Trong quá trình nuôi dạy trẻ, mẹ không thể tránh khỏi sự lo lắng. Đặc biệt với những người mới làm mẹ lần đầu chưa có kinh nghiệm trong việc chăm sóc con cái và đang trong giai đoạn chuyển đổi từ người chỉ cần chăm lo cho bản thân sang chịu trách nhiệm chăm sóc thêm một người khác. Hoặc với những người mẹ đã từng trải qua một vài cơn khủng hoảng và trầm cảm trong đời mà chưa được điều trị hoặc không được chăm sóc sức khoẻ tinh thần thì trong quá trình làm mẹ rất dễ rơi vào khủng hoảng và rối loạn lo âu và nặng hơn là trầm cảm.
Tình trạng rối loạn lo âu từ người mẹ có khả năng chuyển sang cho con trẻ cao gấp 7 lần. Và nếu sức khoẻ tinh thần của mẹ luôn bị bỏ bê sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự chăm sóc trẻ của mẹ, trẻ sẽ thường xuyên gánh chịu sự bất ổn và mất cân bằng trong cuộc sống, dẫn đến rạng nứt trong mối quan hệ với người chăm sóc và xây dựng niềm tin trên sự bất ổn. Những tác động tiêu cực này không chỉ tác động trong hiện tại nhưng cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng và dài lâu trên trẻ.
Như việc thứ tự sử dụng bình dưỡng khí khi máy bay gặp sự cố, người mẹ được yêu cầu phải đeo bình dưỡng khí cho mình trước, rồi sau đó mới được đeo cho trẻ. Điều đó không phải là trẻ con không được ưu tiên hay là tính mạng của trẻ không quan trọng bằng tính mạng của người lớn. Nhưng nếu chỉ tập trung đeo cho đứa trẻ trước, người mẹ lựa chọn sự hy sinh, nhưng khi sự cố sảy ra, người mẹ không nhận được không khí đủ và qua đời, ai sẽ là người chăm sóc trẻ tốt nhất nếu không phải là mẹ chúng? Điều đó có nghĩa rằng, nếu người mẹ không được chăm sóc trước, thì đứa trẻ cũng không thể nhận được sự chăm sóc tốt nhất. Nếu tình trạng rối loạn lo âu ở mẹ có tác động nghiêm trọng đến quá trình phát triển của trẻ, thì điều quan trọng nhất không phải là mẹ phớt lờ đi tình trạng lo âu của mình và chỉ tập trung vào việc chăm sóc trẻ, nhưng mẹ cần được chăm sóc, điều tri, giải toả để ổn định cảm xúc, như vậy mới chính là sự chăm sóc tốt nhất mà người mẹ có thể dành cho con mình.
Mình đã từng gặp gỡ rất nhiều người mẹ kiệt sức vì quá tải, bị những áp lực trong việc làm mẹ đè nặng, không có thời gian để chăm sóc bản thân ( ngay cả việc vệ sinh cá nhân cũng phải thay đổi), mất ngủ triền miên, kiệt quệ về sức lực lẫn tinh thần nhưng vẫn chọn để phớt lờ tình trạng của mình vì nghĩ rằng mình không thể quan trọng bằng con, phải hy sinh cho con mới là người mẹ tốt. Thật ra chúng ta không cần phải trở thành người mẹ tốt trong mắt mọi người, chỉ cần chúng ta trở thành người mẹ “vừa đủ” trong mắt của con trẻ. Mong muốn trở thành người mẹ tốt, để rồi hy sinh hết tất cả cho con nhưng đổi lại vì chịu gánh nặng đến sự kiệt sức, khủng hoảng và rối loạn lo âu người mẹ trở nên cáu gắt, la hét với con, gắt gỏng, mất kiểm soát và thậm chí nghiêm trọng hơn là làm đau thể chất con. Như vâỵ đã thật sự là dành những điều tốt nhất cho trẻ? Là một người mẹ “đủ tốt” ta trao cho trẻ sự chăm sóc an toàn, không quá tập trung nhưng cân bằng vừa đủ để còn dành thời gian để chăm sóc sức khoẻ của chính bản thân. Như vậy cả mẹ và trẻ đều được chăm sóc, khi mẹ được bình ổn về cảm xúc thì trẻ luôn ở trong sự ổn định, điều này có tác dụng tạo cảm giác an toàn cho trẻ. Như vậy trẻ mới thoải mái và tự do phát triển.
