Home Chuyên Đề CHÚNG TA SẼ ĐẶT TÊN CON LÀ GÌ? – Chương 4: Em Bé Mang Lại “Tiếng Cười” (Y-sác)

CHÚNG TA SẼ ĐẶT TÊN CON LÀ GÌ? – Chương 4: Em Bé Mang Lại “Tiếng Cười” (Y-sác)

by Sưu Tầm
30 đọc

Bạn có hay cười không? Nhiều Cơ-đốc nhân ngày nay có một quan niệm sai lầm rằng các tín hữu lúc nào cũng phải tỏ ra nghiêm trang. Vì vậy, họ bỏ lỡ nhiều niềm vui của đời sống Cơ-đốc. Kinh Thánh cho chúng ta biết, “Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay” (Châm-ngôn 17:22). Một nụ cười xuất phát từ tấm lòng vui vẻ không chỉ có tác dụng chữa bệnh cho tinh thần và thể chất, mà còn tốt cho linh hồn nữa.

Khi nghiên cứu Kinh Thánh, bạn sẽ khám phá ra nhiều anh hùng đức tin cũng cười. Họ cười vì nhiều lý do—vì vui mừng, vì đức tin và thậm chí cả sự vô tín. Trên thực tế, Chúa thậm chí còn đặt cho một em bé quan trọng trong Kinh Thánh một cái tên có nghĩa là “cười lên.”

Cái tên có nghĩa “cười lên” này là tên gì? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong Sáng-thế Ký 17: “Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: còn Sa-rai, vợ ngươi, chớ gọi là Sa-rai nữa; nhưng Sa-ra là tên người đó. Ta sẽ ban phước cho nàng, lại do nơi nàng Ta sẽ cho ngươi một con trai. Ta sẽ ban phước cho nàng, nàng sẽ làm mẹ các dân tộc; những vua của các dân tộc sẽ do nơi nàng, mà ra. Áp-ra-ham bèn sấp mình xuống đất, cười và nói thầm rằng: Hồ dễ người đã trăm tuổi rồi, mà sanh con được chăng? Còn Sa-ra, tuổi đã chín mươi, sẽ sanh sản được sao? Áp-ra-ham thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Chớ chi Ích-ma-ên vẫn được sống trước mặt Ngài! Đức Chúa Trời bèn phán rằng: Thật vậy, Sa-ra, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, rồi ngươi đặt tên là Y-sác. Ta sẽ lập giao ước cùng nó, để làm giao ước đời đời cho dòng dõi của nó” (câu 15-19).

Trong phân đoạn này, Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham và tái khẳng định lời hứa của Ngài là làm cho Áp-ra-ham trở thành một dân lớn (xem 13:16). Áp-ra-ham và Sa-ra đã đợi nhiều năm để lời hứa này được ứng nghiệm, nhưng họ vẫn không có dù là chỉ một đứa con, huống chi là vô số con cháu. Họ đã già và đã qua tuổi sinh sản. Khi Áp-ra-ham nghe tin họ sắp có con, ông đã cười. Bởi vì ông cười, nên Chúa phán với ông rằng con trai mà họ sẽ sinh ra nên đặt tên là Y-sác, một cái tên có nghĩa là “cười lên.”

Đức Chúa Trời sắp thực hiện một trong những phép lạ vĩ đại nhất trong lịch sử—một phép lạ không chỉ mang lại niềm vui cho cuộc đời của Áp-ra-ham và Sa-ra mà còn khai sinh ra cả một dân tộc. Vì lý do này, Y-sác không phải là người duy nhất được đặt tên. Cha mẹ của người cũng được đặt cho những cái tên mới để nhắc nhở họ, và cả chúng ta, về những gì Đức Chúa Trời có thể làm.

