Home Chuyên Đề CHÚNG TA SẼ ĐẶT TÊN CON LÀ GÌ? – Chương 5: Cha Đặt Tên Cho Con (Bên-gia-min)

CHÚNG TA SẼ ĐẶT TÊN CON LÀ GÌ? – Chương 5: Cha Đặt Tên Cho Con (Bên-gia-min)

by Sưu Tầm
30 đọc

Hãy cẩn thận khi đặt tên cho con mình, vì cái tên đó có thể ảnh hưởng đến con trẻ trong suốt quãng đời còn lại. Một vài năm về trước, Tiến-sĩ Robert Nicole đã thực hiện một cuộc khảo sát với 15.000 tội phạm. Ông phát hiện ra những người có tên lạ thường gặp rắc rối với cảnh sát nhiều gấp bốn lần so với những người có những cái tên dễ nghe hơn. Nói cách khác, tên gọi ảnh hưởng đến lòng tự trọng của một đứa trẻ, từ đó ảnh hưởng đến hành vi của trẻ.

Bạn có muốn mang cái tên “con trai của sự đau đớn tôi” trong suốt phần đời còn lại của mình không? Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu tên của bạn là một lời nhắc nhở liên tục dành cho bạn rằng sự ra đời của bạn đã góp phần gây ra cái chết của mẹ bạn? Một nhân vật lớn của Kinh Thánh gần như phải đối mặt với tình huống khó xử này. Chúng ta đọc trong Sáng-thế Ký 35:16-20: “Ở Bê-tên đi, họ còn cách Ê-phơ-rát chừng vài thôi đường, thì Ra-chên sanh nở. Việc sanh nở của người thật đau đớn. Trong khi khó sanh, bà mụ nói rằng: Đừng sợ chi, vì nàng còn một con trai nữa. Vả, bởi Ra-chên gần trút linh hồn, vì đương cơn hấp hối, nên người đặt đứa con trai đó tên là Bê-nô-ni; còn cha nó lại đặt tên là Bên-gia-min. Vậy, Ra-chên qua đời, được chôn bên con đường đi về Ê-phơ-rát, tức là Bết-lê-hem. Gia-cốp dựng một mộ bia; ấy là mộ bia của Ra-chên đến ngày nay hãy còn di tích.

Trong cơn hấp hối, Ra-chên đã đặt cho đứa con trai đặc biệt của mình một cái tên mà có lẽ sẽ là gánh nặng và nỗi xấu hổ đối với cậu trong suốt quãng đời còn lại. Tên mà nàng đặt là, “Bê-nô-ni” nghĩa là “con trai của sự đau đớn tôi.” Tuy nhiên, Gia-cốp đã đổi tên đứa bé thành “Bên-gia-min,” một từ có nghĩa là “con trai của tay hữu ta.” Tôi chắc chắn rằng Bên-gia-min đã rất biết ơn cha vì đã đổi tên cho mình.

Sự đáp lời cho lời cầu nguyện của người mẹ

Chúng ta có thể học được nhiều điều hơn từ cuộc đời của Bên-gia-min chứ không chỉ là tầm quan trọng của việc chọn tên cho con một cách cẩn thận. Chúng ta thấy gì khi nhìn vào cuộc đời của cậu bé này? Đầu tiên, chúng ta thấy sự đáp lời cho lời cầu nguyện của một người mẹ.

Chuyện của Gia-cốp và Ra-chên là một câu chuyện quen thuộc. Gia-cốp yêu Ra-chên tha thiết. Khi người bị lừa kết hôn với chị gái nàng, là Lê-a, người đã làm việc cho La-ban thêm bảy năm nữa để có thể lấy được Ra-chên. Lê-a sớm sinh được bốn người con trai, nhưng Ra-chên vẫn son sẻ. Nàng muốn có con đến phát điên. Khi không thể mang thai được, nàng trở nên ghen tức với Lê-a: “Ra-chên thấy mình chẳng sanh con cho Gia-cốp, thì đem lòng ghen ghét chị, nói cùng Gia-cốp rằng: Hãy cho tôi có con, bằng không, tôi chết. Gia-cốp nổi giận cùng Ra-chên mà rằng: Há ta được thay quyền Đức Giê-hô-va, mà không cho ngươi sanh sản sao?” (Sáng-thế 30:1,2).

