiến ta bực tức.

Rô-ma 12:3 –“Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người.”

Một trong những nan đề lớn nhất trong các mối quan hệ chính là đề cao bản thân mình hơn những gì mình cần.

Mỉa mai

Một cặp vợ chồng vừa cãi nhau vừa lái xe ngang qua một nông trại. Nhìn thấy những con bò, chiên, chó… người chồng chạy xe vòng quanh và nói một cách đầy mỉa mai rằng đấy là “gia đình của cô”. Cô trả lời: “Ồ đúng rồi, gia đình phía nhà chồng của tôi”.

Nguồn gốc của từ mỉa mai được hình thành từ tiếng Hy Lạp, “sarkazein” mang nghĩa đen là “để xé hoặc róc thịt”. Trong từ điển Anh-Anh Webster định nghĩa từ mỉa mai là “lời nói sắc nhọn được phát ngôn nhằm gây tổn thương hoặc đau đớn.”

Mỉa mai thực chất là sự hài hước trá hình của tính thù địch. Mỉa mai nghe có vẻ hài hước và khiến chúng ta nghĩ rằng mình thật thông minh, nhưng đó cũng là một trong những thủ đoạn bằng lời nói tai hại nhất. Mỉa mai gây ra giận, ghét và thường xúc phạm tới người khác, phá hủy mối tương giao và rút một khoản lớn trong ngân hàng tình yêu của người bạn đời.

Nhiều khi, mỉa mai làm cho người khác xấu hổ, khiến họ cảm thấy bản thân mình nhỏ bé hoặc không xứng đáng. Khi sự xấu hổ bám rễ trong tâm hồn thì sẽ dẫn đến những hành vi tai hại, vì họ giờ đây cảm thấy bản thân vô giá trị nên bằng mọi cách, họ sẽ tìm kiếm thứ gì đó khiến họ cảm thấy khác đi một chút. Làm cho người phối ngẫu cảm thấy xấu hổ là một việc xúc phạm nặng nề dẫn tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Mỉa mai chỉ làm cho tình huống trở nên trầm trọng thay vì cải thiện. Giống như khi ta gãi vết ngứa do côn trùng cắn chỉ khiến vùng xung quanh mẩn đỏ thêm và có thể dẫn đến nhiễm trùng. Cũng một thể ấy, sử dụng lời mỉa mai có thể khiến bất đồng nhỏ trở thành cuộc chiến ngôn từ mà nạn nhân là cảm xúc của chúng ta.

Châm Ngôn 17:14 – “Khởi đầu tranh cạnh, ấy như người ta mở đường nước chảy. Vậy, khá thôi cãi lẫy trước khi đánh lộn.”

Bạn muốn thắng cuộc cãi vã hay trái tim của chồng/vợ mình?

Đừng Trở Thành Nhà Khảo Cổ Học Trong Mối Quan Hệ

Châm Ngôn 17:9“Kẻ nào lấp giấu tội lỗi tìm cầu điều tình ái. Còn ai nhắc lập lại điều gì chia rẽ bạn bậu thiết cốt.”

Nhiều người thích trở thành sử gia hoặc nhà khảo cổ mỗi khi có xung đột. Điều tốt nhất mà ta có thể làm với những thiếu sót trong quá khứ ấy chính là để chúng thành dĩ vãng. Đừng bao giờ triệu hồi tổn thương và nỗi đau trong quá khứ lặp đi lặp lại và lợi dụng chúng như đòn bẩy trong cuộc tranh luận, hay biến chúng thành cơ hội để khiến đối phương cảm thấy tội lỗi hay xấu hổ.

Hai Câu Nói cần phải tránh – “…lúc nào cũng…” & “…không bao giờ…”

Tha thứ nghĩa là bỏ qua những tổn thương trong quá khứ, chứ không phải là giữ khư khư chúng để công kích người phối ngẫu và nhắc nhở họ.

Điều Đáng Suy Ngẫm:

Lời lẽ của chúng ta có được chế ngự với khát khao tìm kiếm sự bình an và thống nhất, hay chúng bị dẫn dắt bởi ham muốn xác thịt nhằm châm chích, làm cáu bực, trả đũa, kiểm soát, làm cho giận ghét, xấu hổ và điều khiển trong “trò chơi đổ lỗi” hoặc mỉa mai chăng?

Chúng ta có đang xây đắp sự mật thiết hay là hủy hoại sự mật thiết qua lời lẽ của mình hay không?

Chúa ban phước cho bạn!

(Còn tiếp)

H.U dịch

Adrian Chua

Ảnh: howdoidate.com

Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like