Nhưng trước khi Chúa đổi tên cho Áp-ram và Sa-rai, Ngài đã đặt cho chính mình Ngài một tên mới: “Ta là Đức Chúa Trời toàn năng; ngươi hãy đi ở trước mặt Ta làm một người trọn vẹn” (17:1). Từ tiếng Do Thái cho “Đức Chúa Trời toàn năng” ở đây là El Shaddai. Chữ El có nghĩa là “Đấng mạnh mẽ,” trong khi đó chữ Shaddai có nghĩa đen là “bầu sữa mẹ.” Vì vậy, trong câu này, Đức Chúa Trời không chỉ mô tả sức mạnh to lớn và quyền năng tuyệt đối của Ngài mà còn cả lòng từ ái của Ngài và khả năng thoả mãn mọi nhu cầu của chúng ta. Ngài đang nhắc nhở Áp-ra-ham về sự thật rằng Ngài làm được mọi sự; Ngài có quyền năng để mang lại sự sống cho một tử cung đã chết.

Cũng vậy, Chúa đặt cho Áp-ram một cái tên mới để xác nhận lời hứa của Ngài với ông: “Thiên hạ chẳng còn gọi ngươi là Áp-ram [“cha cao quý”] nữa, nhưng tên ngươi sẽ là Áp-ra-ham [“cha của nhiều dân tộc”], vì Ta đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc” (câu 5). Chúa cũng đổi tên Sa-rai thành Sa-ra—có nghĩa là “công chúa”—như một dấu hiệu của lời hứa rằng Ngài sẽ làm cho bà trở thành mẹ của các vua và nhiều dân tộc (xem câu 15,16).

Bạn có hình dung được phản ứng của những tôi tớ trong nhà Áp-ra-ham khi ông thuật lại cho họ nghe những gì Đức Chúa Trời đã phán không? Tôi có thể tưởng tưởng ra cảnh Áp-ra-ham bảo 318 gia nhân của mình đứng xếp hàng (xem 14:14) rồi nói, “Này anh em, bây giờ, tôi muốn anh em biết rằng tôi có một cái tên mới. Không còn là Áp-ram, cha cao quý nữa; Mà là Áp-ra-ham, cha của nhiều dân tộc.” Tôi chắc rằng nhiều người trong số đó đã cười khúc khích và nói thầm, “Cha của nhiều dân tộc ấy hả! Ông ấy có một con trai, là Ích-ma-ên, và ông ấy đã quá già để có thể sinh thêm con.”

Nhưng điều không thể đã trở thành có thể! Áp-ra-ham và Sa-ra có một con trai đúng như lời Đức Chúa Trời đã hứa. Y-sác trở thành nguồn vui lớn đối với họ. Họ nhận ra, như những gì mà tất cả các bậc cha mẹ khác cũng nên nhận ra, rằng con của họ là một món quà đến từ Đức Chúa Trời—một món quà có tiềm năng to lớn. Họ cũng cảm nhận được niềm vui của đức tin thật nơi Đức Chúa Trời khi họ nhìn thấy thành quả từ sự trung tín của mình.

Giống như Áp-ra-ham và Sa-ra, Đức Chúa Trời muốn chúng ta có được niềm vui trong cuộc sống—sự vui mừng là kết quả của đức tin. Trong khi sự vô tín dẫn đến buồn phiền, thì đức tin dẫn đến niềm vui thỏa ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, không thể làm gì được. Trong Thi-thiên 16:11 chúng ta đọc được lời hứa này: “Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc, tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng.” Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Chúa cho chúng ta thoát khỏi mọi thử thách trong cuộc sống. Ngài muốn chúng ta học cách vui mừng giữa những những thử thách đó. Loại niềm vui này không thể tìm thấy trong thế gian hay tự bên trong chúng ta—chúng ta phải tiếp nhận nó từ Đức Chúa Trời. Nhờ Chúa giúp đỡ, chúng ta có thể học cách cười khi đối mặt với những hoàn cảnh tưởng chừng như không thể làm gì được.

Tiếng cười của đức tin phi thường

Trong câu chuyện của Y-sác, chúng ta tìm thấy bốn kiểu cười khác nhau. Đầu tiên, chúng ta thấy tiếng cười của đức tin phi thường. Sáng-thế Ký 17:17 nói rằng, “Áp-ra-ham bèn sấp mình xuống đất, cười.” Một số học giả tin rằng cái cười của Áp-ra-ham là cái cười của sự vô tín. Tôi không đồng ý với họ. Tôi nghĩ rằng Áp-ra-ham đang phản ứng lại trong niềm hân hoan mong chờ; ông tràn ngập niềm vui khi nhận ra điều Chúa sắp làm cho mình.