Khi Ra-chên phàn nàn với Gia-cốp, người giận dữ đáp lại rằng: “Tôi không phải là Chúa. Tôi không thể cho nàng có con.” Nhưng Ra-chên đã nghĩ ra một kế hoạch. Nàng nói với Gia-cốp, “Tại sao chàng không lấy cô hầu Bi-la của tôi đi, cô ấy có thể sinh con cho tôi” (xem câu 3). Đây cũng là kế hoạch mà Áp-ra-ham và Sa-ra đã sử dụng khi ông lấy A-ga. Nàng thọ thai và sinh ra Ích-ma-ên. Họ đã chọn nhúng tay vào kế hoạch của Đức Chúa Trời, và hậu quả kéo theo là khó khăn và buồn thảm cho đến ngày nay. Thật không may, Gia-cốp đã không học được gì từ sai lầm của ông mình. Người ăn ở với Bi-la, rồi họ có với nhau hai con trai—Đan và Nép-ta-li (xem câu 4-8).

Mặc dù Lê-a đã có bốn con trai, nhưng nàng cảm thấy mình phải theo kịp Ra-chên. Vì vậy nàng nói với Gia-cốp, “Sao chàng không lấy cô hầu Xinh-ba của tôi luôn đi vì nếu cô ấy sinh con trai cho chàng thì tôi cũng được thơm lây” (xem câu 9). Gia-cốp đã làm theo yêu cầu của nàng, rồi Gát và A-se ra đời. Thay vì tin cậy Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ làm điều gì đó, thì Ra-chên và Lê-a đã tự lập mưu và lên kế hoạch cho riêng mình. Sự vô tín của họ đã khiến mối quan hệ trong gia đình trở nên phức tạp kéo theo nhiều xung đột và những chuyện đau lòng cho chính họ, cho Gia-cốp và cho những đứa trẻ trong nhà.

Một người bạn của tôi hay nói thế này, “Đức tin là sống mà không có mưu đồ chi hết.” Thật là đúng! Cuối cùng khi Ra-chên quyết định ngừng bày mưu tính kế và bắt đầu cầu nguyện, nàng đã nhìn thấy kết quả: “Đức Chúa Trời nhớ lại Ra-chên, bèn nhậm lời và cho nàng sanh sản” (câu 22). Rõ ràng là, Ra-chên thực sự đã bắt đầu cầu nguyện một cách sốt sắng về tình cảnh của mình. Và Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện bởi đức tin của nàng: “Nàng thọ thai, sanh một con trai, mà rằng: Đức Chúa Trời đã rửa sự xấu hổ cho tôi rồi; bèn đặt tên đứa trai đó là Giô-sép [một cái tên có nghĩa là “thêm nữa”]; lại nói rằng: Cầu xin Đức Giê-hô-va thêm cho một con trai nữa” (câu 23,24). Khi đặt tên cho Giô-sép, Ra-chên đang cho rằng Chúa sẽ ban cho nàng một con trai khác. Chúa đã rất thành tín. Ngài đáp lại lời cầu xin của Ra-chên, và nàng có thêm một con trai kháu khỉnh khác—Bên-gia-min. Cậu là sự đáp lời cho lời cầu nguyện của một người mẹ.

Tôi cảm ơn Chúa vì những người mẹ hay cầu nguyện. Là cha mẹ, chúng ta phải không ngừng cầu nguyện, không chỉ cho sự ra đời của các con mình mà còn cho mọi khía cạnh trong đời sống của chúng. Là con cái, chúng ta nên biết ơn cha mẹ, người thân và những người khác đã cầu nguyện cho chúng ta. Và chúng ta nên phấn đấu để cho họ thấy rằng những lời cầu nguyện của họ đã được đền đáp.

