Học Trò

by Ban Biên Tập
30 đọc

Ai trong chúng ta cũng đều quen thuộc với những câu trên của nhà văn Thanh Tịnh trong bao nhiêu năm qua. Giờ đây, khi năm học mới bắt đầu, lòng của nhiều người chắc hẳn cũng rộn rã hay bâng khuâng trước cảnh các em học trò đi học trở lại. Thời học sinh đã qua nhưng kỷ niệm của tuổi học trò chắc khó phai mờ trong trí óc chúng ta. Có bao giờ quý vị có ý nghĩ muốn trở lại thời đi học không? Đi học thì khổ, có nhiều cái lo, nhất là đi học ở Việt Nam nhưng tuổi học trò bao giờ cũng có cái thích thú của nó. Thật ra thì đời sống con người lúc nào cũng phải học cả.

Người xưa nói, “Học như con thuyền đi nước ngược, không tiến, ắt lùi.” Ngừng lại, không học là chúng ta đã lùi. Sống vì vậy là phải trau giồi, học hỏi. Các nhà giáo dục định nghĩa học với ba bước: thu thập, biến hóa và áp dụng.

Học trước hết là thu thập dữ kiện, từ lúc vỡ lòng cho đến hậu đại học và suốt cả cuộc đời, chúng ta thu thập dữ kiện, để cho những sự kiện đi vào trí óc. Nhưng những gì chúng ta thu thập không dừng lại ở đó, nó phải được biến hóa hay chế biến trong một tiến trình. Có một biến trình trong sự học hỏi nghĩa là những gì chúng ta thu thập phải được nghiền ngẫm, suy nghĩ để thấy được ý nghĩa của những điều chúng ta ghi nhận và thu thập. Và cái học cũng không dừng lại ở đó nhưng phải được áp dụng vào thực tế ở đời. Những gì ta học phải được sử dụng trong đời sống như là thay đổi, xây dựng hay giúp ích cho đời sống. Thu thập sự kiện, thông hiểu sự kiện nhưng không ứng dụng vào đời sống, đó chưa phải là học.

Chúa Cứu Thế Giê-xu khi đến trần gian để cứu chuộc nhân loại, Ngài kêu gọi một số người theo Chúa và Ngài gọi họ là môn đệ hay học trò của Ngài. Người theo Chúa được gọi là môn đồ, môn sinh hay học trò của Chúa. Mạng lệnh cuối cùng của Chúa Giê-xu cho các môn đệ trước khi Ngài thăng thiên là: “Hãy khiến muôn dân trở nên môn đệ Ta!” Chúa bảo người tin Chúa hay môn đệ của Chúa phải đào tạo môn đệ cho Chúa. Người tin Chúa là học trò của Ngài. Và theo như định nghĩa về học chúng ta vừa nói, người học trò của Chúa cũng phải qua những bước tương tự. Đó là thu thập dữ kiện, phải biết Chúa là ai, Ngài làm gì, Ngài dạy những điều gì? Sau khi biết những điều đó chúng ta phải suy nghĩ, để cho tâm trí chúng ta trải qua một tiến trình học hỏi để biết những điều đó mang ý nghĩa gì. Và rồi chúng ta sẽ có những quyết định để áp dụng những điều học hỏi đó cho mình.

Chúa Giê-xu là ai, Ngài làm gì và Ngài dạy những gì? Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời nghĩa là Chúa chính là Đức Chúa Trời nhưng mang hình hài thể xác của con người để hòa mình làm một với nhân loại. Do đó Chúa mới có thể mang tội của nhân loại và chịu chết thế cho con người. Chúng ta biết Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời qua sự giáng sinh diệu kỳ của Chúa qua trinh nữ Ma-ri. Qua đời sống vô tội của Ngài. Qua những công việc mà chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có thể làm như dẹp yên bão tố, kêu người chết sống lại, thay đổi các định luật vật lý, hóa học. Chỉ một mình Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa mới có thể thay đổi những định luật do chính Ngài thiết lập.

Việc làm của Chúa cho thấy rõ Chúa Giê-xu là ai. Và những lời dạy của Ngài cũng vậy. Chúa phán:

Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Cha (Phúc Âm Giăng 14:6)

Không phải ai cũng có thể tuyên bố như vậy. Ngài chính là Đức Chúa Trời, đến từ Đức Chúa Trời nên chỉ một mình Ngài mới có thể đem chúng ta trở về với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu chẳng những tuyên bố những lời khẳng định về Ngài, Chúa cũng kêu gọi chúng ta với những lời thật nhân từ dịu ngọt. Chúa phán:

Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ (Phúc Âm Ma-thi-ơ 11:28)

Chúa Giê-xu đã thực hiện nhiều phép lạ, chữa lành nhiều bệnh tật, tuyên bố những lời đầy quyền năng, nhưng đó không phải là mục đích chính của Chúa khi đến trần gian. Chúa Giê-xu giáng sinh làm người là để chịu chết chuộc tội cho con người. Vấn đề là như thế nầy: Con người được Đức Chúa Trời tạo dựng để tương giao và tôn thờ Ngài. Nhưng con người đã chọn con đường phản loạn, chống lại Thiên Chúa, không tôn thờ Ngài. Đức Chúa Trời chí thánh không thể tương giao với con người tội lỗi và để mối tương giao được nối lại, vấn đề tội lỗi phải được giải quyết. Án phạt phải được thi hành thì vấn đề tội lỗi mới có thể được giải quyết theo đúng bản tính thánh khiết của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời cũng là Đấng yêu thương cho nên để quân bình giữa thánh khiết và yêu thương, phải có một người nhận chịu bản án thay thế. Công lý của Thiên Chúa nhờ đó được thỏa mãn mà đức yêu thương của Ngài vẫn còn. Đó chính là ý nghĩa cái chết của Chúa Giê-xu: cái chết của một người vô tội thay cho con người tội lỗi.

Đó là những sự kiện chúng ta phải biết và để tâm suy nghĩ. Và đó là hai bước đầu của giáo dục, của người học trò. Người học trò phải biết ứng dụng hay áp dụng những điều mình biết vào đời sống. Đức tin nơi Chúa Giê-xu chính là bước áp dụng đó. Chúa Giê-xu chịu chết vì mọi người nhưng chỉ ai tin nhận Chúa, công nhận cái chết của Chúa là vì mình thì cái chết của Chúa mới có giá trị, mới áp dụng cho người đó.

Quý vị và tôi không còn đi học nữa nhưng học là điều chúng ta phải làm suốt đời. Hôm nay, với tư cách là người học trò của Chúa Giê-xu, tôi xin được gửi đến quý vị bài học về Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời trong thân xác con người, mang tội của con người chịu chết thế cho con người. Người nào tin nhận Chúa sẽ kinh nghiệm ơn tha thứ và ơn cứu chuộc của Ngài. Không tin, chúng ta sẽ chịu án phạt đời đời. Quý vị đã nghe, đã suy nghĩ. Tôi hy vọng quý vị cũng sẽ quyết định cho chính mình. Đó chính là học bài học về Chúa Giê-xu. Bài học quan trọng nhất trong đời sống. Kinh Thánh dạy:

Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến trong thế gian để cứu vớt người có tội, đó là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà tiếp nhận! (Thư I Ti-mô-thê 1:15)

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Nguồn Tinlanhbayarea.org
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like