Home Dưỡng Linh Ngày 16 – Sự Tàn Phá Giê-Ru-Sa-Lem Và Sự Đến Của Con Người

Ngày 16 – Sự Tàn Phá Giê-Ru-Sa-Lem Và Sự Đến Của Con Người

by SU Việt Nam
30 đọc

Đối với nhiều người, những ngày cuối cùng sẽ thật đáng sợ, nhưng đối với các môn đồ, những người đã chịu đựng sự bắt bớ trong danh Đức Chúa Jêsus, những dấu hiệu về thời kỳ cuối cùng sẽ hứa hẹn sự cứu rỗi của họ.

Lu-ca 21:20-28

20 Khi các con thấy thành Giê-ru-sa-lem bị quân lính bao vây thì biết rằng sự tàn phá thành ấy sắp đến. 21 Lúc ấy, ai ở trong miền Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy đi ra ngoài; ai ở ngoài đồng, đừng trở vào thành. 22 Vì đó là những ngày báo thù, để cho mọi lời đã chép được ứng nghiệm. 23 Trong những ngày ấy, khốn thay cho phụ nữ mang thai và các bà còn cho con bú! Vì sẽ có đại họa trên đất và cơn thịnh nộ giáng trên dân nầy. 24 Họ sẽ ngã dưới lưỡi gươm và sẽ bị đem đi làm nô lệ giữa các nước. Thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp cho đến khi các thời kỳ dân ngoại được trọn. 25 Sẽ có các điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; còn dưới đất, các dân sầu não rối loạn trước biển cả ba đào gầm thét. 26 Người ta ngất đi vì kinh hãi trong khi chờ đợi những gì sắp xảy ra cho thế giới vì các quyền lực trên trời sẽ bị rúng động. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người lấy đại quyền đại vinh mà ngự đến giữa đám mây. 28 Khi nào các việc đó bắt đầu xảy đến, hãy đứng thẳng, ngước đầu lên, vì sự cứu rỗi của các con đang đến gần.”

Suy ngẫm và hiểu

Vào năm 70 SCN, Giê-ru-sa-lem đã bị quân đội La Mã cướp bóc. Đền thờ hoàn toàn bị tàn phá và người dân bị mất quê hương.Đức Chúa Jêsus đã nói trước rằng những sự kiện khốc liệt này sẽ được ứng nghiệm, như đã được viết trong Kinh Thánh (c.20-25). Tuy nhiên, những dấu hiệu của thiên tai tiếp tục cho thấy sự đoán xét của Đức Chúa Trời không chỉ giới hạn ở Giê-ru-sa-lem: dù là người Do Thái hay người ngoại thì sự đoán xét của Đức Chúa Trời sẽ giáng trên các cộng đồng không tiếp nhận Đức Chúa Jêsus. Nhưng đối với các môn đồ, những người kiên nhẫn chịu đựng sự bắt bớ vì danh của Đức Chúa Jêsus, những thảm họa này sẽ là một dấu hiệu của sự cứu rỗi (c.26-28).

Đức Chúa Jêsus là Đấng như thế nào?

C.22, 27-28 Đức Chúa Jêsus vừa là Đấng Cứu Rỗi, vừa là Đấng Phán Xét. Ngày của Chúa, khi mọi thứ được trọn, là ngày của sự cứu rỗicũng như ngày của sự đoán xét. Sự cứu rỗi vào ngày đó sẽ chỉ giáng trên những người thuận phục Đức Chúa Trời và chịu đựng gian khổ.

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.20-24 Như Đức Chúa Jêsus đã nói trước, đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và mọi người, những người không thể chạy trốn, đều bị giết. Đây là sự đoán xét của Đức Chúa Trời trên dân Y-sơ-ra-ên vì khước từ và giết Đức Chúa Jêsus, Đấng đã đến là Vua của nước Trời. Thậm chí chúng ta sẽ đối mặt với một ngày kinh khiếp hơn với sự đoán xét lớn hơn. Chúng ta đang chuẩn bị cho ngày đó như thế nào?

Tham khảo

21:24 lưỡi gươm.So sánh với Giê-rê-mi 21:7; Hê-bơ-rơ 11:37. Cho đến khi các thời kỳ của dân ngoại được trọn có thể nói đến một thời kỳ sau này, khi dân Y-sơ-ra-ên/ Giê-ru-sa-lem sẽ ăn năn và được phục hồi vì ân huệ của Đức Chúa Trời (xem Rô-ma 11:11-32).

21:25-28 các điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao và quyền lực trên trời sẽ bị rúng động mô tả những sự thay đổi lớn trên trời. thiên hạ sẽ thấy. Sự đến lần thứ hai liên quan đến sự trở lại hữu hình của Con Người từ trời (Công Vụ 1:11). Các việc đó … xảy đến liên quan đến Lu-ca 21:25-27. Sự cứu rỗi nói đến thời kỳ trở lại của Đấng Christ (Rô-ma 8:23).

Cầu nguyện: Chúa ôi, ngày của sự cứu chuộc gần rồi, vì thế xin hãy giúp chúng con đứng dậy từ sự tuyệt vọng, chống lại bất công và sự lộn xộn.

Đọc Kinh Thánh trong năm: Ê-xê-chi-ên 40-43

Bình Luận:

You may also like