Home Chuyên Đề Dạy Con Trong Bình An Để Nuôi Dưỡng Một Trái Tim Mạnh Mẽ

Dạy Con Trong Bình An Để Nuôi Dưỡng Một Trái Tim Mạnh Mẽ

by Hongan Doan
30 đọc

Có những ngày mình cảm thấy kiệt sức. Công việc chất chồng, con cái khóc quấy, những lo lắng không tên cứ len lỏi vào từng phút giây. Đôi khi mình bất lực và cảm thấy như mất phương hướng. Mình đã không biết làm thế nào cho đúng, và tự hỏi liệu mình có đang làm tốt vai trò làm mẹ của mình hay chưa? Có lẽ làm cha mẹ, ai cũng đã từng có những lúc thấy lòng mình rối bời như vậy? Sau cùng mình nhận ra rằng, trong chính những khoảnh khắc đó, điều mà mình thật sự cần và cũng là điều tốt nhất dành cho con không phải là tìm ra được giải pháp, cũng không phải là một tiếng quát tháo dập tắt sự hỗn loạn, mà là một tấm lòng bình an.

Bình an không phải là sự vắng mặt của những tiếng ồn, nhưng là sự hiện diện của một tâm linh vững vàng giữa những chao đảo. Đó là khả năng hít sâu khi con mè nheo, là lựa chọn lắng nghe khi chỉ muốn bỏ đi, là sự kiên định mềm mại giúp con cảm thấy an toàn ngay cả khi mọi thứ xung quanh đều hỗn độn.

1. Khi tâm hồn cha mẹ bình an não bộ của con được an toàn để phát triển.

Trẻ em không cần cha mẹ hoàn hảo nhưng trẻ cần cha mẹ an toàn. Và sự an toàn ấy bắt đầu từ bên trong, nơi tâm hồn cha mẹ đủ mạnh mẽ để bình lặng mà không bị cuốn theo cơn giận, và cũng đủ vững để không phản ứng quá vội vàng trong những tình huống căng thẳng.

Khoa học đã chứng minh rằng não bộ trẻ nhỏ phản ứng rất mạnh với cảm xúc của người lớn. Khi cha mẹ thường xuyên căng thẳng, vùng hải mã (xử lý trí nhớ) và vỏ não trước trán ( đây là vùng quyết định và kiểm soát cảm xúc) ở trẻ sẽ hoạt động kém đi. Ngược lại, một giọng nói ấm áp, một vòng tay ôm, một ánh mắt dịu dàng dù trong lúc rối loạn nhất lại giúp điều hòa hệ thần kinh của trẻ để khiến con cảm thấy: “Mình không sao cả. Ba mẹ ở đây rồi.” Kinh Thánh nói rất rõ “Lòng bình an là sự sống cho thân thể, còn lòng ghen ghét làm  xương cốt mục nát.”(Châm ngôn 14:30)

Một tâm hồn bình an nơi cha mẹ chính là liều thuốc mạnh mẽ nhất giúp con lớn lên khỏe mạnh cả về tinh thần lẫn thể chất.

2. Bình an không có thể tự có được nhưng đến từ Đấng ban cho. 

Sự bình an thật không phải là điều con người có thể tự tạo ra bằng nỗ lực cá nhân hay trong những hoàn cảnh lý tưởng. Bình an không đến từ sự yên tĩnh bên ngoài, mà là món quà thuộc linh đến từ chính Đấng đã phán: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi.” (Giăng 14:27). Chỉ khi đặt trọn niềm tin nơi Chúa, chúng ta mới kinh nghiệm được sự bình an vượt quá mọi hiểu biết để đạt được một sự an ninh  trong tâm hồn giữa những hỗn loạn của cuộc sống, một sự vững vàng khi mọi thứ xung quanh đang thay đổi với tốc độ qúa nhanh.

Đối với những người làm cha mẹ, bình an không chỉ là một nhu cầu cá nhân, mà còn là một phần trong vai trò thuộc linh. Trẻ học cách ứng xử với thế giới phần lớn qua cách cha mẹ phản ứng với cuộc sống. Khi cha mẹ sống trong hoang mang, nóng vội, hoặc bị cuốn vào cảm xúc tiêu cực, con trẻ sẽ khó học được cách đối diện với thử thách bằng sự bình tĩnh và tin cậy.

Sự bình an cần nuôi dưỡng bởi đức tin, nghĩa là đặt sự tin cậy và ngưỡng trông của chúng ta vào đúng đối tượng, đúng Đấng có khả năng giải quyết mọi nan đề của chúng ta. Sự nuôi dưỡng này cần sự kỹ luật mỗi ngày, mỗi ngày khi thế giới chạy với vận tốc hối hả thì cha mẹ cần đặt ra thời gian để “dừng lại”, không phải để chạy trốn nhưng để đến gần với Chúa hơn.Qua sự cầu nguyện, tĩnh nguyện, và luyện tập kỷ luật cảm xúc trong ánh sáng của Lời Chúa, cha mẹ không chỉ tìm thấy sự bình an cho chính mình, mà còn gieo vào lòng con cái hạt giống đức tin và sự phục hồi. Bình an không phải là đích đến, mà là hoa trái của một đời sống gắn bó với Đấng là Nguồn Bình An.