Dưới đây là bốn gợi ý giúp mẹ vượt qua khủng hoảng trong rối loạn lo âu:
1.THƯ GIÃN
Dưới áp lực của cuộc sống, và đặc biệt trong quá trình chăm sóc trẻ, người mẹ phải mang vác rất nhiều gánh nặng trên vai. Điều này khiến cho thể chất vật lý cũng phải gánh chịu những áp lức đó, khiến cho cơ bắp bị căng ra. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng mức độ căng cơ mà bạn có thể mang theo do các tác nhân gây căng thẳng hàng ngày. Cơ bắp của chúng ta căng ra để đối phó với một mối đe dọa được nhận thức và nếu bạn đang nhận thức được các mối đe dọa trái và phải với tư cách là một người mẹ, thì cơ bắp của bạn có thể sẽ căng thẳng cả ngày và hàng ngày.
Thực hành thư giãn cơ bắp có thể giúp bạn thư giãn. Cơ bắp của chúng ta không tự thư giãn, đặc biệt là khi chúng ta bị căng thẳng ở mức độ cao. Bạn có thể phải tích cực luyện tập thư giãn cơ để giúp các cơ đó thư giãn vì nhiều nghiên cứu cho thấy bạn không thể cảm thấy lo lắng khi cơ thể đang thoải mái.
2.XỬ LÝ NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA NHỮNG TRẢI NGHIỆM TIÊU CỰC TRONG QUÁ KHỨ
Những trải nghiệm tiêu cực và bất an trong quá khứ ở mẹ cũng có thể là tác nhân khiến người mẹ rơi vào tình trạng rối loạn lo âu khi những sự việc ở hiện tại kích hoạt lại những cảm xúc bất lực của những trải nghiệm thơ ấu. Một người mẹ đã từng trải qua sự bỏ bê về cảm xúc, có thể trở nên nhạy cảm hoặc cáu gắt hơn với những tiếng khóc của trẻ. Một người mẹ đã từng trải qua sự thiếu thốn có thể sợ hãi hơn và nghiêm trọng hoá vấn đề hơn khi đối diện với những vấn đề về cân nặng, ăn uống hay sức khoẻ ở trẻ. Một người mẹ đã từng bị lạm dục trong thơ ấu có thể sẽ có xu hướng gắt gao hơn trong việc xây dựng niềm giới tính cho trẻ.
Trong nhiều trường hợp, những hành động và mức độ biểu đạt sự rối loạn lo âu ở mẹ dựa trên những sự trải nghiệm bất lợi trong quá khứ của mẹ. Người mẹ cần được chữa lành và giải phóng cho đứa trẻ bên trong của mình trước khi chăm sóc một đứa trẻ mới.
3.TIN CẬY
Nỗi sợ hãi của bạn tiết lộ những gì bạn tin về Chúa. Nỗi sợ hãi của chúng ta cũng cho thấy rằng chúng ta đang nghi ngờ sự tốt lành của Ngài. Vì nếu chúng ta tin rằng Chúa là tốt lành và yêu thương chúng ta, thì kế hoạch và quà tặng (con cái của chúng ta) của Ngài chẳng phải là điều tốt lành cho chúng ta sao? Kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta có thể không thoải mái, nhưng nó sẽ khiến chúng ta trở nên giống Đấng Christ hơn “Chúng ta biết mọi việc đều hợp lại làm ích cho người yêu mến Chúa, tức là những người được lựa chọn theo ý định của Ngài. Vì Đức Chúa Trời đã biết trước những người thuộc về Ngài, nên cũng chỉ định cho họ trở nên giống như Con Ngài; như vậy Chúa Cứu Thế là Con Trưởng giữa nhiều anh chị em.” Rô-ma 8:28-29
Chúng ta có thể tin rằng Chúa là tốt lành, nhưng sự lo lắng của chúng ta có thể cho thấy rằng chúng ta không tin rằng Ngài là Đấng tể trị. Bạn có thực sự tin tưởng rằng kế hoạch của Ngài sẽ thành hiện thực không?
