Logic rất mạnh mẽ, nhưng có giới hạn. Đó là một nguyên lý cơ bản của logic đã được chứng minh bởi Định lý Gödel. Ví dụ, logic không thể giải thích Chúa. Bất kỳ nỗ lực nào sử dụng logic để giải thích Đức Chúa Trời đều thể hiện không hiểu gì về logic. Vì thế câu hỏi “Ai đã tạo ra Đấng Sáng tạo” là một câu hỏi phi logic.
Trong thời buổi kỹ trị ngày nay, khi toán học trở thành “ông hoàng của các khoa học”, rất nhiều người thích dùng logic để chất vấn các niềm tin, đòi hỏi phải có bằng chứng hoặc lý lẽ thuyết phục như toán học để chứng minh cho các niềm tin ấy. Những người này tự phụ cho rằng mình giỏi, mình là người có đầu óc khoa học, nhưng hóa ra họ là là những người ấu trí về khoa học. Cụ thể, họ chẳng hiểu gì về định lý toán học vĩ đại nhất thế kỷ 20, đó là Định lý Bất toàn của Kurt Gödel, thường gọi tắt là Định lý Gödel. Quả thật, nếu thấm nhuần Định lý Gödel, người ta sẽ không hỏi những câu hỏi ngớ ngẩn như câu hỏi “Ai tạo ra Đấng Sáng Tạo?”.
Định lý Gödel chứng minh tính bất toàn của toán học, rằng toán học không bao giờ đầy đủ để có thể chứng minh tất cả mọi sự kiện toán học. Luôn luôn tồn tại những sự thật toán học mà toán học không thể quyết định được – không thể chứng minh được và cũng không thể bác bỏ.
Nói cách khác, trong toán học có rất nhiều sự kiện buộc chúng ta phải tin, thay vì có thể chứng minh. Chẳng hạn, hệ tiên đề của toán học là những mệnh đề buộc chúng ta phải tin. Nhà toán học khổng lồ David Hilbert, ông vua của chủ nghĩa duy lý, đã có tham vọng tìm ra một hệ thống toán học hoàn hảo cho phép chứng minh tất cả mọi thứ của toán học, nhưng Chương trình Hilbert đã thất bại thảm hại. Định lý Gödel ra đời năm 1931 đặt dấu chấm hết cho những tham vọng ngông cuồng muốn chứng minh và giải thích mọi thứ bằng logic!
Đó là một đòn trời giáng lên chủ nghĩa duy lý, và bài học triết học sâu sắc nhất rút ra từ đó là:
Nhận thức logic có giới hạn, và nó chỉ cho ta biết một phần của sự thật mà thôi. Ngoài thế giới nhận thức bằng logic, bằng lý lẽ, tồn tại một thế giới vô cùng rộng lớn, chứa đựng nhiều sự thật mà logic không thể với tới, nhưng ta có thể chạm tới nó bằng cảm thụ trực giác.
Cảm thụ trực giác là sự nhận biết trực tiếp không thông qua logic, không cần logic. Chẳng hạn, cảm nhận về Cái Đẹp chủ yếu là cảm nhận trực giác.
Jeanne-Marguerite Lecadre in the Garden, Claude Monet, 1866, 82x101cm Oil on canvas. State Hermitage Museum, Saint Petersburg, Russia.
Bao nhiêu lý luận về Cái Đẹp sẽ vô nghĩa nếu lý luận ấy không xuất phát từ cảm nhận trực tiếp, từ rung động nẩy sinh một cách tự nhiên trong lòng người thưởng thức. Claude Monet, họa sĩ ấn tượng nổi tiếng nhất, nói:
“Mọi người cứ thảo luận về nghệ thuật của tôi và làm ra bộ hiểu, cứ như là cần phải hiểu, trong khi đơn giản là chỉ cần yêu thích mà thôi”[1]
Charles Chaplin còn nói rõ hơn:
“Tôi không đủ kiên nhẫn với một cái đẹp mà nó phải được giải thích để hiểu”[2].
Vậy không cần phải nói tới những thế giới siêu hình, ngay trong thế giới chúng ta có thể tiếp cận được bằng ngũ quan, cũng đã tồn tại rất nhiều sự thật không thể giải thích hay chứng minh được. Vậy cớ sao lại đòi giải thích và chứng minh một khái niệm siêu tự nhiên như khái niệm “Chúa”, hay “Đấng Sáng Tạo”?
Nhưng để hiểu sâu sắc điều đó, bạn phải thấm nhuần ý nghĩa triết học của Định lý Gödel. Đó là điều đã được thảo luận kỹ trong hai bài viết sau đây:
“Who created the Creator? Ai tạo ra Đấng Sáng tạo?”, đã đăng trên trang PVHg’s Home ngày 19/09/2016https://viethungpham.com/2016/09/19/who-created-the-creator-ai-tao-ra-dang-sang-tao/embed/#?secret=8506SXVH1p#?secret=OwgKKXSYGc
“To ask again: Who created God? Lại hỏi: Ai tạo ra Chúa?”, đã đăng trên trang PVHg’s Home ngày 19/02/2019https://viethungpham.com/2019/02/19/ask-again-who-created-god-lai-hoi-ai-tao-ra-chua/embed/#?secret=TNahr2oIt2#?secret=CFJyspH013
Sau đó đã có nhiều trang mạng khác đăng lại. Hai bài này đã nhận được sự hưởng ứng đặc biệt của độc giả. Riêng trên trang PVHg’s Home tính đến hôm nay, 20/02/2021, đã có tới 79 comments. Đó là một phần thưởng quý giá dành cho người viết. Độc giả nào quan tâm, xin nhập theo các đường dẫn ở trên.
DJP Sydney 20/02/2021
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
[1] Everyone discusses my art and pretends to understand, as if it were necessary to understand, when it is simply necessary to love. https://www.brainyquote.com/quotes/claude_monet_141383
[2] I do not have much patience with a thing of beauty that must be explained to be understood https://www.quotes.net/quote/54683