Nghiên cứu từ Đại học Yale cho thấy: những cha mẹ thường xuyên thực hành tĩnh nguyện mỗi ngày từ 5–10 phút, sẽ giảm rõ rệt mức độ stress và phản ứng cảm xúc tiêu cực. Và chính họ là những người giúp con hình thành khả năng phục hồi tinh thần cao hơn. Như Kinh Thánh đã dạy dỗ: Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự, hãy dùng lời cầu nguyện… mà trình các sự cầu xin cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Ngài sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em.” (Phi-líp 4:6–7)

Bình an không phải là “không có lo lắng”. Mà là có nơi để dừng lại, và trao gánh nặng ấy cho Đấng lớn hơn mình.

3. Sự bình an của cha mẹ là môi trường cảm xúc mà con sẽ mang theo suốt đời

Con chúng ta đang học cách yêu qua cách cha mẹ ôm con, học cách phản ứng  qua cách cha mẹ tranh luận, và học cách đối diện với cuộc sống qua cách cha mẹ vượt qua những cảm xúc mệt mỏi hàng ngày.

Khoa học gọi đây là “gương thần kinh” (mirror neurons),đó là khi trẻ em gần như sao chép hệ thống cảm xúc của cha mẹ mà không cần có lời dạy dỗ nào. Điều đó có nghĩa là cha mẹ không cần nói với con phải bình tĩnh nếu cha mẹ đang la hét. Nhưng bằng cách yên lặng, thở sâu, cố gắng ổn định cảm xúc, dịu lại cơn giận thì lúc này con sẽ học được điều đó trong vô thức. “Hãy dạy trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già cũng không lìa khỏi đó.”(Châm-ngôn 22:6)”

Bình an không phải là bài học cha mẹ có thể dạy bằng lời nói mà là bầu không khí cha mẹ tạo ra lúc đó. Khi con lớn lên trong môi trường bình an, bình tịnh và an ninh mình tin chắc rằng trẻ sẽ vững lòng như cây trồng bên dòng nước, sanh hoa kết trái theo thời tiết và không sợ mọi giông bão cuộc đời.

4. Trong thế giới đầy hỗn loạn, bình an là di sản thuộc linh cha mẹ để lại cho con

Có thể cha mẹ không để có một tài khoản ngân hàng khổng lồ để để lại cho con, hay những của cải vật chất vinh hoa phú quý đời này. Nhưng nếu cha mẹ có thể để lại một ký ức tuổi thơ ngập tràn sự bình an, yêu thương và tin kính, thì chắc chắn đây là một tài sản vô giá mà cha mẹ để lại cho con. 

Nghiên cứu về di truyền biểu sinh (epigenetics) cho thấy: những đứa trẻ được sống trong môi trường cảm xúc tích cực không chỉ hạnh phúc hiện tại, mà còn ít nguy cơ mắc bệnh tâm thần và rối loạn lo âu suốt đời. Điều này đã chứng minh rằng: sự bình an cha mẹ giữ hôm nay đang được ghi lại trong từng tế bào của con. và góp phần hình  thành cuộc sống sau này của con. “Nguyện sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em…”Cô-lô-se 3:15 Sự bình an ấy không chỉ là món quà cha mẹ dành cho con mà còn là phước lành cha mẹ đang truyền lại cho thế hệ sau.

Hành trình làm cha mẹ chưa bao giờ là dễ dàng. Mỗi ngày, trước những hành vi chưa đúng hay những cảm xúc vỡ òa của con, cha mẹ luôn đứng trước quyết định lựa chọn là sẽ phản ứng theo cảm xúc hay chọn hiện diện bằng sự điềm tĩnh và yêu thương? Gắt gỏng hay là hít thở và đồng cảm với con? La mắng hay cúi xuống để lắng nghe con? “Hiện diện” không chỉ là có mặt, mà là ở lại với trái tim mở rộng, với lòng nhẫn nại vì hy vọng được đặt nơi chân Chúa. Vì khi cha mẹ chọn hiện diện bằng tình yêu thương con cái sẽ cảm nhận được một tình yêu không điều kiện. Tình yêu ấy chính là điều nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ vững vàng hơn bất kỳ lời dạy nào. Chúa không kêu gọi chúng ta trở thành người cha, người mẹ hoàn hảo. Nhưng Ngài mời gọi chúng ta trở thành người đem bình an đến nơi con mình đang lớn lên.

Và có lẽ, điều đẹp đẽ nhất bạn có thể trao cho con không phải là những câu trả lời chính xác trong cuộc sống mà là một tấm lòng đủ yên bình để cùng con đi qua những điều con chưa biết.

Hongan Doan

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like