Home Hôn nhân gia đình Tận Hiến Cho Hôn Nhân – Bài 16: Giao Ước và Hợp Đồng

Tận Hiến Cho Hôn Nhân – Bài 16: Giao Ước và Hợp Đồng

by Ban Biên Tập
30 đọc

Hợp đồng – Là sự thỏa thuận từ hai phía, phụ thuộc hoàn toàn vào việc thực hiện các điều khoản trong phạm vi thỏa thuận. Nếu một bên không làm trọn nghĩa vụ ở trong hợp đồng thì đối phương cũng sẽ không còn bất cứ nghĩa vụ nào để tiếp tục thực hiện hợp đồng và không còn bị ràng buộc với bởi hợp đồng đó.

Giao ước – Là cam kết đơn phương từ một phía, cam kết này không phụ thuộc vào việc thực hiện của đối phương. Đây là cam kết vô điều kiện, điều duy nhất có thể hủy bỏ giao ước này là cái chết. Một tên gọi khác của giao ước chính là Lời Hứa.

Hôn nhân là một giao ước chứ không phải hợp đồng. Chúng ta không nên có tâm lý rằng: tôi chỉ làm phần của tôi nếu anh cũng làm phần của anh. Trong một giao ước, chúng ta thực hiện vai trò của mình là người vợ hoặc người chồng bất kể người kia có đáp lại như thế nào. Như vậy, chúng ta được giải phóng tâm trí khỏi việc áp đặt sự kì vọng lên đối phương.

Sáng Thế Ký 15:18“Đức Giê-hô-va lập giao ước với Áp-ram…” khi Áp-ra-ham đang ngủ và không chủ động lập bất kì cam kết nào với Chúa. Chúa vẫn thành tín ngay cả khi Áp-ram bội tín.

Trong văn hóa của người Do Thái, khi một giao ước được thành lập, từ dùng để mô tả quá trình đó là “xẻ”. Nghĩa là chúng ta không tạo lập ra giao ước, thay vào đó, chúng ta ‘’xẻ’’ giao ước. Các loài thú bị xẻ làm đôi: “Có một lò lửa đang bốc khói, và một ngọn đuốc cháy rực đi ngang qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi”, đang lúc Chúa lập giao ước với Áp-ram. Qua đó, Chúa nói: “Những kẻ đã vi phạm giao ước Ta, không tuân thủ các điều khoản trong giao ước Ta, thì Ta sẽ làm cho chúng như con bò tơ mà mổ chúng làm đôi và đi qua giữa hai phần” Giê-rê-mi 34: 18

Bởi lẽ đó, một cặp đôi khi cùng lập ra giao ước hôn nhân chính là đang lập ra một cam kết vô cùng trang trọng có tính ràng buộc. Ngày nay, có nhiều tiêu chuẩn được chấp nhận lại hoàn toàn chống lại tiêu chuẩn ‘giao ước’ của Kinh Thánh. Chúng ta tiến tới hôn nhân với tâm lý hợp đồng hơn là tâm lý giao ước. Tệ hơn nữa là một số người còn phớt lờ và không vâng theo lời dạy của Chúa về tính vĩnh cửu của giao ước hôn nhân.

Chúng ta hãy cùng nhau xem qua ba vòng tuần hoàn của mối quan hệ hôn nhân để hiểu biết hơn về giao ước trong hôn nhân trong nền tảng thực tế hàng ngày.

Vòng tuần hoàn Lãng Mạn

Khi người vợ cảm nhận được tình yêu, họ đáp lại chồng mình bằng sự tôn trọng. Khi người chồng cảm thấy mình được tôn trọng, họ đáp lại cho vợ mình tình yêu và cảm xúc.

Đây là vòng tuần hoàn lý tưởng trong một cuộc hôn nhân và giúp các cặp đôi sống lãng mạn hơn.

Vòng tuần hoàn Mâu Thuẫn

Khi người vợ không cảm nhận được tình yêu, họ sẽ không tôn trọng chồng mình. Khi người chồng không cảm nhận được sự tôn trọng, họ sẽ không đáp lại tình yêu và cảm xúc với vợ mình.

Nếu vòng tuần hoàn này cứ tiếp tục lặp lại trong mối quan hệ hôn nhân thì cả hai sẽ chỉ tước đoạt đi nhu cầu về cảm xúc của đối phương. Lúc đó, mối quan hệ sẽ bước vào xung đột.