Khi Áp-ra-ham 75 tuổi, Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông và hứa với ông rằng qua dòng dõi ông, mọi dân tộc trên đất sẽ được phước (xem 12:1-4). Nhưng bấy giờ Áp-ra-ham và Sa-ra chưa có con nối dõi. Áp-ra-ham đã chờ đợi đứa con của lời hứa trong mười năm. Khi Sa-ra vẫn chưa thể mang thai, bà nói với Áp-ra-ham, “Này, sao ông không lấy A-ga, hầu gái của tôi, rồi thử có con với nàng?” (xem 16:1-3). Áp-ra-ham làm theo lời Sa-ra, rồi A-ga thọ thai và sinh ra Ích-ma-ên (xem 4,15). Tôi chắc rằng Áp-ra-ham đã yêu thương Ích-ma-ên rất nhiều. Cậu bé là con đầu lòng của ông và là con trai duy nhất của ông vào thời điểm đó.

Ở tuổi 99, Áp-ra-ham có thể đã bắt đầu nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ thực hiện lời hứa của Ngài qua Ích-ma-ên. Chúa phán với Áp-ra-ham một lần nữa, xác nhận giao ước của Ngài với ông rằng chính Sa-ra—chứ không phải A-ga hay bất kỳ người nữ nào khác—sẽ sinh cho ông một con trai mà từ con trai đó sẽ ra một dân lớn. Khi nghe những lời này của Chúa, Áp-ra-ham tràn ngập đức tin vui mừng khôn tả đến nỗi vỡ òa ra qua tiếng cười.

Chúng ta tìm thấy sự xác nhận cho điều này trong Rô-ma 4:19-21: “Người thấy thân thể mình hao mòn, vì đã gần đầy trăm tuổi, và thấy Sa-ra không thể sanh đẻ được nữa, song đức tin chẳng kém. Người chẳng có lưỡng lự hoặc hồ nghi về lời hứa Đức Chúa Trời, nhưng càng mạnh mẽ trong đức tin, và ngợi khen Đức Chúa Trời, vì tin chắc rằng điều chi Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng có quyền làm trọn được.” Tôi thích Rô-ma 4:21. Trong câu này, chúng ta thấy niềm tin xác quyết của con người về việc Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa của Ngài. Thay vì nhìn vào bản thân và vợ mình, Áp-ra-ham nhìn Đức Chúa Trời và nhận ra Ngài có đủ quyền năng để làm chính xác điều Ngài đã phán rằng Ngài sẽ làm. Theo một nghĩa nào đó, Chúa đã làm cho Áp-ra-ham và Sa-ra sống lại từ cõi chết; quyền năng phục sinh của Ngài đã hành động bên trong thân thể họ, mang lại cho họ sự sống mới.

Kinh nghiệm của Áp-ra-ham dạy chúng ta rằng, vì Đức Chúa Trời làm chủ cuộc đời chúng ta, nên không có tình huống nào là không thể xảy ra. Khi nhận ra điều này, chúng ta có thể có cùng một đức tin và niềm vui sướng vô tận mà Áp-ra-ham đã có. Tất nhiên, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những điều bất khả thi trong đời sống mình. Thường thì những lời hứa của Đức Chúa Trời dường như phải mất quá lâu để trở thành hiện thực. Nhiều lúc cánh tay của Chúa dường như ngắn lại, hoặc trở nên yếu ớt. Đấy là lúc chúng ta cần nắm giữ những lời hứa của Đức Chúa Trời và chỉ cần tin vào những gì Ngài phán. Khi chúng ta làm vậy, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui và sự bình yên đến từ đức tin nơi Ngài. Đây là điều mà Chúa muốn chúng ta có được. Khi chúng ta có được niềm vui và sự bình an đến từ việc tin tưởng, chúng ta sẽ không phải lo lắng về hoàn cảnh. Chúng ta sẽ không lo lắng về sự yếu đuối của bản thân; thay vào đó chúng ta sẽ chỉ nghĩ đến những gì Chúa có thể làm. Và chúng ta sẽ tận hưởng tiếng cười của đức tin phi thường.