Một thách thức cho đức tin của người mẹ

Sự ra đời của Bên-gia-min không chỉ là một câu trả lời trực tiếp cho những lời cầu nguyện của Ra-chên mà còn là một thách thức cho đức tin của người mẹ. Mặc dù Đức Chúa Trời đã nghe và đáp lại lời cầu nguyện của Ra-chên, nhưng lời cầu xin của nàng không phải là không có cái giá của nó. Lời cầu nguyện được đáp lời của nàng đòi hỏi nhiều đau đớn và khó nhọc, cuối cùng Ra-chên phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Gia-cốp và gia đình mình đã có một chuyến đi dài ngày khi Ra-chên gần đến ngày sinh nở. Họ vừa rời Bê-tên và đang trên đường đến Hếp-rôn để gặp Y-sác, cha của Gia-cốp. Tại Bê-tên, Gia-cốp đã xây một bàn thờ như Đức Chúa Trời chỉ dẫn. Trong nhiều năm, Gia-cốp đã tranh chiến với Đức Chúa Trời, nhưng tại Bê-tên, cuối cùng người đã trở lại với Chúa. Một cơn phấn hưng đã xảy ra trong gia đình của Gia-cốp. Sự phấn hưng phải khởi sự nơi người đứng đầu gia đình, và điều này đã xảy ra đúng như vậy trong trường hợp này. Gia-cốp bảo người nhà cùng các gia nhân hãy làm cho mình được thanh sạch bằng cách mang tất cả thần tượng của họ đến cho ông và thay áo xống đi. Sau đó, Gia-cốp đem chôn những thần tượng đó dưới gốc cây sồi [hay còn gọi là cây “dẻ bộp”] trước khi cùng gia đình rời đi Bê-tên (xem Sáng-thế 35:1-7).

Tại Bê-tên, Đức Chúa Trời đã ban phước cho Gia-cốp và tái xác nhận lời Ngài đã hứa với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp (xem câu 9-15). Vì sự phấn hưng đã diễn ra trong cuộc đời của Gia-cốp, nên một số người có thể nghĩ rằng người sẽ không còn gặp đau đớn và nan đề nữa. Nhiều người ngày nay đang rao giảng loại Phúc Âm này. Họ nói, “Chỉ cần anh chị em làm đúng trước mặt Chúa, thì cuộc sống này sẽ dễ dàng hơn cho anh chị em.” Tất nhiên, ở một khía cạnh nào đó, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta thuộc về Đấng Christ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ thoát khỏi mọi nan đề, thử thách và phiền muộn. Trên thực tế, Sa-tan sẽ tạo ra nhiều nan đề hơn nữa cho chúng ta vì đức tin của chúng ta. Mặc dù chúng ta vẫn phải đối mặt với những thử thách này, nhưng chúng ta không cần phải làm điều đó một mình. Chúa sẽ đi qua lửa với chúng ta.

Cuộc đời của Gia-cốp phản ánh lẽ thật này. Ngay sau khi người kinh nghiệm sự phấn hưng, người và gia đình của mình ngay lập tức phải đối mặt với những thử thách cam go. Đầu tiên, bà vú thân yêu của Rê-be-ca, Đê-bô-ra, qua đời (xem câu 8). Sau đó Ra-chên chuyển dạ trong khi họ vẫn còn đang đi đường. Nàng sinh khó. Trong khi em bé ra đời bình an, thì Ra-chên qua đời khi sinh nở. Nàng đã phó mạng sống mình để con trai yêu dấu có thể được sinh ra.

Chúng ta có thể hiểu cảm giác của Ra-chên khi nàng đang nằm hấp hối, vì nàng nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ được nhìn thấy các con trai mình lớn lên. Trong nỗi sầu khổ của mình, nàng đặt tên cho đứa bé mới sinh là Bê-nô-ni, “con trai của sự đau đớn [khó nhọc] tôi.” Những năm qua không hề dễ dàng gì đối với nàng. Nàng và người đàn ông mà mình yêu thương sâu đậm đã bị lừa dối bởi cha nàng, là La-ban. Cuối cùng khi Ra-chên được phép kết hôn với Gia-cốp, nàng lại phải chịu đựng sự ghen tuông của Lê-a vì Gia-cốp yêu Ra-chên hơn Lê-a. Khi đó nàng đã không thể cho chồng mình điều mà nàng mong muốn nhất—những đứa con. Bởi vì điều này, mà sự ganh đua và tranh cạnh đã dấy lên trong gia đình suốt nhiều năm. Và giờ đây nàng cuối cùng đã có thể có con, nhưng nàng lại không sống để vui hưởng điều này.

