Home Dưỡng Linh Ngày 10 – Hãy Kính Sợ Đức Chúa Trời

Ngày 10 – Hãy Kính Sợ Đức Chúa Trời

by SU Việt Nam
30 đọc

Tiếp theo việc giảng dạy về những mối quan hệ của con người, nhà truyền đạo dạy cách cư xử trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Ông dạy chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời, và không thề nguyện một cách vội vã, và nếu chúng ta đã hứa nguyện, thì phải bảo đảm là chúng ta thực hiện lời hứa nguyện của mình.

Truyền Đạo 5:1-7

1 Hãy cẩn trọng khi con bước chân đến nhà Đức Chúa Trời. Thà đến gần mà lắng nghe hơn là dâng sinh tế như những kẻ ngu dại, vì họ không nhận biết mình làm điều ác.

2 Con đừng vội vàng mở miệng,

Cũng đừng hấp tấp nói điều gì trước mặt Đức Chúa Trời,

Vì Đức Chúa Trời ở trên trời,

Còn con ở dưới đất.

Vậy, hãy ít lời.

3 Nhiều điều lo lắng sinh ra chiêm bao,

Còn nhiều lời thì sinh ra ngu dại.

4 Khi con hứa nguyện điều gì với Đức Chúa Trời thì đừng chậm trễ hoàn nguyện, vì Ngài chẳng vui thích kẻ dại. Vậy, hãy hoàn thành điều con hứa nguyện. 5 Thà đừng hứa nguyện hơn là hứa nguyện mà không hoàn nguyện. 6 Đừng để miệng con khiến con phạm tội, và đừng nói trước mặt sứ giả của Đức Chúa Trời rằng: “Đó là lầm lỡ.” Sao con làm cho Đức Chúa Trời nổi giận vì lời nói của con, và Ngài phá hủy công việc của tay con? 7 Ở đâu có quá nhiều chiêm bao, ở đó có nhiều điều hư không và lắm lời. Vậy, hãy kính sợ Đức Chúa Trời.

Suy ngẫm và hiểu

Nhà truyền đạo dạy chúng ta cẩn thận về hai điều khi đến trước Đức Chúa Trời một cách kính sợ: Thứ nhất, chúng ta phải cẩn thận về những gì chúng ta nói và khi chúng ta nói. Những người nói mà không hành động, nghĩ rằng họ có thể thay đổi được ý muốn của Đức Chúa Trời thông qua lời nói của mình. Nhưng Đức Chúa Trời trên thiên đàng và con người ở trên đất, và vì vậy Ngài không bị con người kiểm soát bởi bất cứ cách nào họ thích. Thứ hai, nếu chúng ta hứa nguyện với Đức Chúa Trời bất cứ điều gì, thì chúng ta phải giữ lời hứa của mình. Đức Chúa Trời không đẹp lòng với những người chỉ nói, mà không giữ lời hứa của mình. Nếu chúng ta không định giữ lời hứa của mình, tốt hơn là ngay từ đầu chúng ta không nên đưa ra những lời hứa đó (c. 1-7).

Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?

C.1 Đức Chúa Trời đẹp lòng với những người lắng nghe và vâng theo lời Ngài, hơn là với những sinh tế của những kẻ dại dột, những người không nghe Ngài. Những kẻ dại không nghe Đức Chúa Trời, vì thế họ không nhận biết rằng những gì họ làm là gian ác, và họ đến trước Đức Chúa Trời với tấm lòng không ăn năn và trình dâng sự thờ phượng giả tạo của họ. Chúng ta hãy đừng thờ phượng bởi nghĩa vụ, những hãy lắng nghe lời Ngài hàng ngày và sống đời sống thờ phượng thực sự.

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.4-6 Trong khi nhà truyền đạo trong phân đoạn ngày hôm nay dạy chúng ta hoàn thành những lời hứa nguyện chúng ta đã đưa ra, thì Đức Chúa Jêsus dạy chúng ta hoàn toàn không được thề (Ma-thi-ơ 5:34). Điều này là bởi vì những người ở trong một mối quan hệ trọn vẹn với Đức Chúa Trời, và những người gọi Ngài là Cha, không cần phải thề.

Tham khảo

5:4 Khi con hứa nguyện một điều gì đó với Đức Chúa Trời. Nhà truyền đạo mong muốn ngăn người ta khỏi việc thốt ra những lời vội vã hoặc vô nghĩa trong khi thờ phượng Đức Chúa Trời (c. 1-2), và một cách cụ thể, ông suy nghĩ đến việc bất cẩn đưa ra những lời thề ước theo tôn giáo như một hành động mộ đạo (so sánh với Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:21-23).

Qua việc đưa ra một lời thề, người thờ phượng sẽ hứa thực hiện một hành động cụ thể (như dâng một sinh tế), nếu Đức Chúa Trời đáp lời một cách thuận lợi cho lời cầu xin đặc biệt (Sáng Thế Ký 28:20-22; Các Thẩm Phán 11:30-31; 1 Sa-mu-ên 1:11). Dầu vậy, do việc dâng một sinh tế là tốn kém, người ta thường tìm kiếm cớ nào đó để tránh phải thực hiện việc đó (ví dụ, Truyền Đạo 5:6).

Cầu nguyện: Xin hãy giúp chúng con suy ngẫm lời của Ngài khi chúng con thờ phượng Ngài với tấm lòng tôn kính, hỡi Chúa.

Đọc Kinh Thánh trong năm: I Ti-mô-thê 4-6

Bình Luận:

You may also like