Tiếng cười của sự vô tín đáng hổ thẹn

Trong khi Áp-ra-ham có được tiếng cười của đức tin phi thường, thì Sa-ra đã kinh nghiệm tiếng cười của sự vô tín đáng hổ thẹn. Ngay sau khi Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham tái xác nhận lời hứa của Ngài với ông, Chúa Giê-su cùng hai thiên sứ nữa đã đến thăm Áp-ra-ham (xem Sáng-thế 18:1-8). “Các đấng hỏi Áp-ra-ham rằng: Sa-ra, vợ ngươi, ở đâu? Đáp rằng: Kìa, nàng ở trong trại kia. Một đấng nói rằng: Trong độ một năm nữa, Ta sẽ trở lại đây với ngươi không sai, và chừng đó, Sa-ra, vợ ngươi, sẽ có một con trai. Sa-ra ở nơi cửa trại sau lưng đấng đó, nghe các lời nầy. Vả, Áp-ra-ham cùng Sa-ra đã già, tuổi tác đã cao; Sa-ra không còn chi nữa như thế thường người đàn bà. Sa-ra cười thầm mà rằng: Già như tôi thế nầy, dễ còn được điều vui đó sao? Còn chúa tôi cũng đã già rồi! Đức Giê-hô-va phán hỏi Áp-ra-ham rằng: Cớ sao Sa-ra cười như vậy mà rằng: Có quả thật rằng tôi già đến thế nầy lại còn sanh sản chăng? Há có điều chi Đức Giê-hô-va làm không được chăng? Đến kỳ đã định, trong một năm nữa, Ta sẽ trở lại cùng ngươi, và Sa-ra sẽ có một con trai. Vì Sa-ra sợ, nên chối mà thưa rằng: Tôi có cười đâu! Nhưng Ngài phán rằng: Thật ngươi có cười đó!” (câu 9-15).

Chắc chắn Sa-ra biết điều Đức Chúa Trời đã hứa. Hiển nhiên, Áp-ra-ham hẳn đã kể cho bà nghe những gì Chúa phán với ông. Vậy mà, khi chính tai bà được nghe lời hứa dành cho mình, bà đã bật cười. Phải chăng bà nghi ngờ lời của Chúa? Bà chắc đã tự hỏi liệu điều này thực sự có thể xảy ra được sao? Trong phân đoạn này, chúng ta thấy hậu quả đáng buồn của sự vô tín. Sa-ra đã giới hạn quyền năng của Đức Chúa Trời. Chúa biết bà đang nghĩ gì nên nói, “Có điều gì quá khó cho Chúa chăng?” Điều mà dường như là bất khả thi đối với Sa-ra lại là một vấn đề hết sức đơn giản đối với Đức Chúa Trời.

Giống như Sa-ra, chúng ta cần nhớ rằng chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời của những điều không thể. Không có gì là quá khó để Ngài không thể thực hiện được. Ngài đã chứng minh điều này hết lần này đến lần khác trong suốt lịch sử. Khi Gióp chịu khổ, Chúa đến với ông và chỉ cho ông thấy tất cả những gì Ngài đã làm trong tự nhiên. Khi Gióp thấy quyền năng vĩ đại của Đức Chúa Trời được tỏ ra, ông kêu lên: “Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự” (Gióp 42:2). Tiên tri Giê-rê-mi cũng nhận ra điều này. Ông nói, “Ôi! Hỡi Chúa Giê-hô-va! Chính Ngài đã dùng quyền phép lớn và cánh tay giơ ra mà làm nên trời và đất; chẳng có sự gì là khó quá cho Ngài cả” (Giê-rê-mi 32:17). Khi thiên sứ Gáp-ri-ên tiết lộ cho Ma-ri biết rằng cô sẽ sinh một con trai, mặc dù khi ấy cô hãy còn là một trinh nữ, thiên sứ nói thêm rằng, “Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được” (Lu-ca 1:37). Tương tự như vậy, Phao-lô nhận ra rằng ông đã hầu việc một Đức Chúa Trời của những điều không thể. Ông nói, “Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng, nguyền Ngài được vinh hiển trong Hội-thánh.” (Ê-phê-sô 3:20,21). Đức Chúa Trời vĩ đại hơn bất kỳ nhu cầu hay nan đề nào mà chúng ta có thể gặp phải.