Vòng tuần hoàn Vâng Phục

Khi người vợ không cảm nhận được tình yêu, họ vẫn sẽ tôn trọng chồng mình. Khi người chồng không cảm nhận được sự tôn trọng, họ vẫn đáp lại tình yêu và cảm xúc với vợ mình.

Tin vui là chúng ta có thể làm chậm đi vòng tuần hoàn Mâu Thuẫn, hoặc khiến nó ngừng hoạt động hoàn toàn nếu chúng ta chọn tôn vinh Chúa trong hôn nhân và bước đi trong vòng tuần hoàn Vâng Phục.

Đó là, bất kể người vợ có cảm thấy thế nào, cô vẫn đáp lại chồng mình bằng sự tôn trọng. Và mặc cho cảm giác của người chồng ra sao, anh vẫn đáp lại vợ mình bằng tình yêu và những cảm xúc.

I Phi-e-rơ  3:9“Đừng lấy ác trả ác hoặc lấy rủa sả trả rủa sả; trái lại, hãy chúc phước, vì đó là điều anh em được kêu gọi, để thừa hưởng phước lành.”

Lựa chọn bước đi với linh ngược lại (ví dụ như: hãy chúc phước cho kẻ rủa sả mình) là cách thức thuộc về Chúa để chống lại ma quỷ. Tuy nhiên, vòng tuần hoàn Vâng Phục không nhất thiết phải hứa hẹn một sự đáp lại tích cực từ đối phương hay ngay lập tức. Đây không phải là cái máy bán hàng tự động mà chúng ta chỉ cần nhấn nút rồi mong đợi một kết quả tức thì. Vòng tuần hoàn Vâng Phục đơn giản chỉ là cách đáp lại tốt nhất mà chúng ta có thể lựa chọn, bởi vòng tuần hoàn này khiến chúng ta chú tâm hơn về nhu cầu cảm xúc của đối phương. Hãy nhớ rằng, động lực ở đây nên là tư tưởng giao ước, kiên trì chọn đáp lại theo cách của Chúa, chấm hết.

Mọi việc làm là để tôn vinh Chúa

Cô-lô-se 3:22-23: “Hỡi những nô lệ, hãy vâng phục chủ về phần xác trong mọi sự, không chỉ vâng phục trước mặt, như kẻ cố làm đẹp lòng người, nhưng vì kính sợ Chúa, vâng phục với lòng chân thành. Khi làm bất cứ việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta.”

Hôn nhân của chúng ta không chỉ hướng là về mối quan hệ giữa vợ và chồng. Trước hết, hôn nhân là về mối quan hệ với Chúa. Chỉ khi chúng ta có quan điểm đúng đắn, chúng ta sẽ nhận được “sự tự do từ sâu trong lòng” để yêu và tôn trọng đối phương một cách vô điều kiện mà không mong đợi được đáp trả.

Vô điều kiện nghĩa là vô điều kiện! Đừng nên nói rằng mình sẽ thực hiện điều đó một cách vô điều kiện với điều kiện là đối phương phải làm việc này việc kia. “Cho dù người chồng/vợ của tôi có buồn bực hay sầu muộn đến đâu, thì tôi vẫn đáp trả lại bằng trách nhiệm của tôi”. Đây chính là tâm lý giao ước.

Đằng sau việc thể hiện tình yêu thương và sự tôn trọng với người kia là một tấm lòng tôn vinh và vâng phục Chúa. Nếu người chồng không thể hiện tình yêu và cảm xúc với người vợ, người đó nên xét lại bản thân mình có đang vâng phục Chúa hay không. Cùng một lẽ đó, nếu người vợ không tôn trọng và vâng phục chồng, người vợ nên xem lại rằng bản thân mình liệu có đang vâng phục Chúa không?

Rất nhiều lần, không phải “khủng hoảng hôn nhân” là nguyên nhân phá hủy một giao ước hôn nhân, mà chính là “khủng hoảng đức tin”. Gốc rễ của mọi mâu thuẫn trong hôn nhân chính là sự cứng lòng.

Điều cần suy ngẫm:

Chúng ta sống vì ai? Chúng ta chọn phục vụ Chúa, hay là bản thân?

Chúa ban phước cho bạn!

(Còn nữa)

 

H.U dịch

Adrian Chua

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

 

 

Bình Luận:

You may also like