Cái chết của Ra-chên là một đòn nặng nề giáng trên Gia-cốp. Khi người đàn ông đau khổ này nhìn đứa con vừa mới chào đời của mình, người nói, “Con trai ta sẽ không có tên là Bê-nô-ni. Ta không muốn nó phải sống mà luôn bị nhắc nhở về nỗi đau buồn trong ngày nó ra đời. Ta sẽ đặt tên cho nó là Bên-gia-min, nghĩa là ‘con trai bên hữu ta’.” Thay vì phải mang một cái tên mà sẽ là gánh nặng cho mình, thì Bên-gia-min đã nhận được một cái tên mà cậu có thể tự hào. Trong nền văn hóa ngày xưa, được đứng bên tay hữu của một người là một vinh dự lớn. Đó là vị trí của sức mạnh và thẩm quyền. Và dù là con út, Bên-gia-min đã trở thành con trai cưng của cha sau khi Gia-cốp nghĩ rằng Giô-sép đã chết. Cậu giữ vị trí mà lẽ ra thường dành cho con trai cả.

Khi đối mặt với những phiền muộn và gánh nặng trong cuộc sống, chúng ta có thể đối diện theo hai cách. Chúng ta có thể đi theo con đường của sự vô tín và sống theo cảm xúc. Đây là những gì Ra-chên đã làm khi đức tin của nàng bị thử thách. Nàng tập trung vào nỗi đau của mình thay vì tập trung vào Chúa. Nhiều người ngày nay giống như Ra-chên. Thay vì chôn chặt nỗi đau và phiền muộn, họ chọn cách tưởng nhớ chúng. Họ liên tục xoáy sâu vào những nan đề trong quá khứ và kết quả là cuộc đời của họ trở nên khốn khổ hơn. Con đường khác chúng ta có thể chọn để đi là con đường của đức tin. Đây là những gì Gia-cốp đã làm. Người đã nhìn hoàn cảnh của mình bằng con mắt của đức tin thay vì quá cảm xúc. Người công bố lời hứa của Đức Chúa Trời và tin rằng Đức Chúa Trời sẽ làm thành ý muốn của Ngài. Ngày nay chúng ta có thể công bố một lời hứa tương tự: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28).

Khi chúng ta tìm cách làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, chúng ta có thể yên tâm rằng bất cứ điều gì Ngài cho phép xảy ra trong đời sống của chúng ta đều là vì lợi ích cuối cùng của chúng ta. Ngài quan tâm đến lợi ích tốt nhất của chúng ta. Giê-rê-mi 29:11 nói với chúng ta rằng, “Vì Ta biết ý tưởng Ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình.” Một bản dịch khác thể hiện cụm từ cuối cùng theo cách này, “để ban cho các con một tương lai và một hy vọng” (Bản Dịch Hiệu Đính). Phân đoạn này có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Câu này nói rằng Chúa liên tục nghĩ về chúng ta. Kế hoạch của Ngài cho chúng ta không phải tai họa. Vì vậy, ngay cả giữa những giọt nước mắt và đau khổ, chúng ta vẫn có thể hy vọng vì chúng ta biết chắc rằng cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ mang lại những phước lành từ sự đau buồn của chúng ta.

 Giống như Gia-cốp và Ra-chên, chúng ta sẽ đi qua cuộc đời này và đặt tên cho những hoàn cảnh là “con trai của sự đau đớn tôi” hay là “con trai bên hữu tôi.” Chúng ta có thể chọn để tưởng nhớ nỗi đau và tổn thương của chúng ta, và bằng cách ghi nhớ những điều đó, chúng ta khiến bản thân mình đau đớn hơn nữa. Hoặc chúng ta có thể giao vấn đề của mình cho Chúa và nói, “Lạy Chúa, con muốn đặt điều này ở bên hữu Ngài. Và con muốn Chúa biến bi kịch của con thành thắng lợi, nỗi buồn của con thành niềm vui và chiến thắng.” Khi chúng ta làm vậy, Đức Chúa Trời sẽ chữa lành tổn thương của chúng ta, giống như Ngài đã làm với Gia-cốp.