Sa-ra cười vì bà không tin Chúa có quyền năng để chiến thắng tuổi tác và sự son sẻ của mình. Khi Chúa quở trách sự vô tín của bà, bà trở nên sợ hãi. Nỗi sợ này đã dẫn đến sự lừa dối. Bà nói dối Chúa, rằng “Tôi đâu có cười” (xem Sáng-thế 18:15). Việc cố giới hạn quyền năng của Đức Chúa Trời thật là nguy hiểm, vì điều đó dẫn đến sự sợ hãi. Chúng ta trở nên sợ hãi về tương lai và bắt đầu tự hỏi liệu Chúa có thực sự biết Ngài đang làm gì hay không.

Thật may cho Sa-ra, cuối cùng bà đã có đức tin. Hê-bơ-rơ 11:11 nói, “Cũng bởi đức tin mà Sa-ra dẫu có tuổi còn có sức sanh con cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành tín.” Tôi nghĩ một khi Sa-ra xưng nhận tội lỗi của mình và bà cùng Áp-ra-ham bắt đầu cầu nguyện về vấn đề này, thì đức tin của bà đã bắt đầu lớn lên.

Rất nhiều người ngày nay đang cười trong sự vô tín đáng hổ thẹn. Tôi thường nghe ai đó nói thế này, “Chúa không thể nào làm được điều đó. Anh thật là ngốc khi tin rằng Ngài sẽ làm điều đó cho anh.” Tôi đã dự phần vào một số chương trình gây quỹ xây dựng nhà thờ nơi có những người vô tín đã nói thế này, “Anh sẽ không bao giờ huy động đủ tiền để hoàn thành dự án này đâu. Chuyện này không thể thực hiện được.” Đã bao nhiêu lần bác sĩ nói với gia đình của bệnh nhân mắc bệnh trầm kha rằng, “Tôi e là ông ấy không sống được lâu đâu,” để rồi sau đó chứng kiến quyền năng chữa lành kỳ diệu của Chúa? Chúa có thể, và Ngài sẽ thực hiện những điều không thể. Đừng cười nhạo Chúa! Thay vào đó, hãy tin cậy Ngài trong mọi sự, và bạn sẽ cùng cười với Ngài khi bạn chứng kiến Ngài làm nên những kỳ tích trong cuộc đời mình.

Tiếng cười của niềm vui viên mãn khi lời hứa được ứng nghiệm

Qua Áp-ra-ham và Sa-ra, chúng ta đã thấy hai kiểu cười. Bởi đức tin của mình nơi Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham đã có thể cười và vui mừng với Chúa khi biết tin cuối cùng ông sẽ được làm cha. Mặt khác, Sa-ra không muốn tin và đã cười nhạo Chúa. Tuy nhiên ngay sau đó cả hai đều phát hiện ra còn có một kiểu cười thứ ba—tiếng cười của niềm vui viên mãn—khi Y-sác được sinh ra: “Đức Giê-hô-va đến viếng Sa-ra, theo như lời Ngài đã phán, và làm cho nàng như lời Ngài đã nói. Sa-ra thọ thai, sanh một con trai cho Áp-ra-ham trong khi tuổi đã già, đúng kỳ Đức Chúa Trời đã định. Áp-ra-ham đặt tên đứa trai mà Sa-ra đã sanh cho mình là Y-sác” (Sáng-thế 21:1-3).