Đôi khi có những tình huống khiến chúng ta lo lắng cho những điều tồi tệ nhất trở thành hiện thực. Mong muốn và nhu cầu của chúng ta luôn thường xuyên bị đe dọa. Nên phản xạ tự nhiên của chúng ta là phòng thủ. Nhưng chúng ta cần phải biết rằng chúng ta không cần phải sống trong nỗi sợ hãi và lo âu vì Đức Chúa Trời của chúng ta vĩ đại hơn, đáng sợ và quyền năng hơn những điều ở trong thế gian này. Chúng ta có thể giao phó tất cả cho người Cha vĩ đại yêu thương và tối cao của chúng ta.
Xác nhận niềm tin của chúng ta nơi Chúa, điều này không chỉ giúp mẹ vượt qua khủng hoảng lo âu, nhưng cũng là phương cách để hình thành sự tin tưởng của trẻ trên cha mẹ người chăm sóc trẻ.
4.TÌM SỰ HỖ TRỢ
Sự hỗ trợ qua sự kết nối: những người mẹ cần được kết nối với những người mẹ khác. Theo Harvard Health: “kết nối với các bà mẹ khác (thậm chí trực tuyến) có thể làm nên điều kỳ diệu trong việc giảm bớt nỗi sợ hãi và xác thực cảm xúc của mẹ”. Sự kết nối này sẽ giúp những người mẹ tìm được người có thể chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau về tinh thần. Mẹ cũng có thể kết nối để nhận được những dịch vụ chăm sóc trẻ em thay thế, giúp mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ ngơi của mẹ không chỉ ổn mà còn cần thiết vì tất cả những người mẹ đều cần và xứng đáng có thời gian để quản lý sức khỏe của chính mình (dựa vào bạn bè, gia đình, nhà trẻ, trường mầm non, trại hè, v.v. là một cách tuyệt vời để xây dựng thời gian trong lịch trình dành riêng cho mẹ.
Sự hỗ trợ từ Hội Thánh: những sự tư vấn từ người có kinh nghiệm trong cả việc chăm sóc trẻ và nuôi dạy trẻ theo đường lối Chúa, những sự hướng dẫn từ những người có ảnh hưởng thuộc linh có tác động rất lớn đến sự xây dựng niềm tin hay sự cầu nguyện để được chữa lành và xử lý những trải nghiệm bất lợi trong quá khứ. Những sự định hướng theo nguyên tắc Kinh Thánh sẽ giúp con đường chúng ta đi trong hành trình làm mẹ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Sự hỗ trợ từ chuyên gia: Nếu bạn là một bà mẹ mắc chứng lo âu và đang nghĩ đến việc bắt đầu trị liệu, thì bạn được khuyến khích để bắt đầu. Việc thúc đẩy bản thân trở nên nhạy cảm trước một người khác và điều đó bao gồm cả bác sĩ trị liệu của bạn là một điều thực sự dũng cảm. Nghiên cứu cho thấy rằng đối với những bà mẹ hay lo lắng, mối quan hệ mẹ con có thể bị ảnh hưởng. Gặp chuyên gia để trị liệu không chỉ giúp hỗ trợ sức khỏe tâm thần của bạn mà còn hỗ trợ cải thiện mối quan hệ với con bạn.
Hongan Doan
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com