Phước lành cho một thế gian thiếu thốn

Ngoài việc là sự đáp lời cho lời cầu nguyện của mẹ mình và một thách thức cho đức tin của người, thì cuộc đời của Bên-gia-min còn có những ảnh hưởng sâu rộng đối với nhân loại. Cuộc đời của cậu đã trở thành phước lành cho một thế gian thiếu thốn.

Khi Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham rời khỏi quê hương và đi đến nơi Ngài sẽ chỉ, Chúa cũng hứa với ông rằng ông sẽ trở thành tổ phụ của một dân lớn (xem Sáng-thế 12:1-3). Thông qua con trai ông, Y-sác và cháu nội, là Gia-cốp, lời hứa này bắt đầu được ứng nghiệm. 12 con trai của Gia-cốp trở thành 12 chi phái Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời đã chọn con cái Y-sơ-ra-ên để làm nguồn phước cho toàn thế giới. Thông qua họ, thế gian có được sự hiểu biết về Đức Chúa Trời chân thật. Qua dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta đã được ban cho Lời thành văn của Đức Chúa Trời, là Kinh Thánh và Lời Hằng Sống của Ngài, là Chúa Giê-su Christ.

Hai con trai của Ra-chên đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Y-sơ-ra-ên. Gia-cốp và các con trai khác của người có lẽ đã chết vì đói nếu Giô-sép không cứu họ. Vậy, Giô-sép đã cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi bị diệt vong. Tương tự như vậy, Bên-gia-min đã trở thành một chi phái lớn. Nhiều nhân vật quan trọng trong kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho dân tộc này đến từ chi phái Bên-gia-min. Vị quan xét thứ hai của dân Y-sơ-ra-ên, Ê-hút, và vị vua thứ nhất, Sau-lơ, đều thuộc chi phái này (xem Các Quan Xét 3:15 và I Sa-mu-ên 9:1-2). Ê-xơ-tê, người đã cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi nạn diệt chủng, cũng là một người thuộc chi phái Bên-gia-min (xem Ê-xơ-tê 2:5,7). Tiên tri Giê-rê-mi đến từ lãnh thổ Bên-gia-min. Ra-chên đã sinh ra cho thế gian hai con trai, những người đã bảo vệ và canh giữ quốc gia Y-sơ-ra-ên thông qua hậu duệ của họ.

Mặt khác chi phái Bên-gia-min cũng có một vị trí quan trọng đối với các Cơ-đốc nhân, vì Sứ-đồ Phao-lô cũng là hậu duệ của Bên-gia-min (xem Phi-líp 3:5). Phao-lô được Đức Chúa Trời kêu gọi để rao giảng Phúc Âm cho dân ngoại. Nếu không có Phao-lô, Phúc Âm sẽ chỉ ở trong vòng những người Do Thái, và chúng ta sẽ không có hy vọng ngày nay. Nếu không có Phao-lô, chúng ta sẽ không có nửa cuối của Sách Công-vụ hoặc những lời dạy quan trọng và truyền cảm hứng được tìm thấy trong nhiều thư tín của ông.

Ra-chên không hề biết rằng các con trai mình sẽ là phước lành cho thế gian. Tương tự như vậy, chúng ta cũng không bao giờ biết được Chúa sẽ làm gì với các con của chúng ta khi chúng ta dâng con cái mình lên cho Chúa để chúng hầu việc Ngài.