Hãy thử hình dung niềm vui sướng mà Áp-ra-ham và Sa-ra cảm nhận được khi họ ôm đứa con kỳ tích của mình trong tay! Một niềm vui quá lớn đến nỗi họ phải cười thật to. Chúa đã làm một điều tưởng chừng như không thể! Ngài đã làm cho một người vợ 90 tuổi và một người chồng 100 tuổi sinh con. Tôi tưởng tượng những người làm và hàng xóm của cặp vợ chồng này có lẽ đã cười nhạo họ khi họ nói rằng mình sắp được làm cha làm mẹ. Nhưng giờ đây chính những người này đang cùng cười với Áp-ra-ham và Sa-ra: “Sa-ra nói rằng: Đức Chúa Trời làm cho tôi một việc vui cười; hết thảy ai hay được cũng sẽ vui cười về sự của tôi. Lại nói rằng: Há ai dám nói với Áp-ra-ham rằng Sa-ra sẽ cho con bú ư? Vì tôi đã sanh một đứa trai trong lúc người già yếu rồi” (câu 6,7).

Đức Chúa Trời giữ lời hứa của Ngài. Ngài yêu chúng ta và biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta. Ngài cũng biết khi nào là thời điểm thích hợp để chúng ta nhận được lời hứa đó. Đến kỳ đã định, Ngài thực hiện lời hứa theo như quyền năng lớn lao của Ngài. Không có nơi nào mà điều này rõ ràng hơn như trong kế hoạch của Đức Chúa Trời về Đấng Mê-si. Đức Chúa Trời đã hứa rằng một ngày nào đó dòng dõi của người nữ sẽ đạp nát đầu con rắn (3:15). Qua nhiều thế kỷ kế hoạch của Chúa dần được hé lộ—qua Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, 12 chi phái của Y-sơ-ra-ên, Đa-vít—cho đến khi Chúa Giê-su Christ, Đấng Mê-si giáng sinh ở Bết-lê-hem. Và khi đến thời điểm thích hợp, Đấng Christ đã lên thập tự giá và sống lại, đè bẹp quyền lực của sự chết và của Sa-tan một lần và mãi mãi. Chúa đã giữ lời hứa của Ngài.

Sự ra đời của Y-sác không chỉ là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch tối thượng của Đức Chúa Trời dành cho thế gian, mà còn chỉ đường để con người hướng về Đấng Mê-si hầu đến. Niềm vui mà Áp-ra-ham và Sa-ra cảm nhận được khi Y-sác ra đời sẽ nhạt nhòa khi so với niềm vui mà Đấng Mê-si mang lại. Đây là niềm vui mà các thiên sứ đã nói đến khi họ loan báo về sự đến của Ngài: “Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa.” (Lu-ca 2:10,11).

 Sa-ra và Áp-ra-ham đã được kinh nghiệm tiếng cười của niềm vui viên mãn khi lời hứa được ứng nghiệm. Tôi thường tự hỏi liệu có điều gì đó đã khiến Áp-ra-ham vui mừng hơn cả sự ra đời của Y-sác hay không. Phải chăng ông có thể đã có một cái nhìn thoáng qua về sự ra đời đầy kỳ tích khác sẽ xảy đến trong tương lai? Tôi nghĩ đây có thể là điều Chúa Giê-su muốn nói đến khi Ngài phán, “Cha các ngươi là Áp-ra-ham đã nức lòng nhìn thấy ngày của Ta; người đã thấy rồi, và mừng rỡ” (Giăng 8:56).

Cuộc đời của Y-sác, cũng như sự ra đời của người, là một bức tranh về Đấng Christ. Giống như Chúa Giê-su, Y-sác sẵn sàng phó sự sống mình trên bàn thờ chỉ để vâng lời cha (xem Sáng-thế 22:1-15). Giống như việc Y-sác đồng ý cưới một cô dâu do cha mình chọn (xem chương 24), thì Chúa của chúng ta cũng sẽ nhận lấy cô dâu của Ngài, tức là Hội-thánh. Y-sác là người con trai vâng lời cho đến chết. Và Chúa Giê-su, Con của Đức Chúa Trời, cũng đã “vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:8). Như vậy, niềm vui của Áp-ra-ham là niềm vui khi nhìn thấy Chúa Giê-su trong Y-sác.