Một bức tranh về Cứu Chúa của chúng ta

Cuối cùng, trong cuộc đời của Bên-gia-min, chúng ta thấy một bức tranh về Đấng Cứu Rỗi đắc thắng của chúng ta. Một vài khía cạnh trong cuộc đời của Bên-gia-min gần giống với cuộc đời của Chúa Giê-su Christ. Bên-gia-min sinh ra gần Bết-lê-hem, là thành mà Chúa Giê-su đã đến thế gian với hình hài một con trẻ. Nếu Chúa Giê-su không đến, Bết-lê-hem sẽ chỉ được biết đến như một nơi chết chóc—nơi chôn cất Ra-chên. Thay vào đó, nơi này giờ được tôn vinh làm một nơi của sự ra đời đặc biệt—thành đã mang lại cho chúng ta Cứu Chúa.

Tương tự như vậy, những cái tên của Bên-gia-min chỉ ra những khía cạnh khác nhau trong cuộc đời của Đấng Christ. Chúa Giê-su Christ, quả thật, là “con trai của sự đau đớn tôi.” Ngài là “một người kinh nghiệm những đau thương sầu khổ và quen thuộc với ốm đau bịnh tật” (Ê-sai 53:3,BD2011). Ngài chịu lấy những gánh nặng tương tự mà chúng ta phải gánh ngày nay, và Ngài biết khóc. Trên thực tế, nỗi sầu khổ của Ngài quá lớn đến nỗi Ngài đã mang nó lên thập tự giá. Ở đó Ngài gánh toàn bộ sức nặng của tội lỗi và sự đau buồn của chúng ta (xem câu 4); Ngài đã biến những điều đó thành của riêng mình.

Nhưng Đấng Christ không còn là người từng trải sự đau khổ. Giống như Bên-gia-min, Ngài cũng là “con trai bên hữu ta.” Chúa Giê-su Christ đã lên trời cùng Đức Chúa Cha, và ngày nay Ngài đang ở tại bên hữu Đức Chúa Trời. Thi-thiên 110:1 cho chúng ta biết, “Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu Ta, Cho đến chừng Ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chân cho ngươi.” Mặc dù Chúa Giê-su vẫn đồng cảm với nỗi đau buồn và sự sầu khổ của chúng ta, nhưng Ngài đã phá vỡ quyền năng của chúng trên chúng ta. Bây giờ Ngài đang ngồi bên hữu Đức Chúa Cha—vị trí của sức mạnh và thẩm quyền: “Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bổn thể Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật; sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao” (Hê-bơ-rơ 1:3). Tại sao Chúa Giê-su lại ngồi xuống? Bởi vì công việc của Ngài đã được làm xong rồi.

Chúng ta thấy lẽ thật này được xác nhận trong Hê-bơ-rơ 10:11-14. “Phàm thầy tế lễ mỗi ngày đứng hầu việc và năng dâng của lễ đồng một thức, là của lễ không bao giờ cất tội lỗi được, còn như Đấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời, từ rày về sau đương đợi những kẻ thù nghịch Ngài bị để làm bệ dưới chân Ngài vậy. Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời.” Trong Sách Hê-bơ-rơ—thực ra là xuyên suốt Tân Ước—điều này được nhấn mạnh. Chúa Giê-su Christ ngồi vì công việc của Ngài đã hoàn tất. Ngài đã hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời. Và bây giờ Ngài đang chờ ngày Ngài tái lâm và khuất phục kẻ thù của Ngài mãi mãi. Chúng ta học được gì từ cuộc đời của Bên-gia-min? Chúng ta học được rằng Đức Chúa Trời có thể mang lại chiến thắng từ những hoàn cảnh tưởng chừng như thất bại và sự sống từ trong cái chết chỉ cần chúng ta tin tưởng Ngài. Mỗi thử thách mà chúng ta phải chịu đựng không nhất thiết phải được đặt tên là Bê-nô-ni, “con trai của sự đau đớn tôi.” Chúa có thể giúp chúng ta biến những bi kịch của mình thành chiến thắng vì sự vinh hiển của Ngài khi chúng ta bước đi bằng đức tin và tìm kiếm “Đấng ngồi bên hữu Ngài.”

Tác giả: Warren W. Wiersbe – Giám-đốc điều hành Mục-vụ Back to the Bible

Nguồn: Sưu Tầm

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like