Tiếng cười của lòng đố kỵ đáng khinh

Chúng ta thấy kiểu cười thứ tư xuất hiện trong cuộc đời Y-sác—tiếng cười của lòng đố kỵ đáng khinh. Khi Y-sác dứt sữa, Áp-ra-ham và Sa-ra tổ chức tiệc mừng cho người. Ích-ma-ên, khi đó đã là một thiếu niên, ghen tị với sự chú ý mà mọi người dành cho Y-sác và khởi sự bắt bớ người. Sáng-thế Ký 21:9 cho chúng ta biết, “Sa-ra thấy đứa trai của A-ga, người Ê-díp-tô, đã sanh cho Áp-ra-ham, cười cợt.

Trong câu này, từ “cười cợt” trong tiếng Do Thái là một từ gốc mà cái tên “Y-sác” từ đó ra. Từ này có nghĩa là “một điệu cười nhạo báng, một tiếng cười khinh miệt.” Thay vì cùng cười với Y-sác để ăn mừng dịp vui đặc biệt này, thì Ích-ma-ên đã cười nhạo Y-sác. Cậu có thể đã nói với cậu bé Y-sác thế này, “Vậy ra, chú mày nghĩ chú mày rất đặc biệt, hả? Chà, ta là con trưởng nam của cha. Ta là người thừa kế hợp pháp, chứ không phải chú mày!” Ích-ma-ên ghen tị với vị trí đặc biệt của Y-sác.

Trong Ích-ma-ên và Y-sác, chúng ta thấy sự xung đột giữa xác thịt và Thánh Linh. Ích-ma-ên đại diện cho xác thịt. Người được sinh ra bởi xác thịt; người không phải là đứa con của kỳ tích như Y-sác. Người được sinh ra bởi ý muốn của con người, không phải theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Y-sác đại diện cho Thánh Linh. Sự ra đời của người là kết quả trực tiếp từ công việc của Thánh Linh trong đời sống Áp-ra-ham và Sa-ra. Xuyên suốt Cựu Ước, chúng ta thấy Đức Chúa Trời khước từ con trưởng nhưng ban phước cho con thứ. Ngài từ chối Ca-in và chấp nhận A-bên. Y-sác là người được chọn chứ không phải Ích-ma-ên. Đức Chúa Trời ban phước cho Gia-cốp và ban cho ông cơ nghiệp của Ê-sau. Qua điều này, Đức Chúa Trời đang nói với chúng ta, “Ta không chấp nhận sự ra đời đầu tiên của các con. Ta chỉ chấp nhận sự ra đời thứ hai tức là sự sinh lại.”

Vì Ích-ma-ên đã cười nhạo Y-sác một cách miệt thị, nên Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham hãy đuổi người và mẹ người đi khỏi đó (xem câu 10-12). Nói cách khác, khi xác thịt và Thánh Linh xung đột với nhau, Chúa nói rằng không thể có chỗ cho cả hai.

Bạn đang tận hưởng tiếng cười nào ngày hôm nay? Bạn có thể cười vì cớ đức tin phi thường của mình chăng? Bạn có đang tin cậy Chúa để Ngài làm những điều tưởng chừng như không thể? Nếu đúng như vậy, thì một ngày nào đó bạn sẽ được kinh nghiệm tiếng cười của niềm vui viên mãn khi lời hứa được ứng nghiệm. Đừng phạm tội khi cười trong sự vô tín đáng hổ thẹn hoặc lòng đố kỵ đáng khinh. Điều này chỉ mang lại sự sợ hãi và khiến bạn bị khước từ. Đức Chúa Trời có một kế hoạch cho cuộc đời của bạn và quyền năng để làm thành kế hoạch đó. Ngài là Chúa của những điều không thể. Ngài giữ lời hứa của Ngài, và Ngài làm trọn những lời hứa đó vào đúng thời điểm. Hãy vui mừng về những gì mà Ngài đã, và sẽ làm, cho bạn.

Tác giả: Warren W. Wiersbe – Giám-đốc điều hành Mục-vụ Back to the Bible

Nguồn: Sưu Tầm

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like